Công cụ đắc lực hỗ trợ quản trị doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
- 13/06/2023
- Posted by: admin
- Categories: Nhân sự, Quản trị Điều hành
Việc hiểu rõ và sẵn sàng làm chủ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp HĐQT các doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực.
Trong nền kinh tế kết nối, quản trị công ty không chỉ ở mức nội tại mà cần kết nối đến khách hàng, nhà cung ứng phạm vi toàn cầu. Ông Trương Mạnh Cường, Giám đốc khối kinh doanh chiến lược của SAP Việt Nam cho biết, đó là điều kiện để công ty này đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong các quy trình của mình.
Theo ông Cường, chỉ tính riêng lĩnh vực ô tô, 95% sản lượng ô tô trên thế giới được vận hành trong hệ thống SAP. Việc đưa AI vào quá trình quản lý vận hành rất quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và khả năng giải trình trong toàn bộ quy trình từ tài chính kế toán đến kho hàng, tương tác khách hàng và nhà cung ứng.
Một trong những giải pháp là tự động hóa quy trình. Cụ thể, AI được nhúng vào tác vụ tìm kiếm và đánh giá nhà cung ứng bằng việc tự động hóa lắp ghép, so sánh các nguồn dữ liệu nội tại và bên thứ ba để đưa ra cảnh báo cho HĐQT về tiểm ẩn rủi ro trong giao dịch.
Chia sẻ trong Directors Talk #9 do Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) tổ chức, ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc Công nghệ Microsoft cho biết, từ 2022, công cụ ChatGPT phát triển bởi OpenAI được thử nghiệm rộng rãi và trở thành sản phẩm thể hiện đầy đủ nhất những khái niệm về AI tạo sinh.
Với khả năng tạo ra câu trả lời chi tiết cho hầu hết mọi câu hỏi nhận được, ChatGPT đã tạo ra một cuộc cách mạng về ứng dụng công nghệ Chatbot vào công việc trong mọi lĩnh vực ngành nghề với những tác động tích cực cho doanh nghiệp. Công cụ này giúp hỗ trợ tăng năng suất làm việc, tăng trải nghiệm của khách hàng trên nền tảng và nâng cao độ chính xác trong công việc.
Hiện nay, các lãnh đạo doanh nghiệp đều đang rất quan tâm đến những lợi ích của AI mang lại. Theo, khi được hỏi họ coi trọng điều gì nhất về AI tại nơi làm việc trong bối cảnh lo ngại mất việc làm do AI, các nhà lãnh đạo có nhiều khả năng chọn “tăng năng suất của nhân viên” hơn là “giảm số lượng nhân viên”.
Một khảo sát do Microsoft thực hiện với 200 lãnh đạo doanh nghiệp cũng chỉ ra, hy vọng hàng đầu của các nhà lãnh đạo đối với AI là giảm nhân lực không được đánh giá cao, tăng năng suất, tiết kiệm thời gian và làm việc thông minh hơn.
Có đến 98% đơn vị thực hiện một khảo sát của Accenture đồng ý với việc AI với mô hình nền tảng (foundation model) sẽ chiếm vai trò quan trọng trong chiến lược tổ chức của họ vào 3 – 5 năm nữa, và họ cũng tin rằng việc ứng dụng AI sẽ giảm được khoảng 40% giờ làm việc với mô hình ngôn ngữ lớn như GPT.
Trong đó, mô hình nền tảng sẽ tổng hợp các dữ liệu ở nhiều dạng (văn bản, hình ảnh, giọng nói, dữ liệu có cấu trúc, thông tin phi cấu trúc,…) thành một mô hình đã được huấn luyện. Mô hình cơ sở cung cấp nhiều chức năng như: hỏi đáp, phân tích cảm xúc, trích xuất thông tin, thêm mô tả ảnh, phát hiện đối tượng, làm theo chỉ dẫn. Doanh nghiệp sẽ cần xây dựng mô hình nền tảng của riêng mình để phù hợp với hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Phùng Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Microsoft Việt Nam nhận định, trong xu thế phát triển bền vững hiện nay, AI cũng cần được coi là một phần quan trọng trong bộ tiêu chuẩn đánh giá môi trường, xã hội và quản trị (ESG), đặc biệt là trong yếu tố G và có thể là cả trong phần E, khi đánh giá năng lực tuân thủ ESG của tổ chức.
Các công ty tài chính toàn cầu – đại diện cho ngành nghề áp dụng công nghệ nhanh và sâu nhất trong các ngành cũng như có tác động tới hầu hết các ngành khác – sử dụng công cụ AI để phát hiện gian lận, phân tích tín dụng, đánh giá phòng chống rửa tiền, lựa chọn đối tượng khách hàng phù hợp trong các hoạt động marketing để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, bất kỳ hệ thống công nghệ nào cũng tiềm ẩn những rủi ro mà doanh nghiệp cần lưu ý để giảm thiểu tối đa thiệt hại khi áp dụng AI. Những thách thức liên quan đến thông tin đáng tin cậy, vấn đề về sở hữu trí tuệ hay bảo mật thông tin đều đang là những đề tài nóng hổi khi nhắc đến trí tuệ nhân tạo nói riêng và ứng dụng công nghệ thông tin nói chung.
Theo một khảo sát của VIOD, hơn 80% thành viên HĐQT không có sự sẵn sàng về quy trình kiểm soát AI khi ứng dụng cho tổ chức của mình.
Trong sáu yếu tố thuộc khung quản trị ứng dụng AI của Deloitte, 3 yếu tố cần phải có để thiết lập một khung quản trị AI đáng tin cậy đã được nhấn mạnh.
Một là tính minh bạch trong trách nhiệm báo cáo với việc chỉ ra những khó khăn trong giải thích quyết định đưa ra bởi ứng dụng AI.
Hai là tính công bằng và khả năng đột phá với việc đảm bảo kết quả chính xác và không thiên vị từ ứng dụng AI.
Ba là quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu thông qua việc thiết lập một chính sách dữ liệu dài hạn.
Ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc VIOD cho biết, vấn đề đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu trong quản trị công ty vì trách nhiệm đảm bảo tính trung thực. Vấn đề này được nhắc đến nhiều hơn trong các doanh nghiệp niêm yết khi chịu sự giám sát không chỉ của cơ quan quản lý mà còn của cả thị trường, đại chúng.
Bản chất AI/ChatGPT sử dụng dữ liệu do con người đưa vào để học và trả lời. Nếu con người không đảm bảo yếu tố đạo đức và đưa vào thông tin sai lệch thì kết quả do AI trả lại sẽ có vấn đề và khó có thể giúp cho HĐQT đảm bảo tần suất và mức độ chính xác trong công bố thông tin.
Nhà đầu tư có thể tận dụng AI để kiểm tra thông tin của doanh nghiệp, thông tin vốn hoặc giao dịch với các bên liên quan thì từ phía doanh nghiệp. HĐQT cũng có thể tận dụng AI để cung cập thông tin chính thống ngược lại thị trường, góp phần tăng tính minh bạch, tuân thủ của doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, không nên nhìn AI như một công nghệ cao siêu mà hãy nhìn sự phát triển của AI như sự phát triển bình thường của một con người – từ một đứa trẻ và lớn dần lên nhờ nguồn dữ liệu thông tin được cung cấp. Điều đúng đắn phải làm là để cho “đứa trẻ” này lớn lên trong môi trường dữ liệu sạch, môi trường thông tin trung thực nhất.
Tùng Anh – TheLEADER