Trong số này
Đơn vị Tài trợ Bản tin
Click (+) để xem chi tiết Bản tin
Trân trọng cảm ơn các Quý Đối tác, Quý Thành viên đã đóng góp tin bài.
Bản tin thuế tháng 12/2021 của CFO Việt Nam cập nhật những điểm chính sau đây:
Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt
Gia hạn thời hạn nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phải nộp của kỳ tính thuế tháng 10 và tháng 11 năm 2021 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, cụ thể:
– Thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 10 năm 2021 chậm nhất là ngày 20/12/2021.
– Thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 11 năm 2021 chậm nhất là ngày 30/12/2021.
Sau thời gian gia hạn này, việc nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành.
Quy định tại Nghị định số 104/2021/NĐ-CP ngày 14/12/2021 của Chính phủ.
Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số
Ngày 16/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.
Theo đó, quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm, thay vì 01 năm như quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
– Bên cạnh đó, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP cũng bổ sung quy định xử phạt hành chính đối với hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định; làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế (các bên liên quan phải lập biên bản ghi nhận việc mất, cháy, hỏng hóa đơn). Mức phạt đối với các hành vi nêu trên là từ 04 triệu đồng đến 08 triệu đồng.
– Ngoài các nội dung nêu trên, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn. Nội dung chi tiết được quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định này.
Quy định tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.
Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2021/TT-BTC
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 100/2021/TT-BTC ngày 16/11/2021 với các nội dung chủ yếu như sau:
– Sửa đổi Điểm c Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021: Cụ thể đối tượng có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT, TNCN là cá nhân chỉ cho thuê và có thời gian cho thuê không trọn năm.
Riêng trường hợp người thuê nhà được bên thuê trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu sẽ tính theo số tiền trả một lần cho năm dương lịch đó. Nếu dưới 100 triệu đồng/năm thì sẽ không phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN.
Đồng thời, cách tính thuế này không còn dựa vào doanh thu dự kiến của năm dương lịch mà quy định cụ thể đối tượng cho thuê nhà không phải nộp thuế GTGT, TNCN nêu trên.
– Sửa đổi quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 40/2021/TT-BTC như sau: Sàn thương mại điện tử sẽ không phải kê khai, nộp thuế thay nếu người bán không ủy quyền. Đồng thời bỏ cụm từ “tổ chức” tại Điểm e Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 40/2021/TT-BTC để phù hợp với nội dung sửa đổi nêu trên.
Quy định, hướng dẫn theo Thông tư số 100/2021/TT-BTC ngày 16/11/2021 của Bộ Tài chính và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Hướng dẫn về chính sách thuế đối với việc cho, biếu, tặng hàng mẫu không thu tiền cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan, doanh nghiệp ở nước ngoài
Trường hợp Công ty cho, biếu, tặng hàng mẫu không thu tiền cho các doanh nghiệp (DN) trong khu phi thuế quan, DN ở nước ngoài thì Công ty phải lập hóa đơn tính thuế GTGT như bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, giá tính thuế GTGT là giá bán của hàng hóa, dịch vụ tương đương tại thời điểm cho, biếu, tặng. Cụ thể:
– Trường hợp hàng cho, biếu, tặng DN trong khu phi thuế quan sử dụng tờ khai phi mậu dịch và không thanh toán, thì Công ty phải tính và nộp thuế GTGT như hàng hóa tiêu thụ nội địa.
Công ty căn cứ mặt hàng cho, biếu, tặng DN trong khu phi thuế quan để xác định thuế suất thuế GTGT theo Điều 10, Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.
– Trường hợp hàng cho, biếu, tặng cho DN ở nước ngoài sử dụng tờ khai phi mậu dịch và không thanh toán, nếu đã có xác nhận của cơ quan hải quan (đối với hàng xuất khẩu) thì Công ty không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%, không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Hướng dẫn tại Công văn số 4114/CTBNI-TTHT ngày 2/12/2021 của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh.
