Doanh nghiệp Việt trong CPTPP: 5 lợi ích song hành 3 thách thức

 

Ưu đãi thuế quan trong xuất khẩu, hài hòa xuất xứ nội khối, nhập khẩu với giá cả hợp lý, giảm chi phí sản xuất và cơ hội cạnh tranh bình đẳng là những lợi ích mà các doanh nghiệp sẽ được hưởng khi Việt Nam tham gia CPTPP.

 

Tuy nhiên, đi liền với các lợi ích đó là những thách thức không hề nhỏ mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt, đó là sự gia tăng cạnh tranh, là chi phí tuân thủ, là việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao.

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ về sự kiện CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định, CPTPP có thể là chất xúc tác cho một làn sóng cải cách mới, tiếp theo bước chuyển động mạnh mẽ và ấn tượng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong mấy năm vừa qua của Việt Nam. Đại diện diện cộng đồng doanh nghiệp cũng phân tích về những lợi ích và thách thức mà các doanh nghiệp sẽ đối diện khi tham gia “sân chơi” này.

Dưới đây là nội dung phỏng vấn của phóng viên Hà Chính (Báo điện tử Chính phủ) với ông Vũ Tiến Lộc:

* Cách đây 12 năm, ngày 11/1/2007, các cam kết của Việt Nam với WTO cũng chính thức có hiệu lực. Theo ông, sự khác biệt giữa hai lần hội nhập này là gì và bản thân Việt Nam cũng có gì khác so với cách đây 12 năm?

– Có sự khác biệt cả về tính chất hội nhập, tâm thế hội nhập và năng lực hội nhập của Việt Nam. Nếu WTO là hội nhập theo chiều rộng (cam kết với tất cả các đối tác, mức độ mở cửa hạn chế) thì CPTPP là hội nhập theo chiều sâu (cam kết sâu, với một số đối tác). Tuy nhiên, cả hai sự kiện hội nhập này đều giống nhau ở những cam kết cải cách thể chế của Việt Nam. Bản thân CPTPP cũng dựa trên những nền tảng của WTO, nhưng theo những tiêu chuẩn cao hơn.

Về tâm thế cải cách, WTO có thể coi là lần đầu tiên ra biển lớn của Việt Nam, có sức ép, có sự bỡ ngỡ và cũng có quyết tâm, có nhiều dư địa cải cách. Còn tham gia CPTPP là bước hội nhập sâu tiếp theo, cải cách đi tới bước khó hơn, xử lý các vướng mắc phức tạp hơn.

Về năng lực, sau 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm hội nhập hơn, cũng có vốn liếng hội nhập tốt, đồng thời cũng có những bài học được rút ra. Thực lực của nền kinh tế cũng tốt hơn trước. Có thể nói chúng ta bước vào kỷ nguyên CPTPP một cách bình tĩnh hơn, thực tế hơn.

Ngày nay, chúng ta có thể điều chỉnh linh hoạt, thích ứng tương đối tốt với cạnh tranh từ bên ngoài, đặc biệt là các FTA trong khu vực, nơi các đối thủ cạnh tranh có cùng cơ cấu sản phẩm như chúng ta. Thực tế cho thấy sau khi hoàn tất lộ trình mở cửa theo cam kết WTO và 10 FTA, không có nhóm sản phẩm nào, ngành nào, lĩnh vực nào của chúng ta bị phá sản chỉ vì không thể cạnh tranh với đối thủ từ bên ngoài. Nói cách khác, chúng ta có thể chống đỡ được rất tốt trước các FTA.

Tuy nhiên, có vẻ chúng ta lại đi sau trong việc thu lợi từ các FTA. Con số xấp xỉ 1/3 cơ hội thuế quan từ các FTA được hiện thực hóa có lẽ là một minh chứng rất rõ cho điều này. Chúng ta cũng dường như chưa tận dụng được cơ hội hoàn thiện thể chế từ những nguyên tắc thị trường trong WTO.

* Đã có rất nhiều phân tích về cơ hội và thách thức của các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Nhưng theo ông, đâu là khác biệt giữa CPTPP với các hiệp định thương mại tự do khác trong tác động tới nền kinh tế Việt Nam?

– Là một Hiệp định thương mại tự do có mức mở cửa mạnh nhất từ trước tới nay, đồng thời cũng bao gồm các tiêu chuẩn cao bao trùm nhiều khía cạnh thể chế, CPTPP được kỳ vọng sẽ mang tới những tác động tích cực cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp của chúng ta.

Doanh nghiệp Việt trong CPTPP: 5 lợi ích song hành 3 thách thức

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu trong phiên họp Quốc hội. 

