Doanh nghiệp định hình hướng đi trong một thế giới chậm
- 16/01/2024
- Posted by: admin
- Category: Nhân sự
Trước những biến động khôn lường hiện nay của thị trường, khó khăn đặt ra với phần đông các doanh nghiệp là chưa có cho mình những chiến lược, giải pháp để đưa hoạt động kinh doanh trở lại đà tăng trưởng.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các SMEs hiện đang chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc, đóng góp khoảng 40% GDP hằng năm và được coi là xương sống của nền kinh tế.
Tuy nhiên, chính bởi quy mô nhỏ, khối doanh nghiệp này cũng là một trong những thành phần “dễ chịu tổn thương” nhất trong bối cảnh kinh tế không ổn định.
Trước những biến động khôn lường hiện nay của thị trường, khó khăn đặt ra với phần đông các doanh nghiệp là chưa có cho mình những chiến lược, giải pháp để đưa hoạt động kinh doanh trở lại đà tăng trưởng.
“Đây là thời điểm các doanh nghiệp phải tự soi lại nội lực doanh nghiệp rất nhiều và cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc đẩy hàng tồn kho, thúc đẩy bán hàng, cắt giảm chi phí, nguồn vốn cạn kiệt, dòng tiền không ổn định”, bà Tracy Vũ – nhà sáng lập và CEO DigiMaster và Trends Việt Nam chia sẻ tại sự kiện Trends Summit #02.
Bà Tracy Vũ gọi đây là thời kỳ “thế giới chậm”, khi ngày càng có sự phân hóa đa dạng bởi những diễn biến khó đoán của thị trường, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và tâm lý phức tạp của người tiêu dùng.
Theo CEO DigiMaster, trước khi bàn về các chiến lược kinh doanh trong trung và dài hạn, doanh nghiệp cần nhận biết rõ 5 nhóm xu hướng chủ đạo trên thế giới và Việt Nam bao gồm: sức khỏe, tính nguyên bản, trải nghiệm, giá trị thực và tính bền vững.
Đặc biệt tâm đắc với xu hướng lấy trải nghiệm làm lợi thế cạnh tranh trong doanh nghiệp, bà Tracy Vũ tin rằng, việc đem tới trải nghiệm tốt cho khách hàng không tốn kém, và cũng không khó như nhiều người vẫn tưởng tượng.
“Quán cà phê tôi thường lui tới vốn không quá đặc biệt về sản phẩm. Nhưng điều khiến tôi cảm động là họ đã đặt băng vệ sinh phụ nữ miễn phí trong nhà vệ sinh, với những lời nhắn nhủ dễ thương, chân thành. Một cử chỉ vốn không tốn kém đã thực sự chạm được tới cảm xúc của những khách hàng như tôi”, bà Tracy Vũ nói.
Cũng là quán cà phê này, mỗi khi phục vụ một đồ uống tới khách hàng, nhân viên sẽ còn gửi tặng cho mỗi vị khách một lời nhắn, hoặc thông điệp tạo sự tò mò, thú vị.
“Nếu mỗi doanh nghiệp đều có một văn hóa, triết lý phục vụ khách hàng tận tâm như vậy, chắc chắn doanh nghiệp sẽ trở nên vững vàng hơn trong thời kỳ biến động. Bởi mỗi một trải nghiệm được tạo ra, doanh nghiệp không chỉ giữ chân được khách hàng cũ, mà thậm chí là thu hút được nhiều khách hàng mới”, CEO DigiMaster nhấn mạnh.
Một chiến lược quan trọng không kém so với “trải nghiệm” khách hàng, theo ông Đoàn Đức Thuận – Phó Tổng giám đốc về Chiến lược và Marketing của Owen Fashion là quản trị rủi ro và phát triển bền vững.
Vị chuyên gia cho rằng, khi các doanh nghiệp và tổ chức đang phải đối mặt với những thách thức và rủi ro ngày càng phức tạp, sự nhạy bén và sẵn sàng trong mọi tình huống là điều mà bất kì nhà quản trị nào cũng cần.