Chính sách thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản không thường xuyên
Trường hợp Công ty phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) không thường xuyên thì Công ty thực hiện xuất hóa đơn, kê khai nộp thuế GTGT, thuế TNDN từ hoạt động chuyển nhượng BĐS như sau:
– Về thuế GTGT: Trường hợp người mua thanh toán theo tiến độ thỏa thuận trên hợp đồng chuyển nhượng BĐS thì Công ty căn cứ số tiền thu được thực hiện khai thuế GTGT đầu ra phát sinh. Giá tính thuế GTGT và thuế suất thuế GTGT đối hoạt động chuyển nhượng BĐS thực hiện theo Điều 7, Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.
– Về thuế TNDN: Công ty căn cứ thời điểm bàn giao BĐS cho bên mua để xác định doanh thu, giá vốn, thu nhập tính thuế của hoạt động chuyển nhượng BĐS. Doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng BĐS được xác định theo giá thực tế chuyển nhượng BĐS cho người mua theo hợp đồng chuyển nhượng, không phụ thuộc vào số tiền từng lần người mua thanh toán cho Công ty.
Công ty kê khai, nộp thuế TNDN theo từng lần phát sinh chuyển nhượng BĐS theo hợp đồng chuyển nhượng. Kết thúc năm tính thuế khi lập tờ khai quyết toán thuế TNDN, Công ty phải quyết toán riêng số thuế thu nhập từ chuyển nhượng BĐS.
Mẫu biểu kê khai tạm tính thuế TNDN Công ty thực hiện theo mẫu 02/TNDN kèm theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014. Khi quyết toán thuế TNDN cuối năm 2021, Công ty thực hiện theo mẫu biểu kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021.
Hướng dẫn tại Công văn số 4080/CTBNI-TTHT ngày 30/11/2021 của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh.
Hướng dẫn về việc giảm thuế suất thuế GTGT của hoạt động vận tải do ảnh hưởng dịch Covid-19
Trường hợp Đơn vị là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh vận tải biển, để thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa ký với Chủ hàng, Đơn vị đã thuê một Công ty vận tải (là chủ tàu) trực tiếp vận chuyển hàng hóa từ cảng đến cảng theo hợp đồng với Chủ hàng. Dịch vụ vận tải hoàn thành và Công ty vận tải đã lập hóa đơn GTGT giao cho Đơn vị theo mức thuế suất thuế GTGT đã giảm 30% theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Đơn vị lập hóa đơn GTGT theo mức thuế suất thuế GTGT đã giảm 30% và giao cho Chủ hàng đối với dịch vụ vận chuyển hàng theo quy định.
Hướng dẫn tại Công văn số 3075/CTHPH-TTHT ngày 26/11/2021 của Cục Thuế TP. Hải Phòng.
Hướng dẫn về việc bán điện mặt trời vào nội địa của doanh nghiệp chế xuất
– Trường hợp Công ty hoạt động theo quy chế doanh nghiệp chế xuất (DNCX), được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp (ERC), Giấy Chứng nhận Đăng ký Đầu tư (IRC) để sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng lượng mặt trời và được Ban Quản lý Khu Chế xuất cấp phép bán điện năng lượng mặt trời cho doanh nghiệp (DN) nội địa thì hoạt động này chịu thuế GTGT 10% nếu đồng thời đáp ứng Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 và Điều 3 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.
– Trường hợp phát sinh hoạt động bán điện năng lượng mặt trời cho DN nội địa, Công ty phải mở sổ hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam để kê khai, nộp thuế riêng đối với hoạt động này, không hạch toán chung với hoạt động sản xuất để xuất khẩu.
– Công ty phải xuất hóa đơn cho DN nội địa, sử dụng hóa đơn GTGT (nếu theo phương pháp khấu trừ) hoặc sử dụng hóa đơn bán hàng (nếu theo phương pháp trực tiếp).
– Trường hợp Công ty đang hoạt động và được hưởng ưu đãi thuế TNDN có bổ sung ngành nghề kinh doanh thương mại mà Công ty không tăng vốn, không thực hiện đầu tư mở rộng để tăng tài sản thì thu nhập từ hoạt động thương mại được bổ sung không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
Hướng dẫn tại Công văn số 18955/CTBDU-TTHT ngày 30/11/2021 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương.
