Trong số này
Đơn vị Tài trợ Bản tin
Click (+) để xem chi tiết Bản tin
Trân trọng cảm ơn các Quý Đối tác, Quý Thành viên đã đóng góp tin bài.
Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Chính phủ đề ra các mục tiêu đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ. Một số giải pháp về thuế được Chính phủ đặt ra như sau:
- Hoàn thiện và đơn giản hóa các chính sách, thủ tục về thuế;
- Sửa đổi luật thuế GTGT trong thời gian sớm nhất theo hướng điều chỉnh cơ chế và thời gian hoàn thuế GTGT;
- Sửa đổi chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt (giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô;
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế xuất bán hàng và tham gia chuỗi cung ứng nội địa;
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực thi có hiệu quả việc kiểm soát hiện tượng chuyển giá, gian lận thuế.
Chi tiết tại Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ ngày 6/8/2020.
Thủ tướng Chính phủ quyết định giảm 15% tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19
- Các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020.
- Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau nhưng chỉ ngừng một hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu đất, thửa đất đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp.
Chi tiết tại Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/8/2020.
Hướng dẫn thời điểm ghi nhận doanh thu đối với hoạt động xuất khẩu
- Theo quy định về thuế GTGT, ngày xác định doanh thu xuất khẩu (DT XK) hàng hóa để tính thuế GTGT là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên Tờ khai Hải quan. Tuy nhiên, về thuế TNDN không có quy định riêng cho thời điểm ghi nhận DT tính thuế, do đó được hiểu là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa.
- Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tài chính, thời điểm ghi nhận DT tính thuế đối với hoạt động XK là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan. Quy định này áp dụng cho cả mục đích tính thuế GTGT và TNDN, hiệu lực từ ngày 1/9/2014.
Hướng dẫn tại Công văn số 5476/BTC-CST của Bộ Tài chính ngày 7/5/2020.
Hướng dẫn hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng XK đã nhận được thanh toán bằng L/C
- Trường hợp qua thanh tra, kiểm tra thực tế hồ sơ của doanh nghiệp chứng minh việc thực xuất khẩu và thực nhận tiền thanh toán các lô hàng xuất khẩu tương ứng bằng phương thức L/C, được quy định tại các điều khoản thỏa thuận tại Hợp đồng mua bán được ký giữa doanh nghiệp và khách hàng nước ngoài (bên nhập khẩu) thì doanh nghiệp đáp ứng điều kiện có chứng từ thanh toán qua ngân hàng (của hàng hóa thực xuất khẩu) theo quy định pháp luật thuế để xem xét khấu trừ, hoàn thuế.
Hướng dẫn tại Công văn số 2485/TCT-DNL của Tổng Cục thuế ngày 18/6/2020.
Thuê DN khác nằm ngoài địa bàn ưu đãi thực hiện gia công sẽ không được hưởng ưu đãi thuế TNDN
- Trường hợp Công ty A đáp ứng điều kiện về địa bàn ưu đãi đầu tư có hoạt động thuê Công ty B gia công (Công ty B không thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư) thì phần thu nhập tương ứng của Công ty A không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện địa bàn ưu đãi đầu tư.
Hướng dẫn tại Công văn số 3218/TCT-CS của Tổng Cục thuế ngày 10/8/2020.
Nhà thầu nước ngoài không đủ điều kiện kê khai theo phương pháp hỗn hợp thì Chủ đầu tư phải khấu từ thuế NTNN và nộp cho CQT nơi diễn ra hoạt động xây dựng, lắp đặt
- Trường hợp Nhà thầu nước ngoài (NTNN) cung cấp dịch vụ xây dựng lắp đặt nhưng không áp dụng chế độ kế toán Việt Nam do đó không đáp ứng điều kiện kê khai thuế NTNN theo phương pháp hỗn hợp thì Chủ đầu tư khấu trừ và nộp thuế thay NTNN cho Cơ quan thuế (CQT) nơi diễn ra hoạt động xây dựng lắp đặt.
