2019: Năm kinh doanh số của doanh nghiệp

 

Quyết tâm điều hành của Chính phủ nhằm duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng nâng cao năng lực kháng cự của nền kinh tế là những yếu tố quan trọng góp phần giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2019.

 

Bức tranh tổng thể nền kinh tế Việt Nam năm 2018 có nhiều gam màu sáng. Nói cách khác, kinh tế Việt Nam 2018 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật nhất là tăng trưởng GDP vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, tăng 7,08% so với năm 2017, là mức cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây, lạm phát dưới 4%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,54%, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra, xuất khẩu tăng 15%, dù có thấp hơn năm 2017, thương mại hàng hóa thặng dư 7,2 tỷ USD, vốn FDI giải ngân đạt 18 tỷ USD. Chất lượng tăng trưởng cũng tốt lên khi ICOR (hệ số sử dụng vốn) giảm khoảng 4,86 lần so với 5 lần năm 2017 và cao hơn trong giai đoạn trước; năng suất lao động tăng khoảng 6%.

Đáng chú ý, các kết quả trên đạt được trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hơn ba năm trước (khoảng 15%), tỷ giá, lãi suất được điều hành khá linh hoạt và đồng bộ, đảm bảo không có sự gia tăng đột biến, gây sức ép lên cân đối kinh tế vĩ mô và bất lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đã đạt kết quả nhất định, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh với việc ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế vẫn có một số gam tối. Đó là tốc độ thành lập doanh nghiệp chậm lại, số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động tăng mạnh trong khi Chính phủ rất quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh. Tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, nhất là quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu, dù có nhiều tiến triển sau Nghị quyết 42 của Quốc hội. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Cơ cấu thu chi ngân sách còn nhiều vấn đề…

Những tồn tại trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Theo đó, cần thẳng thắn nhìn nhận kỹ những nguyên nhân chủ quan để quyết tâm khắc phục trong năm 2019.

 

28-7410-1547694235.jpg

 

Năm 2019, Chính phủ đề ra các chỉ tiêu kinh tế – xã hội và đã được Quốc hội thông qua, với tăng trưởng GDP ở mức 6,6 – 6,8% và CPI tăng bình quân khoảng 4%, xuất khẩu tăng 7 – 8%. Những chỉ tiêu này là phù hợp nhưng cũng đầy thách thức ngay cả khi nền kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ các yếu tố tích cực từ cả phía cung lẫn phía cầu.

Về phía cung, sản xuất công nghiệp, trong đó ngành chế biến, chế tạo dự kiến tiếp tục đóng vai trò động lực với sự mở rộng liên tục nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là nền tảng góp phần thúc đẩy xuất khẩu trong ngắn và trung hạn. Các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, tài chính – ngân hàng, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống đã gia tăng quy mô cùng với đà vươn lên của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

Xét từ phía cầu, nhu cầu tiêu dùng không ngừng được cải thiện, tâm lý tiêu dùng khá ổn định trong bối cảnh lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức khá thấp. Đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục được đẩy mạnh. Cán cân thương mại hàng hóa dự kiến tiếp tục thặng dư, nếu Việt Nam tranh thủ tốt cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

Bên cạnh đó, quyết tâm điều hành của Chính phủ nhằm duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng nâng cao năng lực kháng cự của nền kinh tế là những yếu tố quan trọng góp phần giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

 

29-3595-1547694235.jpg

 

Cũng trong năm 2019, kinh tế Việt Nam đứng trước một số rủi ro, thách thức, đặc biệt là các rủi ro từ bên ngoài, như chủ nghĩa bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, căng thẳng thương mại kéo dài giữa một số quốc gia, khu vực quan trọng trên thế giới.

Xu hướng thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương một số quốc gia (nhất là FED – Mỹ) khiến thanh khoản và dòng vốn dịch chuyển tăng. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có xu hướng chậm lại, trong khi nước này đang đóng góp khoảng 33% tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Giá dầu thế giới có khả năng biến động khó lường do rủi ro địa – chính trị ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước…

Những rủi ro trên là thách thức đáng kể đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam.