Hướng dẫn về việc khai, nộp thuế đối với việc mua lại thành phẩm sau gia công
Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng nhận gia công với thương nhân nước ngoài, sau khi kết thúc quá trình gia công, doanh nghiệp có nhu cầu mua lại thành phẩm gia công của bên đặt gia công để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (không phải theo loại hình nhập gia công) thì doanh nghiệp phải:
+ Đăng ký tờ khai hải quan mới theo loại hình nhập kinh doanh (A11)/nhập kinh doanh sản xuất (A12);
+ Kê khai, nộp thuế nhập khẩu và các loại thuế khác tương ứng với mã loại hình tờ khai A11, A12.
Sau quá trình sản xuất, và thực xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan, thì doanh nghiệp được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng với lượng sản phẩm gia công đã nhập khẩu, và được sử dụng làm nguyên liệu cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu.
Hướng dẫn tại Công văn số 4395/TCHQ-TXNK ngày 13/9/2021 của Tổng cục Hải quan.
Hướng dẫn về việc thanh toán lương ngày chưa nghỉ phép hàng năm của người lao động
Theo đó, đối với trường hợp người lao động (NLĐ) chưa nghỉ hàng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm mà không thuộc các trường hợp được nêu tại Khoản 3 Điều 113 (do thôi việc, bị mất việc làm) Bộ luật Lao động, nếu người sử dụng lao động thỏa thuận thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ trong những trường hợp này theo hướng có lợi hơn cho NLĐ được khuyến khích tại Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Lao động.
Như vậy, trong trường hợp Công ty thỏa thuận với người lao động để thanh toán tiền lương cho những ngày phép chưa nghỉ vào hàng năm là theo hướng có lợi hơn cho NLĐ nên việc thanh toán này được khuyến khích và hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động. Do đó, chi phí thanh toán ngày phép chưa nghỉ này có thể được lập luận là chi phí được trừ cho mục đích tính thuế TNDN. Công ty lưu ý đề cập rõ ràng về việc thỏa thuận thanh toán tiền lương hàng năm cho những ngày phép chưa nghỉ một cách cụ thể trong thỏa ước lao động tập thể.
Hướng dẫn tại Công văn số 514/ATLĐ-CSBHLĐ ngày 22/10/2021 của Cục An toàn Lao động – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Đổi mới sáng tạo được xem là giải pháp “không thể không triển khai” để tạo ra các giá trị mới, nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để bắt kịp xu thế phát triển…
Tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo với chủ đề: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam” sáng ngày 15/12, bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, mức chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ chiếm 1,6% doanh thu hàng năm, thấp hơn nhiều các quốc gia trong khu vực như Lào với 14,5%; Philippines 3,6% và Malaysia 2,6%.
ĐẦU TƯ CHO ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CÒN THẤP
Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 sau khi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020).
“Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng tỷ lệ chi cho đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ của Việt Nam còn rất hạn chế”, bà Nguyễn Lệ Thủy nhận định.
Tỷ lệ chi cho khoa học – công nghệ, bao gồm cả khu vực Nhà nước và tư nhân chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore với 2,22%; Malaysia với 1,44% và Thái Lan 0,78%…
Một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” (39,4% doanh nghiệp), hoặc “nâng cấp, chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” (39,3%) mà ít có nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó, có khoảng 80% doanh nghiệp cho biết, họ chưa hợp tác với đơn vị, tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Một trong những khó khăn, gây cản trở cho doanh nghiệp đó là các doanh nghiệp Việt Nam đa phần đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về công nghệ, nguồn vốn và cả đội ngũ lao động chất lượng cao.
Cùng với đó, dịch Covid-19 diễn ra tại Việt Nam từ đầu năm 2020 và diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã khiến GDP quý III/2021 giảm sâu với 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp càng trở nên khó khăn.
