“Bản tin CFO Việt Nam, tháng 01/2021.”
ipeoplebanner02
Ban Biên Tập
Lê Hải Phong; Hương Vũ; Nguyễn Hữu Thành; Lê Hồng Lĩnh

Trong số này

Đơn vị Tài trợ Bản tin

Click (+) để xem chi tiết Bản tin

Trân trọng cảm ơn các Quý Đối tác, Quý Thành viên đã đóng góp tin bài. 

Chính phủ hướng dẫn về miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu

Ngày 12/12/2020, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 178/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 11/2020 của Chính phủ. Một nội dung quan trọng được thông qua là Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ Tài chính cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu, sau đó được doanh nghiệp nhập khẩu thuê gia công lại (Mục 8 của Nghị quyết).
Quy định về miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sẽ được bổ sung trong Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.
Trên thực tế, cơ quan hải quan, bao gồm Cục Hải quan địa phương và Tổng cục Hải quan đã truy thu thuế đối với một số trường hợp gia công lại. Do đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan hoàn trả số tiền thuế đã ấn định và không truy thu thuế với các trường hợp chưa nộp tiền thuế ấn định theo quy định tại Khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.

Hướng dẫn tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020 của Chính phủ.

Hướng dẫn về xử lý thuế hàng hóa bị hỏa hoạn
Căn cứ theo quy định hiện hành, Bộ Tài chính giao Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh căn cứ hồ sơ đề nghị giảm thuế của Công ty đã cung cấp cho cơ quan Hải quan gồm: (i) Tờ khai Nhập khẩu (NK) của 84 tờ khai NK để gia công hàng hóa xuất khẩu E21, E23; (ii) Biên bản xác nhận thiệt hại của cơ quan chức năng; (iii) Giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định, xác nhận của cơ quan bảo hiểm, các chứng từ, tài liệu có liên quan khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Nhị định số 134/2016/NĐ-CP và đối chiếu với kết quả kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế. Trường hợp xác định hồ sơ giảm thuế do DN nộp đáp ứng điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và việc kê khai về hàng hóa bị thiệt hại của doanh nghiệp là đúng, đồng thời số tiền bồi thường của cơ quan bảo hiểm không bao gồm tiền thuế NK thì ra quyết định giảm thuế NK tương ứng với tỷ lệ số lượng hàng hóa thực tế bị thiệt hại do hỏa hoạn.
Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ đề nghị giảm thuế, số tiền thuế nhập khẩu được giảm theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp Công ty đã kê khai, nộp thuế NK cho số nguyên liệu được giảm thuế NK thì Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Điều 47 Luật Quản Lý thuế số 78/2006/QH11 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 13 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13).
Trường hợp Công ty thực hiện bán thanh lý số nguyên liệu bị thiệt hại nêu trên thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNDN cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế GTGT và thuế TNDN hiện hành

Hướng dẫn tại Công văn số 12990/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính ngày 22/10/2020.

Hướng dẫn chính sách thuế về việc gia hạn nộp thuế trong trường hợp công ty bị hỏa hoạn
Trường hợp Công ty gặp hỏa hoạn dẫn đến cháy nhà xưởng và toàn bộ chứng từ, sổ sách kế toán thì gia hạn nộp thuế như sau:

(1) Thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quý không quá 30 ngày, thời gian gia hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm không quá 60 ngày kể từ ngày hết hạn phải nộp hồ sơ khai thuế. Tuy nhiên, để được gia hạn, Công ty phải làm văn bản đề nghị gia hạn trước khi hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế gửi cơ quan thuế (CQT) quản lý trực tiếp nêu rõ lý do, có xác nhận của Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn nơi phát sinh hỏa hoạn theo quy định tại Điều 46 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

(2) Trường hợp Công ty bị hỏa hoạn làm thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh thì thời gian gia hạn nộp thuế không quá 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Để được gia hạn thì Công ty phải lập và gửi hồ sơ cho CQT quản lý theo quy định tại Điều 64 Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14.

Hướng dẫn tại Công văn số 3656/CTBNI-TTHT của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh ngày 7/12/2020.

Hướng dẫn về việc nộp dần tiền nợ thuế
Về nộp dần nợ thuế, người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nhưng không có khả năng nộp đủ số thuế nợ trong một lần thì được nộp dần tiền thuế nợ trong thời gian tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng về số tiền thuế nợ đề nghị nộp dần và cam kết tiến độ t.h nộp dần tiền nợ thuế, tiền chậm nộp vào NSNN. Người nộp thuế phải thực hiện cam kết chia đều nợ để nộp dần tiền thuế theo tháng. Trong thời gian nộp dần tiền thuế nợ, Người nộp thuế vẫn phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp.

Hướng dẫn tại Công văn số 5221/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 8/12/2020.

