10 phong cách lãnh đạo khác biệt của các quốc gia

Văn hóa khác nhau có thể tạo ra sự khác biệt căn bản về phong cách lãnh đạo ở nhiều quốc gia. Theo Richard Lewis – nhà sáng lập của Công ty Tư vấn Richard Lewis Communications – hiểu được những khác biệt này sẽ giúp cho các doanh nhân có khả năng thành công cao hơn trong môi trường kinh doanh quốc tế.

Đọc E-paper

Chẳng hạn, ở châu Á, lãnh đạo thường được mô tả như một hình tròn trong đó nguyên tắc đồng nhất được đánh giá rất cao, còn nhà lãnh đạo được xem là những người nhân từ. Trong khi đó, ở châu Mỹ, lãnh đạo được mô tả là một hình kim tự tháp với nhiều cấp bậc từ cao đến thấp và mỗi cấp bậc đều chỉ quan tâm đến bản thân mình.

Dưới đây là những góc nhìn khác của Lewis về phong cách lãnh đạo tại một số quốc gia.

1. Mỹ

Các nhà quản lý người Mỹ rất quyết đoán, năng động, hướng đến mục tiêu và kết quả, tự tin, sôi nổi, lạc quan và sẵn sàng thay đổi. Họ cũng có thể làm việc theo nhóm tuân thủ tính doanh nghiệp nhưng họ vẫn đánh giá cao hơn sự tự do cá nhân.

Quan tâm hàng đầu của họ là phát triển sự nghiệp của bản thân mình.

2. Úc

Các nhà quản lý Úc khá hiệu quả khi họ “ngồi trong vòng tròn với các cộng sự (mates)”. Họ cũng tạo ra ảnh hưởng nhiều hơn bằng những lời phê bình, chỉ trích có tính hài hước.

3. Áo

Ở Áo, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khá độc đoán. Nhân viên có khuynh hướng tôn trọng cấp trên quá mức và cảm thấy không thoải mái với một môi trường văn hóa mà tiếng nói của họ ít được lắng nghe.

4. Brazil

Các nhà quản lý Brazil có khuynh hướng đi theo phong cách độc đoán, nhưng họ thường cố gắng tỏ ra vui vẻ với cấp dưới và động viên, khuyến khích cấp dưới.

5. Pháp

Ở quốc gia này, quyền lực thường tập trung trong tay tổng giám đốc điều hành. Nhìn chung, các nhà quản lý luôn tự xem họ là những nhà lãnh đạo được đánh giá cao trong xã hội.

6. Đức

Các nhà quản lý Đức thường cố gắng xây dựng một hệ thống hoàn hảo. Họ làm việc kéo dài trong nhiều giờ, tuân thủ nghiêm túc các luật lệ và luôn cố gắng hành xử công bằng.

7. Italia

Người Italia cảm thấy thoải mái với một hệ thống được lãnh đạo bởi những người thuộc dòng dõi quý tộc hoặc thành phần xuất chúng hay những gia đình giàu có.

8. Nhật Bản

Ở Nhật Bản, các ý tưởng thường được xuất phát từ các công xưởng hay từ những nhân viên cấp thấp. Các đề xuất, ý kiến và phát minh đều phải trải qua một quy trình mang tính hệ thống và phải có được chữ ký của các công nhân và các nhà quản lý cấp trung.

9. Hàn Quốc

Các “chaebol” hay tập đoàn thường thuộc sở hữu của các gia đình. Quản trị doanh nghiệp theo hướng tạo ra nhiều ưu đãi, thuận lợi cho những người có quan hệ gia đình trở nên rất phổ biến.

Các thành viên trong một gia đình thường nắm những vị trí chủ chốt trong một công ty.

10. Indonesia

Các nhà quản lý Indonesia có khuynh hướng không quan tâm nhiều đến các quy trình, hệ thống hoạt động kinh doanh. Kết quả là vai trò lãnh đạo thường được đảm nhận bởi một tầng lớp người Hoa có trình độ chuyên môn cao.

ĐÔNG DƯƠNG (theo BI)



Leave a Reply