Thứ nhất là những lợi ích về xuất nhập khẩu. CPTPP dự kiến sẽ tạo ra những lợi thế lớn cho xuất khẩu Việt Nam, khi Hiệp định này mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam qua các ưu đãi thuế quan khi tiếp cận thị trường 10 nước đối tác. Đó là chưa kể hiệu ứng được tạo ra từ khả năng hài hòa xuất xứ nội khối giữa 11 thị trường, một ưu thế mà không một FTA song phương riêng rẽ nào có thể làm được.

Các doanh nghiệp cũng có cơ hội mua nguyên vật liệu, máy móc thiết bị từ các nước CPTPP với giá hợp lý hơn. Mở cửa thị trường dịch vụ cũng mang lại cơ hội lớn cho cạnh tranh và giảm chi phí sản xuất.

Cùng với đó là những lợi ích về thể chế. Đây là những cơ hội cho cả nền kinh tế, đến từ các cam kết của CPTPP về các vấn đề liên quan tới chính sách, quy tắc trên thị trường nội địa. Bất kỳ nhóm doanh nghiệp nào dù lớn dù nhỏ, dù ở ngành nào cũng sẽ được hưởng lợi từ một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, minh bạch hơn, bền vững hơn, xanh hơn. Đây là những cơ hội lớn mà không một FTA nào trước đây có được.

Từ góc độ đầu tư, với những cơ hội thị trường và thể chế từ CPTPP, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Và cuối cùng, sau tất cả, người dân, người lao động sẽ có cơ hội được hưởng lợi từ những triển vọng thịnh vượng của nền kinh tế, đặc biệt khi phát triển bao trùm, mang lại lợi ích cho số đông cũng là một trong các mục tiêu quan trọng của CPTPP.

Nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Thứ nhất, với các cam kết mở cửa thị trường, thách thức trực tiếp nhất là cạnh tranh gia tăng.

Thứ hai, với các cam kết về quy tắc, thách thức về chi phí tuân thủ chắc chắn sẽ là rất lớn, với cả Nhà nước và doanh nghiệp. CPTPP bao gồm nhiều cam kết về các vấn đề phía sau đường biên giới, với các tiêu chuẩn cao hơn so với mặt bằng chung trong các Hiệp định của WTO ở nhiều lĩnh vực. Thậm chí CPTPP còn bao gồm cả những cam kết về các vấn đề vượt ra ngoài WTO như mua sắm công, lao động, môi trường… Do đó, dự kiến khi triển khai thực hiện CPTPP, chúng ta sẽ phải rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật trong khá nhiều lĩnh vực.

Thứ ba là các thách thức trong hiện thực hóa cơ hội. Sau tất cả, từ bài học thực thi 10 FTA đang có hiệu lực, có lẽ là thách thức chủ yếu của chúng ta là làm thế nào để hiện thực hóa được các cơ hội từ Hiệp định này.

* Như vậy, khối lượng những việc phải làm sẽ là rất lớn trong thời gian tới?

– Trước một CPTPP đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro như vậy, vấn đề không chỉ là câu chuyện về tận dụng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa, mà bao trùm hơn, đó còn là câu chuyện rà soát sửa đổi pháp luật, thể chế kinh tế.

Từ góc độ cơ quan Nhà nước, trước hết cần phải tuyên truyền phổ biến về CPTPP cho bộ máy ban hành, thực thi chính sách và cho doanh nghiệp. Tất nhiên, có những doanh nghiệp đã tự mình chủ  động tìm hiểu và Nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp trong chuyện này. Nhưng với một Hiệp định phức tạp mà chỉ một vài cán bộ cụ thể trực tiếp đi đàm phán mới có thể hiểu cốt lõi nội dung và những hàm ý đằng sau con chữ, với một cộng đồng mà 98% là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ xưa nay pháp luật nội địa còn chưa nắm rõ, không thể thiếu bàn tay và hành động tích cực của Chính phủ, các cơ quan Bộ ngành trong việc hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền CPTPP đến các doanh nghiệp.

Để thực thi cam kết CPTPP, cần rà soát, sửa đổi pháp luật thực thi CPTPP để phù hợp cam kết, linh hoạt theo hướng có lợi cho doanh nghiệp nội địa. Quá trình này cần được thực hiện minh bạch, đồng bộ và đặt trong sự tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp.

Một vấn đề quan trọng là việc lên kế hoạch cho các chính sách, quy định nhằm ứng phó với các tác động thể chế bất lợi có thể có từ thực thi CPTPP. Ví dụ thiếu hụt khoản thuế nhập khẩu từ CPTPP sẽ  được bù đắp bằng cách thức nào?

