Đông Nam Á nóng với thuế thương mại điện tử
- 26/12/2018
- Posted by: admin
- Category: Thuế
Indonesia đã phát quả pháo “đánh thuế thương mại điện tử” đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Và không chỉ Indonesia, các chính phủ ASEAN đang rục rịch với cuộc chiến mới nhắm vào thuế thương mại điện tử không chính quy.
Thuế thương mại điện tử trở thành vấn đề nóng tại Đông Nam Á khi, tại diễn đàn IMF-World Bank ở Bali, nước chủ nhà Indonesia cho biết sẽ đánh thuế thương mại điện tử và cùng hợp tác với các nước trong Liên minh toàn cầu về Trao đổi Thông tin Tự động (AEOI) để kiểm tra các công ty hoạt động đa quốc gia trốn thuế. Nhưng một điểm nóng khác tại hầu hết các nước Đông Nam Á là thương mại điện tử không chính quy đang bắt kịp nhóm chính quy thực hiện bởi các công ty thương mại tên tuổi, tạo thành một làn sóng nổi lên của các nhà kinh doanh trực tuyến mới hoạt động trên các mạng xã hội
Phát pháo hiệu từ Indonesia
Tại phiên họp trước khi khai mạc diễn đàn, các nhà lãnh đạo tài chính thế giới IMF-WB, Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Mulyani Indrawati cho biết Indonesia sẽ áp thuế thương mại điện tử đối với lĩnh vực thương mại này. Bản tuyên bố đó có ý nghĩa đặc biệt vì Indonesia là nước có tỉ trọng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á và lần này là một quyết định của Indonesia, từ Indonesia chứ không phải của Singapore, sẽ gây ảnh hưởng đến toàn khu vực và làm liên đới tới các nước khác trên thế giới. Theo kết quả khảo sát của Google và Temasek thực hiện vào năm 2016 thì thị trường thương mại điện tử của Indonesia sẽ nở nồi đến 46 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, theo sau đó là Thái Lan 11,1 tỉ đô la, Philippines 9,7 tỉ, Malaysia 8,2 tỉ, Việt Nam 7,5 tỉ và Singapore 5,4 tỉ đô la Mỹ. Thực ra theo những cách tính về tỷ trọng thương mại điện tử khác nhau, các số liệu của các trung tâm nghiên cứu lớn cũng không giống nhau. McKinsey & Co cho rằng mảng thương mại này của Indonesia sẽ đạt đến 65 tỉ đô la vào năm 2022, tăng từ mức 8 tỉ đô la trong năm 2017.
Thương mại điện tử Đông Nam Á đang có sự tăng trưởng nhảy vọt. Nhưng một trong những vấn đề được bàn cãi nhiều nhất hiện nay là làm sao đánh thuế những nhà kinh doanh qua mạng. Simon Woodside ở Vụ tài chính thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) nói rằng có những vấn đề kỹ thuật trong việc đánh thuế trực tuyến, bao gồm quyền của mỗi nước đánh thuế trên lợi nhuận của một doanh nghiệp của một nước khác; làm cách nào để xử lý những giao dịch quốc tế; và làm cách nào để thu thuế từ một món hàng bán trên mạng. Để giải quyết vấn đề, từ tháng 9 năm 2018 này hai nước Indonesia và Singapore đã bắt đầu trao đổi dữ liệu tài chính về người chịu thuế nhằm ngăn chận việc trốn thuế. Cũng với mục đích này Indonesia đã gia nhập Liên minh toàn cầu AEOI liên quan đến thuế. Điều này cho phép nhân viên kiểm thuế có thể làm việc với giới chức thuế tại 101 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm Singapore, Hồng Kông và Bỉ nhằm tìm xem những người Indonesia chịu thuế đã thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập của họ chưa.
