Chuẩn mới cho ngân hàng Việt Nam
- 25/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Tài chính
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phê chuẩn cho Vietcombank và VIB được áp dụng Basel 2 sớm hơn một năm là minh chứng cụ thể cho kết quả của nhiều năm tái cấu trúc và nỗ lực xây dựng hệ thống ngân hàng để đạt chuẩn mới về nâng cao an toàn hoạt động.
Basel 2 là gì?
Basel là tên một thành phố tại Thụy Sĩ đã chứng kiến sự ra đời của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS), vốn được thành lập bởi ngân hàng trung ương (NHTƯ) của 10 nước phát triển vào năm 1974. Đến năm 1988, thành phố này là nơi diễn ra hội nghị của các NHTƯ trên khắp thế giới, kết quả là BCBS sau đó ban hành tập văn bản gồm các yêu cầu về vốn tối thiểu đối với các ngân hàng, được gọi là Hiệp ước Basel 1988 hay Basel 1, mà hiện nay đã trở nên lỗi thời.
Vì vậy, để đáp ứng các yêu cầu phát triển liên tục trong ngành ngân hàng, các quy định trong Basel 1 đã được sửa đổi vào tháng 6/2004, dẫn đến một hiệp ước về vốn mới (Basel 2) được ban hành.
Theo đó, để triển khai Basel 2 hiệu quả, tất cả các ngân hàng phải xác định lại chiến lược kinh doanh cũng như các rủi ro tiềm ẩn. Việc tính toán nhu cầu vốn theo Basel 2 yêu cầu các ngân hàng thực hiện khung rủi ro toàn diện.
Với Basel 2, BCBS đã từ bỏ phương pháp luận “một kích thước phù hợp với tất cả” của Basel 1, về việc tính toán yêu cầu vốn pháp định nhỏ nhất và giới thiệu khái niệm “3 trụ cột”, trong đó trụ cột 1 yêu cầu tính định lượng, trụ cột 2 là định tính và trụ cột 3 là tính minh bạch.
Cụ thể hơn, trụ cột 1 đặt ra điều kiện mức độ an toàn vốn tối thiểu (CAR) cho hoạt động ngân hàng, theo đó yêu cầu các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ CAR tối thiểu 8%. Tuy nhiên phương pháp tính mới theo chuẩn Basel 2 không chỉ tính toán đến rủi ro tín dụng mà còn bao gồm rủi ro lãi suất và rủi ro hoạt động.
Trụ cột 2 yêu cầu về quy trình kiểm tra và giám sát, theo đó cơ quan quản lý cần đảm bảo các ngân hàng thiết lập các quy trình, quy định hiệu quả để đánh giá rủi ro.
Trụ cột 3 yêu cầu minh bạch và kỷ luật thị trường, trong đó các ngân hàng phải đảm bảo thuyết minh được một số rủi ro chủ yếu.
Tại Việt Nam, sau khi đạt được thành công trong việc tái cấu trúc hệ thống, xử lý và giảm số lượng các ngân hàng yếu kém, cũng như nhận thấy sự bất cập, lạc hậu của các tiêu chuẩn an toàn theo quy định cũ, từ năm 2014, NHNN đã xây dựng lộ trình triển khai và áp dụng Basel 2 đối với hệ thống ngân hàng thương mại (ngân hàng thương mại).
Hệ thống ngân hàng đã làm gì?
Về phía NHNN, để triển khai đề án Basel 2, đã ban hành thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với tổ chức tín dụng, bám sát theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel 2, theo đó dù hệ số CAR được giảm từ 9% xuống 8%, nhưng yêu cầu tính toán sẽ phức tạp hơn và khắt khe hơn rất nhiều, khi tổng tài sản có rủi ro phải tính theo rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và cả rủi ro thị trường. Một số tài sản cũng bị nâng hệ số rủi ro khi tính toán so với trước đây.
NHNN quy định rõ việc các ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu về hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống quy định, chính sách, chuẩn hóa dữ liệu đầu vào để thu thập thông tin về khách hàng, khoản cấp tín dụng đầy đủ, chính xác.