- Trường hợp Chủ đầu tư đã khấu trừ và kê khai nộp thuế thay NTNN cho CQT quản lý của Chủ đầu tư là chưa đúng theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính, do đó Chủ đầu tư cần kê khai điều chỉnh lại theo quy định.
Hướng dẫn tại Công văn số 3026/TCT-KK của Tổng Cục thuế ngày 29/7/2020.
Hướng dẫn ghi nhận thu nhập khi luân chuyển hàng hóa giữa các CN hạch toán phụ thuộc được ưu đãi thuế
Trường hợp doanh nghiệp (DN) có các Chi nhánh (CN) hạch toán phụ thuộc đang được hưởng các mức ưu đãi thuế khác nhau, khác tỉnh thành trực thuộc Trung ương với Trụ sở chính thì số thuế TNDN phải nộp của các CN thực hiện như sau:
- Số thuế TNDN phát sinh thực tế tại các địa phương trong thời gian hưởng ưu đãi sẽ được xác định trên cơ sở Thu nhập (TN) chịu thuế tính riêng tại địa phương đó. Trường hợp DN có luân chuyển hàng hóa giữa các CN hạch toán phụ thuộc để tiếp nối chu trình sản xuất của DN thì DN phải tính riêng TN chịu thuế của CN được hưởng ưu đãi thuế không bao gồm doanh thu luân chuyển nội bộ của DN, việc ghi nhận chi phí được trừ phải tương ứng với DT tính thuế.
- Trong cùng kỳ tính thuế, DN có phát sinh hoạt động kinh doanh bị lỗ, hoạt động kinh doanh có thu nhập thì việc bù trừ vào TN chịu thuế của hoạt động có TN thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 9 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính.
Hướng dẫn tại Công văn số 2756/TCT-CS của Tổng Cục thuế ngày 07/07/2020.
Hướng dẫn ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn đối với tiền gửi có kỳ hạn
- Trường hợp Công ty có khoản thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn phát sinh ngoài địa bàn ưu đãi thì khoản thu nhập này không thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn ưu đãi đầu tư.
Hướng dẫn tại Công văn số 2392/TCT-CS của Tổng Cục thuế ngày 22/07/2020.
Hướng dẫn về việc hoàn thuế GTGT của chi nhánh của công ty bị sáp nhập
- Theo hướng dẫn tại công văn này, phần thuế GTGT của chi nhánh của công ty bị sáp nhập không được xem xét hoàn thuế GTGT tại thời điểm chấm dứt hoạt động mà phải bàn giao số thuế này cho công ty bị sáp nhập để thực hiện quyết toán thuế theo quy định pháp luật khi thực hiện sáp nhập vào công ty khác.
Hướng dẫn tại Công văn số 3208/TCT-KK của Tổng Cục thuế ngày 10/08/2020.
Hướng dẫn về thực hiện chính sách thuế đối với dịch vụ sửa chữa cho doanh nghiệp chế xuất
Công ty ký hợp đồng với doanh nghiệp chế xuất (DNCX) để thực hiện dịch vụ sửa chữa linh kiện bản mạch điện tử (là nguyên liệu sản xuất hàng hóa) của DNCX; trong quá trình sửa chữa Công ty (Bên cung cấp dịch vụ) còn cung cấp nguyên vật liệu (NVL) thay thế cho các chi tiết bị hỏng. Địa điểm thực hiện dịch vụ tại nhà xưởng của Công ty thì:
- Trường hợp bản mạch điện tử sửa chữa có đầy đủ hồ sơ hải quan để xác định hàng hóa đưa ra và nhận lại của DNCX, thì dịch vụ sửa chữa (có hoặc không bao gồm giá trị NVL thay thế) được áp dụng 0% thuế GTGT.