Hướng dẫn chính sách thuế đối với cá nhân không cư trú có tài sản cho thuê
Trường hợp cá nhân không cư trú có tài sản cho thuê tại Việt Nam thì thuộc diện điều chỉnh của pháp luật thuế GTGT, thuế TNCN và lệ phí môn bài như đối với cá nhân cư trú. Cá nhân thực hiện việc khai thuế, nộp thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế GTGT và thuế TNCN đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh. Riêng đối với lệ phí môn bài người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài, cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ sở dữ liệu quản lý thuế để x/đ và thông báo mức lệ phí môn bài phải nộp hằng năm cho người nộp thuế.

Hướng dẫn tại Công văn số 5265/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế ngày 11/12/2020.

Hướng dẫn đối với Kê khai khấu trừ đối với hoá đơn bị bỏ sót cho mục đích hoàn thuế GTGT
Về nguyên tắc, Người nộp thuế (NNT) được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đã nộp nhưng phải trước khi cơ quan thuế (CQT) ban Quyết định thanh tra, kiểm tra. Trường hợp, CQT đã ban hành Kết luận, Quyết định xử lý về thuế sau khi kiểm tra, thanh tra; nếu NNT phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp và được kiểm tra, thanh tra (liên quan đến thời kỳ, phạm vi kiểm tra, thanh tra) còn sai sót thì người nộp thuế được tự khai bổ sung, điều chỉnh; việc xử lý căn cứ chế độ quy định và nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc sai sót, chưa đúng phải điều chỉnh.

Theo nội dung trình bày của Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh tại Công văn số 6804/CT-TTKT2 ngày 17/8/2020, Tổng cục Thuế cơ bản thống nhất với ý kiến xử lý của Cục Thuế tại Công văn số 6804/CT-TTKT: Đề nghị Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh căn cứ kết quả kiểm tra thực tế tại đơn vị để xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nhị định số 83/2013/NĐ-CP. Trường hợp NNT có một số hoá đơn GTGT đầu vào của năm 2017, 2018 còn sót chưa kê khai, khấu trừ tại Hồ sơ khai thuế GTGT đã nộp cho CQT (theo trình bày tại Công văn số 6804/CT-TTKT2 ngày 17/8/2020 nêu trên: do tại thời điểm kê khai thuế, NNT chưa nhận được hoá đơn từ bên bán do chưa có chứng từ thanh toán), CQT đã kiểm tra, thanh tra hồ sơ khai thuế GTGT của năm 2017, 2018 và xác nhận thực tế đơn vị chưa kê khai thuế GTGT đầu vào của những hoá đơn còn sót nêu trên và bên bán đã kê khai, nộp thuế các hoá đơn này theo quy định thì NNT được kê khai các hoá đơn GTGT đầu vào còn sót chưa kê khai.

Hướng dẫn tại Công văn số 4160/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 2/10/2020.

Hướng dẫn chính sách thuế liên quan đến chi phí cho chuyên gia phòng chống dịch Covid-19
– Về việc xác định chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN:
+ Đối với chi phí cách ly tại khách sạn cho chuyên gia nước ngoài, trường hợp doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì khoản chi phỉ trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác đinh thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
+ Đối với khoản chi phí mua vé máy bay công tác cho chuyên gia nước ngoài, nếu khoản chi phí được thực hiện theo quy định tại Điểm 2.9 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ thanh toán theo quy định.
+ Khoản chi phí xét nghiệm Covid-19 cho chuyên gia nước ngoài được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động, nếu khoản chi phí này được thực hiện theo quy định tại Điểm 2.30 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC thì được tính vào chi phí được trừ khi xác đinh thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
– Về việc xác định thu nhập chịu thuế TNCN:
Trường hợp người lao động (NLĐ) nước ngoài được Công ty chi trả khoản chi phí cách ly phòng chống dịch Covid-19 khi nhập cảnh vào Việt Nam thì khoản chi này là lợi ích được hưởng của NLĐ. Do đó, khoản chi phí tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của NLĐ.

Hướng dẫn tại Công văn số 5032/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 26/11/2020.

Hướng dẫn về chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Grab
Về ý kiến của Công ty TNHH Grab cho rằng việc tăng giá cước xe và tăng khấu trừ thuế đối với lái xe từ hoạt động kinh doanh của Công ty là do tác động của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Tổng cục Thuế khẳng định chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải không thay đổi, vẫn áp dụng thuế GTGT 10% từ trước đến nay. Quy định mới tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế (tài xế chịu thuế TNCN 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định: “Hoạt động kinh doanh của Grab là hoạt động vận tải”. Grab phải có trách nhiệm chính với hoạt động vận tải vì Grab quyết định về giá cước (thay đổi giá khi có thay đổi về điều kiện giao thông, thời tiết… ), lựa chọn khách hàng, lựa chọn lái xe…
Hướng dẫn tại Công văn số 5270/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế ngày 11/12/2020.

