Bỏ công ty lớn để khởi nghiệp – sự chọn lựa của người tài
- 25/02/2019
- Posted by: admin
- Category: Startup
Công ty lớn nào cũng nói rằng con người là tài sản lớn nhất của mình. Thế nhưng, thực tế cho thấy những công ty này cũng là những nơi có nhiều nhân tài ra đi nhất.
Một giám đốc tiếp thị cấp cao từ bỏ việc quản lý một nhãn hiệu có giá trị 300 triệu USD để chuyển sang kinh doanh cổ phiếu tự do. Một giám đốc cấp cao khác cùng lĩnh vực này không muốn nắm bắt cơ hội quản lý một danh mục nhãn hiệu hàng tỉ USD để trở thành giám đốc điều hành (CEO) của một công ty nhỏ mới thành lập (startup). Một giám đốc chiến lược cao cấp cũng nghỉ việc từ một công ty được niêm yết giá trị hàng tỉ USD để khởi nghiệp trong lĩnh vực tư vấn cá nhân.
Theo một khảo sát do McKinsey thực hiện, chỉ có 7% CEO các công ty thuộc danh sách Fortune 500 tin rằng công ty của mình có thể giữ được những nhân sự có khả năng làm việc với hiệu quả cao nhất. Tổ chức The Conference Board thì dự báo châu Âu và Mỹ sẽ thiếu khoảng 18 triệu lao động có kỹ năng cao trong những năm tới. Điều thú vị là MBO Partners, tổ chức cung cấp các giải pháp công nghệ cho những người lao động tự làm chủ, lại công bố hiện có khoảng 18 triệu “người lao động độc lập”, hay còn gọi là những “doanh nhân tự thân” (solopreneur).
Trong cuốn Niche Down: How to Become Legendary by Being Different (tạm dịch: Khác biệt để trở thành huyền thoại), Christopher Lockhead và đồng tác giả Heather Clancy đã phỏng vấn vài chục doanh nhân tự thân. Điều đáng ngạc nhiên là những doanh nhân này không hề bị buộc thôi việc ở công ty cũ do làm việc không tốt nên phải thành lập doanh nghiệp riêng. Ngược lại, tất cả đều từng là những “ngôi sao”.
Lý do chính khiến họ từ bỏ các công ty lớn đơn giản là không còn cảm thấy hứng thú với lộ trình phát triển nghề nghiệp ở đó nữa. Họ muốn trở thành ông chủ của chính bản thân mình. Khi trở thành doanh nhân tự thân, họ có sự độc lập cao hơn, kiếm được nhiều tiền hơn và có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống.
Theo Christopher Lochhead và Eddie Yoon, đồng sáng lập tổ chức tư vấn chiến lược Eddie Would Grow, yếu tố kinh tế là một nguyên nhân khá rõ đằng sau xu hướng nói trên. Giới chuyên gia có kỹ năng cao nhận thấy họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nếu tự làm cho mình thay vì làm thuê cho người khác.
Trong năm 2015, Cục Thống kê Mỹ đã đưa ra ước tính có khoảng 2,7 triệu công ty “không chủ” được điều hành bởi chính người sở hữu. Gần 70% những doanh nhân tự thân này có thu nhập 100.000-250.000 USD/năm, gấp 2-4 lần mức thu nhập bình quân của các hộ gia đình Mỹ. Ngoài ra, 30% các doanh nhân tự thân có thu nhập hơn 250.000 USD/năm so với tỷ lệ 2% của tổng số hộ gia đình Mỹ.
Các tác giả nói trên cho rằng, một số người có thể ngại ra ngoài khởi nghiệp vì sợ mất đi nguồn thu nhập ổn định và bảo hiểm sức khỏe, nhưng thu nhập hấp dẫn từ các cơ hội mới hoàn toàn giúp họ trang trải các chi phí này.
Đối với nhiều người khác, cảm xúc là một nguyên nhân khiến họ từ bỏ những công ty lớn để theo đuổi công việc tự do. Có không ít người sống hướng nội cuối cùng phải quyết định rời công ty lớn vì quá mệt mỏi khi phải sống nhiều năm tháng trong môi trường làm việc hướng ngoại của những công ty này.
Một số người tài lại nhận ra rằng, trong môi trường công ty lớn càng bước lên vị trí cấp cao họ càng phải vận dụng những kỹ năng chính trị để tồn tại và theo thời gian cảm thấy chán ngán những “trò chơi” ấy.
Nhưng theo Lochhead và Yoon, lợi ích về mặt cảm xúc lớn nhất của một người chia tay với công ty lớn có lẽ là thoát khỏi gánh nặng phải quan tâm, chia sẻ với những người khác: “Những nhân tài giỏi nhất nếu không có một tỷ lệ cổ phần đáng kể ở công ty mình đang làm việc và không nhìn thấy cơ hội nhận được một khoản tiền lời lớn từ việc bán công ty trong một tương lai gần thường có tâm lý rằng: Những gì mình đang tạo ra nhiều hơn so với mức đóng góp tối thiểu cho công ty mà phần lớn được “bao cấp” cho người khác”.
Lochhead và Yoon cũng cho rằng một số người tài chọn hướng làm doanh nhân tự thân không chỉ vì vấn đề công bằng hay giải phóng gánh nặng mà còn vì muốn có một đời sống tự do, được giải thoát khỏi việc phải giải trình với công ty mẹ hoặc các cổ đông khi họ hỏi rằng “Anh, chị đã làm được gì cho chúng tôi gần đây?”; hoặc được thoát khỏi lo lắng, áp lực cứ đến hẹn lại lên vì sau một năm “cày bừa” vất vả với nhiều đóng góp tích cực cho công ty lại phải trở về với “số 0” và một “núi” các loại chỉ tiêu phía trước.
Đối với nhiều người khác, lý do cảm xúc trong việc tự khởi nghiệp còn là muốn cải thiện quan hệ, đời sống tình cảm với gia đình và bạn bè. “Cân bằng giữa đời sống và việc làm là một điều khó thực hiện nhưng nếu bạn tự quyết mọi việc của mình thì điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn”, Eddie Yoon chia sẻ.
Đông Dương