Bốn rủi ro của kinh tế Đông Nam Á trong năm 2019

Năm ngoái, các chuyên gia dự báo rằng nền kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng trưởng sôi động trong năm 2018. Năm nay, giới chuyên gia không lạc quan được như vậy về triển vọng nền kinh tế khu vực năm 2019.

Tăng trưởng kinh tế yếu đi và lãi suất tăng lên là những gì đang chờ Đông Nam Á trong năm tới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang khiến thị trường toàn cầu lo ngại vì kế hoạch tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể gây tổn hại cho lĩnh vực xuất khẩu của khu vực.

“Cả tăng trưởng và lạm phát của Đông Nam Á đều có thể yếu đi trong năm 2019”, chuyên gia Tamara Henderson thuộc Bloomberg Economics nhận định. “Mặc dù vậy, để thu hút dòng vốn đầu tư, các ngân hàng trung ương trong khu vực cần nghiêng về thắt chặt chính sách, ít nhất cho tới khi FED xem xét dừng tăng lãi suất hoặc các biện pháp kích cầu của Trung Quốc bắt đầu mang lại hiệu quả”.

Dưới đây là 4 yếu tố có thể ảnh hưởng đến kinh tế Đông Nam Á trong năm 2019 được Bloomberg điểm qua:

Suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Hầu hết các chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế toàn cầu giảm tốc trong năm 2019, tương tự như đã giảm tốc trong năm nay so với 2017. Một số nền kinh tế như Philippines và Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng nổi trội trong khu vực, nhưng sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế các nước Đông Nam Á.

Đặc biệt, do mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế giữa Trung Quốc với Đông Nam Á, nhu cầu giảm sút ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới do tác động của thuế quan và những thay đổi mang tính cơ cấu sẽ có tác động bất lợi đến khu vực láng giềng.

Thương mại giảm tốc

Hiệu ứng domino của chiến tranh thương mại vẫn là một rủi ro lớn, bởi tác động của các biện pháp thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc đến nay vẫn chưa được thể hiện rõ. Thỏa thuận “đình chiến” thương mại Mỹ-Trung cũng bấp bênh và không có gì đảm bảo chắc chắn hai bên sẽ đạt thỏa thuận thương mại sau thời hạn 90 ngày.

Bốn rủi ro của kinh tế Đông Nam Á trong năm 2019 - Ảnh 1.

Tốc độ tăng trưởng 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á qua các năm. Số liệu 2018-2019 là kết quả khảo sát của Bloomberg. Đơn vị: % – Nguồn: Bloomberg.

“Châu Á sẽ đối mặt với một số thách thức” vào đầu năm 2019 – ông Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi khu vực châu Á không bao gồm Nhật Bản thuộc Nomura Holdings, nhận xét. Nhất là đối với thương mại toàn cầu, mọi thứ sẽ còn xấu đi thêm trước khi có thể khởi sắc – các nhà phân tích của Nomura dự báo.

Thương mại hàng hóa tương đương hơn 200% tổng sản phẩm trong nước (GDP) đối với Singapore, và hơn 100% GDP đối với các nước Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.

Các cuộc bầu cử

Thái Lan sẽ tiến hành bầu cử vào ngày 24/2 để bầu ra một chính quyền dân sự sau hơn 4 năm cầm quyền của quân đội. Giới phân tích lo ngại về khả năng xảy ra bất ổn xã hội trước và sau bầu cử ở Thái Lan, dẫn tới ảnh hưởng bất lợi đối với ngành du lịch và tâm lý nhà đầu tư.

Vào tháng 4, bầu cử Tổng thống sẽ được tổ chức, là cuộc đối đầu giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo và đối thủ Prabowo Subianto. Tại Philippines, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào tháng 5.

FED nâng lãi suất

Các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á sẽ gặp thách thức với việc FED tiếp tục nâng lãi suất, có thể buộc phải nâng lãi suất theo để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ và giữ cân bằng tài khoản vãng lai.

Các nhà phân tích của Nomura cho rằng các thách thức đối với kinh tế Đông Nam Á sẽ giảm bớt trong nửa sau của năm 2019. Tuy nhiên, chuyên gia Selena Ling của ngân hàng OCBC ở Singapore lại cho rằng thách thức đối với nền kinh tế khu vực càng về cuối năm càng tăng.

Cơ sở để bà Ling đưa ra đánh giá này là FED tiếp tục cắt giảm lượng tài sản nắm giữ và có khả năng sẽ tăng lãi suất vượt ngưỡng trung tính (neutral rates) – ngưỡng lãi suất không có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng và cũng không gây cản trở tăng trưởng.

 

Tăng trưởng kinh tế yếu đi và lãi suất tăng lên là những gì đang chờ Đông Nam Á trong năm tới

Bất ngờ về lạm phát

Các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ tăng yếu ở hầu hết các nước Đông Nam Á trong năm tới, ngoại trừ Philippines – kết quả khảo sát của Bloomberg cho thấy. Ngân hàng Trung ương Philippines mới đây đã hạ dự báo lạm phát trên cơ sở giá dầu giảm và việc nước này nới lỏng hạn chế nhập khẩu gạo.

Liệu kỳ vọng lạm phát giảm có thể khiến Đông Nam bị sốc và “trở tay không kịp” trong trường hợp giá cả bất ngờ tăng mạnh? Đây là một rủi ro đáng theo dõi, nhất là trong bối cảnh lãi suất tại nhiều quốc gia trong khu vực đang ở mức rất thấp. Chẳng hạn lãi suất ở Philippines đang thực âm, còn lãi suất của Thái Lan đang gần ngưỡng 0.

AN HUY