- Trường hợp Công ty nhận bản mạch điện tử từ DNCX về xưởng của Công ty để thực hiện dịch vụ sửa chữa nhưng không có hồ sơ hải quan xác định hàng hóa đưa ra và nhận lại của DNCX, thì dịch vụ sửa chữa (có hoặc không bao gồm giá trị NVL thay thế) được áp dụng 10% thuế GTGT.
Hướng dẫn tại Công văn số 2555/CT-TTHT của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ngày 20/8/2020.
Hướng dẫn nghĩa vụ thuế TNCN đối với khoản hỗ trợ lãi suất vay mua căn hộ
- Trường hợp khách hàng (KH) là cá nhân mua căn hộ của Công ty, Công ty có chính sách bán hàng thông qua việc hỗ trợ lãi suất tiền vay cho KH vay tiền từ ngân hàng (trong các ngân hàng ký liên kết với Công ty) để thanh toán tiền mua căn hộ; khoản tiền hỗ trợ lãi suất tiền vay cho KH được thực hiện thông qua ngân hàng, không chi trả bằng tiền hoặc trừ vào giá mua căn hộ, thì đây là khoản chi phí của doanh nghiệp, không phải khoản thu nhập (TN) chịu thuế TNCN của KH mua căn hộ. Công ty không phải khấu trừ thuế TNCN đối với khoản chi hỗ trợ tiền vay này khi thực hiện thanh toán lãi với ngân hàng.
- Hướng dẫn tại Công văn số 2394/CT-TTHT của Cục thuế tỉnh Bắc Ninh ngày 3/8/2020.
- Hướng dẫn về việc người có thu nhập từ mạng xã hội nhiều hơn 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế GTGT và TNCN
- Trường hợp cá nhân có thu nhập (TN) từ hoạt động thương mại điện tử, theo đó, hoạt động cung cấp sản phẩm phần mềm, sáng tạo nội dung,… trên các trang mạng xã hội, phân phối ứng dụng, chia sẻ nội dung là hoạt động dịch vụ.
- Cá nhân khi tham gia kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ thực hiện nộp thuế theo từng lần phát sinh và căn cứ tính thuế là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu (thuế GTGT: 5% và thuế TNCN: 2%).
Hướng dẫn tại Công văn số 66230/CT-KK&KTT của Cục thuế Hà Nội ngày 16/7/2020.
Doanh nghiệp chế xuất cho thuê xưởng sẽ bị truy thu thuế NK và thuế GTGT hàng NK cho linh kiện hoặc NVL xây dựng nhà xưởng
- Trường hợp doanh nghiệp chế xuất (DNCX) nhập khẩu (NK) hàng hóa để xây dựng nhà xưởng thuộc đối tượng không chịu thuế sau đó DNCX cho thuê lại (bao gồm cả DN nội địa) một phần nhà xưởng được xây dựng từ nguyên vật liệu (NVL) NK trên thì phải kê khai, nộp đủ thuế. Khi hết thời hạn cho thuê, DNCX thu hồi và tiếp tục sử dụng phần nhà xưởng này thì không được hoàn lại số tiền thuế đã nộp khi cho thuê do chưa có quy định hiện hành về vấn đề này.
Hướng dẫn tại Công văn số 4927/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan ngày 24/7/2020.
Thân Trọng Lý, Luật sư – Công ty Luật TNHH DIMAC[1]
Xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi các khoản nợ đến hạn là một trong các vấn đề quan trọng đối với các ngân hàng. Pháp luật hiện hành cho phép các ngân hàng với tư cách là bên nhận bảo đảm được chủ động xử lý tài sản bảo đảm theo các phương thức thỏa thuận với bên bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng thường gặp một số vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản với nguyên nhân chính là do bên bảo đảm (i) cương quyết không giao tài sản; (ii) không hợp tác ký các giấy tờ chuyển quyền sở hữu tài sản; hoặc (iii) tài sản bị tranh chấp bởi một bên thứ ba nên các ngân hàng buộc phải khởi kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp để thu hồi nợ khi Cơ quan thi hành án xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở bản án có hiệu lực của Tòa án.
