Trong số này
Đơn vị Tài trợ Bản tin
Click (+) để xem chi tiết Bản tin
Trân trọng cảm ơn các Quý Đối tác, Quý Thành viên đã đóng góp tin bài.
- Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước
Theo đó, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10 năm 2020 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cụ thể như sau:
a) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 9 năm 2020.
b) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 4 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 10 năm 2020.
c) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2020.
d) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2020.
đ) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 7 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2020.
e) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 8 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2020.
g) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 9 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2020.
h) Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 năm 2020 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2020.
Quy định chi tiết tại Nghị định số 109/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/9/2020.
- Chính phủ ban hành Nghị định thi hành Nghị quyết 116/2020/QH14 giảm 30% thuế TNDN
Một số điểm lưu ý của Nghị định:
– Tổng doanh thu (DT) trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 của doanh nghiệp (DN) bao gồm toàn bộ toàn bộ tiền bán hàng, gia công, cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội
– Trường hợp DN mới thành lập, DN chuyển đổi loại hình, chia, tách, sáp nhập, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 hoạt động không đủ 12 tháng thì tổng DT năm 2020 được xác định bằng tổng DT thực tế trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 chia (:) cho số tháng thực tế hoạt động nhân (x) với 12 tháng. Trường hợp DN mới thành lập, DN chuyển đổi loại hình chia, tách, sáp nhập, giải thể, phá sản trong tháng thì thời gian hoạt động được tính đủ tháng.
– Trường hợp DN dự kiến tổng DT trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 không quá 200 tỷ thì DN xác định tạm nộp hàng quý bằng 70% số thuế TNDN phải nộp của quý.
– Số thuế TNDN được giảm quy định tại Nhị định này được tính trên số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020, sau khi đã trừ đi số thuế TNDN đang được hưởng ưu đãi theo quy định.
– Trường hợp kỳ tính thuế năm đầu tiên của DN mới thành lập là năm 2019 hoặc kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với DN chuyển đổi loại hình chia, tách, sáp nhập, giải thể, phá sản là năm 2021 có thời gian ngắn hơn 3 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế TNDN năm 2020 để hình thành một kỳ tính thuế TNDN. Việc xác định tổng DT và số thuế được giảm trong trường hợp này chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2020 (12 tháng).
Quy định chi tiết tại Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
- Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan
Danh mục hàng hóa nhập khẩu không được gửi kho ngoại quan bao gồm:
– Thuốc lá điếu có chứa lá thuốc lá nhãn hiệu 555, Esse không có xuất xứ Việt Nam.
– Rượu whisky có dung tích trên 50ml không có xuất xứ Việt Nam.
Quy định tại Quyết định số 27/2020/QĐ-TTg ngày 21/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất gồm có:
– Phế liệu sắt, thép.
– Phế liệu nhựa.
– Phế liệu giấy.
– Phế liệu thủy tinh.
– Phế liệu kim loại màu.
– Phế liệu xỉ hạt lò cao.
Quy định tại Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/9/2020.
- Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam:
– Kể từ ngày 1/10/2020 trở đi, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014) là:
+ Không kỳ hạn hoặc kỳ hạn dưới 1 tháng: 0,2%/năm.
+ Kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4%/năm; riêng đối với Quỹ Tín dụng Nhân dân và tổ chức Tài chính Vi mô là 4,5%/năm.
– Đối với tiền gửi trước ngày 1/10/2020 thì thực hiện theo hợp đồng tiền gửi hiện tại cho đến khi hết hạn.
Quy định tại Quyết định số 1729/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngày 30/9/2020.
- Mức lãi suất tối đa đối với cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam:
– Kể từ ngày 1/10/2020 trở đi, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành nghề kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Khoản 2 Điều 13) ngày 30/12/2016) là:
+ Tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ Tín dụng Nhân dân và tổ chức Tài chính Vi mô): 4,5%/năm.
+ Quỹ Tín dụng Nhân dân và tổ chức Tài chính Vi mô là 5,5%/năm.
– Đối với hợp đồng tín dung, thỏa thuận cho vay ký trước ngày 1/10/2020 thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký.
Quy định tại Quyết định số 1730/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngày 30/9/2020.
- Tổng Cục thuế thiết lập Hệ thống kênh thông tin Hỗ trợ người nộp thuế qua hệ thống eTax
Hệ thống kênh thông tin Hỗ trợ người nộp thuế qua hệ thống eTax của Tổng cụ Thuế có hiệu lực từ ngày 5/10/2020, nhằm đảm bảo kỹ thuật, duy trì tương tác, hỗ trợ của 479 kênh thông tin (gồm 63 Cục Thuế và 415 Chi cục Thuế) hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt, hỗ trợ người nộp thuế 24/7.
Quy định tại Quyết định số 1557/QĐ-TCT ngày 2/10/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
- Hướng dẫn về thuế TNCN đối với khoản công đoàn công ty hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Trường hợp người lao động của doanh nghiệp nhận được khoản hỗ trợ tiền thuê nhà trọ của công đoàn công ty do chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19 thì khoản hỗ trợ này là khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.
Hướng dẫn tại Công văn số 3845/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế ngày 15/9/2020.
- Hướng dẫn giảm thuế TNDN theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 đối với DN có năm tài chính khác năm dương lịch
Theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, đơn vị có doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng thì được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020.
Trường hợp Công ty có kỳ tính thuế TNDN theo năm tài chính không trùng năm dương lịch thì số thuế TNDN được giảm của năm 2020 xác định phù hợp với kỳ tính thuế TNDN của doanh nghiệp.
Hướng dẫn tại Công văn số 77768/CT-TTHT của Cục thuế TP. Hà Nội ngày 21/8/2020.
