CEO và phong cách “lãnh đạo đầy tớ”

Trở thành “nhà lãnh đạo đầy tớ” đồng nghĩa với việc đặt CEO xuống vị trí thấp nhất trong sơ đồ tổ chức của công ty. Sameer Dholakia – CEO SendGrid là một ví dụ điển hình. 

Sameer Dholakia là một trong những CEO được đánh giá cao nhất làng công nghệ hiện nay. Theo bảng xếp hạng CEO hàng năm tại Mỹ của Glassdoor, phương pháp quản lý của Dholakia nhận được sự ủng hộ của 98% nhân viên trong công ty, bằng tỷ phú Elon Musk và Mark Zuckerberg. Kết quả khảo sát trên được tổng hợp dựa trên đánh giá nặc danh do chính nhân viên công ty đưa ra.

Ngoài Glassdoor, website nghề nghiệp uy tín comparably.com cũng nhận xét Dholakia xứng đáng là CEO số một trong số lãnh đạo của các công ty công nghệ có quy mô dưới 1.500 nhân viên.

Để có được thành tựu này, theo Forbes, bí quyết của Dholakia nằm ở phong cách lãnh đạo khác thường: trở thành một nhà lãnh đạo… đầy tớ (servant leadership).

Triết lý “nhà lãnh đạo đầy tớ” xuất hiện từ năm 1970 do Robert Greenleaf – cựu Giám đốc phụ trách nghiên cứu quản lý tại AT&T đưa ra. Trong cuốn The Servant as Leader, ông viết: “Phong cách này xuất phát từ cảm xúc tự nhiên, mong muốn ưu tiên hàng đầu là được phục vụ mọi người. Chính những lựa chọn có ý thức sau này khiến họ có khát khao dẫn dắt người khác”.

Cách nhận biết một nhà lãnh đạo đầy tớ rất đơn giản, đó là nhìn vào sự phát triển của những người mà họ phục vụ. “Bất kỳ ai bị thúc đẩy bởi yếu tố quyền lực hay lợi ích tài chính sẽ không phải là một nhà lãnh đầy tớ”, Greenleaf chỉ ra.

Dholakia mang phong cách lãnh đạo đầy tớ đến SendGrid từ năm 2014, sau khi ông rời bỏ vị trí giám đốc điều hành tại Công ty phần mềm Citrix. SendGrid nổi tiếng với ứng dụng gửi mail tự động cùng tên.

Khi đặt Airbnb hay Uber, tin nhắn tự động mà bạn nhận được là đến từ SendGrid. Ứng dụng này giúp các nhà cung cấp dịch vụ giảm bớt lượng mail gửi đến thư mục rác đồng thời có thể đánh giá hiệu quả của các chiến dịch mail marketing.

Khi Dholakia đặt chân đến SendGrid, startup 5 năm tuổi này đang rơi vào vòng xoáy tăng trưởng chậm. Chỉ sau 3 năm, ông đã xoay chuyển tình thế, đưa doanh số bán hàng tăng gần 40% trong hai năm 2015, 2016. Doanh thu năm 2017 dự kiến chạm mốc 100 triệu USD. CEO SendGrid tiết lộ, chính phong cách lãnh đạo đầy tớ đã giúp ông và Công ty có được kết quả như hôm nay.

Ông cho biết, trở thành nhà lãnh đạo đầy tớ đồng nghĩa với việc đi ngược lại sơ đồ tổ chức truyền thống khi đặt CEO xuống vị trí thấp nhất. “Đúng là công việc CEO có nhiều khó khăn nhưng nhiều người còn làm những công việc khó khăn hơn cả CEO”, ông nói, “Tôi không phải nghe khách hàng phàn nàn về lỗi sản phẩm, tôi cũng chẳng phải chạy doanh số bán hàng như người khác”. Thực tế, công việc chính của nhà lãnh đạo chính là trao quyền cho nhân viên.

Để “phục vụ” nhân viên tốt hơn, Dholakia dành phân nửa thời gian làm việc để gặp gỡ họ thông qua các cuộc họp. “Chỉ cần nhìn vào lịch trình làm việc của nhà lãnh đạo, bạn sẽ biết được phong cách lãnh đạo của họ thông qua nơi họ dành nhiều thời gian nhất”, ông chỉ ra.

Dholakia thường tổ chức họp vài lần mỗi tuần chỉ để tăng tính tương tác giữa nhân viên với ban quản lý. Những cuộc họp này không có nội dung cụ thể, điều ông muốn biết là cách mà công việc đang được tiến hành và giải quyết mọi thắc mắc của nhân viên về chiến lược của công ty.

“Tôi cố gắng cho nhân viên thấy mình luôn sẵn sàng để giúp họ. Tôi luôn kết thúc cuộc họp với câu hỏi ‘Có điều gì tôi có thể làm cho bạn không? Bất cứ điều gì mà ban lãnh đạo hay bản thân tôi có thể làm cho bạn?'”, ông nói. Việc này giúp có thêm nhiều ý tưởng tuyệt vời trong điều hành doanh nghiệp.

Dù vậy, không phải nhân viên nào cũng đủ dũng cảm nói thật với CEO, người đang nắm giữ trong tay sự nghiệp của họ. Vì vậy ở SendGrid, một trong 4 giá trị văn hóa tại đây là tính trung thực (honest). Trước khi đưa ra một phản hồi quan trọng, nhân viên thường gọi giá trị trung thực bằng cái tên “honest H”. “Nó giống như một từ an toàn, mọi người sẽ hiểu bạn có ý tốt khi nói ra những lời sau đó”, Dholakia chia sẻ.

Nguồn cảm hứng khiến Dholakia theo đuổi phong cách lãnh đạo khác thường này là từ mẹ ông. “Từ nhỏ tôi đã được mẹ dạy rằng, sống là cho đi, không phải nhận lấy”, Dholakia nghẹn ngào khi kể về mẹ.

Khi ông 15 tuổi, bà bị giết chết thảm khốc trong một vụ trộm ở Los Angeles. Cho đến bây giờ, ông vẫn luôn ghi nhớ câu chuyện ngụ ngôn của Ấn Độ mà mẹ thường kể và xem đó là động lực sống của bản thân:

“Khi bước vào thế giới này, chúng ta đều là những đứa bé với nắm tay siết chặt, chân đá lung tung, không ngừng la hét và gào khóc. Nhưng khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta ra đi trong thanh thản với bàn tay rộng mở. Đó là bởi ban đầu chúng ta mang đến thế giới này một món quà đặc biệt vô giá, món quà mà chúng ta phải nắm chặt trong tay khi còn là đứa trẻ. Công việc, lẽ sống của chúng ta là khám phá ra món quà đó là gì và trao tặng chúng cho người khác. Lúc cho đi cũng là lúc chúng ta biết mình đã hoàn thành công việc và trở về nơi yên bình”.

VÂN THẢO