Nhằm khắc phục các vướng mắc đã nêu, các cơ quan nhà nước đã ban hành một số văn bản, ghi nhận các giải pháp phù hợp. Chúng tôi sẽ phân tích dưới đây những vấn đề quan trọng để giúp doanh nghiệp hiểu rõ về vấn đề này.
1. Phương thức hợp pháp xử lý tài sản bảo đảm
Về nguyên tắc, Ngân hàng hoặc người được Ngân hàng ủy quyền trước hết có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức do các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Nếu các bên không thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản sẽ được xử lý theo quy định pháp luật. Cụ thể, Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính Phủ (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) về giao dịch bảo đảm (“Nghị định 163”) quy định:
- Các phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận (Điều 59), bao gồm: (i) Bán tài sản bảo đảm; (ii) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; (iii) Bên nhận bảo đảm nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ; và (iv) Phương thức khác do các bên thỏa thuận.
- Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì các tài sản này được bán đấu giá theo quy định của pháp luật (Điều 68).
Theo đó, Điều 58.4 của Nghị định 163 (đã được sửa đổi bổ sung bởi Điều 1.15 của Nghị định 11/2012/NĐ-CP) cho phép ngân hàng hoặc người được ngân hàng ủy quyền căn cứ theo nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm.
Để cụ thể hóa các quyền của ngân hàng trong khi xử lý tài sản bảo đảm và khắc phục các vấn đề trên thực tế, vào ngày 06/06/2014, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTC-BTNMT-NHNN (“TTLT 16”) nhằm hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này. Theo đó, Điều 10 của TTLT 16 quy định trường hợp các bên có thỏa thuận việc bán tài sản bảo đảm không qua đấu giá thì Ngân hàng và bên bảo đảm sẽ thỏa thuận giá bán tài sản bằng văn bản. Nếu không thỏa thuận được giá bán và bên bảo đảm không chỉ định tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá bán trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày không thỏa thuận được giá bán thì Ngân hàng có quyền chỉ định cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá để giá bán tài sản đó.
Nếu không bán được tài sản theo giá của tổ chức thẩm định giá thì Ngân hàng có quyền hạ giá bán tài sản trong vòng 15 ngày kể từ ngày tài sản không bán được. Việc hạ giá bán tài sản có thể thực hiện liên tục ba (03) lần nhưng mỗi lần hạ giá bán tài sản không được quá mười phần trăm (10%) giá đã định và phải cách nhau ít nhất là ba mươi ngày (30) ngày đối với bất động sản và mười lăm (15) ngày đối với động sản. Sau ba (03) lần liên tục hạ giá mà vẫn không bán được tài sản thì Ngân hàng được nhận chính tài sản đó để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thế chấp theo quy định pháp luật.
Vui lòng lưu ý trường hợp Ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm bằng phương thức nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm thì việc xác định giá của tài sản bảo đảm được thực hiện tương tự theo quy định tại Điều 10 của TTLT 16 như trên.
2. Thủ tục đăng ký và chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản sau khi xử lý tài sản bảo đảm
Đối với các loại tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định thì bên mua, bên nhận tài sản có quyền sở hữu tài sản bảo đảm kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao hay thời điểm khác do các bên thỏa thuận (Điều 12.3 của TTLT 16). Hợp đồng bảo đảm hợp pháp và biên bản xử lý tài sản bảo đảm (nếu có) là giấy tờ chứng minh việc xác lập quyền sở hữu tài sản của bên nhận bảo đảm.
Đối với tài sản bảo đảm phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì sẽ tiến hành thủ tục đăng ký thành hai (02) bước như sau:
- Bước 1: Bên chủ sở hữu tài sản hoặc bên được chủ sở hữu ủy quyền phải ký kết hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển nhượng tài sản cho bên mua và công chứng hợp đồng này tại Văn phòng công chứng có thẩm quyền.
Trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác và không tự nguyện ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, Ngân hàng được quyền ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu đó với điều kiện trong hợp đồng bảo đảm hoặc văn bản khác ký kết giữa hai bên có thỏa thuận về việc Ngân hàng được quyền ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm (Điều 12.2 của TTLT 16). Tuy nhiên, trong hồ sơ đề nghị chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải bổ sung một (01) bản chính hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, chứng thực hoặc văn bản khác chứng minh có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm được quyền ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.
- Bước 2: Tiến hành làm thủ tục đăng ký để chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản sang tên trên giấy tờ chứng nhận cho bên mua.
Riêng đối với tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai, việc đăng ký quyền sở hữu, quyền lưu hành tài sản sau khi hình thành được thực hiện theo quy định của pháp luật và trên cơ sở hợp đồng bảo đảm mà không cần có văn bản ủy quyền của bên bảo đảm (Điều 8.1.d của TTLT 16).
Có thể nói rằng TTTL 16 được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như tài sản bị tranh chấp bởi một bên thứ ba hoặc bên bảo đảm hoặc người đang quản lý tài sản không hợp tác, cương quyết không giao tài sản thì trên thực tế, các ngân hàng cũng rất khó tự mình xử lý tài sản. Khi đó, bên nhận bảo đảm sẽ vẫn phải khởi kiện ra Tòa án hoặc Cơ quan Trọng tài, nếu có thỏa thuận, để các cơ quan này giải quyết theo quy định hiện hành, cụ thể là sẽ tuyên một một bản án/phán quyết có hiệu lực và dựa trên đó, các bên có liên quan sẽ buộc phải thi hành trong giai đoạn thi hành án.
[1] Thông tin của Công ty Luật TNHH DIMAC có thể tìm hiểu thêm tại www.dimac-law.com
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics đánh giá Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực Đông Nam Á đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics được ủy quyền bởi The Institute of Chartered Accountants in England and Wales (ICAEW), triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam là “tươi sáng” nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo đánh giá Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực Đông Nam Á đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Báo cáo trên dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 sẽ giảm 4,2%.
Báo cáo cũng nhận định sự phục hồi hoạt động kinh tế của khu vực trong những quý tới vẫn không chắc chắn, đặt biệt là trong quý 4/2020.
Cụ thể, các nền kinh tế kiểm soát tốt dịch bệnh như Thái Lan và Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với Indonesia và Philippines khi hai nước này đang phải vật lộn với những làn sóng bùng phát mới của đại dịch COVID-19 sau khi những biện pháp hạn chế ở các nước này được nới lỏng sớm.
[Hướng đến thành công khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam]
Báo cáo cũng lưu ý cả Indonesia và Philippines vẫn rất dễ bị tổn thương vì hai nước này có cơ sở hạ tầng y tế công yếu kém hơn, các mức hỗ trợ tài chính thấp hơn và nền kinh tế hướng theo tiêu dùng hơn so với các nước khác trong khu vực.
Tốc độ phục hồi của Indonesia được cho là chậm. GDP năm 2020 của Indonesia dự kiến giảm 2,7% trước khi tăng 6,2% trong năm 2021.
Philippines được dự báo ghi nhận số liệu GDP kém nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức ước giảm 8,2% trong năm nay do phụ thuộc vào ngành du lịch và chậm dỡ bỏ lệnh phong tỏa chống dịch bệnh.
Trong khi đó, xuất khẩu của Malaysia được hưởng lợi từ nhu cầu nhập khẩu được cải thiện của Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế của Malaysia sẽ chậm do nhu cầu yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao và đầu tư suy yếu trên toàn cầu.
Nền kinh tế Malaysia được dự báo sẽ giảm 6% trong năm 2020 trước khi phục hồi với mức tăng trưởng 6,6% vào năm 2021.