Về hội nhập, CPTPP và EVFTA khi có hiệu lực, sẽ mở ra cơ hội về thương mại, đầu tư, giao thoa cho Việt Nam và các quốc gia nội khối trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng. Nhưng, việc tham gia CPTPP, EVFTA cũng có nghĩa Việt Nam sẵn sàng và tiến tới hiện thực hóa các cam kết về cải cách thể chế (đặc biệt là kinh tế thị trường) với lộ trình và thời hạn nhất định.

Việc những quy định về thương mại, hải quan được sửa đổi theo hướng thuận lợi hóa thương mại và các cam kết về dịch vụ, đầu tư, đặt ra yêu cầu minh bạch hóa và tuân thủ quy trình, quy định với chính quyền các cấp sẽ giúp hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần giúp Việt Nam tiếp tục thu hút vốn FDI, gia tăng xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế.

Trong ngắn và trung hạn, các hiệp định này cũng sẽ có những tác động làm giảm thu ngân sách của nước ta, rủi ro pháp lý, chảy máu chất xám tăng, thách thức đối với một số ngành nghề về yêu cầu cao hơn (nhất là về xuất xứ hàng hóa, chất lượng…), cạnh tranh khốc liệt hơn. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại thế hệ mới này cũng là cơ hội cho  thị trường lao động, theo hướng có thể tạo ra nhiều việc làm hơn.

Các ngành dự kiến có khả năng mở rộng thị trường, đối tác, thu hút đầu tư là dệt may, da giày, điện tử, điện máy, bất động sản, công nghệ thông tin, nhưng cũng có một số ngành chịu thách thức nhiều hơn, như dệt may (yêu cầu xuất xứ hàng hóa, trong khi năng lực sản xuất, cung ứng trong nước còn hạn chế), sản xuất nông nghiệp (sữa và các sản phẩm từ sữa, mía đường, thức ăn chăn nuôi,…), một số ngành dịch vụ (logistics, quảng cáo…).

 

30-2014-1547694235.jpg

 

Song, nhìn chung việc một ngành được hưởng lợi hay chịu thiệt ở góc độ tổng thể là khó đánh giá, bởi người sản xuất phải chịu thiệt song người tiêu dùng có thể sẽ được hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa sản phẩm nội và ngoại. Bên cạnh đó, nếu chỉ nhìn từ góc độ sản xuất, tác động tích cực hay tiêu cực từ CPTPP, VEFTA cũng phụ thuộc rất nhiều vào tính chủ động của doanh nghiệp, khả năng thích ứng với các thay đổi.

2019 là năm có nhiều cơ hội nhưng sẽ là năm thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam – một nền kinh tế có độ mở lớn, dễ bị tổn thương trước những biến động tiêu cực từ thị trường thế giới. Do đó, để đón đầu cơ hội và khắc phục những hạn chế, Việt Nam cần hết sức chú trọng tăng khả năng thích ứng với sự thay đổi, nâng cao năng lực chống chọi với các cú shock của nền kinh tế, trong đó chú trọng gia tăng năng lực tài chính quốc gia (chính sách tài khóa, cân đối ngân sách, dự trữ ngoại hối), phát triển hệ thống tài chính theo chiều sâu, tăng năng lực giám sát an toàn, đẩy mạnh phát triển nguồn lực (con người, công nghệ, cơ sở hạ tầng, dữ liệu) để đón đầu các tiến bộ mới của nền kinh tế số.

Việt Nam cần hết sức chú trọng vấn đề nguồn nhân lực, nhất là đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề, ngoại ngữ, giúp người lao động xây dựng và phát triển nghề nghiệp, tăng khả năng thích nghi. Thêm nữa, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, khu vực trọng tâm của nền kinh tế như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tổ chức tín dụng, đẩy nhanh xử lý nợ xấu và không để gia tăng nợ xấu mới, quyết tâm tái cơ cấu ngân sách hiệu quả. Trong dài hạn, việc giải quyết các nút thắt này sẽ tạo ra những nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, trong chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thông tin, thị trường, xây dựng các giải pháp phòng ngừa rủi ro, sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, hết sức chú trọng khâu quản trị doanh nghiệp trong kinh doanh số. Nhà nước có thể tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, ký kết các FTA mở ra các cơ hội, nhưng không thể làm thay doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, quản trị, điều hành.

Nên chăng, năm 2019 sẽ là năm kinh doanh số và năng suất lao động của doanh nghiệp? 

 

TS. CẤN VĂN LỰC