Các giám đốc tài chính bận tâm gì trong năm 2023?
- 01/02/2023
- Posted by: admin
- Categories: Lãnh đạo & Quản lý, Quản trị Điều hành, Tài chính
Bên cạnh hàng loạt thách thức mà các doanh nghiệp phải tiếp tục đối mặt trong năm 2023 do những khó khăn trong thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng mạnh lên nền kinh tế, các giám đốc tài chính vẫn có những kỳ vọng đón đầu cơ hội nhờ một số điểm sáng đáng chú ý.
Nhiều khó khăn sẽ tiếp diễn
Công bố dữ liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam cho thấy tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Đây được đánh giá là một con số ấn tượng trong bối cảnh đầy biến động với muôn vàn khó khăn như việc các nền kinh tế chỉ vừa mới mở cửa không lâu, khó khăn về logistics, Trung Quốc kéo dài chính sách Zero Covid, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) nâng lãi suất nhanh chóng… đã tác động đến các quốc gia và gây quan ngại về suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, chia sẻ trong hội nghị cuối năm của Câu lạc bộ Giám đốc tài chính (CFO) Việt Nam, bà Nguyễn Hoài Phương, Trưởng khối khách hàng doanh nghiệp, thị trường và chứng khoán của ngân hàng HSBC lưu ý, 2023 sẽ là một năm đầy thách thức vì những khó khăn trong thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng mạnh lên nền kinh tế.
Mặc dù tốc độ xuất khẩu ấn tượng trong ba quý đầu 2022 nhưng lại giảm gấp trong quý IV, cụ thể là giảm 8,4% trong tháng 11 và 14% trong tháng 12 so với cùng kỳ, do ghi nhận phần giảm mạnh đến từ khối sản xuất, đặc biệt là ngành hàng điện tử vốn chiếm tới 35% trong tổng kim ngạch.
Trong khi đó, thương mại toàn cầu có xu hướng chậm lại. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đo lường “sức khỏe” của ngành sản xuất liên tục giảm từ tháng 5/2022. Lượng đơn đặt hàng mới của khối sản xuất toàn cầu liên tục giảm trong quý IV, đặc biệt là ngành hàng điện tử tiêu dùng.
Mỹ, Trung Quốc và châu Âu là ba thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Trong đó, sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ đặc biệt ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam. Bởi lẽ theo bà Phương, chỉ chưa đầy 10 năm mà xuất khẩu máy móc sang Mỹ đã tăng gấp 3 lần. Thị trường Mỹ chiếm gần một nửa doanh số xuất khẩu ngành hàng máy móc của Việt Nam.
“Những gì ảnh hưởng đến Mỹ thì cũng sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến Việt Nam”, bà Phương nói và cho biết hàng trăm nghìn công nhân đã bị ảnh hưởng trực tiếp do đơn hàng giảm, không chỉ trong ngành điện tử mà còn da giày, dệt may, gỗ…
HSBC cho rằng xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó trong năm 2023 và các doanh nghiệp cần chú ý.
Lạm phát gia tăng là một yếu tố đáng quan ngại. Lạm phát toàn phần tiếp tục vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 12/2022. Điều này đến từ việc chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, khủng hoảng năng lượng… Bà Phương cho rằng, các yếu tố này sẽ tiếp diễn trong 2023 nên áp lực lạm phát vẫn còn và các giám đốc tài chính cần theo dõi chặt chẽ.
Đáng chú ý, Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất nhanh và mạnh, khiến đồng USD tăng giá. Trong 3 tháng cuối năm 2022, các ngân hàng thương mại niêm yết giá bán ra tại mức giá trần, Ngân hàng Nhà nước nới rộng biên độ giao dịch của đồng Việt Nam, nâng lãi suất điều hành để kéo giãn chênh lệch lãi suất,…nhờ đó giảm áp lực giảm giá của đồng Việt.
“Việc thắt chặt lãi suất của FED đang dần chậm lại và dự kiến dừng trong năm 2023 cũng là một yếu tố quan trọng để giảm bớt chênh lệch tỷ giá.