Giám đốc khu vực của ICAEW, Mark Billington, đánh giá con đường phục hồi của các nền kinh tế ở Đông Nam Á sẽ còn dài do những căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, sự giảm tốc dài hạn trong hoạt động thương mại toàn cầu và đại dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của khu vực./.
Kỳ vọng này đặt ra khi Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt Covid-19, đi cùng với triển vọng hồi phục tốt hơn và nhanh hơn của doanh nghiệp.
Đã hơn ba tháng đã trôi qua kể từ khi công bố dự thảo, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 .
Đã chuẩn bị từ làn sóng thứ nhất
Đại dịch này diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt sau khi quay tại tại Đà Nẵng rồi lan ra các địa phương cuối tháng 7 vừa qua, đã tiếp tục tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Trước đó, trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu đề xuất của các tổ chức tín dụng (TCTD) cùng đề xuất của các doanh nghiệp sau loạt cuộc đối thoại, cuối tháng 5/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định xây dựng và công bố dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 01 nói trên.
Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất tại dự thảo là NHNN cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với nợ được giải ngân từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 25/4/2020. Trước đó, Thông tư 01 chỉ quy định với các khoản nợ trước ngày 23/01/2020.
Đồng thời, dự thảo thông tư cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại.
Đến khi làn sóng Covid-19 thứ hai xảy ra, yêu cầu sửa đổi Thông tư 01 càng trở nên cấp thiết khi theo phản ảnh của nhiều TCTD và doanh nghiệp, phần lớn các khoản giải ngân sau ngày 23/1/2020, đặc biệt là các khoản cho vay ngắn hạn, khách hàng vẫn không có khả năng trả nợ theo kỳ hạn, thời hạn tại hợp đồng, thỏa thuận cho vay.
Theo đó, các khoản nợ trên được phân loại theo quy định dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD có thể tăng cao, đột biến trong một vài năm tới, chi phí dự phòng tăng, ảnh hưởng đến chênh lệch thu chi của các TCTD; doanh nghiệp cũng vì thế gặp trở ngại trong khả năng tiếp cận nguồn tín dụng mới để tìm, thúc đẩy hướng phục hồi…
Đại diện NHNN tại các cuộc họp cũng liên tục nhấn mạnh sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng kéo dài thời gian hỗ trợ có thể đến hết năm 2020 hoặc lâu hơn nữa tùy theo diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thống đốc NHNN cũng đã có chỉ đạo đầu mối chuyên trách khẩn trương ban hành thông tư mới nói trên. Và tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng cũng đã nhắc nhở về tiến độ của chính sách này.
Cân nhắc nhiều yếu tố trước thực tế khó lường
Thực tế cho thấy, việc NHNN cân đo đong đếm kỹ lưỡng trước khi quyết định đưa ra Thông tư sửa đổi là hoàn toàn hợp lý, vì nhiều lý do.
Trước hết, việc cơ cấu nợ mà không phải chuyển nhóm càng mở rộng quy mô, càng kéo dài thời gian sẽ càng làm “biến dạng” sổ sách của các TCTD và đẩy rủi ro, khó khăn khó lường về tương lai. Đây cũng là một điểm mà Thủ tướng Chính phủ lưu ý tại phiên họp thường kỳ vừa qua.
Càng mở rộng quy mô và kéo dài thời gian, các TCTD có thể sẽ thụ động hơn trong kiểm soát được các khoản nợ xấu, không kịp thời trích lập dự phòng rủi ro, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn và tạo lợi nhuận ảo.
Trong một báo cáo mới công bố, dựa trên kịch bản cơ sở rằng Covid-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021, SSI Research cho rằng, thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài hết nửa đầu năm 2021. Do đó, nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu nổi lên mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và 2022.
Song song với kịch bản trên, chuyên gia cũng cảnh báo, những thách thức về vốn vẫn tồn tại. Các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid sẽ đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng.