- Hướng dẫn về chính sách thuế đối với khoản chi mua căn hộ cho người lao động (NLĐ) nước ngoài ở khi làm việc tại Việt Nam
– Về trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ): Trường hợp căn hộ gắn liền với quyền sử dụng đất lâu dài thì giá trị sử dụng đất phải xác định riêng và ghi nhận là TSCĐ vô hình, không được trích khấu hao và phân bổ vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập (TN) chịu thuế TNDN.
Đối với giá trị căn hộ chung cư, Công ty căn cứ hóa đơn chứng từ để xác định giá mua thực tế cộng (+) các chi phí liên quan trực tiếp đưa căn hộ vào sử dụng để xác định nguyên giá và trích khấu hao.
– Khấu trừ thuế GTGT đầu vào: Trường hợp Công ty mua căn hộ (ở ngoài Khu Công nghiệp) cho NLĐ nước ngoài cấp quản lý, ký Hợp đồng Lao động trực tiếp với Công ty và cư trú trong thời gian làm việc ở Việt Nam thì thuế GTGT đầu vào của căn hộ và thuế GTGT của trang thiết bị, dịch vụ kèm theo không được khấu trừ (Khoản 1 Điều 19 Thông tư số 219/2013/TT-BTC). Số thuế GTGT không được khấu trừ được hạch toán vào chi phí để tính thuế TNDN hoặc tính vào nguyên giá căn hộ để trích khấu hao.
– TN chịu thuế TNCN: Chi phí khấu hao căn hộ, tiền điện, nước và các dịch vụ kèm theo được tính vào TN chịu thuế TNCN của NLĐ nhưng không vượt quá 15% tổng TN chịu thuế (chưa bao gồm các khoản trên).
– Chi phí khấu hao được trừ và kinh phí bảo trì: Trường hợp trong hợp đồng mua căn hộ có thỏa thuận Công ty phải đóng khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung (2% tiền bán căn hộ) theo Luật Nhà ở, thì khoản này được tính vào chi phí được trừ. Công ty thực hiện cộng phần kinh phí bảo trì vào nguyên giá căn hộ để trích khấu hao.
Trường hợp có thay đổi biến động về nhân sự dẫn đến phát sinh khoảng thời gian không có ai cư trú tại căn hộ, thì chi phí khấu hao căn hộ trong thời gian này (dưới 9 tháng) được tính vào chi phí được trừ nếu Công ty có đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng sử dụng căn hộ.
Hướng dẫn tại Công văn số 3079/CT-TTHT của Cục thuế Bắc Ninh ngày 28/9/2020.
- Hướng dẫn về thuế TNCN đối với khoản nhận bồi thường vi phạm hợp đồng
Luật thuế TNCN chỉ quy định 10 loại thu nhập (TN) chịu thuế gồm: TN từ tiền lương tiền công; từ đầu tư vốn; từ chuyển nhượng vốn; từ chuyển nhượng bất động sản; từ trúng thưởng; từ bản quyền; từ nhượng quyền thương mại; từ thừa kế; từ quà tặng.
Theo đó, trong quá trình kinh doanh, Công ty có vi phạm hợp đồng với khách hàng cá nhân và Công ty phải trả lại cho cá nhân số tiền đã thanh toán theo hợp đồng và một khoản tiền bồi thường vi phạm hợp đồng nêu trên, thì khoản bồi thường này không được quy định cụ thể trong 10 khoản TN chịu thế theo quy định nên cá nhân không phải nộp thuế TNCN cho khoản này
Hướng dẫn tại Công văn số 7715/CT-TTHT của Cục thuế Đồng Nai ngày 18/8/2020.
- Hướng dẫn thuế TNCN và chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động nước ngoài do doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp mẹ tại nước ngoài chi trả
– Trường hợp Công ty thực hiện thanh toán tiền lương, tiền công (đã bao gồm thuế TNCN) cho người lao động nước ngoài theo hợp đồng lao động thì tiền lương, tiền công thuộc thu nhập chịu thuế TNCN.
Nếu Công ty nộp thay cho người nước ngoài thuế TNCN phát sinh từ khoản thu nhập nêu trên thì không thuộc khoản chi được trừ khi xác định thuế TNDN của Công ty.
– Trường hợp Công ty thực hiện thanh toán tiền lương, tiền công (không bao gồm thuế TNCN) cho người lao động nước ngoài theo hợp đồng lao động thì tiền lương, tiền công thuộc thu nhập chịu thuế TNCN.
Nếu Công ty nộp thay cho người nước ngoài thuế TNCN phát sinh từ khoản thu nhập nêu trên thì thuộc khoản chi được trừ khi xác định thuế TNDN của Công ty.
– Trường hợp Công ty thay cho người nước ngoài thuế TNCN phát sinh từ khoản thu nhập do Công ty nước ngoài (Công ty mẹ) chi trả thì không thuộc khoản chi được trừ khi xác định thuế TNDN của Công ty.
Hướng dẫn tại Công văn số 7955/CT-TTHT của Cục thuế Đồng Nai ngày 24/8/2020.
- Hướng dẫn về thực hiện chính sách thuế đối với hoạt động nhận gia công của doanh nghiệp chế xuất (DNCX)
Trường hợp DNCX nhận gia công cho DNCX khác
a) Về thuế XK, NK: Trường hợp DNCX thuê DNCX khác gia công thì hàng hóa đưa đi gia công tại DNCX khác không thuộc đối tượng chịu thuế XK, NK.
b) Về thuế GTGT đối với dịch vụ gia công của DNCX cung cấp cho DNCX khác: Trường hợp DNCX nhận gia công cho DNCX khác là quan hệ mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các khu phi thuế quan với nhau nên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
Trường hợp DNCX nhận gia công cho doanh nghiệp nội địa
a) Đối với doanh nghiệp nội địa: Về thuế nhập khẩu: Trường hợp DNCX nhận gia công cho doanh nghiệp nội địa, khi nhận lại sản phẩm đặt gia công từ DNCX thì doanh nghiệp nội địa phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 8 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP. Trị giá tính thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, không tính vào trị giá hải quan sản phẩm sau gia công trị giá của vật tư, nguyên liệu mà doanh nghiệp nội địa đã đưa đi gia công tại DNCX theo hợp đồng gia công.