Với doanh nghiệp, yêu cầu sát sạt nhất đặt ra với mỗi doanh nghiệp là làm sao để hiểu được các cam kết phức tạp của Hiệp định này.  Từ góc độ thể chế, doanh nghiệp cần chủ động tham gia sâu và hiệu quả vào quá trình các cơ quan Nhà nước nội luật hóa các cam kết CPTPP.

Hành động thường xuyên và bền vững hơn, quan trọng hơn tất thảy vẫn là việc doanh nghiệp phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, của sản phẩm hàng hóa dịch vụ mình cung cấp. Mà chuyện cạnh tranh này, với mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp lại đòi hỏi những hành động khác nhau.

* Theo ông, tác động trực tiếp (giao thương) hay tác động gián tiếp (cải cách thể chế) từ CPTPP sẽ lâu dài và mạnh mẽ hơn? Ông có nói chúng ta cũng dường như chưa tận dụng được cơ hội hoàn thiện thể chế từ những nguyên tắc thị trường trong WTO, còn lần này thì sao?

– Khó so sánh bên nào tác động lâu dài, mạnh mẽ hơn hay lớn hơn; chỉ có thể biết tác động kinh tế thường có thể nhìn thấy, tác động thể chế đôi khi không nhận diện được đầy đủ nhưng đều có ý nghĩa với Việt Nam.

Về tác động kinh tế trực tiếp, CPTPP mang đến cơ hội, nhưng tận dụng cơ hội phụ thuộc vào năng lực của nền kinh tế và doanh nghiệp. Có thể ngay lập tức năng lực chúng ta chưa tốt thì chưa tận dụng được hết, nhưng tương lai nếu năng lực tốt hơn, sẽ tận dụng tốt hơn.

Tuy nhiên, việc mở của trong trong CPTPP có lộ trình, có thể ngay lập tức chưa nhìn thấy hết tác động, ví dụ mở cửa hàng hóa, dịch vụ; hoặc cho đến khi khi hoàn tất lộ trình, năng lực nội địa được cải thiện, thì tác động đã được trung hòa đi nhiều, ví dụ các tác động bất lợi đối với một số ngành.

Về tác động thể chế, không nhiều văn bản sẽ phải sửa đổi ngay bây giờ, trong tổng thể theo yêu cầu của CPTPP cũng không có quá nhiều văn bản phải sửa đổi. Tuy nhiên, điều chỉnh thế chế không chỉ phụ thuộc vào CPTPP yêu cầu gì, mà quan trọng hơn là phụ thuộc vào chính chúng ta. Nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình này, mà trước hết là sửa đổi chỉ để đáp ứng yêu cầu của CPTPP hay có sửa đổi thực tâm để thực thi hiệu quả, nói cách khác, sửa đổi vì Hiệp định hay sửa đổi vì chính mình?

Thứ hai, sửa đổi đơn thuần theo Hiệp định hay sửa đổi uyển chuyển, làm sao để vừa tuân thủ Hiệp định, lại vừa có lợi nhất cho nền kinh tế, tránh được bẫy phân biệt đối xử ngược (đối xử với nhà đầu tư nước ngoài tốt hơn với nhà đầu tư trong nước).

Trước các vấn đề trên, tác động ngắn hay dài, tác động tích cực hay tiêu cực, tác động tích cực tới mức độ nào sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của chúng ta.

Còn nhớ vào thời điểm chúng ta gia nhập WTO, rất nhiều các văn bản, quy định đã được sửa đổi, mang lại những thay đổi về chất cho hệ thống chính sách pháp luật về kinh tế của Việt Nam. Mặc dù vậy, khi nhìn lại, không thể không thừa nhận rằng có không ít trường hợp việc sửa đổi không đồng bộ dẫn tới những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, hoặc việc sửa đổi quá mạnh so với cam kết dẫn tới những thiệt thòi cho doanh nghiệp nội địa.

Lần này, tôi rất hy vọng một bước tiến mới về chất lượng thể chế môi trường kinh doanh của Việt Nam. Trong mấy năm trở lại đây, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao để thúc đẩy, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Năm 2018 cũng đánh dấu những bước chuyển động mạnh mẽ và ấn tượng về các chính sách nhằm cải thiện về môi trường kinh doanh.

Sau đợt cải cách sâu rộng về thể chế khi gia nhập WTO, CPTPP là chất xúc tác cho một làn sóng cải cách mới. CPTPP mang tới cho Việt Nam nhiều cơ hội, CPTPP có thể là động lực có ý nghĩa để Việt Nam cải cách nhằm tận dụng cơ hội. CPTPP đặt ra các yêu cầu, tiêu chuẩn thể chế cụ thể trong nhiều lĩnh vực, CPTPP là sức ép hợp lý để Việt Nam cải cách, vì cải cách tự mình thì lâu, cải cách dưới sức ép sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn.

 

P.V