6 việc cần làm ngay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
- 18/05/2023
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, mở rộng chi tiêu để ưu tiên cho tăng trưởng.
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, niềm tin, tâm lý trong kinh doanh của các doanh nghiệp hiện đang xuống rất thấp. Phần lớn các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện nay đều dè dặt trong việc góp vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh và lựa chọn chờ đợi, quan sát thị trường, thậm chí là thu hẹp quy mô hoạt động.
Với thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế hiện nay, mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6,5% cả năm 2023 được đánh giá là vô cùng thách thức. Theo tính toán, muốn đạt được con số này, các quý còn lại của năm cần đạt mức tăng trưởng 7,5% và điều này là không đơn giản trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.
Thực tế, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32%, thấp nhất trong giai đoạn hơn 10 năm qua. Nền kinh tế đối diện với hàng loạt khó khăn như thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, cùng với sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu trong quý IV/2022.
Lãi suất cho vay tăng cao từ tháng 7/2022 và vẫn tiếp tục neo cao cho đến tháng 2/2023 đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Chi phí lãi vay chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của Việt Nam trong năm 2022. Môi trường lãi suất cao ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nhu cầu khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng tín dụng và huy động vốn đã giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023, do cầu yếu và lãi suất vẫn cao. Huy động vốn của khu vực các tổ chức kinh tế giảm mạnh và tốc độ huy động vốn của ngành ngân hàng cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm trở lại đây. Tiền gửi khu vực dân cư tăng mạnh, cho thấy sự tăng lên của cảm nhận rủi ro đầu tư, làm giảm nhu cầu thành lập doanh nghiệp.
Huy động vốn khu vực tổ chức tín dụng giảm trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu có xu hướng chuyển tiền nhàn rỗi ra bên ngoài để hưởng lãi suất USD đang cao, trong khi lãi suất USD tại Việt Nam vẫn duy trì chính sách 0%.
Đề xuất chính sách trong ngắn hạn, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, có sáu việc Chính phủ cần bắt tay ngay vào thực hiện nhằm gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, trong đó, vấn đề quan trọng là mở rộng chi tiêu nhằm ưu tiên cho tăng trưởng.
Ông Việt cho rằng, thứ nhất, Chính phủ cần xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới là vừa cân bằng giữa mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.
Thứ hai, trong ngắn hạn, các chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Bên cạnh mục tiêu thúc đẩy phục hồi kinh tế, chính sách tài khóa cần hướng đến mục tiêu bình đẳng, vực dậy niềm tin của doanh nghiệp và người dân.
Chính phủ cần có chính sách kịp thời giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp và người lao động trong thời kỳ khó khăn; hạn chế tốc độ sụt giảm nhu cầu tiêu dùng nhằm gia tăng khả năng hồi phục của nền kinh tế.
Thứ ba, chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro. Chính phủ cần tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn.
Theo đó, môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Với tình hình hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp phục hồi.
Thứ tư, Việt Nam cần có chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc-xin”. Điều này nhằm giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, số lượng đơn hàng từ các nước giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ.
Thứ năm, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, thống nhất cho doanh nghiệp là quan trọng nhất. Theo ông Việt, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, bởi thời gian vừa qua, các doanh nghiệp vẫn đang gặp vướng mắc rất lớn về thủ tục hành chính, pháp lý cho các dự án… khiến hoạt động kinh doanh vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Thứ sáu, công tác dự báo và đánh giá chính sách cần làm thường xuyên, liên tục và có sự công khai, minh bạch và kịp thời hơn nữa. Các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Các cơ quan quản lý cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam.
Bên cạnh các chính sách trong ngắn hạn, ông Việt cũng cho rằng, trong trung hạn, Chính phủ cũng cần thực hiện 5 chính sách nhằm giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững.
Thứ nhất là tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước; dự báo và đánh giá đúng tình hình, nhận diện kịp thời các rủi ro. Thứ hai là cẩn đẩy mạnh an ninh xã hội, an ninh năng lượng, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách tiền tệ và tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, Việt Nam cần phải nghiên cứu đánh giá tác động của các khủng hoảng địa chính trị và đề ra các giải pháp ứng phó, hướng tới chuyển đổi sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng
Thứ tư, Chính phủ cần xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự lực và có khả năng hội nhập sâu rộng. Trong đó, việc quan tâm và hỗ trợ, nhất là những hỗ trợ về vốn và tiếp cận thị trường với doanh nghiệp là việc làm vô cùng cần thiết. Và cuối cùng là ưu tiên xây dựng thể chế, chính sách phát huy nguồn lực đầu tư nhà nước và xã hội.
An Chi – TheLEADER