Chữa bệnh ‘sợ sai’ để vượt qua ‘thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế’
- 13/07/2023
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Nền kinh tế rơi vào giai đoạn đặc biệt khó khăn khiến doanh nghiệp không có động lực đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị cần chữa căn bệnh “sợ sai” của cán bộ để thúc đẩy đầu tư công, tạo điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế.
Quý II/2023 kết thúc với những chỉ số có phần tích cực so với quý I/2023. Tuy nhiên, nhìn chung, tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2023 vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2023 được đánh giá là cực kỳ khó khăn.
TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân, nhận xét, động lực tăng trưởng từ phía cầu đang suy giảm bởi cung tiền tăng chậm, lãi suất vẫn ở mức tương đối cao. Duy chỉ có giải ngân vốn đầu tư công là tăng nhưng mức tăng vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Như vậy, nói “kinh tế đang hồi phục” dường như chỉ mang tính khích lệ, bởi “nếu nhìn sâu vào bản chất, khó khăn vẫn còn rất nhiều”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận xét, đây là thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế. Khó khăn càng nặng nề hơn khi giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước đưa ra chưa phù hợp và vẫn còn xa rời thực tế.
Nói về các giải pháp, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, nhìn nhận, thời gian qua, nhiều nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế đã được triển khai, đặc biệt phải kể đến việc Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất để hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp. Tính đến hiện tại, nguồn vốn không phải là thiếu, tuy nhiên, theo ông Cường, doanh nghiệp lại đang không thể đầu tư được.
Về vấn đề này, ông Cung nhận định, không nên kỳ vọng vào đầu tư từ phía doanh nghiệp tư nhân do doanh nghiệp đang không có động lực, lại không có cơ chế khuyến khích đủ mạnh, khiến tinh thần kinh doanh rất ảm đạm.
Các giải pháp thúc đẩy cầu để đảm bảo tăng trưởng mà Chính phủ có thể chủ động, theo ông Cung, là những công cụ của chính sách tài khóa như thúc đẩy đầu tư công hay giảm thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, việc giảm thuế trong 6 tháng (từ 1/7 đến hết 31/12/2023) như quyết định của Chính phủ là quá ngắn, không đủ để tạo ra hiệu quả cần thiết.
Như vậy, động lực cần thiết ngay trong giai đoạn hiện tại là đầu tư công. Thời gian qua, đầu tư công có sự cải thiện đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn chậm. Nguyên viện trưởng CIEM đánh giá, đây là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, đã kéo dài suốt nhiều năm nay. Các nguyên nhân cũng đã được nhận diện từ lâu nhưng chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm.
Để đầu tư công thực sự đóng vai trò làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, ông Cung cho biết, cần mạnh dạn bỏ đi những quy định đang kìm hãm, ngăn cản hoạt động đầu tư ở trong hệ thống luật. Chẳng hạn, dự án nếu đến lúc triển khai mới tìm nhà đầu tư sẽ bị kéo dài thêm 3 – 4 năm nữa, thay vào đó nên cho triển khai ngay, lựa chọn ngay nhà đầu tư cho các dự án đã được đưa vào quy hoạch, đã trải qua nhiều vòng chọn lựa.
Một nguyên nhân khác dẫn đến giải ngân đầu tư công chưa nhanh như kỳ vọng nằm ở căn bệnh “sợ sai, không dám làm” của một bộ phận cán bộ.
Theo ông Cung, một phần nguyên nhân cho nỗi sợ của cán bộ đến từ chính những quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, dẫn đến sự rắc rối và thiếu rõ ràng. Cái sai không hẳn xuất phát từ động cơ cá nhân mà là từ chính mong muốn đẩy nhanh công việc nhưng bị luật pháp “trói chân”.
Chữa căn bệnh này, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, cần phải giải thích rõ ràng cách thức thực thi quy định, thủ tục, cụ thể làm thế nào, trách nhiệm thuộc về ai.
Đồng quan điểm, ông Trần Thành Long, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư, bổ sung, cần sớm hoàn thiện các quy định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm cũng như cơ chế xử lý cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Tuy nhiên, một phần căn bệnh sợ sai xuất phát từ chính thủ tục, quy định chồng chéo và rắc rối, khó có thể giải thích, hướng dẫn rõ ràng. Đối với vấn đề này, ông Cung thẳng thắn nhìn nhận, cần bỏ bớt đi những thủ tục hành chính không cần thiết, bởi vừa gây rắc rối vừa tăng rủi ro cho cán bộ. “Bớt đi một khâu trong thủ tục là bớt đi một rủi ro cho công chức thực thi, từ đó giảm nguy cơ vướng tội làm trái quy định”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
TheLEADER