HSBC kỳ vọng 2023 sẽ dần ổn định trở lại với dự báo tỷ giá cuối năm 2023 là 23.600 VND/USD.
Về lãi suất, tháng 9/2022 là lúc áp lực lên tỷ giá tăng cao và Ngân hàng Nhà nước bắt đầu nâng lãi suất điều hành lên 6%/năm. HSBC dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ có hai đợt tăng lãi suất trong hai quý đầu năm 2023, khoảng 50 điểm cơ sở, đưa mức lãi suất điều hành lên 7% vào giữa năm nay.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường cho rằng, việc FED sẽ quay đầu giảm lãi suất vào giữa năm nay hoặc quý III/2023 như nhiều người dự báo có vẻ là một kỳ vọng quá lạc quan, các giám đốc tài chính và lãnh đạo doanh nghiệp cần chú ý.
“Giữa 2024 lãi suất may ra mới giảm tuỳ tình hình lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát sẽ có thể không giảm nhanh như mong đợi nên mặt bằng lãi suất vẫn tiếp tục cao. Chi phí vốn của doanh nghiệp trên thị trường tiếp tục tăng, gây áp lực lên biên lợi nhuận”, ông Tường nói.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiin Group nhận định, vẫn sẽ có những doanh nghiệp tìm được con đường luồn lách để vượt qua sóng lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động tốt và quản trị minh bạch. Ông Thuân cũng cho rằng, trong thời gian tới, trái phiếu xanh sẽ góp phần giải quyết khó khăn cho một số doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, đầu tư công sẽ là một điểm sáng khi nền kinh tế cần có sự cân đối giữa tăng trưởng vốn vào các ngành có vòng quay vốn dài (bất động sản) và ngành có vòng quay vốn nhanh hơn (sản xuất). Tuy nhiên, cần có sự đánh giá thận trọng.
“Đầu tư công quyết liệt nhưng còn nhiều điểm nghẽn trong cơ chế vận hành của nhóm đấu thầu, nếu hướng toàn bộ mục tiêu vào đầu tư công năm nay thì vẫn chưa hấp dẫn”, một thành viên CFO Việt Nam nhận định.
Một điểm sáng khác được bà Phương đề cập là yếu tố cầu nội địa tăng trưởng do thị trường lao động cũng như ngành du lịch phục hồi.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau gần 3 năm được kỳ vọng là cú hích cần thiết để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của ngành du lịch nói riêng và nhiều ngành kinh tế nói chung.
Bà Phương cũng cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hy vọng sẽ bù đắp phần nào cho tăng trưởng kinh tế trong 2023. Mặc dù lượng đăng ký mới giảm 18% so với năm trước dù giải ngân FDI cao nhưng đăng ký mới của khối sản xuất chỉ giảm 1% so với cùng kỳ. Các tập đoàn lớn như LG hay Samsung đều công bố các dự án mở rộng ở Việt Nam, Apple cũng công bố thông tin bắt đầu sản xuất Macbook ở Việt Nam từ giữa 2023
“Với lợi thế ổn định về kinh tế vĩ mô và chính trị thì Việt Nam vẫn là điểm đến tương đối hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực sản xuất”, đại diện HSBC nói.
Ông Tường cho rằng, các doanh nghiệp đang lệ thuộc vào những thị trường trước đây đầu tư mạnh vào Việt Nam cần lưu ý có thể gặp khó trong 2023, cần chú ý tới dòng tiền đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc và Đài Loan sau khi Trung Quốc mở cửa.
“Đặc biệt là ở các khu công nghiệp phía Bắc, chúng tôi đã thấy các đoàn của Đài Loan sang khảo sát để thuê mặt bằng”, ông Tường nói.
Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc tài chính Vinamilk bổ sung một điểm sáng khác là giá cả hàng hoá và dịch vụ có xu hướng giảm sau một thời gian dài leo thang.
“Từ quý IV/2022, xu hướng giá cho các hợp đồng tương lai được ký bắt đầu có xu hướng đi xuống. Đây là tín hiệu tốt cho cộng đồng doanh nghiệp để cân bằng với các điểm tối”, ông Liêm nói.
Theo Tùng Anh – TheLEADER