NHIỀU CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Trong bối cảnh này, Chính phủ đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm thích ứng với bối cảnh mới.
Cụ thể, theo TS. Chử Đức Hoàng, đại diện Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ đã và đang thực hiện các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo gồm các mục tiêu hỗ trợ vốn cho các hoạt động đổi mới công nghệ; mở rộng hình thức hỗ trợ tài chính cho dự án đổi mới công nghệ; từng bước thực hiện bảo lãnh vay vốn bằng công nghệ cho doanh nghiệp có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp “khát vốn”, Quỹ đang đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.
Theo đó, Quỹ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị.
Mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi và thời gian vay tối đa không quá 7 năm.
“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo muốn vay vốn chỉ cần có dự án, phương án sản xuất khả thi; đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án”, bà Hồng cho biết.
Còn theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì doanh nghiệp được hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số; doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí để thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hoá, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh…
“Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 để áp dụng trên phạm vi toàn quốc”, bà Thủy nhấn mạnh.
Hơn 270 quyết định xử phạt đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành. Cơ quan quản lý đang mạnh tay siết chặt kỷ luật, kỷ cương thị trường
“Nhiễu nhương” công bố thông tin
Hơn 670 hợp đồng mua bán trái phiếu với tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng đã được Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup (VsetGroup) ký kết với nhà đầu tư gần 2 năm qua. Thông tin chào mời xuất hiện trên một số website, phương tiện truyền thông từ ngày 1/1/2020 đến ngày 27/10/2021, nhưng đến cuối tháng 11/2021, giới đầu tư mới “vỡ lẽ” rằng, VsetGroup chào bán chứng khoán ra công chúng, nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Điều đáng lo hơn trong câu chuyện của VsetGroup, khoản tiền thu từ chào bán trái phiếu được các cá nhân rút ra khỏi tài khoản của công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán. Công ty này không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được từ chào bán trái phiếu, cũng không hạch toán trên báo cáo tài chính tại thời điểm cuối năm 2020 hay tới ngày 30/6/2021. UBCKNN đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để xử lý vụ việc.
Đây không phải lần đầu tiên, cơ quan điều tra phải vào cuộc đối những sai phạm xuất phát từ sự thiếu minh bạch trên thị trường chứng khoán. Hơn 5 năm trước, vào tháng 6/2016, việc cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung ngừng giao dịch chỉ sau 2 tháng “lên sàn” UPCoM đã gây sốc giới nhà đầu tư. Một doanh nghiệp có trụ sở là quán ăn, nội dung trên bản công bố thông tin và website “nhặt” từ một công ty khác, thậm chí, tăng vốn ảo, hạch toán doanh thu lợi nhuận ảo vẫn “lọt” lên sàn. Nguyên Chủ tịch HĐQT công ty này đã lĩnh mức án chung thân…
Giữ kỷ luật, kỷ cương
Không nghiêm trọng đến mức cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra, nhưng các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán những tháng gần đây liên tiếp được ban hành với mức án từ vài chục triệu đồng đến cao nhất là 600 triệu đồng như trường hợp phát hành trái phiếu của VsetGroup và một vài doanh nghiệp khác. Một số công ty đại chúng “chây ỳ” lên sàn chịu mức phạt đến 450 triệu đồng.
Tính đến giữa tháng 12/2021, đã có hơn 270 quyết định xử phạt của UBCKNN ban hành, cao hơn 26,5% so với cả năm 2020. Sai phạm chủ yếu do không đăng ký báo cáo giao dịch khi là người nội bộ của công ty, cổ đông lớn hoặc các giao dịch để trở thành cổ đông lớn/không còn là cổ đông lớn.
