- 28/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, cần bắt buộc mọi thủ tục hành chính xuất nhập khẩu phải được thực hiện triệt để trên nền tảng công nghệ thông tin.
Hiện nay, hầu hết các bộ quản lý chuyên ngành đều đã áp dụng thủ tục điện tử qua cổng thông tin một cửa quốc gia, nhưng phần lớn còn ở mức bán thủ công. Không gian để cải cách các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu (XNK) còn rất lớn. Với các thủ tục hải quan, đó là các thủ tục hoàn thuế, quyết toán thuế, kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại.
Những khó khăn doanh nghiệp thường gặp ở thủ tục hải quan và các thủ tục về thuế là quy định hay thay đổi, vẫn phải in và nộp giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan, phải nộp giấy tờ ngoài quy định, sự phối hợp không đồng bộ giữa các bộ phận; khâu kiểm tra sau thông quan thời gian kiểm tra dài, kiểm tra chồng chéo, không được giải trình về những vấn đề chưa rõ trước khi kết luận…
Với lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong các thủ tục xin cấp giấy phép hoặc giấy tờ tương tự, công bố hợp quy, công bố sản phẩm, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm thì các lĩnh vực quản lý cũng cần tiếp tục nỗ lực cải thiện. Hiện tượng chi trả chi phí ngoài quy định vẫn cần được lưu ý. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên cổng thông tin một cửa quốc gia cần được tổ chức, vận hành tối ưu hơn, đặc biệt là mức độ ổn định của hệ thống.
Là cơ quan chủ trì triển khai cổng thông tin một cửa quốc gia, Tổng cục Hải quan đã tạo ra những bước tiến lớn trong thủ tục XNK. Đến ngày 31/12/2018 đã có 148 thủ tục hành chính của 12 bộ, ngành đã được kết nối vào cổng thông tin một cửa quốc gia, đã có tổng số hơn 1,8 triệu bộ hồ sơ của gần 26.000 doanh nghiệp được tiếp nhận, xử lý.
2 thủ tục hải quan được doanh nghiệp đánh giá dễ thực hiện nhất hiện nay là thủ tục khai báo hải quan và thủ tục nộp thuế. Đây chính là hai thủ tục đã được điện tử hóa gần như hoàn toàn. Trong khi đó, các thủ tục giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm, hoàn thuế, kiểm tra sau thông quan là những thủ tục ít điện tử hoá nhất nên được doanh nghiệp đánh giá là khó thực hiện nhất.
Giải pháp trọng tâm là sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành liên quan đến thủ tục XNK hàng hóa. Vì vậy, giải pháp toàn diện và bền vững nhất là tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý XNK, áp dụng các thực tiễn tốt đã được kiểm nghiệm qua thực tế, áp dụng rộng rãi các chuẩn mực quốc tế.
Trong lĩnh vực hải quan, những quy định cần được sửa đổi trước hết là các quy định liên quan đến thuế và quản lý thuế như cách xác định trị giá, các thủ tục không thu thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế, kiểm tra sau thông quan. Trong lĩnh vực quản lý, các quy định cần được sửa đổi trước hết là về thủ tục công bố hợp quy, công bố sản phẩm; danh mục hàng hóa nhóm 2 quy định tại luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa; vấn đề kiểm tra hiệu suất năng lượng đối với máy móc thiết bị; vấn đề kiểm dịch thú y đối với sản phẩm động vật, vấn đề kiểm dịch, kiểm tra chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi…
Ban hành quy định bắt buộc mọi thủ tục hành chính XNK phải được thực hiện trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Kinh nghiệm từ việc triển khai áp dụng hệ thống thông quan điện tử của ngành hải quan cho thấy, nếu không có quy định mang tính bắt buộc, tình trạng xử lý thủ công sẽ còn kéo dài, làm giảm hiệu quả của cổng thông tin một cửa quốc gia nói riêng, thủ tục hành chính điện tử nói chung.
Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASCM): Hướng tới sự triệt để minh bạch
Cuối năm 2018, Hải quan TP.HCM đã triển khai xong hệ thống quản lý hải quan tự động tại tất cả các cảng, kho bãi, địa điểm trên địa bàn TP.HCM. Hệ thống quản lý hải quan tự động đã khẳng định nhiều ưu thế đối với việc quản lý thông quan.
Tổng cục Hải quan đặt ra mục tiêu hoàn thành triển khai hệ thống trên phạm vi toàn quốc với các chức năng quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, lưu trữ, tồn đọng tại các kho, bãi, cảng biển, cảng hàng không, địa điểm chịu sự giám sát hải quan; và hoàn thành triển khai trên phạm vi toàn quốc với các chức năng quản lý chi tiết theo mặt hàng về những thay đổi hình thái hàng hóa, chủ sở hữu hàng hóa trong quá trình lưu giữ tại kho ngoại quan.
Tháng 8/2018, hệ thống quản lý hải quan tự động đã được thực hiện tại 5 cục hải quan địa phương gồm: Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh với 81 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng tham gia. Hệ thống thực hiện quản lý với hơn 1,473 triệu container hàng nhập khẩu và gần 1,058 triệu container hàng xuất khẩu.
Tổng cục Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 với 173/183 thủ tục, chiếm hơn 94,5% số lượng thủ tục hành chính; quản lý, vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS với 100% Chi cục Hải quan thực hiện, bảo đảm vận hành 24/7 với 99% thủ tục hải quan được thực hiện; mở rộng hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi trên phạm vi toàn quốc, triển khai thành công đề án nộp thuế 24/7.
Ngoài ra, hệ thống thực hiện quản lý gần 28,5 triệu kiện hàng xuất khẩu, hơn 13,4 triệu kiện hàng nhập khẩu và nhiều hàng rời, hàng lỏng…
Tuy mới được triển khai, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện thủ tục xác nhận hàng hóa qua hệ thống quản lý, giám sát tự động tại cảng biển, cảng hàng không tương đối cao. Nhóm doanh nghiệp nhà nước 49%, doanh nghiệp FDI 47%, nhóm DN tư nhân 40%.
Doanh nghiệp phản ánh, thực hiện thủ tục giám sát hải quan qua hệ thống giám sát tự động phương thức mới này rất tích cực. Hệ thống giám sát hải quan điện tử đặc biệt hiệu quả trong việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục. 62% phản hồi của doanh nghiệp đánh giá rằng hệ thống giúp giảm thiểu các vướng mắc khi thực hiện thủ tục. Cuối cùng, gần một nửa (49%) số phản hồi cho rằng hệ thống điện tử giảm chi phí thực hiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, ông Đinh Ngọc Thắng khẳng định hệ thống quản lý hải quan tự động sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Góp phần tạo bước đột phá mới trong công tác quản lý hải quan theo hướng hiện đại và minh bạch, đồng thời giúp cơ quan hải quan tăng cường nguồn lực tập trung vào công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, tinh giản biên chế theo hướng hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả.
Ông Đinh Ngọc Thắng cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, địa điểm và doanh nghiệp hoạt động XNK phối hợp tốt với cơ quan hải quan trong thời gian này để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống trên toàn bộ địa bàn.
BÙI AN BÌNH – MỸ HẠNH