Nguồn tiền mặt dồi dào, chuyển hướng phát triển ra các vùng ven, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng là những bước chuẩn bị của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong 2 tháng đầu năm 2019.
Tiền mặt dồi dào
Theo báo cáo tài chính quý IV/2018 của 16 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, có 4 doanh nghiệp có tiền và tương đương tiền cao hơn trung bình ngành, gồm Tập đoàn Novaland, Vinhomes, Nam Long, Khang Điền.
Trong đó, Novaland đang sở hữu nhiều nhất trong các doanh nghiệp, tới 12.327 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, gấp 3,5 lần công ty đứng sau (Vinhomes). 11 doanh nghiệp có tiền và tương đương tiền ít hơn 700 tỷ đồng, trong đó có nhóm công ty sở hữu lượng tiền thấp hơn 100 tỷ đồng như SAM Holdings, Vạn Phát Hưng, Hoàng Quân.
Trong mối quan hệ với tổng tài sản, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ cao hơn trung bình ngành. 7 doanh nghiệp có tỷ lệ tiền trên tổng tài sản lớn hơn 8%, gồm Nam Long, Khang Điền, Novaland, CENLand, LDG, DIG, Đất Xanh. Đặc biệt, Nam Long đang có tỷ lệ tiền trên quy mô tổng tài sản lớn nhất trong các doanh nghiệp niêm yết được khảo sát. Novaland dù có giá trị tuyệt đối lớn nhất nhưng khi so sánh với tổng tài sản thì cũng chỉ tương đương tỷ lệ với Khang Điền.
Sở hữu lượng tiền lớn có thể nói là ưu điểm của doanh nghiệp trong lúc này, bên cạnh cấu trúc tài chính lành mạnh. Với kế hoạch mở rộng, gia tăng quỹ đất, phát triển dự án, việc nắm nhiều tiền mặt được xem như lợi thế lớn của doanh nghiệp.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, năm 2019, thị trường bất động sản được dự báo sẽ có một số khó khăn như thiếu quỹ đất ở trung tâm thành phố, phải ra các vùng ven để phát triển dự án, siết tín dụng vào bất động sản, lãi suất có thể tăng nhẹ…
Trong một lần gặp các nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Quang – Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long nhắc lại, mươi năm trước, Việt Nam rơi vào khủng hoảng tài chính, lãi suất vay ngân hàng có khi lên tới 25%, thậm chí Nam Long từng phải vay lãi lên 27%, thị trường bất động sản đóng băng. Ông Quang thừa nhận chịu áp lực rất lớn vì lãi suất tăng cao.
Do đó, với một thị trường bất động sản đang có giá cao như hiện nay, ông Quang cho rằng tiền mặt của Nam Long chưa quá nhiều hay dư thừa. Mới đây, Nam Long đã chi 2.300 tỷ đồng mua 170ha đất tại Đồng Nai để đầu tư xây dựng Dong Nai Waterfront City.
Ngoài dự án này, Nam Long cũng góp vốn phát triển một dự án ở Nhơn Trạch, Đồng Nai hay cùng đối tác Nhật triển khai xây dựng 165ha giai đoạn 1 của Waterpoint Long An.
Chuyển hướng đầu tư
Ông Nguyễn Nhật Cường – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Phân tích VietinBankSecurities nhận định, nếu như trước đây, thị trường bất động sản ở các tỉnh được nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ ưa thích vì ngại cạnh tranh trực tiếp ở thị trường TP.HCM thì đến nay các doanh nghiệp lớn cũng đã bắt đầu tiếp cận những khu vực này.
Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều “ông lớn” bất động sản TP.HCM đều “săn” quỹ đất mới, phát triển dòng sản phẩm mới. Họ có tham vọng phát triển dự án quy mô lớn ở địa bàn tây Nam bộ, đông Nam bộ và cũng sẵn sàng thay đổi sở trường đầu tư để thích nghi với thị trường ở các tỉnh.
Tổng giám đốc LDG Group – Nguyễn Minh Khang dự báo năm 2019 sẽ là “năm bùng nổ” phát triển bất động sản ở các tỉnh, không chỉ là những khu vực quen thuộc mà ở cả những thị trường chưa được khai phá trước đó. Theo ông Khang, hiện việc tìm kiếm quỹ đất vùng ven cũng không còn dễ, doanh nghiệp đang phải “giẫm chân nhau” săn quỹ đất đẹp.
Ông Khang cho biết giai đoạn 2019 – 2020, LDG sẽ hạn chế tối đa đầu tư bất động sản tại TP.HCM để tìm kiếm thị trường đầu tư “dễ thở” hơn và tối ưu được giá trị kinh doanh. Trong 2 năm tới, LDG sẽ đầu tư mạnh tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Nha Trang, đặc biệt là Cần Thơ.
Tập đoàn Novaland năm nay dự định đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng bên cạnh sở trường phát triển bất động sản nhà ở. Novaland cho biết sẽ có 3 sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng gồm sản phẩm hướng đồi, sản phẩm hướng biển và sản phẩm tổ hợp đô thị nghỉ dưỡng – giải trí. Để phát triển các đô thị nghỉ dưỡng – giải trí, Novaland sẽ xây dựng những công trình quy mô từ 100 – 1.000ha. Trong đó, công trình đầu tiên 100ha có thể phát triển ở Vũng Tàu, còn 1.000 ha ở Phan Thiết. Thời gian phát triển dự án từ 5 – 7 năm.
Công ty TNHH Văn Phú Resort – Lộc Bình là công ty con của Công ty CP đầu tư Văn Phú – Invest (VPI) cũng vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển thể chất kết hợp vui chơi, thể thao Lộc Bình (xã Vinh Hiền và xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc).
Theo dự kiến, tổng vốn đầu tư của dự án là 3.066 tỷ đồng, diện tích đất, mặt nước khoảng 248ha, thời hạn hoạt động là 50 năm, kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Công trình này gồm khách sạn và resort, biệt thự các loại, phòng nghỉ mini, boutique hotel, khu công viên chuyên đề gồm không gian công cộng, vui chơi, thể thao… Theo kế hoạch, công trình sẽ khai thác từ quý IV/2023. Đây được xem là bước “lấn sân” sang thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Văn Phú – Invest vốn khởi đầu từ nhà phát triển chung cư, khu đô thị tại Hà Nội.
Duy Khánh