Hạnh phúc từ đâu đến? Cách tạo nên cuộc sống hạnh phúc thực sự
- 21/01/2019
- Posted by: admin
- Categories: Kỹ năng sống, Quản trị Điều hành
Trước khi tạo dựng cuộc sống hạnh phúc, mỗi cá nhân cần xác định rõ điều gì sẽ mang lại hạnh phúc cho chính mình?
Mỗi ngày, phần lớn chúng ta đều dành ít nhất 8 tiếng làm việc ở công sở. Vì vậy, có được môi trường làm việc nhiều cảm hứng và có thể duy trì trạng thái hạnh phúc trong công việc là những yếu tố quan trọng đối với người lao động thế hệ trẻ. Song, công sở cũng chỉ là một phần trong tổng thể cuộc sống của một cá nhân. Để có thể làm việc hạnh phúc, chúng ta cần có kỹ năng tự tạo cuộc sống hạnh phúc cho bản thân.
Dưới đây là những lời khuyên từ Daan Van Rossum – Nhà sáng lập Bright, một ấn phẩm phong cách sống tại Việt Nam có thể giúp người trẻ dần tự thiết lập một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Điều gì làm bạn hạnh phúc?
Đặt ra câu hỏi này với nhiều đối tượng khác nhau, Daan cho biết phần lớn các câu trả lời nhận được đều liên quan đến những chủ đề sau: tài chính, chức vụ, nhan sắc. Các điều kiện để hạnh phúc có thể khác nhau, nhưng đều có chung một gốc rễ, đó là gắn hạnh phúc với những yếu tố bên ngoài.
Nghiên cứu của Nickerson về “Mặt tối của Giấc Mơ Mỹ” là một trong những nghiên cứu cung cấp thêm góc nhìn thực tế về chủ đề này. Cụ thể, năm 1976, 12.000 tân sinh viên được mời tham gia khảo sát về thái độ đối với chủ nghĩa vật chất. 20 năm sau, các sinh viên này được mời thực hiện một khảo sát khác về mức độ thỏa mãn với cuộc sống.
Kết quả sau khi đối chiếu hai bảng khảo sát cho thấy: những sinh viên theo chủ nghĩa vật chất có mức độ thỏa mãn cuộc sống kém hơn các sinh viên không ưa chuộng vật chất. Các sinh viên theo chủ nghĩa vật chất cũng gặp nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần hơn nhóm còn lại.
Theo Daan, một trong những lầm tưởng phổ biến của con người khi đi tìm điều làm bản thân được hạnh phúc chính là nghĩ rằng bản thân sẽ hạnh phúc nếu có được một điều gì đó. Nhưng khi có được điều đó rồi, niềm vui, cảm giác hạnh phúc lại không kéo dài như mọi người vẫn nghĩ. Trạng thái bão hòa và so sánh là hai yếu tố tước đi niềm vui sống của con người. Daan đưa ra hai ví dụ để minh chứng cho quan điểm này.
Ví dụ thứ nhất về một người được ăn món yêu thích. Miếng ăn đầu tiên sẽ tràn ngập cảm giác thỏa mãn, sung sướng mà chúng ta có thể gọi là hạnh phúc. Song, đến miếng thứ hai, thứ ba và thứ mười thì cảm giác hạnh phúc ban đầu sẽ giảm dần, trong khi cơn ngấy sẽ bắt đầu xuất hiện. Hiện tượng này đã được các nhà nghiên cứu về tâm lý học tích cực gọi là hedonic adaption (tạm dịch: sự thích nghi với niềm vui sướng). Sự thích nghi này cũng xuất hiện với cả những tình huống tiêu cực. Ví dụ như một tuần sau khi gãy chân, nạn nhân sẽ có cảm giác quen dần và giảm bớt cơn khốn khổ như ngày đầu tiên gặp tai nạn. Sự thích nghi này sẽ có xu hướng đưa cảm nhận của con người về lại trạng thái cân bằng, bất kể trước đó là niềm hạnh phúc hay nỗi thống khổ. Điều này lý giải vì sao cảm xúc hạnh phúc không ở lại với chúng ta mãi mãi.