Indonesia đưa ra hành động quả quyết này sau khi công ty tư vấn McKinsey cho biết nhiều nhà giàu mỗi nước đang đưa tài sản của mình ra nước ngoài để trốn thuế, với Indonesia con số này lên đến 250 tỉ đô la Mỹ. Nhằm mục đích đối phó với các vấn đề về thuế, bao gồm thương mại điện tử, từ đầu năm nay Indonesia đã yêu cầu các nhà bán hàng trực tuyến phải ghi mã số thuế của họ. Chính phủ nước này tin rằng cách làm như vậy sẽ thúc đẩy doanh thu và giúp cải thiện việc tuân thủ thuế đối với ngành thương mại điện tử đang tăng trưởng rất nhanh. Trong số những công ty thương mại điện tử Indonesia thì PT Tokopedia và PT Bukalapak.com đã yêu cầu những người bán hàng trên đó công bố mã số thuế và đây sẽ là điều kiện để những người bán hàng trên mạng được phép hoạt động trên các nền tảng. Tổng giám đốc thuế vụ Robert Pakpahan tại Bộ Tài chính nói rằng các nền tảng bán hàng trực tuyến sẽ phải gửi bản báo cáo hằng tháng cho chính phủ về các hoạt động giao dịch trên đó. Ông giải thích rõ ràng hơn rằng: “Chúng tôi muốn cải thiện việc tuân thủ luật thuế nhưng không muốn làm cho các công ty khởi nghiệp phải lo lắng”.
Nhằm đạt cả hai mục tiêu
Giải pháp được đưa ra là thay vì các công ty khởi nghiệp phải thu thuế ở người bán hàng thì chính những người bán hàng trên những mạng đó phải tự kê khai thuế mà họ phải trả, theo mã số thuế mà họ đã đăng ký. Lời phát biểu của Pakpahan đã được chứng thực với việc từ tháng 7 vừa qua, Chính phủ Indonesia hạ mức thuế đối với các hộ kinh doanh, công ty nhỏ và vừa xuống còn 0,5% so với 1% của các công ty lớn, và thời gian ưu ái thuế cho mỗi doanh nghiệp như thế sẽ kéo dài đến bảy năm. Trốn thuế đang trở thành vấn đề toàn cầu khi thương mại điện tử phát triển, nhưng xem ra Indonesia đã tìm được giải pháp cho vấn đề thuế trong khi vẫn khích lệ các công ty khởi nghiệp. ASEAN đang được số hóa và việc các chính phủ chọn giải pháp cân bằng giữa tuân thủ luật thuế và khuyến khích đầu tư là một giải pháp đúng đắn. Với Indonesia, nền kinh tế số đang đóng góp một phần đáng kể vào sự tăng trưởng của quốc gia. Quá trình số hóa ở đây rất nhanh và nước này cũng có số người sử dụng mạng Internet ở vào hàng cao nhất thế giới.
Trong một bản báo cáo gần đây, McKinsey cho biết khu vực thương mại điện tử của nước này gồm hai phần, thương mại điện tử chính quy với các trang thương mại điện tử như JD, Lazada, Shopee và Tokopedia đạt mức doanh thu 5 tỉ đô la, trong khi thương mại điện tử không chính quy gồm các công ty và hộ kinh doanh sử dụng mạng xã hội làm nơi buôn bán cũng đạt đến 3 tỉ đô la. Không dễ để có con số thông kê thương mại điện tử không chính quy, nhưng một tỉ lệ tròm trèm 40% tổng giá trị thương mại điện tử tại Indonesia cũng có thể là tình trạng chung của các nước Đông Nam Á khác, nơi chịu chung nền văn hóa mua sắm và có cùng hoàn cảnh phát triển thương mại điện tử. Và đây là một điểm khác biệt giữa phương Đông mà cụ thể là Đông Nam Á với phương Tây.
Một điểm khác biệt nữa về thương mại điện tử là trong khi người Tây phương dùng chủ yếu máy tính xách tay và máy tính bảng thì cư dân Đông Nam Á sử dụng điện thoại thông minh để mua sắm, tỷ lệ này tại Indonesia là 75%, tại Malaysia là 62%, trong khi tại Mỹ chỉ là 39%, cũng theo McKinsey.
Sự lớn mạnh của thương mại điện tử không chính quy một phần lớn nhờ vào giới trẻ yêu công nghệ. Indonesia đang là nước đứng hàng thứ tư thế giới về người sử dụng Facebook với 122 triệu người và là nước có người sử dụng Instagram cao nhất khu vực, cũng là nước đứng hàng thứ năm thế giới về số người có tài khoản Twitter. Vì thế Indonesia, cũng như các nước Đông Nam Á khác như Malaysia hay Việt Nam, có thị trường thương mại điện tử không chính quy phát triển mạnh dựa vào số người tham gia vào các mạng xã hội rất cao so với những vùng khác trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng số hộ kinh doanh hay công ty siêu nhỏ bán hàng trên mạng xã hội rất nhanh. Ở Indonesia, con số này tăng lên gấp đôi sau mỗi ba năm, hiện nay đạt đến 4,5 triệu nhà bán hàng trong đó 99% số hộ kinh doanh và hơn một nửa công ty vừa và nhỏ không có cửa hàng cửa hiệu trên mặt đất. Và người ta dự báo thị trường thương mại điện tử nước này sã tăng gấp tám lần giữa thời điểm 2017 và 2022.