Hướng dẫn chính sách thuế về việc công ty hợp tác kinh doanh với cá nhân
– Trường hợp Công ty có hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng không thành lập pháp nhân riêng và phân chia kết quả kinh doanh bằng doanh thu bán hàng hóa dịch vụ thì cá nhân không trực tiếp kê khai thuế. Công ty có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh, đồng thời kê khai nộp thay thuế TNCN cho cá nhân hợp tác kinh doanh. Hồ sơ khai thuế theo Khoản 2 Điều 7 Nhị định số 126/2020/NĐ-CP; căn cứ tính thuế, thuế suất GTGT theo Khoản 1 Điều 4, Khoản 5 Điều 5, Khoản 5 Điều 10 và Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC; doanh thu tính thuế TNDN theo Khoản 3n Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC.
– Trường hợp Công ty hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân hành nghề độc lập trong những lĩnh vực ngành nghề được cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định Khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý Thuế, mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với Công ty, thì Công ty và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo Khoản 5 Điều 7 Nhị định số 126/2020/NĐ-CP.

Hướng dẫn tại Công văn số 29672/CT-TTHT của Cục Thuế tỉnh Bình Dương ngày 31/12/2020.

Hướng dẫn chính sách thuế đối với hàng đã nhập khẩu nhưng phải tái xuất
– Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu (NK) nhưng hàng hóa NK phải tái xuất thì được hoàn thuế NK và không phải nộp thuế xuất khẩu (XK) khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến.
– Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế GTGT đối với hàng NK nhưng sau đó phải XK trả lại chủ hàng nước ngoài, tờ khai XK đăng ký từ ngày 1/2/2018 thì Cơ quan Hải quan thực hiện xử lý tiền thuế GTGT nộp thừa theo quy định.

Hướng dẫn tại Công văn số 7627/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan ngày 2/12/2020.

Hướng dẫn chính sách thuế đối với trường hợp doanh nghiệp nội địa thuê doanh nghiệp chế xuất gia công lại
Trường hợp doanh nghiệp nội địa ký hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài nhưng thuê doanh nghiệp chế xuất (DNCX) gia công (thuê lại gia công) mà nguyên liệu, vật tư do doanh nghiệp nội địa cung cấp toàn bộ thì sản phẩm gia công khi nhập khẩu vào thị trường trong nước, doanh nghiệp nội địa phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định. Giá trị tính thuế GTGT là tiền thuê gia công và các khoản điều chình (nếu có) theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC và Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC. Không tính vào trị giá tính thuế sản phẩm sau gia công trị giá của vật tư, nguyên liệu mà doanh nghiệp nội địa đã đưa đi gia công tại DNCX.

Hướng dẫn tại Công văn số 7697/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan ngày 16/12/2020.

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP 2020 VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ ĐỂ HẠN CHẾ RỦI RO CHO DOANH NGHIỆP

Nguyễn Phương Thảo – Luật sư Sơ cấp
Công ty Luật TNHH DIMAC

Luật Doanh Nghiệp số 59/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 (“LDN 2020”) sẽ thay thế cho Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 (“LDN 2014”) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đánh giá chung, LDN 2020 đã có nhiều quy định và thay đổi tiến bộ để cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm một số thủ tục hành chính và bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật với sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác.

Trong phạm vi của bài viết này, với hai (02) kỳ liên tiếp, chúng tôi thể hiện một số điểm mới nổi bật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và qua đó, đề xuất các khuyến nghị để doanh nghiệp quản lý rủi ro tốt hơn khi LDN 2020 được áp dụng trong thời gian tới.

1. Phân định trách nhiệm của NĐDTPL trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật

Điều 12.2, LDN 2020 đã bổ sung thêm quy định: “Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật (“NĐDTPL”) chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì tất cả những NĐDTPL của công ty là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Quy định mới này đã đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp phải phân chia quyền, nghĩa vụ của từng NĐDTPL rõ ràng và cụ thể nhất trong Điều lệ, một tài liệu mà trước đây thường chỉ được xem là tài liệu phải nộp khi xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nên thường không được xem xét kỹ bởi những người sáng lập, cổ đông hay thành viên góp vốn. Chúng tôi nhận thấy quy định này đặt ra một thách thức khá lớn đối với vấn đề quản trị nội bộ doanh nghiệp trong việc hoạch định nhiệm vụ quản lý và đặt ra phạm vi phân quyền cụ thể của từng NĐDTPL trong Điều lệ nhưng vẫn bảo đảm quyền, nghĩa vụ của từng người, sao cho phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo chức danh mà người đại diện đó nắm giữ.
Từ quy định này, xem xét các rủi ro có thể xảy ra cho những NĐDTPL và tránh các vấn đề tranh chấp trong doanh nghiệp, chúng tôi có những khuyến nghị dưới đây:

