Ẩn số thị trường trái phiếu doanh nghiệp
- 09/02/2023
- Posted by: admin
- Category: Tài chính
Trong năm 2023 này sẽ có gần 290.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong đó trên 40% là trái phiếu bất động sản. Đó là chưa kể dưới sức ép của nhiều trái chủ, không ít doanh nghiệp buộc phải cam kết mua lại trái phiếu trước hạn.
Trong bối cảnh hiện nay, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là ngành bất động sản. Nếu họ không thể thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn thì có thể gây ra những hệ lụy khôn lường không chỉ với doanh nghiệp, mà cả thị trường tài chính của Việt Nam.
Là nguồn vốn dài hạn nên tiền huy động được từ trái phiếu thường được các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án có tốc độ thu hồi vốn chậm, chẳng hạn như với doanh nghiệp địa ốc là đầu tư để phát triển quỹ đất, hay bỏ vào những dự án còn ở giai đoạn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý, vốn không dễ để thu hồi số tiền đầu tư trong 3-5 năm. Vì vậy, thông thường, để có tiền trả cho trái phiếu đến hạn thanh toán doanh nghiệp sẽ phải phát hành trái phiếu mới.
Nhưng sau khi lãnh đạo các tập đoàn đầu tư An Đông, Vạn Thịnh Phát và Tân Hoàng Minh bị vướng vào rắc rối pháp lý, huy động vốn bằng kênh trái phiếu doanh nghiệp là phương án bất khả thi. Đây rõ ràng là tai bay vạ gió, vì vậy nhiều doanh nghiệp đang rất cần Nhà nước trợ giúp để họ không bị chết chìm trong nợ trái phiếu.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần gấp rút khôi phục niềm tin để vực dậy thị trường này.
Bên cạnh những động thái nhằm siết lại kỷ cương thị trường mà Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục thực hiện, giải pháp tốt nhất hiện nay để khôi phục niềm tin của thị trường trái phiếu là giúp doanh nghiệp trả được nợ trái phiếu đúng hạn, nhất là với doanh nghiệp ngành bất động sản mà hiện nay gần như đã cùng đường.
Tất nhiên, Nhà nước không thể bắt buộc các ngân hàng cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn để đáo hạn trái phiếu, nhưng Nhà nước vẫn có thể giúp các doanh nghiệp trong ngành này bằng cách nhanh chóng giải quyết những ách tắc về pháp lý của các dự án bất động sản.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ vào ngày 30-12-2022, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng doanh nghiệp bất động sản nên bán bớt dự án chưa triển khai để tạo dòng tiền. Đây có lẽ là giải pháp khả thi nhất mà doanh nghiệp trong ngành này có thể trông cậy trong bối cảnh hiện nay để giải tỏa cơn khát vốn. Nhưng doanh nghiệp làm thế nào để bán được khi tài sản đất đai của họ còn đang bị các thủ tục hành chính phong tỏa.
Ngoài ra, với những doanh nghiệp có lãnh đạo đang bị vướng vào rắc rối pháp lý, Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ để giúp họ có cơ hội để thanh toán cho người đã lỡ mua trái phiếu của họ càng sớm càng tốt. Vì người sở hữu trái phiếu của những doanh nghiệp này nhận lại được tài sản của họ càng sớm thì niềm tin của thị trường đối với trái phiếu doanh nghiệp càng nhanh có cơ hội hồi phục và thị trường tài chính của Việt Nam cũng sớm trút được một mối lo lớn.
Theo TheSaigonTimes