Công ty đại chúng là doanh nghiệp đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng hay tổ chức có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng và tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn. Trở thành một công ty đại chúng, một mặt doanh nghiệp có cơ hội lên sàn, có thể bổ sung thêm nguồn vốn qua các hoạt động phát hành. Nhưng mặt khác, quy định riêng về công bố thông tin cần được thực thi khi doanh nghiệp đã lựa chọn bước vào sân chơi này, để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Khung phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng được nâng lên. Mức phạt tiền tối đa trước đây với một tổ chức là 2 tỷ đồng và với cá nhân là 1 tỷ đồng, thì nay đã tăng gấp rưỡi. Riêng vi phạm về giao dịch nội gián và thao túng thị trường không có mức tối đa, mà dựa trên giá trị khoản thu trái pháp luật. Thậm chí, quy định tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP hiện hành đang tiếp tục được lấy ý kiến sửa đổi theo hướng bổ sung hành vi vi phạm, chi tiết các chế tài.
Quy định ngày càng có tính răn đe hơn và sát sao hơn, nhưng thực tế vẫn có độ trễ lớn giữa thời gian vi phạm và thời gian xử phạt. Các vi phạm về công bố giao dịch thường diễn ra từ nửa năm trước hoặc xa hơn. Nhiều công ty đại chúng đã bỏ bê công bố báo cáo tài chính từ năm 2016 đến nay mới chịu án phạt.
Một trong các giải pháp đưa thị trường phát triển bền vững được Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề cập trong buổi ra mắt chính thức Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam hồi giữa tháng 12/2021 là công tác quản lý, giám sát, cưỡng chế thực thi pháp luật. Gạt bỏ các hạt sạn, giữ được kỷ luật, kỷ cương của thị trường mới có thể đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch – nền tảng trong phương châm hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng là bảo vệ niềm tin đối với thị trường.
Theo BaoDauTu
FiinGroup vừa có báo cáo Lựa chọn cổ phiếu đầu tư năm 2022 trong đó nhấn mạnh, tăng trưởng lợi nhuận khối phi tài chính có sự phân hoá lớn được ví như “hai nửa vầng trăng”.
Cụ thể, trong quý 3/2021, nhóm ngành có lợi nhuận đột biến chiếm 44% tổng lợi nhuận khối Phi tài chính và tăng +230% so với cùng kỳ năm ngoái; Nhóm ngành có lợi nhuận giảm mạnh chiếm 12% và giảm -58%.
Trong đó, nhóm ngành có lợi nhuận đột biến bao gồm Thép, Phân bón, Hóa chất nhờ đà tăng giá hàng hóa trong khi Vận tải thủy, Logistics là các ngành được hưởng lợi do chuỗi cung ứng đứt gãy khiến giá cước vận tải tăng cao. Ngoài ra, một số ngành vẫn duy trì lợi nhuận tăng trưởng dù bị ảnh hưởng tạm thời bởi giãn cách xã hội như Thủy sản, Dược phẩm, Bán lẻ, Điện…
Ngược lại, những ngành có lợi nhuận giảm mạnh với biên thu hẹp do bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội như Cảng hàng không, Hàng cá nhân, Bất động sản bán lẻ, Điện tử và thiết bị điện, Đồ uống…
Một số doanh nghiệp bất động sản gồm VHM, NVL và FLC và Xây dựng như VCG không còn ghi nhận doanh thu tài chính đột biến như Q3/2020. Do đó, nhà đầu tư nên cẩn trọng với những doanh nghiệp có lợi nhuận từ hoạt động không cốt lõi chiếm tỷ trọng lớn trong Q4/2020 vì đây có thể là yếu tố làm cho lợi nhuận Q4/2021 giảm mạnh so với cùng kỳ.
Về mặt định giá, VN-Index hiện có định giá tương đương 17,1 lần lợi nhuận 4 quý gần nhất, không quá cao so với trung bình 3 năm (16,1x ). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các Ngân hàng đang đóng góp hơn 40% vào tổng lợi nhuận trong các tính toán về định giá của VN-Index.
Khối Phi tài chính đang có mức định giá cao so với trung bình 3 năm, chủ yếu do giá cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tăng mạnh nhờ dòng tiền đầu cơ nhưng lợi nhuận không tăng tương ứng. Trong khi đó, vốn hóa lớn có định giá giảm -12,6% do giá cổ phiếu tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, nhưng đóng góp chính vào việc giảm định giá này là cổ phiếu Thép bao gồm HPG và HSG.
