- 22/02/2019
- Posted by: admin
- Category: Tài chính
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo thông tư quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng, trong đó dự kiến giảm mạnh cho một số trường hợp.
Bên cạnh các trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không áp dụng quy định về dự trữ bắt buộc, điểm được chú ý trong dự thảo là hướng giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt cho các trường hợp tham gia hỗ trợ tái cơ cấu những tổ chức tín dụng đó.
“Vác tù và” không đòi hỏi
Có nhiều câu hỏi đặt ra về tình huống trên. Đầu tiên, nếu giảm thì có hồi tố cho những hỗ trợ trước đây hay không.
Dự thảo thông tư không nêu chi tiết các tình huống, thời điểm hoặc chia tách các cấp độ giảm hay không… Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định, nay dự thảo mới chính thức đặt ra để thực hiện, nên các quy định chi tiết, áp dụng cụ thể tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ xác xác định.
Còn các trường hợp trong diện được xét giảm, theo dự thảo trên, thì hàng chục năm qua vẫn “vác tù và hàng tổng” mà chưa từng đặt ra yêu cầu cụ thể giảm dự trữ bắt buộc.
Nói cách khác, trong suốt quá trình phát triển của hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam, dù không được giảm dự trữ bắt buộc thì bất cứ tổ chức nào có rủi ro, tiềm ẩn ảnh hưởng lớn tới hệ thống và nền kinh tế, thì đây luôn là những đầu mối được chỉ định vào hỗ trợ và xử lý.
Tròn 20 năm về trước, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) được chỉ định xử lý trường hợp khó khăn tại Ngân hàng Nam Đô. Hơn chục năm sau, đây cũng chính là đầu mối đứng ra hỗ trợ thanh khoản cho BacABank và GP Bank ở thời điểm nóng bỏng nhất, bên cạnh hỗ trợ hợp nhất ba ngân hàng khác. Rồi ít năm sau đó, vẫn là BIDV được chỉ định tham gia ban kiểm soát đặc biệt và hỗ trợ tái cơ cấu DongA Bank…
Nếu tình huống giảm dự trữ bắt buộc đang đặt ra hiện nay hồi tố, BIDV hẳn là trường hợp đầu tiên được xem xét.
Nhưng, việc xác định công sức “vác tù và” nói trên như thế nào, định tính hay định lượng? Hay những trường hợp hỗ trợ đó chủ yếu chỉ danh nghĩa, bố trí nhân sự mà thôi?
Trong lĩnh vực ngân hàng, số liệu liên quan đến xử lý, hỗ trợ tài chính các trường hợp kiểm soát đặc biệt thường không công bố chi tiết. Nhưng hàng chục nghìn tỷ tham gia đã, đang tham gia hỗ trợ có thể tính đến.
Cuối tháng 10/2011, đề án tái cơ cấu hệ thống đặt ra nóng bỏng, thanh khoản một số tổ chức tín dụng bên bờ đổ vỡ, mức độ tham gia hỗ trợ khi đó chỉ riêng BIDV từng được đề cập đến quy mô 8.000 tỷ đồng.
Hay tại một trường hợp khác, lãnh đạo cao cấp ngân hàng tham gia tái cơ cấu từng ước tính với người viết rằng, nếu không tham gia thì riêng năm đó ngân hàng ông lợi nhuận có thể tăng thêm cỡ 1.000 tỷ đồng nữa…
Tuy nhiên, như trên, qua hàng chục năm, các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank lần lượt tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng Nam Đô, Việt Hoa, Thái Bình Dương, Xây Dựng, Đông Á, Đại Dương, Dầu khí Toàn cầu…, nhưng chưa từng có yêu cầu, đề nghị được giảm dự trữ bắt buộc đặt ra một cách chính thức để lấy ý kiến chung theo hướng một văn bản quy phạm pháp luật.
Nói cách khác, họ chưa từng đòi hỏi lợi ích “đổi lại” một cách công bố chính thức.
Mức độ của tác động?
Chiếu theo nội dung dự thảo và đã ban hành, cũng như thực tế tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thời gian qua, BIDV, Vietcombank và VietinBank dự kiến thuộc diện được giảm dự trữ bắt buộc (với mức giảm 50%).
Đây là ba ngân hàng thương mại lớn, chiếm thị phần lớn trong cơ cấu tiền gửi toàn hệ thống, nên phạm vi của tình huống có ở quy mô lớn.