Về thuế GTGT: DN nội địa phải kê khai, nộp thuế GTGT theo giá tính thuế GTGT quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
b) Đối với DNCX: Về thuế GTGT đối với dịch vụ gia công của DNCX cung cấp cho doanh nghiệp nội địa: Đề nghị đối chiếu quy định tại Khoản 7 Điều 30 Nhị định số 82/2018/NĐ-CP xác định rõ hoạt động gia công của DNCX có hay không thuộc hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam để áp dụng chính sách thuế GTGT theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp hoạt động gia công của DNCX thuộc hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định tại khoản 7 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP thì DNCX hạch toán riêng và kê khai, nộp thuế GTGT riêng đối với hoạt động gia công nêu trên với thuế suất thuế GTGT 10%.
Hướng dẫn tại Công văn số 5589/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan ngày 21/8/2020.
- Hướng dẫn hoàn thuế GTGT của dự án ODA
Trường hợp dự án (DA) có cơ cấu vốn một phần là nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại, một phần là vốn đối ứng từ NSNN thì:
– Chủ DA ODA không được hoàn thuế GTGT đầu vào đã trả đối với phần hàng hóa, dịch vụ mua tại Việt Nam bằng nguồn vốn đối ứng từ NSNN để thực hiện DA.
– Chủ DA ODA không được hoàn thuế GTGT đầu vào đã trả đối với phần hàng hóa, dịch vụ mua từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại nếu DA được NSNN bố trí vốn đối ứng để trả thuế GTGT cho phần giá trị hàng hóa, dịch vụ mua từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại.
Hướng dẫn tại Công văn số 81428/CT-TTHT của Cục thuế TP. Hà Nội ngày 07/9/2020.
- Hướng dẫn thuế GTGT đối với kim tiêm nhập khẩu dùng trong y tế
Kim tiêm nhập khẩu dùng trong y tế thuộc đối tương áp mức thuế suất thuế GTGT là 5%.
Hướng dẫn tại Công văn số 5273/TCHD-TXNK của Tổng cục Hải quan ngày 11/8/2020.
- Hướng dẫn thuế GTGT đối với mặt hàng nhập khẩu đất nặn dùng cho học sinh
Hàng hóa nhập khẩu là mặt hàng “đất nặn dùng cho học sinh” – mã số 3407.00.10 – không được quy định cụ thể tại Luật thuế GTGT và các văn bản quy phạm pháp luật thì thuế suất thuế GTGT theo hướng dẫn tại Thông tư số 84/2014/TT-BTC là 10%.
Hướng dẫn tại Công văn số 6001/TCHD-TXNK của Tổng cục Hải quan ngày 11/9/2020.
- Hướng dẫn thuế GTGT đối với thiết bị lắp đặt cho trường học
Trường hợp Công ty cung cấp các thiết bị cho trường học như máy tính xách tay, micro không dây…, các thiết bị này không phải thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy thì không thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
Hướng dẫn tại Công văn số 79908/CT-TTHT của Cục thuế TP. Hà Nội ngày 31/8/2020.
- Hướng dẫn thuế GTGT đối với hoạt động cho thuê mặt bằng mái
Trường hợp Công ty cho thuê mặt bằng mái nhà máy theo đúng quy định của pháp luật thì Công ty lập hóa đơn GTGT với thuế suất 10%.
Hướng dẫn tại Công văn số 79907/CT-TTHT của Cục thuế TP. Hà Nội ngày 31/8/2020.
- Hướng dẫn thuế GTGT đối với dịch vụ tư vấn cho tổ chức nước ngoài
Trường hợp Công ty cung ứng dịch vụ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam thì được xác định là dịch vụ xuất khẩu, thuộc trường hợp áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC (dịch vụ cung cấp gắn với việc bán, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam).
Hướng dẫn tại Công văn số 80739/CT-TTHT của Cục thuế TP. Hà Nội ngày 3/9/2020.
- Hướng dẫn thuế GTGT đối với hoạt động khoa học và công nghệ
Trường hợp Công ty được thành lập và đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ theo đúng quy định của pháp luật thì:
– Nếu Công ty thực hiện dịch vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gồm: nghiên cứu sản phẩm, kiểm soát nguyên liệu, tương đương sinh học… đáp ứng điều kiện quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ và Khoản 15 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5%.
– Nếu Công ty ký hợp đồng với khách hàng A nhưng hiện Công ty chưa đủ điều kiện thực hiện mà Công ty thuê đơn vị khác (Viện Kiểm nghiệm) thực hiện thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%.
Hướng dẫn tại Công văn số 21348/CT-TTHT của Cục thuế Bình Dương ngày 15/9/2020.
- Hướng dẫn thuế GTGT đối với dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất
Trường hợp Công ty là doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ như điện, nước, xử lý nước thải cho khách hàng là doanh nghiệp chế xuất thì:
– Nếu địa điểm tiêu dùng dịch vụ ở trong khu phi thuế quan và đáp ứng quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì được xác định là dịch vụ xuất khẩu với thuế xuất thuế GTGT là 0%.
– Nếu địa điểm tiêu dùng dịch vụ ở ngoài khu phi thuế quan thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.
