10 “chiêu” để hoàn thành công việc nhẹ nhàng hơn
- 21/02/2019
- Posted by: admin
- Category: Lãnh đạo & Quản lý
Đây là những “bí kíp” có thể giúp bạn hoàn thành các công việc trong ngày một cách tốn ít năng lượng nhất, và kết thúc mỗi ngày một cách thư thái nhất.
1. Chỉ làm mỗi lúc một việc.
Cách này sẽ giúp bạn giải quyết mọi công việc theo cách bớt căng thẳng, rối ren và hiệu quả hơn so với cách giải quyết nhiều việc một lúc. Khi cảm thấy căng thẳng, quá tải, hãy tự nhủ điều đơn giản này để tìm lại sự tập trung và mạch lạc bên trong.
2. Giữ không gian làm việc giản lược tối thiểu.
Cách này giúp bạn giữ tập trung hơn và tư duy cũng sáng rõ hơn. Một không gian làm việc chỉ gồm bàn, ghế, laptop và một cốc nước hay tách trà sẽ giúp bạn chú ý hơn vào công việc.
3. Đi chậm.
Có một cách hay để làm việc tập trung là đi chậm hơn một chút so với tốc độ thông thường. Làm việc ở nhịp độ chậm hơn cũng giúp bạn nhẹ nhõm và giảm bớt ý muốn trì hoãn.
4. Lược bỏ bớt.
Đừng làm mọi thứ chỉ vì thấy “nên làm” hoặc vì đã luôn như thế. Thi thoảng hãy tự hỏi có việc gì trong ngày hay tuần này mình có thể bỏ qua mà không sợ hệ lụy? Việc đặt câu hỏi như thế giúp bạn giải phóng thêm năng lượng và thời gian. Luôn có khoảng trống trong đời sống để đơn giản hóa thông qua việc loại bỏ bớt.
5. Làm tới nơi, chơi tới bến.
Áp dụng cách này sẽ giúp bạn có tinh thần sắc bén và đầy ắp năng lượng cho suốt ngày và tuần làm việc.
Bạn có thể để chuông hẹn thời gian làm việc tập trung trong khoảng 45 phút. Trong lúc ấy, bạn chỉ tập trung cho một việc. Như thế, mọi sự dễ chịu hơn vì bạn biết bạn chỉ phải làm việc đó trong khoảng thời gian có hạn.
Khi chuông reo vang, bạn có thể tạm nghỉ 5-15 phút. Trong lúc nghỉ, bạn nhấm nháp thứ gì đó, đi dạo một chút hoặc ngả lưng trên ghế và nhắm mắt lại.
6. Đừng tự căng thẳng khi mọi việc không theo dự kiến.
Thay vì thế, hãy thương yêu bản thân và tự hỏi: “Tôi có thể học được điều gì từ việc này?”.
Vận dụng những điều học được đó để làm mọi việc tốt hơn và tránh lặp lại sai lầm trong tương lai. Cách sử dụng thời gian như thế hữu ích hơn là ngồi tiếc nuối, than thở vì những việc không thể thay đổi.
7. Kiểm tra email và những cái khác trên mạng vào cuối ngày làm việc.
Hoặc chí ít là sau vài giờ kiểm tra một lần. Đừng bắt đầu ngày mới với các email – nếu có thể – vì nó sẽ tạo thêm căng thẳng, giảm bớt nguồn năng lượng và tập trung vốn có hạn của bạn ngay lúc đầu ngày. Nó cũng khiến bạn không có đủ thời gian để giải quyết những việc quan trọng nhất nếu bị phân tán quá nhiều vì email.
8. Hạn chế lượng thông tin “nhập vào” mỗi ngày.
Hãy thường xuyên hủy bỏ đăng ký với các blog, các podcast, diễn đàn và thư báo tin không mấy giá trị. Chỉ giữ lại những bản tin tốt, hữu ích, vui vẻ và truyền cảm hứng nhiều nhất. Cách đơn giản này giúp giải phóng khá nhiều cả về thời gian và độ tập trung.
9. Hỏi bản thân mỗi ngày những câu giúp tập trung hơn.
Chuyện bạn bị xao nhãng có thể dễ dàng xảy ra trong ngày.
Để giữ và trở lại tâm thế tập trung, hãy hỏi mình những câu như: Việc quan trọng nhất tôi cần làm ngay bây giờ là gì? Tôi sẽ làm gì nếu chỉ có 2 giờ làm việc hôm nay? Nếu muốn, bạn có thể viết ra những câu hỏi này lên giấy nhắc và đặt chúng ở chỗ bạn không thể không thấy suốt ngày.
10. Chỉ tập trung vào chuyện “làm thế nào” và đừng mất nhiều thời gian cho những giả định “nếu… thì…”.
Đừng để bản thân bế tắc trong các so sánh phân tích.
Việc suy nghĩ quá nhiều trong lo lắng và thiếu tự tin thường bắt nguồn từ những suy nghĩ tiêu cực. Thay vì thế, bạn hãy tập trung vào những gì có thể làm, hành động có thể thực hiện để tiến về phía trước.
Làm cho bản thân mạnh mẽ hơn bằng cách tự hỏi: Bước nhỏ nào hôm nay tôi có thể làm để tiến gần hơn về mục tiêu của mình và thoát khỏi tình huống này?
TRẦN ĐẮC LUÂN