(i) Trường hợp doanh nghiệp có nhiều NĐDTPL thì khi soạn thảo, sửa đổi Điều lệ, những người soạn thảo cần lưu ý phân quyền càng cụ thể của từng NĐDTPL trong Điều lệ càng tốt. Nếu cần chi tiết, người soạn có thể dẫn chiếu trong Điều lệ đến các văn bản, chính sách nội bộ để quy định quyền và nghĩa vụ của từng NĐDTPL theo chức danh mà người đó nắm giữ hợp lệ của doanh nghiệp tại từng thời điểm;
(ii) Cần có cơ chế giải quyết khi dù Điều lệ công ty đã quy định phạm vi trách nhiệm đã quy định cho từng NĐDTPL nhưng những NĐDTPL này có ý kiến/quyết định không thống nhất thì sẽ cần lấy ý kiến của chủ sở hữu, hội đồng thành viên hay hội đồng quản trị để quyết định vấn đề của doanh nghiệp trong trường hợp này; và
(iii) Cho vấn đề khi một NĐDTPL quyết định vấn đề của doanh nghiệp và tất cả những NĐDTPL khác phải liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại xảy ra cho doanh nghiệp thì trong Điều lệ cũng cần quy định về việc miễn trách nhiệm cho những NĐDTPL nếu họ không thực hiện hành vi gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Điều này có thể không hoàn toàn bảo vệ được những NĐDTPL liên quan nhưng cũng tạo vị thế pháp lý mạnh hơn cho họ khi giải quyết với NĐDTPL gây ra thiệt hại.

2. Quy định việc sử dụng dấu trong giao dịch của doanh nghiệp

LDN 2020 đã bỏ quy định “trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”; và cho phép doanh nghiệp sử dụng dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Chúng tôi đánh giá quy định này đã giúp cắt giảm rất nhiều thời gian và chi phí cho thủ tục đăng tải thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng mẫu dấu của doanh nghiệp so với quy định của LDN 2014. Theo đó, quy định này đã nâng cao quyền quyết định sử dụng mẫu dấu cho doanh nghiệp. Tuy vậy, mặc dù trao quyền quyết định sử dụng con dấu cho doanh nghiệp nhưng việc sử dụng con dấu vẫn xem là hình thức bắt buộc trong các văn bản hành chính. Trên thực tế, doanh nghiệp vẫn có thể phải duy trì con dấu vật lý để sử dụng trong các giao dịch mà pháp luật có yêu cầu.

Ở đây, khi doanh nghiệp (i) không còn nghĩa vụ phải thông báo mẫu con dấu trước khi sử dụng; và (ii) có thể được sử dụng con dấu dưới hình thức chữ ký số thì cũng đặt ra thách thức trong quản lý tính pháp lý đối với các tài liệu quan trọng của doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi các tài liệu này bị làm giả. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp cần thực hiện (i) niêm yết thông báo mẫu chữ ký của người có thẩm quyền đại diện doanh nghiệp trong nội bộ; (ii) cần quy định cụ thể về việc quy trình phê duyệt các tài liệu, hợp đồng có giá trị lớn phải có chữ ký kiểm tra của các phòng ban chuyên môn; và (iii) quản lý cực kỳ chặt chẽ chữ ký số để nhằm hạn chế các tài liệu hay hợp đồng quan trọng của doanh nghiệp bị làm giả mạo.

Trên đây là hai (02) vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý khi soạn thảo Điều lệ và quản lý, sử dụng con dấu trong doanh nghiệp, giúp tránh các rủi ro hay tranh chấp nội bộ phát sinh từ sự không rõ ràng trong các trách nhiệm, quyền hạn của các NĐDTPL, và giúp doanh nghiệp chỉ phải chịu trách nhiệm từ các văn bản do mình tạo lập được đóng dấu hợp pháp.

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP 2020 VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ ĐỂ HẠN CHẾ RỦI RO CHO DOANH NGHIỆP (Kỳ 2)

Nguyễn Phương Thảo – Luật sư
Phạm Quốc Tuấn – Luật sư Trưởng
Công ty Luật TNHH DIMAC

Luật Doanh Nghiệp số 59/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 (“LDN 2020”) sẽ thay thế cho Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 (“LDN 2014”) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đánh giá chung, LDN 2020 đã có nhiều quy định và thay đổi tiến bộ để cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm một số thủ tục hành chính và bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật với sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác.

Tiếp theo kỳ đầu tiên về những điểm mới trong vấn đề về phân định trách nhiệm của Người đại diện theo pháp luật (“NĐDTPL”) và việc sử dụng con dấu doanh nghiệp, chúng tôi phân tích thêm một số điểm mới nổi bật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và qua đó, đề xuất các khuyến nghị để doanh nghiệp quản lý rủi ro tốt hơn khi LDN 2020 đã bắt đầu có hiệu lực.

1. Thời điểm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng vốn góp

Theo Điều 53.2 của LDN 2014 và Điều 52.2 của LDN 2020, thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp cho đến khi thông tin về người nhận chuyển nhượng lại phần vốn của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên. Như vậy, quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng vốn góp chỉ có đầy đủ hiệu lực khi thông tin của người đó được ghi nhận vào Sổ Đăng ký Thành viên.