Thứ hai, nếu ngày đẹp trời, bạn được công ty tăng lương lên gấp đôi. Bạn sẽ cảm thấy rất vui vì rất có thể bạn nghĩ rằng những nỗ lực của mình đang được ghi nhận xứng đáng. Niềm vui ấy sẽ tan đi nếu bạn phát hiện ra người đồng nghiệp đang làm cùng khối lượng công việc với bạn nhưng đang có mức lương cao hơn bạn 20%. Bạn vẫn được tăng lương, khối lượng công việc vẫn không thay đổi, nhưng niềm hào hứng ban đầu đã biến mất. Theo Daan, điều này cho thấy niềm hạnh phúc, khi đặt vào yếu tố bên ngoài, sẽ luôn mong manh và chóng tan khi so sánh ngầm xuất hiện.
Daan Van Rossum – Nhà sáng lập Bright, ấn phẩm phong cách sống hạnh phúc đầu tiên tại Việt Nam. Nguồn ảnh: HerworldVietnam |
Tự tạo hạnh phúc trong cuộc sống
“Chỉ có bạn mới có thể đem đến đam mê lẫn niềm hạnh phúc trong công việc và cuộc sống của chính bạn”, Daan chia sẻ. Mô hình PERMA được chuyên gia tâm lý Martin Seligman đưa ra với 5 yếu tố tạo nên trạng thái hạnh phúc, thỏa mãn trong cuộc sống con người là một trong những mô hình Daan gợi ý mọi người có thể tham khảo:
– P (Positive Emotion): Cảm giác tốt lành, những cảm xúc tích cực, lạc quan về cuộc sống
– E (Engagement): Cảm giác gắn kết với công việc đang làm, những sở thích thú vị, nuôi dưỡng bản thân
– R (Relationships): Những mối quan hệ xã hội, tình cảm, tình thân, những tương tác giàu cảm xúc
– M (Meaning): Mục đích sống rõ ràng, nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống
– A (Accomplishments): Những thành quả bản thân trân quý, niềm tự hào về bản thân.
Tự tạo cuộc sống hạnh phúc với mô hình PERMA |
Theo trang Positive Psychology Program, dưới đây là những cách bạn có thể đưa mô hình PERMA vào cuộc sống:
Hãy đảm bảo cuộc sống của bạn có nhiều niềm vui khác nhau. Những niềm vui nho nhỏ luôn có khả năng nuôi dưỡng tinh thần lớn lao. Nếu lịch làm việc quá bận rộn, bạn có thể dành ra một khoảng thời gian nhất định trong tuần, thay vì mỗi ngày, để chỉ làm điều bạn thích.
Luân chuyển các sở thích. Giống như việc vùi mình vào tấm trải giường mới giặt sẽ dễ chịu hơn tấm trải giường đã nằm suốt một tháng chưa thay, luân chuyển các sở thích có thể mang đến cho bạn những lần làm mới bản thân dễ chịu.
Dành thời gian cho kết nối cộng đồng. Điều này giúp nhân đôi niềm vui trong cuộc sống, cũng như tạo nên nhiều cảm hứng sống hạnh phúc hơn. Những kết nối ý nghĩa với cộng đồng xung quanh sẽ mang đến cho bạn nhiều cảm hứng sống hạnh phúc hơn.
Tận hưởng từng trải nghiệm tích cực. Đây là một cách tuyệt vời để tận hưởng cuộc sống, nuôi dưỡng tình yêu với cuộc sống hiện tại. Điều này không đòi hỏi bạn nỗ lực làm điều gì lớn lao. Chỉ cần bạn dành thời gian tập trung, quan sát và “nhấm nháp” niềm vui, dù là bé nhất, trong công việc đang làm cũng sẽ tạo ra một trải nghiệm làm việc hoàn toàn khác.
Ngoài ra, viết nhật ký những điều bạn tâm đắc mỗi ngày hoặc mỗi tuần cũng là cách rất tốt để bạn cảm nhận rõ niềm vui trong cuộc sống hiện tại. Bất cứ khi nào thấy cạn kiệt năng lượng thì quyển nhật ký sẽ trở thành lời nhắc hữu hiệu để bạn tận hưởng cuộc sống.
Quan sát mức hạnh phúc của bạn. Nếu bạn cảm thấy bản thân đang trong trạng thái chán nản, hãy dành thời gian lắng nghe, cảm nhận mức độ hạnh phúc hiện tại của bản thân. Thử làm những điều chưa từng làm trước đó, đến gặp những người đang hạnh phúc tự thân…, tất cả đều sẽ tạo thêm động lực để bạn đưa cảm xúc về lại mức cân bằng.
LÂM NGHI