Ông Đoàn Đức Thuận chỉ ra, một chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả là sự kết hợp của 3 yếu tố: tăng trưởng kinh doanh, quản trị chiến lược và kiểm soát thực thi.
Từ đó, một tổ chức có thể phát triển bền vững với khả năng chống chịu rủi ro, khi có thể gắn kết với các mục tiêu và cơ hội mới, linh hoạt phân bổ nguồn lực và đơn giản hóa quy trình ra quyết định.
Ông cũng đề cập đến 5 góc độ tiếp cận bền vững và ứng biến linh hoạt, bao gồm: tăng tầm nhìn xa, tăng khả năng phản ứng, tăng khả năng thực thi và thiết lập xu hướng trên thị trường, duy trì sự ổn định và hiệu quả, gia tăng sự linh hoạt liên quan đến tài chính, hoạt động và nguồn lực.
“Doanh nghiệp vừa phải nhìn vào tương lai xem xu thế, sản phẩm thị trường biến động ra sao và chúng ta sẽ ở đâu trong 3-5 năm tới. Nhưng không quên nhìn vào thực tại, phân bổ nguồn lực linh hoạt và duy trì sự ổn định, hiệu quả”, ông Đoàn Đức Thuận nói.
Vị chuyên gia gọi đây là xu thế “thuận cả hai tay”, với ý nghĩa một tay nhìn về tương lai, một tay lo cho hiện tại. Bởi một chiến lược tốt và dài hạn chưa chắc đã thành công, mà thành công thường nằm ở khâu kiểm soát và thực thi. Do đó, doanh nghiệp cần kết hợp các yếu tố như con người, quy trình, sự tuân thủ và văn hoá.
Bàn về góc độ quản trị các hoạt động truyền thông, thương hiệu, ông Andy Vũ – nhà sáng lập và CEO DigiMind Group đề cập tới “tư duy đúng” và giải pháp tổng thể cho các doanh nghiệp trong một thế giới chậm.
Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng, tư duy đúng là một bước quan trọng trong việc quản lý doanh nghiệp, giúp tăng cường khả năng sáng tạo, đổi mới và xác định các vấn đề cùng giải pháp phù hợp để đạt được mục tiêu kinh doanh.
Theo ông Andy Vũ, hành vi và nhân khẩu học của các thế hệ khách hàng hiện nay rất đa dạng, được chia thành 5 nhóm khách hàng lớn: Baby Boomer, Gen X, Gen Y, Gen Z, Gen Alpha với đặc điểm chung là gắn liền với Internet.
Chính vì am hiểu và gắn liền với công nghệ, doanh nghiệp ngày này nếu muốn thấu hiểu và gắn kết với khách hàng thì cần quan tâm tới những xu hướng tiềm năng trong tương lai như: Podcast, QR Code, trí tuệ nhân tạo, VR, AR, dữ liệu lớn…
“Doanh nghiệp càng nhỏ càng cần quan tâm tới thương hiệu và cần xác định vị trí của mình trong chuỗi cung ứng của ngành, ví dụ như làm rõ vai trò nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà phân phối hay đại diện thương mại”, ông Andy Vũ nói.
Tiếp theo, vị chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cần biến nhân viên, đối tác, khách hàng, công chúng thành đại sứ thương hiệu và quan tâm tới nhiều nhóm công chúng hơn thay vì chỉ tập trung vào một phân khúc khách hàng.
“Trong bối cảnh yếu tố niềm tin được đề cao, thương hiệu và sản phẩm ngày càng cần điểm chạm đa chiều và đáng tin cậy hơn”, CEO DigiMind Group nói.
Ngoài ra, ông Andy Vũ cũng cho rằng nội dung thông điệp quan trọng hơn kênh truyền thông, và tính nhất quán của thông điệp sẽ tạo ra sự ghi nhớ với khách hàng, còn tính cá nhân hóa sẽ tạo nên sự khác biệt.