Từ quy định này, chúng tôi đánh giá rằng tương tự với quy định về quản lý sổ đăng ký cổ đông đối với công ty cổ phần, LDN 2020 đã trao cho doanh nghiệp quyền quản lý về danh sách thành viên và việc ghi nhận thời điểm góp vốn của mỗi thành viên góp vốn.

Xem xét quy định này từ thực tế, để hạn chế rủi ro cho các bên trong giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp, chúng tôi đề xuất giải pháp cân bằng lợi ích cho bên mua và bên bán trong việc thanh toán và chuyển giao quyền, lợi ích trong các giao dịch chuyển nhượng vốn theo cách thức hai bên cần thỏa thuận theo hai (02) điểm chỉnh dưới đây:

(i) Tại thời điểm thông tin thành viên mới được ghi nhận vào Sổ Đăng ký thành viên thì tiền mua vốn góp phải được thanh toán hoặc đã chuyển vào tài khoản tạm khóa; và
(ii) Thành viên mới chỉ có đầy đủ quyền của thành viên khi thông tin được ghi nhận vào Sổ Đăng ký thành viên và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Thay đổi tỷ lệ cổ đông, nhóm cổ đông có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và khởi kiện đối với người quản lý doanh nghiệp xuống còn 5% và 1%

So với trước đây, đối với quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và khởi kiện đối với người quản lý doanh nghiệp, quy định mới tại Điều 151 và Điều 166.1 của LDN 2020, có 2 sự thay đổi lớn, cụ thể (1) giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, nhóm cổ đông xuống tương ứng từ 10% xuống còn 5% và 1%; và (2) không yêu cầu phải nắm giữ liên tục ít nhất 6 tháng nữa. Đây rõ ràng là quy định cải thiện để bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu sổ.

Tuy nhiên, quy định mới này có thể gây ra một số vấn đề khi các cổ đông, nhóm cổ đông có quyền lợi đối lập chủ động đưa người vào nắm giữ một số lượng cổ phần đủ có quyền khởi kiện yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông hoặc khởi kiện người quản lý doanh nghiệp nhằm (i) gây tiêu cực cho việc kinh doanh của doanh nghiệp; (ii) làm mất uy tín và hình ảnh doanh nghiệp, ảnh hưởng tới việc kêu gọi đầu tư; (iii) làm hoang mang trong nội bộ; và (iv) cho mục đích lớn hơn là làm giảm giá trị cổ phiếu doanh nghiệp, dọn đường cho việc thâu tóm sau này.
Với tính chất linh hoạt trong việc huy động vốn thì việc kiểm soát việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông không bán cho đối thủ cạnh tranh là việc gần như bất khả thi, đặc biệt với những công ty cổ phần đại chúng đã niêm yết. Theo đó, chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp là công ty cổ phần có nhiều cổ đông nên chú trọng các vấn đề sau:

(i) Bổ sung trong các tài liệu nội bộ của doanh nghiệp như Điều lệ, Thỏa thuận cổ đông, quy chế/quy tắc về lựa chọn nhà đầu tư và điều kiện chuyển nhượng, bán, phát hành cổ phần cho nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư cam kết không có những hành động gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi chung, vận hành, phát triển và chiến lược kinh doanh của công ty cùng các trách nhiệm nếu vi phạm;
(ii) Quy trình, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông theo đúng Điều lệ và văn bản nội bộ, trong đó cần quy định nghiêm ngặt việc cử người đại diện cổ đông để tham gia vào cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải phù hợp với pháp luật;
(iii) Đề cử những người có tính cách, năng lực chuyên môn tốt và chuyên sâu vào thành viên Hội đồng quản trị và đảm nhận vị trí Giám đốc; và
(iv) Cần thiết phải có luật sư nội bộ hoặc Công ty luật chuyên nghiệp hỗ trợ hiệu quả các vấn đề về tuân thủ và quản trị doanh nghiệp.

3. Quyền của chủ nợ đối với doanh nghiệp bị hợp nhất, sáp nhập

Theo Điều 200.4 và Điều 201.2 của LDN 2020, sau khi công ty hợp nhất, sáp nhập hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp, công ty bị hợp nhất, bị sáp nhập chấm dứt tồn tại, công ty hợp nhất, nhận sáp nhập được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất hoặc bị sáp nhập. Công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty bị hợp nhất/sáp nhập theo thỏa thuận đã ký.

Theo các quy định mới này, các bên chỉ phải gửi thông báo về hợp đồng hợp nhất/sáp nhập cho chủ nợ mà không cần phải có sự đồng ý của chủ nợ đối với sự chuyển đổi loại hình doanh nghiệp dẫn đến thay đổi chủ thể bị nợ (chấm dứt hoạt động của công ty bị hợp nhất, bị sáp nhập). Điều này theo chúng tôi đã làm giảm quyền của chủ nợ vốn được quy định tại Điều 370 của Bộ luật Dân sự, cụ thể việc chuyển giao nghĩa vụ này phải được sự đồng ý của bên có quyền, ở đây là chủ nợ.