Hướng dẫn tại Công văn số 21225/CT-TTHT của Cục thuế Bình Dương ngày 11/9/2020
- Hướng dẫn thuế nhà thầu nước ngoài nước ngoài đối với dịch vụ môi giới tại nước ngoài
Trường hợp Ngân hàng nước ngoài (Chi nhánh tại Việt Nam) (sau đây gọi tắt là “Ngân hàng”) ký hợp đồng thuê đối tác tại Hàn Quốc (nhà thầu nước ngoài) thực hiện dịch vụ môi giới để bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ của Ngân hàng tại thị trường nước ngoài (dịch vụ tiền gửi tại nước ngoài) thì dịch vụ môi giới này của nhà thầu nước ngoài không thuộc đối tượng chịu thuế tại Việt Nam.
Hướng dẫn tại Công văn số 81005/CT-TTHT của Cục thuế TP. Hà Nội ngày 4/9/2020.
- Hướng dẫn thuế GTGT đối với tài sản thanh lý của dự án đầu tư
Trường hợp Công ty đang trong giai đoạn đầu tư nhà xưởng và máy móc, đã được hoàn thuế GTGT đối với hoạt động đầu tứ, nhưng sau đó do thay đổi kế hoạch sản xuất nên muốn thanh lý một số tài sản thì số thuế GTGT đầu vào của các tài sản đó không còn đủ điều kiện được hoàn thuế đối với dự án đầu tư.
Công ty phải kê khai điều chỉnh và nộp số tiền hoàn thuế không đủ điều kiện vào Ngân sách Nhà nước (NSNN), đồng thời tính tiền chậm nộp thuế để nộp tiền vào tài khoản thu NSNN.
Hướng dẫn tại Công văn số 5183/CT-TTKT3 của Cục thuế Bắc Giang ngày 18/9/2020
Nguyễn Thị Kim Yến – Luật sư Sơ cấp
Phạm Quốc Tuấn – Luật sư Trưởng
Công ty Luật TNHH DIMAC[1]
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế đối với các trang thiết bị y tế để chống dịch Covid-19 diễn ra ngày càng nhiều. Do những cách trở địa lý và hạn chế về thông tin, Bên Mua ở nước ngoài và Bên Bán tại Việt Nam có thể thiết lập giao dịch và ký hợp đồng mua bán quốc tế đối với hàng hóa (“Hợp đồng Mua bán”) thông qua sự hỗ trợ của các bên môi giới (“Bên Trung gian”) và khi giao dịch thành công, Bên Trung gian sẽ nhận được tiền hoa hồng.
Các luật sư của DIMAC sẽ chia sẻ qua bài viết này những vấn đề thực tế mà các bên cần tìm hiểu trước khi ký kết và đặt cọc, các điều khoản quan trọng Bên Mua cần đặc biệt quan tâm và một số kinh nghiệm cần thiết cho Bên Mua cho những giao dịch tương tự trong tương lai.
Tìm hiểu đối tác trước khi ký Hợp đồng Mua bán và đặt cọc
Việc các bên không tìm hiểu kỹ đối tác hay nhờ luật sư soát xét Hợp đồng Mua bán, mà hoàn toàn tin tưởng vào sắp xếp của Bên Trung gian, đặc biệt với những đơn hàng Bên Mua cần gấp hoặc đơn đặt hàng lớn cho Bên Bán, thì rất có thể dẫn đến các rủi ro sau này, nếu giao dịch thất bại.
Chúng tôi tư vấn rằng việc Bên Mua tìm hiểu đối tác trước khi ký Hợp đồng Mua bán là công việc rất quan trọng và cần làm, đặc biệt cho những giao dịch lớn. Do vậy, ngay sau khi có được thông tin từ Bên Trung gian, cả hai bên cần tìm hiểu kỹ về (i) tư cách pháp nhân, tình trạng pháp lý, sự tồn tại và hoạt động, bao gồm các thông tin về cấu trúc công ty, thành viên/cổ đông và vốn, nếu có, của đối tác; (ii) thẩm quyền của người ký Hợp đồng Mua bán, thông qua truy cứu từ các nguồn khác nhau hoặc chỉ định Công ty Luật uy tín tại nước của bên kia có trụ sở để được tư vấn rõ ràng.
Riêng đối với Bên Mua, họ cần chỉ định người đến địa chỉ văn phòng của Bên Bán để tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế trong những năm gần đây, để biết được uy tín, năng lực và khả năng cung cấp hàng của Bên Bán. Trường hợp Bên Bán không là nhà sản xuất mà là bên mua để bán lại, Bên Mua cần phải tìm hiểu khả năng của nhà sản xuất, để đảm bảo rằng mình sẽ nhận được hàng đúng chất lượng và đúng hạn, nếu đã đặt cọc.
Một số điều khoản đặc biệt cần lưu ý của Hợp đồng Mua bán
Ngoài những điều khoản thương mại quan trọng về hàng hóa, chất lượng, số lượng, giá cả, thanh toán, giao hàng và bảo hành hai bên phải thống nhất với nhau, các điều khoản pháp lý khác các bên phải tự soát xét, cũng như phải kiểm tra rất cẩn thận tư cách người ký có thẩm quyền của các Bên thì trong bài viết này, những điều khoản pháp lý dưới đây Bên Mua phải thực sự lưu ý.
