Có lẽ email hay cuộc gọi thông báo lời mời làm việc chính thức từ nhà tuyển dụng luôn là một trong những điều được trông đợi nhất đối với người tìm việc. Kèm với sự vui sướng và hồi hộp trước thử thách mới, bạn sẽ cảm nhận được một chút dư vị ngọt ngào lâng lâng của việc chinh phục thành công cột mốc mới trong sự nghiệp.

 

Thế nhưng, hãy tạm gạt bỏ những cảm xúc phấn khích ấy để thực hiện các bước đáp lại lời mời một cách chuyên nghiệp và tạo được ấn tượng tốt đẹp ngay cả trước khi bạn đặt chân tới văn phòng mới theo gợi ý sau đây nhé!

 

1/ Đưa ra lời cảm ơn chân thành nhất

“Thủ tục” cơ bản nhất này rất tiếc đôi khi vẫn bị bỏ qua, nhất là với những ứng viên mới đi làm. Việc đầu tiên bạn cần làm là cảm ơn người đưa ra thông báo trực tiếp cho bạn và cả những người bạn đã gặp gỡ trong quá trình tuyển dụng, dù bạn có định chấp nhận lời mời làm việc đó hay không. Đồng thời, đừng quên thể hiện cảm giác phấn khích, vui mừng với lời đề nghị đó. Việc nhỏ này giúp thể hiện thái độ lịch sự và sự trân trọng của bạn dành cho nhà tuyển dụng mà nếu bạn bỏ qua, rất có thể họ sẽ có ấn tượng không được tốt lắm về bạn.

 

2/ Nếu lời đề nghị được thực hiện qua điện thoại, hãy đề nghị một văn bản chính thức

Một số công ty sẽ liên hệ qua điện thoại hoặc gửi email với tư cách cá nhân để đưa ra lời đề nghị việc làm với ứng viên, sau đó sẽ là một email hoặc thư xác nhận chính thức, nhưng bạn cần chắc chắn bước này sẽ diễn ra. Một thư mời làm việc chính thức nên bao gồm, ít nhất, tên của vị trí, ngày bắt đầu, tiền lương và chi tiết về lợi ích. Điều này sẽ xác nhận rằng bạn đã nhận được công việc chính thức và cho bạn cơ hội xem xét các chi tiết một cách kỹ lưỡng hơn nhằm đảm bảo bạn hoàn toàn hiểu được những gì được cung cấp. Chắc chắn việc này không những không khiến nhà tuyển dụng thấy phiền, mà còn thể hiện bạn là một người cẩn thận, chu đáo trong công việc.

 

3/ Đảm bảo rằng bạn biết thời hạn để đưa ra câu trả lời

Hoàn toàn bình thường khi hỏi nhà tuyển dụng đâu là thời hạn cuối cùng để bạn đưa ra câu trả lời của mình. Nếu họ nói rằng họ cần câu trả lời ngay lập tức thì đó có thể là một dấu hiệu xấu bởi tạo áp lực không phải là cách tạo ấn tượng tốt nhất. Một nhà tuyển dụng có trách nhiệm luôn muốn ứng viên tiềm năng của họ có thời gian suy nghĩ để đưa ra quyết định lớn như thế này, và thời gian phù hợp đó sẽ là 1 đến 2 ngày.

 

4/ Sẵn sàng để thương lượng

Một khi bạn có các chi tiết về tiền lương, lợi ích và mô tả công việc, hãy quyết định xem đó có phải là điều bạn mong muốn không. Đây là cơ hội của bạn để thương lượng lại. Hãy chuẩn bị sẵn những câu hỏi phù hợp khi đàm phán mức lương, và hãy nhớ rằng bạn nên có thái độ hợp tác, không đối đầu hay quá gay gắt.

 

5/ Khi bạn đã sẵn sàng nói đồng ý, hãy đảm bảo đã hiểu tất cả mọi thứ

Hãy lặp lại các chi tiết của đề nghị, bao gồm tiền lương, ngày bắt đầu và bất kỳ điểm nào bạn đã thương lượng với nhà tuyển dụng. Điều này giúp đảm bảo bạn đã nắm rõ mọi thứ và không có những bất ngờ khó chịu vào ngày làm việc đầu tiên.

 

6/ Sau khi đồng ý, hãy “chốt” lại toàn bộ những gì cần chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên

Vậy là bạn đã sẵn sàng cho thử thách mới. Trước khi bắt đầu, hãy hỏi về các bước tiếp theo. Chẳng hạn có bất kỳ giấy tờ nào bạn cần phải mang theo không hay bạn có thể chuẩn bị cho ngày đầu tiên làm việc như thế nào? Thời gian nào bạn nên đến vào ngày bạn bắt đầu?… Điều này sẽ không chỉ giúp bạn nhận được thông tin cần thiết cho ngày làm việc đầu tiên mà còn cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người chủ động và thực sự hào hứng khi bắt đầu làm việc với công ty.