Mức độ cụ thể cần cắt lớp theo loại tiền gửi, cấu phần kỳ hạn quy định để có thể tính toán. Quy mô để tham chiếu là tổng tiền gửi của khách hàng ở nhóm này, tính đến cuối 2018, tại BIDV, Vietcombank và VietinBank có tới hơn 2,6 triệu tỷ đồng (gồm cả ngoại tệ quy đổi).
Phạm vi lớn đó còn được cộng hưởng với khả năng tạo tiền của các ngân hàng thương mại, lan tỏa trên thị trường qua số nhân tiền tệ và các vòng quay tín dụng.
Ví dụ: Có 100 đồng được trả ra qua giảm dự trữ bắt buộc, ngân hàng A có thêm 100 đồng và cho ngân hàng B vay, giả sử tỷ lệ dự trữ bắt buộc 3% thì 100 đồng ngân hàng B sẽ có 97 đồng để cho vay tiếp. Vòng quay này bội lên ở các điểm đến tiếp theo và mở rộng theo cấp độ tạo tiền như vậy.
Hoặc 100 đồng đó, ngân hàng A cho vay doanh nghiệp, một phần nó trở lại ngân hàng dưới dạng tiền gửi, nhất là trong điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt đã mở rộng, lượng tiền gửi này lại tiếp tục tạo thành những vòng quay vốn khác qua cho vay…
Những ví dụ như vậy cho thấy số nhân tiền tệ và các vòng quay tín dụng, tạo tiền qua hệ thống ngân hàng sẽ tạo sức lan tỏa, mở rộng tác động của phần vốn được giảm dự trữ bắt buộc, chứ không gói gọn phạm vi con số tuyệt đối lượng vốn được trả ra.
Cũng như với tăng trưởng tín dụng, mặc dù ngân hàng A bị giới hạn 14% cả năm, nhưng với nguồn vốn dồi dào hơn, tốc độ tạo tiền tốt hơn thì số vòng quay tín dụng có thể được nâng lên để tăng hiệu quả sử dụng vốn thay vì chỉ nhìn vào giới hạn 14% đó (và đây là giới hạn thống kê chỉ mang tính định kỳ).
Với sức cộng hưởng như vậy, giảm dự trữ bắt buộc cho một nhóm có hơn 2,6 triệu tỷ đồng tiền gửi, cũng là nhóm chiếm thị phần lớn trong cho vay, sẽ tạo thêm lan tỏa nguồn cho toàn hệ thống, có thêm tác động thuận lợi cho mục tiêu giảm lãi suất, nhất là trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng lên từ nửa cuối 2018.
Hoặc chỉ riêng các trường hợp được giảm, giảm dự trữ bắt buộc ở khía cạnh nào đó được xem như giảm thuế, họ có điều kiện để tạo lợi nhuận tốt hơn, lợi nhuận tốt hơn có thêm nguồn để trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu…
Mặt khác, đây cũng là một hướng gián tiếp tạo điều kiện, khi mà nhóm này hơn ba năm qua gần như không tăng được vốn điều lệ do ngân sách Nhà nước hạn chế; không gian tăng trưởng chật hẹp trong khi vẫn đóng vai lớn trong thúc đẩy tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Sau giai đoạn củng cố an toàn hoạt động, kiểm soát thành công lạm phát, ổn định được tỷ giá và gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cần thêm cú hích trong bình ổn lãi suất và thúc đẩy xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống – Ảnh: Quang Phúc.
Vì sao lại lúc này?
Giảm dự trữ bắt buộc được xem như một phần nới lỏng chính sách tiền tệ, mà liên quan là lạm phát. Ở đây hẳn Ngân hàng Nhà nước phải tính toán và cân đối, sau 5 năm liền kiểm soát được mục tiêu này với lạm phát cơ bản (mang yếu tố tiền tệ) ở mức thấp.
Và cũng có câu hỏi vì sao luật đã có hiệu lực từ 2018 nhưng đến nay mới dự thảo thông tư để áp dụng, mà nếu giảm 50% như vậy có khiến dự trữ bắt buộc quá mỏng gây quan ngại thanh khoản?
Về thanh khoản, quy định khác hiện hành của Ngân hàng Nhà nước đã ràng buộc chặt chẽ các tỷ lệ dự trữ thanh khoản, tỷ lệ khả năng chi trả.
Còn tại sao đến nay mới xem xét giảm dự trữ bắt buộc? Có lẽ sau giai đoạn củng cố an toàn hoạt động, kiểm soát thành công lạm phát, ổn định được tỷ giá và gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối quốc gia, Ngân hàng Nhà nước cần thêm cú hích trong bình ổn lãi suất và thúc đẩy xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống.
MINH ĐỨC