Thế cạnh tranh tại Đông Nam Á
Sự nổi lên mạnh mẽ của thương mại điện tử không chính quy đang tạo nên một môi trường khởi nghiệp mới, rộng khắp, của các doanh nghiệp thương mại điện tử địa phương khả dĩ cạnh tranh với các công ty thương mại điện tử đăng ký. Trong khi vấn đề thu thuế thương mại điện tử đang nóng với các nhà bán lẻ trên những nền tảng tầm cỡ trong mỗi quốc gia hay khu vực, hoặc đến từ nước ngoài, thì việc điều chỉnh thuế thương mại điện tử đối với các doanh nhân bán hàng trên mạng xã hội làm sao để họ phát triển đủ sức cạnh tranh với các công ty đang trở thành một vấn đề.
Nhận thức rằng khởi nghiệp có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế và hơn hết phục vụ cho nền kinh tế bản địa một cách tích cực, mỗi nước, vì thế, đều có kế hoạch hoàn thiện và nâng cấp môi trường khởi nghiệp, nhưng đối với thương mại điện tử thì chính những trang mạng xã hội lớn như Facebook hay Instagram lại chính là môi trường cho những ai muốn bắt đầu sự nghiệp. Và điển hình của vấn đề nóng đặc trưng Đông Nam Á này đang diễn ra ở Thái Lan.
Trong khi Lazada thuộc sở hữu của Alibaba (Trung Quốc) đang đứng đầu thị trường thương mại điện tử ở hầu hết các nước Đông Nam Á thì Trung tâm Tình báo Kinh tế EIC đưa ra một bản phân tích tại Thái Lan cho thấy thương mại xã hội tức thương mại điện tử không chính quy đang bắt kịp với thương mại điện tử chính quy. Tiến sĩ Paul Marsden từ Syzygy Group định nghĩa thương mại xã hội là sự trộn lẫn giữa truyền thông xã hội với thương mại điện tử.
Cuộc khảo sát của EIC thực hiện hồi tháng 2-2017 đã cho thấy 51% số người Thái lan thích mua hàng trên mạng xã hội, đứng hàng thứ hai sau 65% những người thích mua hàng từ trang Lazada. Người Thái nay thích mua sắm quần áo và giày dép cùng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp trên mạng xã hội với tỷ lệ tương ứng là 58% và 55%, so với chỉ 36% và 44% trên trang Lazada. Các nhà kinh doanh trên mạng xã hội đã khai thác một cách hiệu quả việc giao tiếp xã hội ở đó để tăng cường sự góp sức của những người sử dụng mạng.
Như vậy mạng xã hội trở thành môi trường sáng tạo cho những ai muốn bắt đầu sự nghiệp thương mại điện tử.
Trước hết, đây là môi trường thử thách cho chính mình và tiếp theo là môi trường cạnh tranh với nhau trước khi trở thành một công ty thương mại điện tử chính quy. Các nhà thương mại điện tử địa phương hay bản địa luôn cần tự đánh giá khả năng hỗ trợ tài chính và nhân lực, thông qua giai đoạn thương mại xã hội này, để xem khả năng mình sẽ phát triển tới đâu, trước hết là trong môi trường văn hóa kinh doanh và tiêu dùng chung tại các nước Đông Nam Á.
Trong trường hợp nhận ra không thể cạnh tranh về giá thì lời khuyên quan trọng nhất cho các hộ kinh doanh hay công ty nhỏ là nên nằm lại trên các trang mạng xã hội. Cần biết rằng các nhà buôn nhỏ lẻ không có khả năng chi tiền cho các chương trình quảng cáo lớn và môi trường mạng xã hội đang giúp họ vượt qua nỗi khó này. Nhưng hơn hết, việc các chính phủ đặt ra sự cân bằng giữa thu thuế thương mại điện tử với sự thúc đẩy hay khích lệ các công ty khởi nghiệp và tạo sự dễ dàng cho thương mại điện tử bản địa sẽ là một sách lược hữu hiệu nhất.
Hoàng Việt |