Gian nan cuộc chiến ‘giấy phép con’
- 09/05/2024
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý và không có ý nghĩa nhưng vẫn tồn tại, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Số liệu từ báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho thấy, giai đoạn từ 2021 đến hết 2023, gần 2.800 điều kiện kinh doanh thuộc 224 văn bản quy phạm pháp luật đã được cắt giảm hoặc đơn giản hóa.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhìn nhận, số lượng các điều kiện kinh doanh được cắt giảm vẫn rất ít hoặc chỉ cắt những điều kiện không thực sự có ý nghĩa.
Bên cạnh đó, bà Thảo cho rằng, số lượng các điều kiện kinh doanh cắt giảm chủ yếu được tổng hợp theo báo cáo chứ chưa có đánh giá về chất lượng cải cách. Do đó, trên thực tế, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp chưa thực sự giảm.
Theo kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của CIEM, hiện vẫn còn tồn tại nhiều quy định kinh doanh có tính chất chung chung, thiếu rõ ràng, nhiều điều kiện không cần thiết.
Điều kiện kinh doanh được lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật và chứng chỉ khá phổ biến và chứa đựng các “giấy phép con”.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những quy định, điều kiện kinh doanh bất cập làm giảm sự cạnh tranh và tác động lớn đến doanh nghiệp khi thị trường xuất hiện những biến động.
Lấy ví dụ, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đang được quản lý rất chặt, cụ thể, nhà nước can thiệp trực tiếp vào giá thành, yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải dự trữ lưu thông, đặt số lượng nhập khẩu tối thiểu, quy định cả về số lượng đầu mối doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được nhập.
Bên cạnh đó, các thủ tục pháp lý cũng phức tạp như yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình lý do điều chỉnh giá khi làm thủ tục kê khai giá xăng dầu.
Hay như theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các quy định về phòng cháy chữa cháy có chi phí tuân thủ rất cao. Bên cạnh đó, nhiều công trình, thiết bị phòng, chữa cháy được doanh nghiệp trang bị nhưng sau đó lại không được pháp luật công nhận, gây lãng phí và thiệt hại lớn.
Đơn cử như theo “quy chuẩn quốc gia về an toàn cháy cho nhà ở và công trình” của Bộ Xây dựng, công trình phải có biện pháp bảo vệ cấu kiện có yêu cầu chịu lửa. Để đảm bảo quy chuẩn này, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng sơn chống cháy.
Tuy nhiên, đến năm 2020, Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều trong Luật Phòng cháy và chữa cháy, trong đó quy định doanh nghiệp phải sơn thử sơn chống cháy lên mẫu kết cấu và thử nghiệm mẫu đó trước khi sử dụng. Điều này gây ra tốn kém cả về thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Chuyên gia của CIEM nhìn nhận, cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại kể từ năm 2019, có thể thấy rõ qua kết quả khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực thi, tuân thủ quy định dẫn đến đội chi phí.
Không chỉ vậy, điều này còn gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp, tạo dư địa cho tham nhũng, giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh và niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Những yếu tố này tác động trực tiếp tới tăng trưởng của nền kinh tế.
Bà Thảo khuyến nghị, cần nhận diện các điều kiện kinh doanh, qua đó thay thế hoặc bãi bỏ đối với những điều kiện không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi hoặc không dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng.
Kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, giảm chi phí tuân thủ đối với các điều kiện kinh doanh không phù hợp với thực tiễn hoặc can thiệp sâu vào hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Minh bạch, cụ thể hóa theo hướng dễ hiểu và khả thi đối với các điều kiện kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng; cân nhắc bãi bỏ các điều kiện nếu không thể xác định được tiêu chí cụ thể và minh bạch.
Đối với một số yêu cầu không cần thiết, có thể bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng đưa vào tài liệu hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật để doanh nghiệp có thể lựa chọn tự nguyện tham gia.
Rà soát, bãi bỏ các chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các chứng chỉ trùng lặp nội dung để tránh lãng phí; hực hiện phân cấp và đẩy mạnh xã hội hóa việc đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ.
Hoàng Đông – TheLEADER