Vì sao có những giám đốc nhân sự nhận lương 10.000 USD nhưng cũng có những người chỉ được hưởng mức lương 10 triệu đồng?
Chị Trần Thu Hồng, CEO – Tư vấn trưởng của Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ HSM.
Không thể làm chính sách trong phòng lạnh mà phải hiểu biết rộng, giải quyết nhanh và nhiều vấn đề nhưng cũng phải có khả năng từ chối. Đó là những tiêu chí mà theo CEO công ty chuyên về tư vấn quản trị nhân sự HSM Trần Thu Hồng, một giám đốc nhân sự bắt buộc cần phải có.
Từng trải qua vị trí giám đốc nhân sự của nhiều công ty như Dasan Zhone Việt Nam, Elcom và Goldsun Household, chị Hồng kể lại đã có lần chị phải gạt bỏ chính sách tiền lương gán theo sản phẩm do sếp đề xuất.
Theo chị Hồng, sếp nào cũng muốn lương gán theo kết quả đánh giá vì như thế sẽ đúng người, đúng việc. Nhưng chị nhận thấy lúc bấy giờ công ty chưa có đủ điều kiện để thực hiện chính sách này vì muốn đánh giá hiệu quả, phải có đủ các tiêu chí có thể đo lường được, nếu không sẽ chỉ mang tính hình thức.
Một mình chị Hồng phản biện với bốn thành viên ban giám đốc để làm sao chưa thực thi ngay chính sách đó. Bằng các lập luận cụ thể, chị đưa ra lộ trình với các bước đi rõ ràng nếu muốn thực hiện thành công, và với từng bước như vậy, công ty sẽ có lợi ích gì.
Chị chứng minh cho ban giám đốc thấy khi chính sách được áp dụng một cách có lộ trình sẽ mang tính thiết thực cao hơn thay vì mang tính hình thức khiến mọi người dễ chán, dễ buông và chắc chắn không đạt được hiệu quả như mong muốn. Sau ba vòng thảo luận, ban giám đốc đồng ý dời việc áp dụng chính sách sang sáu tháng sau đó.
Chị Hồng nhìn nhận, những người đứng đầu công ty luôn nhiều ý tưởng, có trải nghiệm kinh doanh rất tốt và góc nhìn đáng ngưỡng mộ. Lúc này, việc của giám đốc nhân sự nói riêng và bộ phận nhân sự nói chung là kết nối giữa cái chung, mục tiêu của công ty với khả năng thực thi của đội ngũ.
Đặc biệt, các công ty quy mô lớn luôn cần một giám đốc nhân sự có hiểu biết rộng, không phải là những con người làm chính sách trong phòng lạnh. Họ cần có khả năng ra quyết định nhanh, giải quyết nhiều vấn đề cũng như có khả năng từ chối bởi vì hai yếu tố cần được kết nối luôn có sự chênh lệch.
“Nhân sự không bao giờ có đủ thời gian để làm mọi công việc. Vì vậy, cần biết thứ tự, cách đặt ưu tiên cũng như cần phải biết nói không với sếp. Phải biết học cách nghe lời và cả cãi sếp thế nào cho hay vì họ chính là người trả lương cho mình”, chị Hồng chia sẻ.
Điểm nhấn ở đây là khi nói ‘không’ với sếp, sẽ hoàn toàn vô giá trị nếu chỉ biết nói khơi khơi ‘em thấy thế này không được, thế kia không được’ bởi chị Hồng cho rằng tất cả các sếp đều rất ghét từ ‘không thể’.
Khi có bất cứ vấn đề gì, phải phân tích trước để tìm ra lợi thế và yếu điểm, các vấn đề có thể gặp phải nếu làm theo mệnh lệnh của sếp cũng như giải pháp thay thế có thể đề xuất. Khi trao đổi với họ, việc tranh luận chỉ được thực hiện dựa trên các yếu tố thực tế đã được phân tích.
“Phải hiểu cách suy nghĩ của sếp, đặc điểm công ty như thế nào, môi trường trong ngành và thị trường cũng như các yếu tố liên quan ra sao. Đó là yếu tố mà người làm nhân sự phải hiểu rất rõ, có như vậy mới đủ tầm để nói chuyện với họ được”, chị Hồng nhìn nhận.
Lãnh đạo HSM nhấn mạnh, phải luôn có yếu tố khách quan và hướng về lợi ích công ty. Tính tự ái cũng như cảm xúc cá nhân cần được hạn chế, đặc biệt, phụ nữ thường có xu hướng đưa cảm xúc vào công việc.