Đầu tiên, về điều khoản về thời điểm phải thanh toán tiền đặt cọc, Bên Mua cần đảm bảo rằng Bên Mua chỉ có nghĩa vụ thanh toán tiền cọc khi các thông tin, năng lực cung cấp hàng của Bên Bán và có thể cả thông tin của nhà sản xuất đã được kiểm tra kỹ càng. Chúng tôi tư vấn rằng Bên Mua chỉ chuyển tiền đặt cọc khi hai bên đã thống nhất được về nghĩa vụ của Bên Bán, bao gồm cả vấn đề phạt cọc nếu vi phạm nghĩa vụ giao hàng, cụ thể về chất lượng, số lượng và thời hạn giao hàng. Để đảm bảo an toàn, Bên Mua có thể yêu cầu Bên Bán cung cấp một bảo lãnh ngân hàng để bảo đảm về khả năng thực hiện hợp đồng của Bên Bán, với giá trị ít nhất bằng giá trị đặt cọc và đợt thanh toán đầu tiên Bên Mua sẽ thanh toán cho Bên Bán, trước khi Bên Mua nhận hàng đợt đầu.
Tiếp theo, các điều khoản về trách nhiệm của (i) Bên Bán khi giao hàng không đúng về số lượng, chất lượng, thời điểm (đặc biệt khi không hoặc từ chối giao hàng); và (ii) Bên Mua khi từ chối nhận hàng theo thời gian đã thỏa thuận, phải được quy định rõ ràng. Khi đó, các trách nhiệm tương ứng cho mỗi bên, cụ thể là việc đặt cọc, trả lại tiền cọc, phạt cọc, bị phạt vi phạm, thời hạn trả tiền phạt cho từng hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại cần được thể hiện cụ thể trong hợp đồng.
Một điều khoản cần lưu ý khác là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của Bên Mua mà không bị phạt hay bị xem là vi phạm hợp đồng hay có lỗi để bị đòi bồi thường thiệt hại, nếu Bên Bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng, cũng cần phải chi tiết và được đưa vào hợp đồng. Sở dĩ Bên Mua phải yêu cầu điều khoản này để chủ động trong việc chấm dứt hợp đồng, mà không phải bồi thường cho Bên Bán, một khi Bên Bán vi phạm các nghĩa vụ giao hàng đã thống nhất.
Điều khoản luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp cũng cần các bên có thỏa thuận nhất quán. Khi các bên ký kết Hợp đồng Mua bán quốc tế thì về nguyên tắc chung, các Bên có quyền chọn luật áp dụng, cụ thể là luật của nước người bán, luật của nước người mua, luật của nước thứ ba và/hoặc Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế 1980 (CISG) để áp dụng giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Ngoài ra, các bên cần thỏa thuận rõ cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Tòa án của Bên Bán hay Tòa án của Bên Mua, hoặc một Trung tâm Trọng tài Quốc tế có uy tín như VIAC, SIAC, HKIAC hoặc ICC. Một sai lầm thực tế là các bên thể hiện sự lựa chọn của mình không nhất quán trong Hợp đồng Mua bán, dẫn đến việc một bên sẽ rất mất thời gian để một bên xác định cơ quan giải quyết tranh chấp hay luật áp dụng. Cụ thể, các bên tránh chọn hai luật áp dụng đồng thời hoặc trong điều khoản về giải quyết bất đồng về hàng hóa, các bên đã chọn Tòa án có thẩm quyền nhưng tại điều khoản cơ quan giải quyết tranh chấp thì lại chọn Trung tâm Trọng tài Quốc Singapore (SIAC) để giải quyết.
Như vậy, để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia các giao dịch thương mại quốc tế thông qua sự giới thiệu và kết nối của Bên Trung gian, Bên Mua cần tìm hiểu thật kỹ thông tin của đối tác và soát xét cẩn thận Hợp đồng Mua bán, đặc biệt một số điều khoản chúng tôi đã tư vấn, trước khi quyết định ký kết và thanh toán tiền đặt cọc, bởi Bên Trung gian, về tâm lý chung, muốn giao dịch hoàn thành rất nhanh để họ có thể nhận được tiền giới thiệu/hoa hồng. Bên Mua cũng nên chú trọng đến luật sư nội bộ hoặc chỉ định một Công ty Luật chuyên nghiệp để hỗ trợ trong suốt quá trình kiểm tra đối tác, ký kết, đặt cọc và thực hiện Hợp đồng Mua bán, đặc biệt là cho các hợp đồng có giá trị cao được thực hiện với đối tác ở một quốc gia khác mà họ chưa có kinh nghiệm.
[1] Các doanh nghiệp có thể tìm hiểu thêm thông tin của Công ty Luật TNHH DIMAC tại www.dimac-law.com
TheLEADER Chịu ảnh hưởng chồng chất từ nhiều khía cạnh khác nhau, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang phải vật lộn với bài toán đảm bảo nguồn cung, quản lý dòng tiền cũng như xây dựng kế hoạch ứng phó với các kịch bản tồi tệ có thể xảy đến trong tương lai.
Nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự hoặc giảm giờ làm, cho nghỉ phép dài hạn để giải tỏa áp lực về tài chính.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố kế quả khảo sát về tình trạng của các doanh nghiệp Việt Nam dưới tác động của đại dịch nửa đầu năm 2020. Khảo sát được thực hiện dựa trên phản hồi từ 499 doanh nghiệp, hoạt động trên 15 tỉnh thành với đa dạng ngành nghề và quy mô.
Theo khảo sát, khoảng một nửa số doanh nghiệp đã phải đóng cửa trong thời gian 21 ngày thực hiện lệnh giãn cách xã hội, trong đó 35% đóng cửa do yêu cầu từ phía chính phủ và 14% tự lựa chọn tạm ngừng hoạt động.
Đến tháng 6, phần lớn doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động, chỉ còn khoảng 20% tiếp tục tạm ngừng hoặc mở cửa một phần. Mặc dù vậy, các khó khăn vẫn bủa vây hoạt động kinh doanh, chủ yếu là các cú sốc về cung, cầu cũng như sự suy giảm nghiêm trọng về dòng tiền.