Nếu không tính đến HPG và HSG, nhóm vốn hóa lớn có lợi nhuận tăng thấp (+5,1%) và P/E giảm không đáng kể (-1,1%).
Do đó, theo FiinGroup, cơ hội đến từ các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tốt và chưa được phản ánh đầy đủ vào giá cổ phiếu. Những ngành có định giá giảm hoặc chưa theo kịp tăng trưởng lợi nhuận như Thép, Bất động sản Dân cư. Tăng trưởng lợi nhuận nhóm thép 79% tuy nhiên giá cổ phiếu nhóm này lại giảm mạnh trong thời gian qua 47,1%. Tương tự, nhóm Bất động sản Dân cư tăng trưởng lợi nhuận 33,1% nhưng giá lại giảm mạnh 18,5%.
Với riêng nhóm thép, định giá giảm hoặc chưa theo kịp tốc độ tăng của lợi nhuận có thể do thị trường phản ánh trước các yếu tố dự kiến sẽ là trở lực với đà tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.
Ngược lại, nhiều ngành có giá cổ phiếu chạy trước tăng trưởng lợi nhuận như Điện, Dược phẩm, Xây dựng, bán lẻ. Đây là các ngành có định giá tăng lên do giá tăng mạnh trong khi lợi nhuận tăng trưởng không tương ứng hay thậm chí giảm.
FiinGroup cho rằng, sau giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp ngành Bán lẻ, Thủy sản, Dược phẩm, Điện có cơ hội gia tăng sản lượng bán hàng và cải thiện biên EBIT, giúp đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận và nhờ đó đưa định giá cổ phiếu về vùng hợp lý hơn.
Đối với nhóm chứng khoán, theo FiinGroup tăng trưởng mất đà, định giá “vượt đỉnh”. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đã đạt đỉnh vào Q1/2021 nhờ sự tăng giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn trong danh mục tự doanh, sau đó giảm dần trong Quý 2 và Quý 3. Trong khi đó, giá cổ phiếu chứng khoán đã tăng +61% từ đầu Q3-2021, định giá đã ở mức cao.
Định giá P/E cũng vượt mức +3 lần độ lệch chuẩn của P/E trung bình 4 năm, cho thấy thị trường đang kỳ vọng quá nhiều vào tăng trưởng của (i) thanh khoản thị trường và (ii) lợi nhuận tự doanh.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, bên cạnh các chứng chỉ chuyên môn của các Hiệp hội quốc tế (ACCA, CPA Australia, CFA,…), có một “Thước đo Chuẩn mực” chung để đánh giá Năng lực và Kỹ năng thực tiễn của đội ngũ nhân sự Tài chính – Kế toán doanh nghiệp là nhu cầu bức thiết.
Giải pháp về “Thước đo chuyên môn chuẩn: FASS GLOBAL” được các quốc gia thành viên của Hiệp hội Quốc tế các Nhà quản trị Tài chính cấp cao (IAFEI) đồng thuận hợp tác triển khai từ năm 2010.
Nhân sự kiện Diễn đàn CFO Việt Nam 2021, thay mặt Ban Điều Hành, Ông Nguyễn Ngọc Bách, Chủ tịch CFO Việt Nam chính thức công bố ra mắt “Thước đo chuyên môn chuẩn: FASS GLOBAL” tại Việt Nam với những mục tiêu chính sau đây:
- Thiết lập Thước đo chuyên môn thống nhất để đánh giá năng lực và kỹ năng thực tiễn được thừa nhận rộng rãi trên phạm vi toàn cầu dành cho đội ngũ Tài chính – Kế toán chuyên nghiệp.
- Xây dựng nền tảng chung cho mục tiêu phát triển đội ngũ Tài chính – Kế toán chuyên nghiệp tại khu vực và đẩy mạnh luân chuyển nguồn nhân lực giữa các quốc gia châu Á, sau đó là toàn cầu.