Để đảm bảo quyền lợi của chủ nợ trong các giao dịch hợp nhất và sáp nhập, chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp trong vai trò là chủ nợ nên rất lưu ý các vấn đề sau:

(i) Trong hợp đồng vay, chủ nợ cần quy định rõ ràng việc bên vay phải có được sự đồng ý của chủ nợ trước khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập với doanh nghiệp khác; và

(ii) Trong trường hợp chấp nhận việc chuyển khoản nợ cho công ty hợp nhất/công ty nhận sáp nhập thì cần phải thẩm định kỹ năng lực tài chính của công ty hợp nhất và công ty nhận sáp nhập đó và cũng thực hiện biện pháp xử lý tài sản bảo đảm khi nhận thấy năng lực tài chính của các công ty sau chuyển đổi loại hình này có khả năng không thanh toán được các khoản nợ đến hạn.
Trên đây là ba (03) vấn đề quan trọng liên quan đến nguồn vốn, quản trị doanh nghiệp và quyền lợi của doanh nghiệp khi đóng vai trò là chủ nợ của các doanh nghiệp khác, nhằm giúp cho các doanh nghiệp có được những giải pháp hợp lý và hiệu quả để tránh các rủi ro trong quá trình hoạt động khi LDN 2020 đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Cám ơn Quý Anh/Chị đã tham gia Chương trình CFOConnEx Gala Dinner. Như đã trao đổi, Văn phòng xin gửi file trình bày của Diễn giả, anh/chị vui lòng click vào link sau để tải về: https://drive.google.com/file/d/1x2BFlSUmyWVA3e68E5HAelPrmy-C0O7w/view?usp=sharing

Các hình ảnh sẽ được cập nhật trên Group/ Fanpage của CFO Vietnam. Nếu anh/chị cần thông tin gì thêm, vui lòng liên lạc với CFO nhé.

https://www.facebook.com/groups/cfovietnamclub

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu ngành Thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế; phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế…

Trong năm 2020, mặc dù bối cảnh, tình hình đất nước và toàn cầu đặc biệt khó khăn, thu ngân sách nhà nước (NSNN) của ngành Thuế ước đạt trên 1.275 triệu tỷ đồng, vượt 1,7% so với dự toán (tương ứng mức vượt gần 21 nghìn tỷ đồng), vượt trên 172 nghìn tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 1.

Đến năm 2020 đã cơ bản hoàn thành Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 với nhiều kết quả tích cực. Hệ thống chính sách pháp luật về thuế đã được hoàn thiện theo hướng bao quát, phát triển nguồn thu, bảo đảm tính thống nhất, đơn giản, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trên toàn quốc với 99,9% số doanh nghiệp khai, đăng ký nộp thuế điện tử, 95,5% số doanh nghiệp hoàn thuế điện tử; đã hoàn thành tích hợp 150 thủ tục thuế lên Cổng dịch vụ công Quốc gia vượt 161% kế hoạch đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thuế cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu trong năm 2021 toàn ngành Thuế cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai tốt, ngay từ đầu năm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao.

Hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế

Trong đó, ngành Thuế cần tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thành xây dựng chiến lược cải cách thuế cho giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập, nhất là trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách (miễn, giảm thuế, giãn thuế) để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Xây dựng chính sách lấy người nộp thuế là trung tâm và là đối tượng phục vụ. Xây dựng chính sách phải chú trọng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu, tránh thất thu, thu sót, lưu ý các lĩnh vực để bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam: chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ…. Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu NSNN năm 2021.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ, phải xây dựng được văn hóa, đội ngũ cán bộ “Liêm chính, chí công vô tư”, thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của Đảng viên, nhất là của người đứng đầu. Nâng cao chất lượng nhân lực Ngành Thuế, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Ngành khi thực thi công vụ. Thắt chặt kỷ luật kỷ cương, thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, nhất là các vị trí dễ xảy ra tiêu cực, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ; kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi Ngành những cán bộ công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất.

Cải cách quản lý thuế

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành Thuế theo hướng điện tử hóa, số hóa quản lý thuế, tập trung cải cách quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế, mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu những phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, tập trung quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn, chưa kiểm soát được nguồn tiền và thu nhập. Tiến tới thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử… Trong đó, tiến tới thanh tra, kiểm tra điện tử; đẩy mạnh công tác kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. Tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế, gần gũi, đồng hành cùng cơ quan thông tấn, báo chí, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu góp phần ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả; quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế; phát hiện và ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế; tăng cường quản lý hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức.

