3 sai lầm hầu hết nhà lãnh đạo đều không biết mình đang mắc phải

 

Dưới đây là 3 lỗi sai lầm phổ biến mà nhiều nhà lãnh đạo thậm chí còn không nhận ra rằng mình đang mắc phải.

 

Dede Henley – nhà sáng lập Công ty tư vấn Henley Leadership Group (chuyên giúp các nhà lãnh đạo và các công ty/tổ chức xây dựng môi trường làm việc công bằng và đem lại năng suất cao) nhận định: “Là một nhà điều hành, bạn sẽ phải luôn cố gắng để tránh mắc phải các sai lầm. Nhưng để làm được điều đó, bạn phải biết được mình đang đi tìm kiếm điều gì. Chúng tôi phát hiện có 3 sai lầm mà các nhà điều hành rất thường xuyên mắc phải, trong khi rất nhiều những nhà lãnh đạo khác thậm chí còn không thèm “dè chừng” chúng”.

Trong một bài viết được đăng trên Forbes, Dede Henley đặt vấn đề: Là một nhà lãnh đạo, bạn đã và đang mắc phải bao nhiêu trong số những sai lầm phổ biến dưới đây?

Sai lầm thứ nhất: Cho rằng mình biết nhiều hơn những người khác

Quan niệm cho rằng mình biết nhiều hơn người khác có thể đúng trong quá khứ, ở những thời điểm mà thị trường còn tương đối ổn định, và công ty bạn chưa tiến ra toàn cầu hoặc chưa xâm nhập vào các thị trường đa dạng hơn. Lúc đó, những cách tiếp cận cũ có thể vẫn hiệu quả.

 

Trả lời “Có” cho những câu hỏi này, bạn là nhà lãnh đạo tốt hơn bạn nghĩ

 

Những nhà lãnh đạo có công tạo ra chiến lược hoạt động cốt lõi cho tổ chức thường tự cho rằng mình là những “bậc tiền bối khôn ngoan”. Một người ngồi ở vị trí lãnh đạo càng lâu càng dễ vướng vào “đường dây” suy luận này. Và đó chính là một trong những sai lầm phổ biến đối với một nhà lãnh đạo.

Bạn cần phải biết đặt ra những câu hỏi tốt hơn. Và hãy ngưng việc nghĩ rằng mình đã biết câu trả lời. Bạn cần phải thu thập những hiểu biết từ việc học hỏi ở khách hàng, những cổ đông quan trọng và cả ở nhân viên. Bạn cần phải nhìn mọi việc dưới góc nhìn của người mới bắt đầu. Hãy nuôi dưỡng sự tò mò và tiếp thu sự mới mẻ của tất cả mọi thứ.

Sai lầm thứ hai: Giữ cho mọi thứ trong vòng an toàn

Một trong số những khách hàng của chúng tôi – một công ty dịch vụ tài chính – nổi tiếng với nhiều năm hoạt động trong vùng an toàn. Và đó chính là điều mà nhiều người mong muốn ở các nhà băng, vì chính khách hàng sẽ được hưởng lợi từ sự… bảo thủ đó.

Nhưng ngành ngân hàng hiện tại đang thay đổi rất nhanh, với nhiều sự đột phá của công nghệ, nhiều công ty fintech đang nhảy vào để giành thị phần… Công ty này cần phải hành động nhanh hơn. Họ cần phải xác định những công ty/tổ chức nhỏ hơn nào sẽ có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh tiềm năng của mình và thâu tóm lại, để có thể tiếp tục đứng vững trên thị trường.

Vì thế, văn hóa bảo thủ từng giúp các công ty giảm thiểu được rủi ro, nhưng hiện tại, mọi thứ có vẻ như sẽ không luôn luôn như vậy nữa.

Sai lầm thứ ba: Cho rằng mình phải hy sinh cuộc sống cá nhân để cống hiến cho công ty

Sai lầm này được truyền lại từ những thế hệ xem sự hy sinh cho công ty như một cách để chứng minh lòng trung thành. Và tác động của nó chắc chắn vẫn còn in lại trong tâm trí của chúng ta. Đôi khi, bạn có cảm giác thật tuyệt vời khi dành trọn bản thân mình cho công việc.

Nhưng điều đó nếu kéo dài qua nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm thì rất dễ dẫn đến tình trạng nghiện việc. Và nó không hề tốt cho chúng ta. Nó ảnh hưởng đến mối quan hệ với gia đình, đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe thể chất, tinh thần nói chung.

Do đó, hãy xem xét để tìm ra cách cân bằng cuộc sống và công việc, để bạn vừa có thể chăm sóc tốt cho bản thân vừa cống hiến tốt hơn cho công việc.

 

BÍCH TRÂM



Leave a Reply