Thứ hai, có thể dự tính NHNN đã và đang cân nhắc kỹ hơn trước một thực tế dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 xây dựng và dự kiến ban hành sau khi Việt Nam đã kiểm soát thành công làn sóng thứ nhất của Covid-19. Nhưng, từ 25/7 vừa qua, dịch bệnh này quay trở lại và lan ra nhiều địa phương, ảnh hưởng lại mở rộng và kéo dài. Theo đó, nhà hoạch định cần theo dõi đo lường tính khả thi, sát thực của chính sách khi ban hành để hợp lý hơn.
Có một điểm cụ thể nhất, NHNN xây dựng chính sách này dựa trên báo cáo của các TCTD về thực trạng khách hàng đang và dự báo sẽ gặp khó khăn bởi Covid-19, cũng như từ các cuộc đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành. Những cơ sở này chưa bao gồm diễn biến mới từ làn sóng thứ hai vừa qua.
Và có một thực tế khác, kỳ vọng được đặt ra. Sau khi kiểm soát thành công làn sóng thứ nhất, tiếp tục kiểm soát tốt Covid-19 cho đến nay, nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có triển vọng hồi phục và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó, mức độ hỗ trợ của thông tư dự kiến sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 kỳ vọng sẽ thu hẹp phạm vi trên thực tế, hay các TCTD trượt bớt kế hoạch phải cơ cấu lại nợ.
Như cập nhật mới đây, tại TP.HCM, ngành ngân hàng đã tiếp nhận 725 trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch bệnh Covid-19; tuy nhiên, có tới 108 trường hợp sau khi xem xét thì chưa có hoặc không còn nhu cầu hỗ trợ.
“Trong tình hình đặc biệt thì cần có biện pháp đặc thù”
Về Thông tư 01 và dự thảo sửa đổi, bổ sung nói trên, trao đổi với BizLIVE mới đây, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần phải nhìn vào điểm xuất phát của chính sách.
Covid-19 xảy ra, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới. Nó tạo nên tình hình đặc biệt và cần có biện pháp đặc thù.
Chuyên gia này nêu tình huống, gặp một người bị tai nạn trên đường, cần cứu ngay thay vì cứ đề nằm im chảy máu mà ghi nhận hiện trường, xét đúng sai rồi mới cứu.
“Vậy nên, trước mắt là cứu doanh nghiệp đã. Cứu được doanh nghiệp là đảm bảo được ổn định kinh tế. Chúng ta phải hiểu đây không phải là lỗi của doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
Theo ông, Thông tư 01 cũng như thông tư sửa đổi, bổ sung tới đây chính là sự đồng cam chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ với các doanh nghiệp khác, nhưng trên cơ sở vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
“Cũng không thể áp Basel II một cách đầy đủ và hoàn toàn trong tình hình đặc biệt này. Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải làm như vậy, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và cứu nền kinh tế”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
-
Vương Nguyễn Đăng Khoa
Hội viênÔng Vương Nguyễn Đăng Khoa có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kế...
Chi tiết -
Đinh Thị Thuý Hà
Hội viênBà Đinh Thị Thuý Hà hiện đang là Trưởng ban Tài chính kế toán tại Công ty CMC...
Chi tiết -
Nguyễn Thị Hải Yến
Hội viênà Nguyễn Thị Hải Yến hiện là Giám đốc Tài chính tại Công ty TNHH Galaxy Digital...
Chi tiết -
Lê Thị Ngọc An
Hội viênBà Lê Thị Ngọc An hiện đang là Trưởng phòng Tài chính kế hoạch tại Công ty...
Chi tiết -
Nguyễn Hải Sơn
Hội viên tổ chứcÔng Nguyễn Hải Sơn hiện đang là Tổng giám đốc điều hành tại CMC Consulting...
Chi tiết -
Tống Thị Tươi
Hội viên tổ chứcBà Tống Thị Tươi hiện đang là Giám đốc Kinh doanh và Tư vấn ENT tại CMC Consulting...
Chi tiết