CEO ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á: Có 5 chữ “I” này, bạn là một nhà lãnh đạo xuất sắc
- 29/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Lãnh đạo & Quản lý
Theo doanh nhân Piyush Gupta – CEO của DBS Bank, ngân hàng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, 5 chữ “I” này đại diện cho 5 phẩm chất cốt lõi giúp định hình nên một nhà lãnh đạo xuất sắc.
Trong một bài viết trên trang LinkedIn mới đây, CEO DBS Bank chia sẻ rằng, 35 năm sự nghiệp đã giúp ông xác định được 5 phẩm chất cốt lõi, giúp định hình nên một nhà lãnh đạo xuất sắc. Đặc biệt, tất cả 5 phẩm chất này đều bắt đầu bằng chữ “I”.
Được ví như câu thần chú dành cho phong cách lãnh đạo của mình, vị CEO 58 tuổi chia sẻ, 5 chữ “I” này ngày càng trở nên hữu ích hơn đối với ông, nhất là trong thời điểm mà con đường sự nghiệp phía trước ngày một khó nắm bắt.
“Chúng ta đang sống trong những giai đoạn cực kỳ thú vị. Với sự đột phá về mặt công nghệ như hiện nay, những công việc xuất hiện trong tương lai chắc chắn sẽ khác rất xa so với bản thân chúng ở thời điểm hiện tại”, Piyush Gupta viết. Và, chúng ta khó có thể nói một cách chính xác về việc chúng sẽ trông như thế nào. Bằng chứng là, một báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã cho thấy, có đến 1/3 số lượng kỹ năng cần thiết cho các công việc trong tương lai đến giờ vẫn chưa được xác định hết. Tuy nhiên, điều đáng mừng là vẫn tồn tại những phẩm chất gắn liền với thành công mà tương lai không bao giờ có thể thay đổi được. Một trong số đó là khả năng lãnh đạo.
“Tất cả chúng ta đều là những người lãnh đạo trong thế giới riêng của bản thân. Ở bất cứ nơi đâu, và với bất cứ những gì mà chúng ta làm, nếu có thể thực tiễn được 5 phẩm chất quý giá này, thì chúng ta hoàn toàn đủ khả năng làm nên sự khác biệt, bất chấp tất thảy mọi sự thay đổi xung quanh”, Gupta viết. Và, dưới đây là 5 phẩm chất cốt lõi mà một nhà lãnh đạo xuất sắc cần phải có, theo Piyush Gupta.
1. Individual accountability – Có trách nhiệm với bản thân
Tại nơi làm việc, cụ thể là ở các công ty lớn, việc ra quyết định có thể dễ dàng bị chuyển thành trách nhiệm của số đông hoặc xuôi theo sự nhất trí từ tập thể, Gupta viết. Tuy nhiên, theo vị CEO này, một người lãnh đạo xuất sắc không bao giờ làm như vậy. Người lãnh đạo xuất sắc là người hiểu được rằng, bản thân họ cần phải chịu trách nhiệm với công việc của chính mình. Thế nên, họ sẽ nắm quyền chủ động, và xem công việc của tổ chức cũng như mọi thứ có liên quan đến nó là công việc của mình.
Người lãnh đạo là cá nhân sở hữu góc nhìn thấu suốt tất thảy ngóc ngách của mọi thứ, kể cả thế giới riêng của bản thân lẫn công việc của họ. Đó là người nắm quyền kiểm soát, giải quyết vấn đề cũng như luôn phải tâm niệm rằng, tất cả mọi trách nhiệm và quyền quyết định đều nằm trong tay mình”, vị CEO viết.
2. Initiative – Có tinh thần của người tiên phong
Theo Gupta, một cá nhân có tinh thần tiên phong là người có khả năng “lập ra lộ trình chiến lược”. Một người lãnh đạo xuất sắc cần phải thực hiện được điều này, cũng như biết ưu tiên cho những lĩnh vực thế mạnh, nhất là khi phải đối mặt với những trở ngại từ bên ngoài.
“Cái khó của việc lãnh đạo nằm ở chỗ: Phải làm thế nào để khi vạch ra lộ trình chiến lược, nó có thể giúp công việc, ban quản trị hay cả cộng đồng trở nên tốt hơn, so với trạng thái của doanh nghiệp vào lúc mới thành lập hay khi được chúng ta tiếp quản”, Gupta nói.
3. Innovation – Có tinh thần đổi mới
“Trong một thế giới mà tốc độ thay đổi đang diễn ra chóng mặt, hơn lúc nào hết, các nhà lãnh đạo cần thiết phải sở hữu tinh thần đổi mới”, Gupta viết. Đổi mới ở đây không có nghĩa là bạn phải tạo ra một chiếc iPhone mới, mà nó đơn giản là việc sở hữu “tư duy thách thức những thứ mang tính khuôn mẫu”.
Vị CEO của DBS Bank chia sẻ: “Người lãnh đạo phải biết thắc mắc nguyên nhân đằng sau mọi chuyện cũng như luôn phải ưu tiên suy xét xem, mình có thể làm được gì để thực sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
4. Inspiration – Có khả năng truyền lửa
Một người lãnh đạo xuất sắc cần sở hữu một tầm nhìn vững chắc cũng như niềm tin tuyệt đối vào tầm nhìn này. Ngoài ra, bạn phải có khả năng truyền tải tầm nhìn này tới những người khác, để nhờ đó mà họ có thể ủng hộ quan điểm của bạn. Gupta cũng lưu ý rằng, “người khác” ở đây, không chỉ gói gọn trong cấp dưới, mà có thể là đồng nghiệp, đối thủ hay thậm chí những người ở vị trí cao hơn.
“Người lãnh đạo xuất sắc luôn biết cách truyền cảm hứng cho người khác, và dẫn dắt họ cùng bước đi trên cuộc hành trình”, Gupta viết.
5. Intent – Có mục đích
Cuối cùng, người lãnh đạo cần phải có mục đích rõ ràng, cả cho bản thân lẫn những người mà họ đang dẫn dắt, Gupta giải thích. Ông đưa ví dụ: “Chúng ta sống trên đời này để làm gì? Tại sao chúng ta lại được sinh ra? Chúng ta sẽ để lại di sản gì cho những thế hệ sau?”. Nếu chúng ta có lời đáp cho những câu hỏi này và hành động với mục tiêu rõ ràng, thì hẳn sẽ mang lại sức mạnh rất lớn”, Piyush Gupta nhấn mạnh.