5 điều startup cần biết để định giá doanh nghiệp
- 27/09/2017
- Posted by: admin
- Category: Quản trị Điều hành
Doanh nhân Elon Musk có lẽ là người kể chuyện tài ba nhất thế giới. Ông chính là yếu tố quan trọng giúp Tesla được định giá 48,2 tỷ USD, cao hơn Ford – nhà sản xuất ô tô lớn thứ 2 tại Mỹ – đến 3 tỷ USD.
Điều cốt lõi khi định giá một startup không phải là doanh nghiệp đó đang kiếm được bao nhiêu tiền mà là có thể kiếm được bao nhiêu trong tương lai. Tại buổi toạ đàm Tech in Asia Singapore 2017, các startup đã chia sẻ cách định giá doanh nghiệp của mình.
1. Sử dụng nhiều phương pháp để định giá
Srividya Gopalakrishnan – Giám đốc mảng định giá và tài chính doanh nghiệp của Duff & Phelps Singapore cho biết: “Chúng tôi đã điên cuồng thử nhiều cách khác nhau. Chúng tôi sử dụng một loạt các phương pháp từ thô sơ đến chuyên biệt như đo lường doanh thu”.
Nhiều nhà đầu tư dùng một bảng điểm để xem xét các yếu tố chủ quan, phi tài chính, các nghiên cứu định tính như chất lượng quản lý của startup nhằm định giá startup đó.
Một phương pháp thông dụng khác là so sánh startup của bạn với những công ty có tương đồng giá trị. “Tuy nhiên phương pháp này còn gặp khó khăn ở Châu Á, do khu vục này chưa được thu thập đầy đủ dữ liệu”, Srividya nói.
2. Kể một câu chuyện về startup của bạn
Doanh nhân Singapore Royston Tay đã bán công ty khởi nghiệp Zopim của mình cho Zendesk với giá 30 triệu USD. Ông tin rằng câu chuyện hay sẽ giúp nâng cao giá trị doanh nghiệp.
“Câu chuyện đó phải bao gồm số liệu, bảng biểu. Bạn cần phải làm việc với những chuyên gia để có những số liệu chính xác nhất. Nhưng như vậy là chưa đủ. Lý do mà Tesla được định giá như hiện tại chính là nhờ tài năng của Elon Musk khi kể câu chuyện về tiềm năng phát triển của công ty”, Royston Tay cho biết. Vẽ nên một tương lai sáng sủa cho doanh nghiệp chính là nguyên liệu chủ yếu của câu chuyện.
Căn cứ theo quy tắc thanh toán ưu tiên (liquidation preference), thứ tự được doanh nghiệp ưu tiên trả nợ là: người cho vay tín dụng, người mua trái phiếu, người mua cổ phiếu ưu đãi và cuối cùng là các cổ đông – người mua cổ phiếu phổ thông. Như vậy, nếu chỉ dựa vào các con số hiện tại, giá trị của công ty sẽ rất thấp, thậm chí còn thấp hơn giá trị thanh lý cho những nhà đầu tư phổ thông, Gopalakrishna giải thích.
Một phương pháp khác là nhìn vào những lần định giá trước, lẫn lần được góp vốn sau cùng để có được con số hợp lý.
“Công ty phải hiểu rõ những cột mốc này. Một quỹ đầu tư mạo hiểm muốn nhìn thấy một câu chuyện tốt được kể một cách mạch lạc hơn là một câu chuyện tuyệt vời nhưng không biết cách kể kể. Tôi nghĩ thông tin dồi dào và minh bạch sẽ giúp định giá công ty tốt hơn”, Gopalakrishna cho biết.
3. Người mua công ty là ai?
Khi bạn rao bán một món hàng trên eBay, người mua là ai không quan trọng, miễn là họ chấp nhận giá bán và trả tiền.
Nhưng khi nói đến việc sáp nhập công ty, chúng ta nên hình dung nó như việc kết hôn vậy. Gopalakrishnan đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một người sáng lập từ chối mức giá mua công ty cao nhất.
Lý do là mức giá đó được đưa ra từ một đối thủ cạnh tranh, và người sáng lập e rằng người mua sẽ bóp chết công ty của ông ấy sau khi thu mua thành công. Đối thủ cạnh tranh mua công ty ông nhằm giành lấy thị phần.
Vì thế, người mua công ty là ai, động cơ của người mua là gì là yếu tố rất quan trọng để startup có quyết định có bán công ty hay không.
Ferish Patel, đối tác của công ty luật Gunderson Dettmer nói rằng: “Bạn tưởng cuộc mua bán chỉ đơn thuần là người mua đưa cho bạn 100 triệu USD và quản lý công ty của bạn. Nhưng không hẳn thế, vì vẫn còn tồn tại những thứ khác, như thoả thuận earn-out chẳng hạn”.
Thỏa thuận earn-out là tiêu chí hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sau M&A. Theo đó, một phần tiền thanh toán cho việc mua tài sản/doanh nghiệp sẽ được bên mua giữ lại trong một khoảng thời gian nhất định và sẽ thanh toán cho bên bán với điều kiện lợi nhuận hay doanh số của doanh nghiệp được thu mua phải đạt đến một con số nào đó. Đây là cách bên mua hạn chế rủi ro khi thu mua một startup.
Như vậy, việc nhà sáng lập startup sau khi bán công ty được hưởng lợi bao nhiêu phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, chủ doanh nghiệp cần chọn người mua đầy đủ năng lực, tầm nhìn tiếp tục phát triển doanh nghiệp để có thể hưởng lợi trọn vẹn từ việc bán công ty.
4. Cân nhắc bản chất việc thu mua
Bản chất của việc thu mua ảnh hưởng đến thỏa thuận mua bán, thỏa thuận earn-out… Nếu người mua muốn tiếp tục phát triển công ty, họ sẽ giữ lại đội ngũ chủ chốt nhằm đảm bảo các con số doanh thu, lợi nhuận.
Nếu người mua chỉ có mục đích duy nhất là quyền sở hữu, có thể công ty sẽ không tiếp tục tồn tại, không làm ra tiền và khả năng người bán nhận được earn-out là hầu như bằng không.
Vì thế, startup cần quan tâm đến bản chất của thương vụ để định giá doanh nghiệp, cùng những thỏa thuận mua bán khác.
5. Cân nhắc tình trạng startup hiện tại
Có thể, bạn đang thấy bế tắc hoặc bạn cảm thấy bán công ty là một lối thoát an toàn. Nhưng bạn cần biết rằng hiệu quả đàm phán của bạn phụ thuộc vào tình trạng công ty, thế nên, bạn luôn cần xây dựng công ty thật vững chắc, hoạt động hiệu quả.
Royston Tay kết luận: “Các doanh nhân phải luôn ở trong tư thế sắp sửa tiến hành IPO. Hãy suy nghĩ lớn”.