- Giúp doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ Tài chính – Kế toán, nhất là đối với doanh nghiệp tư nhân.
- Cung cấp cho lãnh đạo doanh nghiệp một công cụ hữu hiệu để đánh giá chính xác về năng lực (trình độ Kiến thức & Kỹ năng chuyên môn) của đội ngũ nhân sự Tài chính – Kế toán.
- Tạo cơ hội để các nhân viên Tài chính – Kế toán chứng minh năng lực chuyên môn thực tế.
- Cung cấp công cụ sát hạch nghiệp vụ hiệu quả phục vụ công tác tuyển dụng nhân sự Tài chính – Kế toán cho doanh nghiệp.
LỢI ÍCH CỦA FASS GLOBAL
ĐỐI VỚI CÁ NHÂN
- Có Chứng thực trình độ quốc tế được các thành viên IAFEI công nhận.
- Thấy rõ năng lực (kiến thức và kỹ năng) của bản thân trong nghề nghiệp
- Hoạch định lộ trình phát triển nghề nghiệp cho bản thân
- Gia tăng cơ hội tìm kiếm công việc tốt hơn, vị trí tốt hơn với thu nhập tốt hơn
ĐỐI VỚI TỔ CHỨC
- Đo lường và đánh giá được chính xác năng lực của từng cá nhân trong bộ phận tài chính kế toán.
- Là thước đo công bằng nhằm so sánh năng lực của các cá nhân với nhau trong bộ phận hay trong toàn hệ thống (tập đoàn, công ty Mẹ, các công ty Con)
- Có được công cụ hữu hiệu để đánh giá ứng viên trong công tác tuyển dụng.
- Giúp xây dựng lộ trình đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự Tài chính – Kế toán
- Chuẩn bị sẵn sàng cho sự luân chuyển đội ngũ Tài chính – Kế toán khi phát triển ra thị trường quốc tế
- Nâng cao uy tín trong công tác đào tạo và giảng dạy gắn liền với thực tiễn (đối với các tổ chức đào tạo, Đại học chuyên ngành Tài chính – Kế toán)
Xem thêm Nội dung, Hình Thức và Kết quả Sát hạch FASS Global:
Launching_FASS Global – Vietnam_Nov 2021 – Final_1638249460
HỘI ĐỒNG FASS GLOBAL – VIỆT NAM
-
Bùi Thu Hòa
Hội viênBà Bùi Thu Hòa hiện là Kế toán trưởng tại Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt –...
Chi tiết -
Henry Nguyễn
Hội viên tổ chứcÔng Henry Nguyễn có hơn 12 năm kinh nghiệm tư vấn giải pháp quản trị doanh nghiệp...
Chi tiết -
Nguyễn Hữu Lê Minh
Hội viên tổ chứcBà Nguyễn Hữu Lê Minh hiện là Country Manager của Teibto – Công ty chuyên cung cấp...
Chi tiết -
Nguyễn Việt Hùng
• Ông là thành viên Hội đồng Thành Viên/Ban Quản Trị của Công ty TNHH Bbraun...
Chi tiết -
Lê Thị Liên
Hội viênBà Lê Thị Liên hiện là Phó Tổng giám đốc phụ trách nội chính kiêm Giám đốc...
Chi tiết -
Trương Thị Thu Lan
Hội viênBà Trương Thị Thu Lan là Quản lý cấp cao bộ phận dịch vụ Kế toán khu...
Chi tiết -
Phan Thị Ánh Nguyệt
Hội viênBà Phan Thị Ánh Nguyệt hiện là Giám đốc tài chính tại Công ty Cổ phần tập...
Chi tiết -
Vương Nguyễn Đăng Khoa
Hội viênÔng Vương Nguyễn Đăng Khoa có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, kế...
Chi tiết -
Đinh Thị Thuý Hà
Hội viênBà Đinh Thị Thuý Hà hiện đang là Trưởng ban Tài chính kế toán tại Công ty CMC...
Chi tiết