Sứ mệnh của một lãnh đạo nhân sự theo chị Hồng là để giúp công ty yên ổn, để ban lãnh đạo giành thời gian và tâm trí làm các công việc quan trọng hơn. Do đó, cần biết kiểm soát và thậm chí là hy sinh cảm xúc cá nhân để có được tính khách quan nhất định khi đưa ra các quyết định và kiến nghị.
“Đó là điều rất khó nhưng hết sức quan trọng. Khi đã tạo được uy tín bằng các đóng góp cho công ty, việc thuyết phục lãnh đạo trong những lần sau lại rất dễ dàng. Thậm chí nhiều lần chưa cần lập luận, tôi chỉ cần nói không là họ đã đồng ý ngay”, chị Hồng chia sẻ.
Lãnh đạo HSM nhìn nhận, nếu không biết cách để làm một mảnh ghép còn thiếu trong hoạt động của công ty thì giám đốc nhân sự nói riêng và bộ phận nhân sự nói chung chỉ là người “dọn rác”, làm theo mệnh lệnh.
“Muốn làm khác đi thì phải chứng minh được vị thế của mình. Vì vậy mới có chuyện có những giám đốc nhân sự nhận lương 10.000 USD nhưng cũng có những người chỉ được hưởng mức lương 10 triệu đồng”, chị Hồng khẳng định.
Không có nghề nào trải trên hoa hồng
Tốt nghiệp đại học y nhưng lại bén duyên với kinh doanh từ rất sớm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, chị Hồng cảm thấy may mắn vì những gì thu được trong quãng thời gian đó đã giúp chị hình thành nên những tố chất cần có của một giám đốc nhân sự.
Một lần, chị xin vào làm trưởng phòng hành chính nhân sự cho một công ty quy mô 200 người về cơ điện lạnh. Từ vị trí làm chủ, chị bắt đầu với nghề nhân sự theo một cách ‘không giống ai’ bởi chị hiểu về kinh doanh hơn bất kỳ người làm nhân sự nào trong thời điểm đó.
Chị hiểu rõ về cơ cấu công ty, các bộ phận từ tiếp thị đến kế toán, chị hiểu được nỗi lo của sếp bởi “ai cũng tưởng làm sếp là sướng, được ăn trên ngồi trốc, hô một tiếng cả trăm người theo”, và tư vấn cho họ. Nhờ vậy, việc tương tác và trao đổi với sếp rất dễ dàng và cũng dễ chạm vào trái tim của họ.
Từ vị trí làm chủ, chị gạt bỏ cái tôi cá nhân sang một bên để học cách nghe lời, học cách cãi sếp thế nào cho hay. Vì nhân sự là một lĩnh vực mới nên chị quyết tâm đi học thêm và tìm kiếm nhiều trải nghiệm.
Chị cho rằng, để làm một giám đốc nhân sự xuất sắc, đặc biệt trong thời gian tái cấu trúc doanh nghiệp, bộ phận nhân sự cần những con người có trải nghiệm và hiểu rõ các vị trí khác nhau của công ty.
“Trải nghiệm là tốt nhưng cũng cần biết điểm dừng để hệ thống lại và bắt đầu bật lên một tầm mới”, chị Hồng nhấn mạnh.
Khi nhiều người vẫn nói chỉ có thực hành mới quan trọng thì chị Hồng bác bỏ: “Lý thuyết giúp soi chiếu và hệ thống hoá, giúp ta tránh những ngu ngốc mà người khác đã trải qua bởi không có nghề nào trải trên hoa hồng”.
Chị Hồng thừa nhận, đã rất nhiều lần chị cảm thấy hối hận với vị trí lãnh đạo nhân sự bởi muôn vàn áp lực. Có những việc cảm xúc hối thúc là đừng làm nhưng chị vẫn phải làm vì nó tốt cho công ty. Tất cả những công việc nhân viên e ngại, lãnh đạo cũng không thể né tránh.
“Nhưng có nhiều giá trị trong nghề sẽ là động lực để vượt qua những thất vọng. Nó như một tảng băng trôi, tất cả những gì lấp lánh chỉ nổi ở phía trên, còn những thử thách, gai góc lại nằm chìm dưới nước”, chị Hồng chia sẻ.
Đối với chị, người chọn nghề hay nghề chọn người không quan trọng. Quan trọng là phải bỏ qua suy nghĩ đi làm thuê và đặt mình trong tâm thế đang làm cho chính mình.
Đặng Hoa