Phản hồi từ doanh nghiệp
Theo ước tính, chỉ riêng đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, tổng số lượng việc làm đã giảm đi khoảng 1 triệu trong thời gian từ đầu tháng 1 tới giữa tháng 4. Mặc dù một số nhân sự mất đi vị trí chính thức vẫn có thể tiếp tục duy trì kế sinh nhai bằng các công việc thời vụ, con số này là đặc biệt đáng báo động.
Ngoài ra, các biện pháp giảm giờ làm, giảm lương, nghỉ phép dài hạn vẫn được nhiều công ty áp dụng để giải tỏa bớt áp lực về tiền lương, kéo theo sự suy giảm trong thu nhập.
Bên cạnh đó, chuyển đổi hoạt động sang các nền tảng số hóa là phương án được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để thích ứng với trạng thái bình thường mới, tuy nhiên vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để.
Cụ thể, số liệu từ khảo sát cho thấy có 47% doanh nghiệp lựa chọn tăng cường áp dụng các nền tảng số nhưng chỉ có khoảng 5% đầu tư vào các giải pháp số và 7% có kế hoạch làm mới hoặc nâng cấp dịch vụ, sản phẩm.
Các phương án chuyển đổi số cũng mới chỉ tập trung chủ yếu vào những tính năng đầu -cuối, ít phức tạp, không tiêu tốn nhiều chi phí nhằm giải quyết bài toán về doanh số và phương thức thanh toán.
Tương lai bất định cùng mong muốn hỗ trợ từ phía chính phủ
27% doanh số và 20% việc làm là mức suy giảm trung bình mà các doanh nghiệp dự đoán về hoạt động kinh doanh nửa cuối năm 2020. Theo đó, với kịch bản lạc quan nhất, mức sụt giảm chỉ rơi vào 4%.
Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng vừa qua khiến kịch bản lạc quan này khó trở thành hiện thực. 55% doanh số và 46% việc làm là những con số tiêu cực nhất mà doanh nghiệp đưa ra.
Trước một tương lai khó lường và bất định, hầu hết công ty đều mong đợi vào những biện pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ. Cho đến nay, nhiều biện pháp chính sách đã được đư ra như hoãn, giảm nộp thuế, phí, cung cấp các khoản vay không lãi suất để chi trả tiền lương.
Đây cũng là các biện pháp được doanh nghiệp mong đợi và cảm thấy có hiệu quả nhất, theo thứ tự là miễn giảm nghĩa vụ thuế (73%), hoãn thuế (47%) và cho vay với lãi suất ưu đãi (40%).
Khảo sát cho thấy, có khoảng 20 – 30% doanh nghiệp đã tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ này. Các doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ chủ yếu do chưa đủ điều kiện và thiếu sót về thông tin.
Các chuyên gia WB đề xuất, trong trạng thái bình thường mới, những nỗ lực nhằm tăng khả năng thích ứng và phục hồi của doanh nghiệp cần tập trung vào 2 hướng, bao gồm tạo điều kiện ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới và tăng cường hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đã được triển khai.
Theo đó, bản chất của trạng thái bình thường mới là tính bất định cao, khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ e ngại không dám vay vốn và các ngân hàng thương mại không muốn cho vay.
Như vậy, các gói hỗ trợ cần cân nhắc tới cơ chế tăng cường tín dụng, chia sẻ rủi ro để doanh nghiệp có thể nhận được nguồn vốn cần thiết giúp không chỉ duy trì mà còn tìm hướng đi mới, phát triển theo con đường mới, đặc biệt khi nhiều chuyên gia y tế dự đoán đại dịch có thể kéo dài với khoảng thời gian tính bằng năm.
[Tóm lược nội dung chính của webinar bởi Mr Ngữ Trương – Merger & Acquisition at Penn State Law]
Vào ngày 18/9/2020, Tiến sĩ Chu Tuấn Hùng (Lonergan Edwards & Associates) đã dành hơn hai tiếng đồng hồ để chia sẻ với thành viên CFO Vietnam qua webinar có chủ đề “Định giá cho Tranh chấp về thuế” (Valuations for Tax Controversies).
Phần trình bày của Tiến sĩ Chu Hùng được chia là bốn phần chính: (i) giới thiệu về định giá trong tranh chấp thuế, (ii) khái niệm giá trị thị trường, (iii) lỗi thường gặp trong xác định giá trị thị trường, và (iv) lỗi thường gặp khi xác định và phân bổ tổng giá trị.
Theo Tiến sĩ Chu Hùng, trong nhiều trường hợp cần phải định giá tài sản để tính thuế cho chính xác, như khi tính thuế chuyển nhượng bất động sản, thuế chuyển nhượng vốn, thu nhập cá nhân. Định giá tài sản thường là nội dung cốt lõi trong các tranh chấp về thuế giữa cơ quan thuế và người đóng thuế.
Việc định giá sẽ phức tạp đối với tài sản có tính thanh khoản kém (ví dụ như cổ phần trong các công ty không phải là công ty đại chúng), tài sản cố định đặc biệt (sân bay, bến cảng, hầm mỏ…), tài sản mang tính trừu tượng và phức tạp về mặt khái niệm (như goodwill).
Có hai lỗi thường gặp là (i) áp dụng sai khái niệm giá trị thị trường và (ii) phân bổ sai giá trị giữa các tài sản cấu thành trong tổng giá trị.
