- 22/02/2019
- Posted by: admin
- Category: Thuế
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ được trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tuần tới, là một trong số các hoạt động liên tục về cải cách thuế được Chính phủ cấp tập thực thi. Cải cách thuế nhận được sự chỉ đạo ráo riết chưa từng có từ trước đến nay.
Luật Quản lý thuế đã qua 3 lần sửa đổi bổ sung vào các năm 2012, 2014 và 2016 và đến nay đã là lần sửa đổi thứ 4, nhằm bắt kịp với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, những tác động mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10/2018 và dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019. Hiếm có dự luật nào được sửa với tốc độ dầy đặc như vậy và thời gian thông qua cũng khá là thần tốc, càng cho thấy yêu cầu không thể chậm trễ trong cải cách thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cũng như cơ quan quản lý thuế, tạo hành lang thông thoáng, minh bạch và công bằng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Trong dự thảo Luật Quản lý thuế mới, có ba nội dung được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, liên quan doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các tập đoàn kinh tế tại Việt Nam.
Hiện, Chính phủ đang gắng sức kêu gọi có nhiều hơn nữa các tập đoàn đa quốc gia chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, nhưng vẫn mắc phải bài toán chuyển giá chưa tìm được cách giải đúng. Những giao dịch chuyển giá thực hiện hành vi lách thuế, trốn thuế thường phát sinh nhiều hơn trong các giao dịch liên kết xuyên quốc gia (tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI với công ty mẹ hoặc công ty cùng một tập đoàn ở nước ngoài. Quản lý hành vi trốn thuế thông qua hoạt động chuyển giá là một thách thức lớn với không chỉ ở Việt Nam mà với các cơ quan tư pháp của mọi quốc gia.
Theo ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc điều hành của ICHAM (Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam), hiện tượng chuyển giá xảy ra rất thường xuyên với các tập đoàn đa quốc gia, và nếu Việt Nam trở thành thiên đường đầu tư cho các tập đoàn đa quốc gia thì Chính phủ phải sớm có được cách giải quyết tối ưu cho vấn đề này. Việt Nam đã ký 77 hiệp định tránh đánh thuế trùng với các quốc gia trên thế giới, trong khi Thái Lan ký 61 hiệp định, Singapore ký 100 hiệp định và Malaysia ký 74 hiệp định, điều này chứng tỏ Việt Nam rất cởi mở trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiềm năng.
Tuy nhiên, nên đẩy mạnh “thu tại nguồn” để giúp hạn chế các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các nước khác, làm xói mòn nguồn thu thuế từ các tập đoàn này. Nếu Việt Nam là nguồn lợi nhuận thì Việt Nam được phép thu thuế đối với toàn bộ giá trị phát sinh từ Việt Nam, đồng thời bổ sung nguyên tắc giao dịch độc lập.
Luật Quản lý thuế đã qua 3 lần sửa đổi bổ sung vào các năm 2012, 2014 và 2016.
Siết lại tình trạng chuyển giá, trong dự thảo luật đề ra hai nguyên tắc được định nghĩa rất cụ thể là nguyên tắc giao dịch độc lập là nguyên tắc được áp dụng trong kê khai, xác định giá tính thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhằm phản ánh điều kiện giao dịch trong giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết tương đương với điều kiện trong giao dịch giữa các bên độc lập (các bên không có mối quan hệ liên kết).
Nguyên tắc bản chất quyết định hình thức là nguyên tắc được áp dụng trong quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch nhằm phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế để xác định bản chất của giao dịch trên cơ sở đối chiếu với các giao dịch tương đồng, đảm bảo các giao dịch thể hiện đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính phát sinh. Những nguyên tắc này đều được đánh giá là phù hợp với nguyên lý và khuyến cáo của tổ chức hợp tác phát triển kinh tế OECD.
Năm 2018, hàng loạt chính sách thuế đã được sửa đổi theo hướng giảm mạnh chi phí tuân thủ thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục thuế, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi.
Có thể kể đến là Nghị định 146 của Chính phủ gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tài nguyên, khoáng sản để xuất khẩu; Nghị định 119 của Chính phủ về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Việc triển khai mở rộng hóa đơn điện tử vừa giúp cơ quan thuế quản lý các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế một cách chặt chẽ và minh bạch, vừa giảm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp và giảm các rủi ro khi giao nhận hóa đơn giấy.
Thông tư số 39 của Bộ Tài chính cải cách thủ tục hải quan và kê khai nộp thuế tạo thuận lợi cho hoạt động ngoại thương, theo đó, nhiều thủ tục đã được giảm đáng kể như phương thức nộp hồ sơ hải quan điện tử (bản scan có gắn chữ ký số) trở thành phương thức chủ yếu, người khai không cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ giấy và mang đến cơ quan hải quan để nộp như hiện tại. Thủ tục khai bổ sung được thực hiện hoàn toàn thông qua hệ thống điện tử, không phải nộp đề nghị dưới dạng bản giấy như hiện tại…
NGUYÊN MẪN