Vũ Phương Nhi

TheLEADERTheo đánh giá của bà Đào Thị Thiên Hương, Phó tổng giám đốc EY-Parthenon, trong khi các doanh nghiệp trên thế giới đã bước vào giai đoạn tái định vị để tiến về phía trước thì nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn loay hoay trong bài toán thích ứng dù Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh.

Bà Đào Thị Thiên Hương, Phó tổng giám đốc phụ trách tư vấn chiến lược EY Việt Nam

Doanh nghiệp tái định vị chiến lược trong bối cảnh mới

Với đại dịch Covid-19 nói riêng và các cuộc khủng hoảng nói chung, thường có 3 giai đoạn để các doanh nghiệp ứng phó.

Một là giai đoạn phản ứng nhanhcác doanh nghiệp Việt thường rất quyết liệt trong việc phản ứng với khủng hoảng. Bà Đào Thị Thiên Hương, Phó tổng giám đốc phụ trách tư vấn chiến lược EY Việt Nam (EY-Parthenon) cho biết, trong mạng lưới khách hàng của doanh nghiệp này, các công ty Việt Nam còn quyết liệt hơn so với công ty nước ngoài. Từ việc luân chuyển nhân sự, cắt giảm lương, cho nghỉ không lương, dừng hoặc trì hoãn các chi phí đầu tư không cần thiết được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

Tuy nhiên theo quan sát của bà Hương, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay với giai đoạn một thì doanh nghiệp các nước đã chuyển dịch khá nhanh sang giai đoạn thứ hai và thứ ba của việc xử lý khủng hoảng, mặc dù Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh từ sớm.

Giai đoạn thứ hai là xây dựng các kịch bản ứng phó và tạo giá trị trong ngắn hạn. Trong đó, các doanh nghiệp đánh giá lại danh mục đầu tư để phân bổ nguồn vốn phù hợp trong bối cảnh nguồn lực và thời gian ra quyết định có hạn nhằm đạt được hiệu quả tối ưu.

Bên cạnh đó là tối ưu hoá các khoản nợ. Theo bà Hương, nhiều doanh nghiệp Việt khi vay vốn ngân hàng để tài trợ cho một dự án thường giữ nguyên lãi suất suốt hành trình của dự án, thậm chí ngay cả khi đã gia hạn.

Trong khi đó bà Hương cho biết, lãi suất tín dụng phụ thuộc vào câu chuyện rủi ro của dự án. Khi cho vay, các ngân hàng sẽ định vị rủi ro của dự án, các rủi ro này sẽ thay đổi theo chu kỳ dự án. Cụ thể, nếu vay vốn ngân hàng tại thời điểm dự án đang chuẩn bị triển khai thì rủi ro cao hơn nên lãi suất sẽ cao hơn. Còn khi tòa nhà đã được hoàn thành và đưa vào vận hành thì rủi ro sẽ giảm đi, lãi suất cũng sẽ giảm. Mức lãi suất cho một dự án đã có dòng tiền phát sinh sẽ khác dự án chưa triển khai.

Giai đoạn thứ ba là tái định vị doanh nghiệp để mang lại những thay đổi mang tính cách mạng nhằm tiến về phía trước.

“Chúng tôi làm đề xuất tư vấn cho một số chuỗi bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam thấy họ đã rục rịch làm tái định vị được mấy tháng rồi, họ chưa chốt nhưng cũng đã tìm đến các nhà tư vấn”, lãnh đạo EY-Parthenon nói trong chương trình Café quản trị tháng 11 do Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) phối hợp với EY Việt Nam tổ chức.

Bà Hương cho rằng, dưới sức ép cắt giảm chi phí, các doanh nghiệp lựa chọn phương án tinh gọn chuỗi cung ứng. Thay vì làm việc với nhiều nhà cung cấp cho một mặt hàng, doanh nghiệp giảm bớt xuống còn 1-2 nhà cung cấp tốt nhất để tối ưu hoạt động.

Một mặt, các chi phí phải cắt đi nhưng cũng có những chi phí mà doanh nghiệp phải chấp nhận nới ra. Khi thị trường thay đổi, khách hàng thay đổi thì doanh nghiệp phải thực hiện các chuyển dịch trong kinh doanh, tái định vị mô hình kinh doanh để tiến về phía trước.

Lãnh đạo EY-Parthenon cho biết, trong hành trình tiết giảm chi phí và tái định vị, một công cụ mà các doanh nghiệp đang quay ngược trở lại để áp dụng là “Zero-based budgeting” (lập dự toán từ đầu).

Thông thường, ban kế hoạch sẽ điều phối các phòng ban như bán hàng, vận hành, sản xuất để lên kế hoạch cho năm tới. Tuy nhiên, một thực trạng thường xảy ra là kế hoạch lại được lập dựa trên dữ liệu của quá khứ. Chẳng hạn “năm ngoái thế này năm sau phải tăng lên”, “năm ngoái thế này chắc năm nay cũng vậy”…

Tuy nhiên, nếu dùng công cụ Zero-based budgeting, doanh nghiệp không cần quan tâm đến các dữ liệu trong quá khứ. Mỗi một đồng được lên kế hoạch chi cho năm tới đều phải được giải trình và chứng minh tính hiệu quả. Việc doanh nghiệp làm kế hoạch ngân sách giờ đây cũng giống như startup lại từ đầu.