Tiếp đến, NHNN đã ban hành Thông tư số 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, không chỉ nhằm nâng cao công tác quản trị, kiểm soát trong nội bộ ngân hàng mà còn tạo khung pháp lý để các ngân hàng thực hiện 3 trụ cột của Basel 2.
Để áp dụng theo chuẩn Basel 2, thách thức không chỉ đến từ hệ thống hay tăng vốn tự có, mà yêu cầu chất lượng tài sản đảm bảo phải thật sự sạch, theo đó lượng tài sản xấu nếu chiếm tỷ trọng quá lớn thì phải xử lý sớm, cũng như khả năng quản trị rủi ro phải đảm bảo để hạn chế việc phát sinh tài sản xấu trong tương lai.
NHNN cũng đã xác định lộ trình ban hành thông tư hướng dẫn về việc triển khai tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp xếp hạng nội bộ (Internal rating base), trước mắt là phương pháp xếp hạng tín dụng nội bộ cơ bản (FIRB), dự kiến sẽ lấy ý kiến tổ chức tín dụng trong năm 2019. Với những ngân hàng có mức độ rủi ro thấp thì có thể được hưởng lợi thông qua việc xác định vốn tự có ở mức độ thấp hơn.
Nhiều ngân hàng đã nỗ lực nâng cấp hệ thống lõi (Corebanking), xây dựng kho quản trị dữ liệu để có đủ cơ sở tính toán chất lượng tài sản đầy đủ cho từng loại rủi ro, triển khai và tập trung nguồn lực áp dụng các phương pháp luận, cơ sở tính toán và thu thập thông tin khách hàng cần thiết để đáp ứng yêu cầu của trụ cột thứ nhất.
Các ngân hàng cũng đẩy nhanh lộ trình tăng vốn tự có thông qua tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn tự có cấp 2 nhằm đảm bảo yêu cầu về vốn khi tính toán theo chuẩn mới, đồng thời xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung các quy trình kiểm soát nội bộ vừa để đáp ứng theo Thông tư 13 mà cũng nhằm đáp ứng các trụ cột còn lại theo chuẩn Basel 2.
Vì sao VCB và VIB về đích sớm?
Từ năm 2014, sau khi đã đánh giá được năng lực thực tế của các ngân hàng, NHNN quyết định chọn 10 ngân hàng gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MBBank, Maritime Bank, Sacombank và VIB để thí điểm chuẩn mực tính toán vốn theo tiêu chuẩn của Basel 2, với yêu cầu kết quả đạt được chậm nhất là vào năm 2020.
Để áp dụng theo chuẩn Basel 2, thách thức không chỉ đến từ hệ thống hay tăng vốn tự có, mà yêu cầu chất lượng tài sản đảm bảo phải thật sự sạch, theo đó lượng tài sản xấu nếu chiếm tỷ trọng quá lớn thì phải được xử lý sớm, cũng như khả năng quản trị rủi ro phải đảm bảo để hạn chế phát sinh tài sản xấu trong tương lai.
Và theo thông tin mới nhất thì Vietcombank và VIB sẽ là 2 ngân hàng đầu tiên được triển khai áp dụng Basel 2 từ đầu năm 2019, tức sớm hơn một năm so với lộ trình. Việc áp dụng sớm Basel 2 cho thấy chất lượng tài sản, sức mạnh tài chính, hiệu quả hoạt động và khả năng quản trị rủi ro của 2 ngân hàng này là vượt trội, không còn dư nợ bán tại VAMC.
Cần lưu ý, việc ngân hàng nào sớm áp dụng theo chuẩn Basel 2 không chỉ giúp tổ chức đó rút ngắn lộ trình triển khai, tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn giúp nâng cao hình ảnh, sức mạnh thương hiệu trong mắt cổ đông, khách hàng, nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý.
Mới đây, NHNN cho biết sẽ có cơ chế về chỉ tiêu phát triển tín dụng và mạng lưới riêng cho VCB và VIB trong năm 2019. Trong khi đó, thông tin trên càng giúp ngân hàng có thể thu hút vốn đầu tư dễ hơn từ các cổ đông chiến lược, nếu muốn, do đảm bảo tính minh bạch và an toàn tiệm cận theo chuẩn quốc tế.
ANH KHOA