Tiến sĩ Chu Hùng giải thích khái niệm giá trị thị trường (market value) theo pháp luật Australia, phân biệt với khái niệm giá trị thị trường hợp lý (fair market value) và giá trị hợp lý (fair value). Ví dụ như khi xác định giá trị thị trường của cổ phần thiểu số (minority interest) trong một công ty không phải là công ty đại chúng (private company) thường phải trừ đi khoản chiết khấu do số cổ phần đó không đủ để đem lại cho người mua quyền chi phối công ty sau khi mua (lack of control discount) và khoản chiết khấu do số cổ phần đó thiếu tính thanh khoản (lack of marketability). Tuy nhiên trong trường hợp việc mua cổ phần là do cổ đông nhỏ bị chèn ép (oppression cases) hoặc công ty mua lại cổ phần từ cổ đông nhỏ một cách có chọn lựa để đem lại quyền kiểm soát toàn bộ công ty cho cổ đông lớn (selective capital reduction cases) thì tòa án có thể không trừ các khoản chiết khấu này khi xác định giá trị hợp lý (fair value) của số cổ phần thiểu số đó.
Cũng có những nguyên tắc riêng để định giá tài sản có giá trị đặc biệt (special value). Giá trị đặc biệt là giá trị mà người mua chấp nhận trả cao hơn nhiều so với những người mua khác. Giá trị đặc biệt có thể là tăng quy mô kinh tế (additional economies of scale), giảm cạnh tranh (reduction of competition), bảo đảm nguồn cung (securing source of supply). Nếu nhiều người cùng tham gia đấu giá để mua được tài sản và cùng hướng đến giá trị đặc biệt đó, giá trị đặc biệt có thể được tính vào giá trị thị trường. Tuy nhiên nếu tài sản đó chỉ có giá trị đặc biệt cho một người mua tiềm năng thì giá trị thị trường lại có thể không bao gồm giá trị đặc biệt đó. Ví dụ như một mỏ than đã khai thác với công nghệ truyền thống 40 năm nay và trữ lượng còn lại rất ít được định giá chỉ 2 USD. Người mua với công nghệ tiên tiến của mình hi vọng có thể làm tăng giá trị kinh tế của mỏ than này. Dựa trên công nghệ tiên tiến này, giá trị đề xuất tính thuế lên tới 180 triệu USD. Theo Tiến sĩ Chu Hùng, cách xác định giá trị thị trường như vậy là không đúng vì công nghệ tiên tiến đó chỉ có người mua cụ thể này mới có và vì vậy giá trị đặc biệt của tài sản chỉ là mang tính riêng biệt cho người mua này.
Dù thời gian có hạn Tiến sĩ Chu Hùng đã dành nhiều thời gian giải thích về một khái niệm trừu tượng và có nhiều cách hiểu khác nhau khi tiếp cận từ góc độ tài chính và pháp lý là goodwill (mà chúng ta vẫn thường dịch là “lợi thế thương mại”).
Những tình huống minh họa đã làm cho buổi chia sẻ trở nên lôi cuốn hơn, dễ hiểu hơn, và thú vị hơn. Nhiều thành viên tham dự đã bày tỏ sự biết ơn của mình dành cho Tiến sĩ Chu Hùng.
TheLEADER Ký kết hợp tác giữa Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) và Liên minh kinh doanh Trung Quốc – Asean (CABA) được kỳ vọng góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập trong khu vực ASEAN thông qua các hoạt động trao đổi về thương mại và văn hoá, từ đó tạo mối liên kết vững chắc để các doanh nghiệp cùng vượt qua mọi thử thách, đồng thời tìm kiếm được nhiều cơ hội hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Bách, Phó chủ tịch VACD, Chủ tịch câu lạc bộ CFO Việt Nam (ngoài cùng bên phải) đại diện VACD làm việc với lãnh đạo CABA
Việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường đã giúp Việt Nam chuyển mình từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành nước có thu nhập trung bình thấp. Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á – Thái Bình Dương.
Đặc biệt, ông Tan Chong Huat, Chủ tịch Liên minh kinh doanh Trung Quốc – Asean (CABA) nhận định, trong khu vực, triển vọng phục hồi dường như sáng nhất đối với Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường trên toàn cầu.
Nhờ các nỗ lực và giải pháp quyết liệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, khả năng phục hồi sẽ cao và mạnh hơn các nước khác trong khu vực.
“Việt Nam được dự báo là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận tăng trưởng dương trong năm nay”, ông Tan nói.
Mặc dù nhiều lần hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay nhưng trong báo cáo gần đây nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn là một con số dương, ước đạt 1,8% trong năm nay, sau đó sẽ bật trở lại và đạt mức 6,8% trong năm 2021.
Trong khi đó, Ngân hàng thế giới và Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 2,8%, đứng thứ năm thế giới.
Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, Việt Nam đã được liệt vào danh sách những trung tâm sản xuất có chi phí cạnh tranh nhất trên thế giới.
Dù được nhận định là sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung với sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư nhưng rõ ràng, Việt Nam cũng có nhiều thế mạnh nội tại để khẳng định sự hấp dẫn của mình trong việc thu hút đầu tư, kinh doanh.
Thế mạnh nội tại của Việt Nam gồm lực lượng lao động ngày càng được nâng cao tay nghề với chi phí thấp, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư theo hướng đồng bộ và hiện đại, nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư an toàn cùng với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
Tuy nhiên, ông Tan cho rằng để đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn thay vì chỉ phụ thuộc vào chi phí thấp vì điều này sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh về lâu dài.
Việt Nam cũng cần tìm cách để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0.
Trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến bất thường trên toàn cầu khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn và vẫn chưa thể chắc chắn về thời điểm kết thúc dịch bệnh, Việt Nam sẽ cần tìm cách thúc đẩy nền tảng công nghiệp trong nước.
Thị trường nội địa sẽ là đòn bẩy giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục trong ngắn hạn và góp phần phát triển lâu dài.
Tuy nhiên, với những lợi thế có sẵn cùng niềm tin được xây dựng trong mắt nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài sau khi kiểm soát dịch bệnh thành công, việc chuẩn bị thật tốt để thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới là rất quan trọng đối với Việt Nam.