Nghiên cứu của EY từ các cuộc khủng hoảng cho thấy, khủng hoảng đem lại cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp vốn đang hoạt động tốt trước khủng hoảng nhưng lại suy yếu sau khủng hoảng. Như General Motor và General Electric dù sở hữu quy mô lớn và thương hiệu lâu năm nhưng lại đối mặt với nhiều vấn đề tài chính. Do đó các công ty thuộc nhóm này dần đánh mất vị thế cạnh tranh, tạo điều kiện cho các công ty đối thủ tận dụng cơ hội để vượt lên trong cạnh tranh hoặc thâu tóm.

“Hoạt động đang tốt chuyển thành xấu sau khủng hoảng vì lĩnh vực hoạt động còn chập chờn, có phục hồi cũng mất thời gian, tỷ lệ nợ quá cao, lãi chồng lãi, không thể vay tiếp để phát triển và tăng trưởng. Một mặt không đủ nguồn lực để đầu tư tiếp, một mặt phải gánh nợ trên lưng. Công cuộc chắt bóp và tiết kiệm thông thường không tạo phát triển trong dài hạn”, bà Hương nói.

Một số doanh nghiệp vốn dĩ hoạt động không tốt nhưng biết cách xoay chuyển tình thế nên tìm được cơ hội phát triển sau khủng hoảng. Tiêu biểu phải kể đến là Telsa. Các số liệu và chỉ tiêu tài chính khả quan đã đem lại cơ hội vượt lên trên các đối thủ thông qua đầu tư và mua bán, sáp nhập. Hãng này cũng mạnh dạn đầu tư, đi cùng với việc xây dựng đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm và năng lực.

Có những doanh nghiệp đang hoạt động tốt nhưng nhờ tận dụng lợi thế nên vẫn vững vàng vượt qua khủng hoảng và phát triển sau đó. Netflix là một minh chứng. Hãng này cho đẩy mạnh đầu tư ngay cả trong khủng hoảng và có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ mơn.

Nhiều công ty hoạt động kém trước khủng hoảng nhưng không linh hoạt cộng với sự yếu kém của mình nên ngày càng đi xuống như Boeing, thậm chí là phải nộp đơn bảo hộ phá sản như Neiman Marcus. Ngành kinh doanh đang bão hoà, đi kèm với các chỉ số tài chính của công ty không ổn định là những vấn đề lớn.

Từ bốn nhóm này, lãnh đạo EY-Parthenon cho rằng, các công ty có tiềm lực, bảng cân đối tài sản tốt và mạnh dạn mua bán và sáp nhập sẽ có cơ hội tăng trưởng quy mô và nâng cao hiệu quả trong tương lai. Vì vậy, những công ty đang có bảng cân đối tài sản chưa mạnh thì nên cân nhắc cơ cấu lại danh mục đầu tư, thoái vốn ở một số khoản đầu tư để cải thiện bảng cân đối tài sản và có tiềm lực mở rộng.

“Có những người xây dựng được công trình đến nay vận hành đã 15-20 năm vẫn còn nhớ những ngày phải bò lổm ngổm trên sườn núi để giám sát công trình thời mới khởi nghiệp, yêu công trình như đứa con nên không nỡ cắt bỏ. Nhưng nếu vì tình yêu mà tiếc không bán đi thì phải gánh trên vai một áp lực kéo doanh nghiệp ngày càng đi xuống”, bà Hương nói.

Theo Quỳnh Chi, TheLeader

CFO Vietnam Year End Party – đã diễn ra vào ngày 20/01/2021 tại Tàu Bến Nghé, CFO Việt Nam đã tổ chức buổi Gặp mặt Tất niên Canh Tý 2020 và Chia sẻ Những lưu ý Quan trọng cho kỳ Quyết toán thuế 2020

Buổi Giao lưu chia sẻ tất niên đã diễn ra trong không khí vui vẻ đầm ấm, bên cạnh việc duy trì việc gặp gỡ giao lưu thắt chặt tình đoàn kết, buổi gặp mặt cũng là dịp để các Thành viên cùng trao đổi những kinh nghiệm trong việc Quyết toán Thuế 2020.

Trải qua chặng đường hơn 12 năm hoạt động của CFO Việt Nam với những thành tựu đáng tự hào, qua đó Ban lãnh đạo cũng đã dành sự tri ân trân trọng đến Anh /Chi đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của Câu lạc bộ.

Buổi Buổi Giao lưu chia sẻ đã mang đến cho các Thành viên một khoảng thời gian thực sự thư giãn.