- 30/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Lãnh đạo & Quản lý
Khi căng thẳng ở văn phòng lên đến cao độ, nó sẽ phá vỡ mọi mối quan hệ và gây tổn hại đến sự nghiệp của bạn.
Đối phó với tình huống này cũng chẳng dễ dàng gì ngay cả khi bạn là người ngoài cuộc. Chuyên gia nhân sự Jennifer Winner gợi ý 3 cách hiệu quả để giải quyết khéo léo tình huống này.
1. Im lặng là vàng
Đôi khi không khí làm việc trong văn phòng sẽ nóng lên, vài người không giữ được bình tĩnh và nói điều gì đó tệ hại. Thường thì những tình huống căng thẳng xảy ra trong bối cảnh tất cả mọi người đang làm việc chăm chỉ và cố gắng làm hết sức mình.
Cách tốt nhất là nhìn sự việc một cách bao dung và bỏ qua cho đồng nghiệp.
Tôi cũng từng trải qua chuyện này cách đây vài năm. Nhóm của tôi đang phải đối mặt với deadline đang đến gần. Chúng tôi đã làm việc thêm giờ và cả ngày cuối tuần để hoàn tất dự án.
Khi tới phút cuối, một số vấn đề mới phát sinh và hai đồng nghiệp của tôi bắt đầu phàn nàn, chê bai lẫn nhau. Cả văn phòng rơi vào im lặng một lúc, sau đó tất cả mọi người lặng lẽ quay trở lại với công việc đang làm.
Khoảng năm phút sau cả hai bật cười và phần còn lại của nhóm tham gia. Họ đã xin lỗi nhau và tất cả chúng tôi đã trở lại làm việc với một tinh thần vui vẻ.
Nếu bất kỳ ai trong nhóm tham gia ý kiến lúc đó thì tình hình sẽ nhanh chóng leo thang và trở nên nghiêm trọng hơn bản chất thật của nó.
Chỉ là mệt mỏi do làm việc và không kiểm soát được căng thẳng. Hai người đó thật sự không có ý xấu gì với nhau.
Nếu bạn tin tưởng nhóm của bạn và biết rõ đồng nghiệp, thì im lặng để họ tự giải quyết là phương án tốt nhất.
2. Đổi đề tài
Trong công việc, nhiều khi tranh luận không chỉ xảy ra giữa hai người, mà là câu chuyện của nhiều người, với nhiều ý kiến khác nhau. Lúc này vai trò của người điều phối, hoặc quản lý cấp trên rất quan trọng.
Trong một cuộc họp cấp quản lý, chúng tôi thảo luận làm sao để phân bổ tiền thưởng hàng năm. Đương nhiên, mỗi nhà quản lý đều vận động sao cho nhóm mình nhận số tiền thưởng cao nhất.
Vì thế, cuộc thảo luận thân mật nhanh chóng trở thành một cuộc đối đầu khó chịu giữa các lãnh đạo xem bộ phận nào có giá trị nhất.
Mọi thứ xấu đi khá nhanh, nhưng may mắn thay, một trong những người quản lý đã cố gắng thay đổi chủ đề.
Cô này hướng các trưởng bộ phận đến việc đánh giá những đặc điểm ưu tú nhất của nhân viên nhóm mình và làm sao để các nhóm khác cùng học hỏi. Sau đó, cô liên tục hỏi làm thế nào để công ty hỗ trợ và phát triển những kỹ năng này trong tương lai.
Các nhà quản lý khác không bỏ lỡ cơ hội chứng minh khả năng của bản thân nên chia sẻ rất tích cực. Trong vòng một vài phút, một tình huống cực kỳ căng thẳng đã trở thành một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.
Đây không phải là một chiến thuật dễ dàng, nhưng nếu bạn xác định được một vấn đề tích cực có liên quan, hãy nắm ngay cơ hội đó. Bạn sẽ giúp các cuộc thảo luận trở nên hữu ích hơn và ngăn đồng nghiệp nói những điều khiến họ hối tiếc.
3. Can thiệp
Đôi khi, mọi người không thể tự mình bình tĩnh trở lại. Lúc này, can thiệp là cần thiết. Tất nhiên việc này cần người thứ ba.
Tôi đã không may khi là nguồn gốc của sự căng thẳng. Tôi vừa vào làm ở một công ty được vài tháng. Nhiệm vụ của tôi là thực hiện một số thay đổi trong quy trình làm việc của các bộ phận.
Một bên thứ ba vô tư, quan tâm đến việc tìm kiếm một giải pháp cùng có lợi chính xác là những gì chúng ta cần để phá vỡ sự căng thẳng và đưa chúng ta trở lại làm việc hiệu quả.
Tuy nhiên, khi bắt đầu tiến hành những thay đổi đó, tôi gặp phải sự kháng cự của nhóm cũng như người quản lý. Cuối cùng, tôi quyết định nói với một đồng nghiệp suy nghĩ của mình. Ông có quan điểm riêng và chẳng bao lâu chúng tôi đã vướng vào một cuộc tranh luận “nóng”.
May mắn thay, một đồng nghiệp khác đã nhảy vào cuộc tranh luận và giúp điều hòa mọi thứ. Thật kinh ngạc, sự hiện diện của bên thứ ba làm cuộc thảo luận giảm bớt sự căng thẳng.
Một bên thứ ba vô tư, quan tâm đến việc tìm kiếm một giải pháp cùng có lợi chính xác là những gì chúng ta cần để phá vỡ sự căng thẳng và đưa chúng ta trở lại làm việc hiệu quả.
Đồng nghiệp này đã bình tĩnh đưa ra những giải pháp rất tích cực. Nó giúp chúng tôi nhận ra vấn đề và bình tĩnh thảo luận với nhau.
Khi bạn cảm thấy cuộc trò chuyện của đồng nghiệp nóng lên nhanh chóng và sắp “bùng nổ” thành thảm họa thì đây là lúc bạn nên bước vào hòa giải.
Hãy chú ý đến các quan điểm của hai bên và cố gắng để tìm thấy một số điểm chung nào đó. Nếu bạn không thể tìm thấy bất cứ điều gì, hãy đưa ra một đề nghị của riêng bạn.
Bạn sẽ phải suy nghĩ một cách nhanh chóng, và chắc chắn rằng bất cứ điều gì bạn đề nghị là tích cực, vì bạn muốn giảm bớt căng thẳng, không thêm dầu vào lửa.
Hãy nhớ những lời khuyên này để khi trong văn phòng xảy ra căng thẳng, bạn biết làm như thế nào “hạ nhiệt”.