“Kết nối sâu rộng hơn nhờ vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sẽ giúp Việt Nam nổi bật trong cuộc cạnh tranh về FDI”, ông Tan nói.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á – Thái Bình Dương
Đại dịch Covid-19 cũng là chất xúc tác để các doanh nghiệp toàn cầu tăng cường đa dạng hoá chuỗi cung ứng với việc tìm đến các thị trường mới tiềm năng như Việt Nam. Điều này đã khiến các doanh nghiệp quốc tế tăng tốc trong việc thực hiện kế hoạch của họ nhằm giảm thiểu rủi ro khi quá tập trung/quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Ông Tan nhấn mạnh, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn để có thể tận dụng các thoả thuận thương mại sẵn có, từ đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh của mình.
Mặc dù Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ở Việt Nam từ 14/1/2019 sau một thời gian dài chuẩn bị nhưng trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết vẫn còn tới 71% doanh nghiệp không biết hoặc lần đầu nghe về hiệp định này.
Bên cạnh đó, có tới 63% doanh nghiệp dân doanh không biết hoặc lần đầu nghe nói về cộng đồng kinh tế ASEAN, con số với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu là 77%.
Sinh sống và làm việc tại Singapore, ông Tan cho rằng các công ty Singapore có thể phải đối mặt với thách thức trong việc điều hướng để phù hợp với bối cảnh kinh doanh và quy định tại Việt Nam nếu muốn tiếp cận thị trường này.
Để khắc phục điều này, các công ty Singapore có thể cần tìm đối tác và nhân tài địa phương là những người hiểu rõ văn hóa kinh doanh và các động lực để doanh nghiệp có thể tăng trưởng ở thị trường triệu dân.
Trong bối cảnh đó, việc ký kết hợp tác giữa Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) và Liên minh kinh doanh Trung Quốc – Asean (CABA) có ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Tan Chong Huat, Chủ tịch Liên minh kinh doanh Trung Quốc – Asean (CABA)
CABA là sáng kiến của Singapore nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh doanh cho các thành viên Cộng đồng Kinh doanh ASEAN cũng như giữa các doanh nghiệp ASEAN và doanh nghiệp Trung Quốc.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư, kinh doanh và kết nối nhân dân để thúc đẩy thực hiện Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) cũng như tìm kiếm cơ hội trong sáng kiến Một vành đai một con đường và Con đường tơ lụa trên biển mới thế kỷ 21.
Trong khi đó, Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) thông qua các hoạt động thực tiễn của mình nhằm nâng cao năng lực quản trị cho từng doanh nghiệp và hoàn thiện khuôn khổ pháp lí về quản trị doanh nghiệp.
Hội tập trung vào việc phát triển hệ thống chuẩn mực và các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam; nghiên cứu tổng kết các bài học kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại trong quản trị ở Việt Nam và quản trị quốc tế, từ đó từng bước xác định hệ thống chuẩn mực cũng như phương pháp quản trị mang sắc thái Việt Nam.
Hội VACD còn tạo ra các diễn đàn để các nhà quản trị Việt Nam và nước ngoài trao đổi, chia sẻ các kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm; triển khai các hoạt động đào tạo, tư vấn để góp phần tạo dựng đội ngũ quản trị viên đáp ứng được những đòi hỏi của nền quản trị mới. Đồng thời, VACD cũng đề xuất kiến nghị các chính sách với nhà nước liên quan đến quản trị doanh nghiệp.
Cả hai tổ chức đều rất chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giao lưu kinh tế và văn hoá giữa Việt Nam và Singapore nói riêng cũng như giữa hai quốc gia và các thành viên khác trong ASEAN.
“Đại dịch Covid-19 chỉ nhằm nhắc nhở rằng chúng ta không đơn độc và sẽ cùng nhau vượt qua những cú sốc bất ngờ một cách tốt hơn”, ông Tan nói.
Trong thời gian tới, bên cạnh tổ chức và hỗ trợ đối tác tổ chức và truyền thông cho các sự kiện, CABA và VACD sẽ tạo cơ hội cho các thành viên trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình để thấu hiểu nhau hơn, giúp nhau nâng cao năng lực và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, đặc biệt là trong thời điểm hậu dịch Covid-19.
-
Trần Thị Hà
Hội viênBà Trần Thị Hà hiện đang là Giám đốc tài chính tại Công ty cổ phần may Hải...
Chi tiết -
Bùi Thu Hòa
Hội viênBà Bùi Thu Hòa hiện là Kế toán trưởng tại Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt –...
Chi tiết -
Henry Nguyễn
Hội viên tổ chứcÔng Henry Nguyễn có hơn 12 năm kinh nghiệm tư vấn giải pháp quản trị doanh nghiệp...
Chi tiết -
Nguyễn Hữu Lê Minh
Hội viên tổ chứcBà Nguyễn Hữu Lê Minh hiện là Country Manager của Teibto – Công ty chuyên cung cấp...
Chi tiết -
Nguyễn Việt Hùng
• Ông là thành viên Hội đồng Thành Viên/Ban Quản Trị của Công ty TNHH Bbraun...
Chi tiết -
Lê Thị Liên
Hội viênBà Lê Thị Liên hiện là Phó Tổng giám đốc phụ trách nội chính kiêm Giám đốc...
Chi tiết -
Trương Thị Thu Lan
Hội viênBà Trương Thị Thu Lan là Quản lý cấp cao bộ phận dịch vụ Kế toán khu...
Chi tiết -
Phan Thị Ánh Nguyệt
Hội viênBà Phan Thị Ánh Nguyệt hiện là Giám đốc tài chính tại Công ty Cổ phần tập...
Chi tiết -
Vương Nguyễn Đăng Khoa
Hội viênÔng Vương Nguyễn Đăng Khoa có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kế...
Chi tiết