Hội đồng quản trị đối mặt thách thức từ ESG và AI
- 09/09/2024
- Posted by: admin
- Categories: Lãnh đạo & Quản lý, Quản trị Điều hành
Có kiến thức về ESG, trí tuệ nhân tạo (AI) và làm thế nào áp dụng vào doanh nghiệp để đem lại lợi ích cho cổ đông đang trở thành thách thức đối với các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT).
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành trào lưu trên toàn cầu, tạo ra cơ hội và thách thức đan xen cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, bộ tiêu chuẩn đo lường phát triển bền vững về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là kiến thức, quy trình tổ chức sản xuất mới đòi hỏi nguồn lực, sự kiên trì của doanh nghiệp.
Việc ứng dụng, kết hợp hài hoà giữa AI, ESG vào hoạt động sản xuất kinh doanh để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp đang là thách thức buộc các thành viên HĐQT phải tìm lời giải.
Thách thức AI
Ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng giám đốc FiinGroup cho biết, trong những năm gần đây, AI là chủ đề thu hút được nhiều sự chú ý và tạo ra sự thay đổi trong môi trường kinh doanh và trong chính các doanh nghiệp.
Tuy nhiên theo khảo sát của FiinGroup các doanh nghiệp niêm yết lớn trên sàn chứng khoán thì tuổi đời bình quân của các thành viên hội đồng quản trị khoảng 45 tuổi.
Trong khi AI là chủ đề rất mới và đa số những người nói nhiều về AI thường có tuổi đời tương đối trẻ. Do đó, để nắm bắt được AI là cái gì, nó tác động thế nào đến doanh nghiệp thì các thành viên HĐQT học, tìm hiểu, thậm chí thuê tư vấn.
“Phải có kiến thức mới hiểu được tác động của AI đối với thị trường, sản phẩm, dịch vụ và chiến lược của đối thủ”, ông Hiệu nói tại Diễn đàn thường niên thành viên độc lập HĐQT (VNIDA) năm 2024.
Theo Tổng giám đốc FiinGroup thì các thành viên HĐQT không chỉ hiểu, theo dõi mà nên cân bằng sự sáng tạo đến mức độ nào vì AI cũng có những rủi ro. Việc cân bằng giữa chi phí đầu tư và lợi ích do AI mang lại, tránh gây thất thoát trong đầu tư hoặc đi sai định hướng là một câu hỏi khó.
Đồng tình, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ PVI cho rằng, thành viên HĐQT phải nhìn nhận được lợi ích từ AI. Tuy nhiên việc áp dụng kiến thức mới trên quy mô rộng thường rất khó và sẽ gây rủi ro khi dùng quá nhiều nguồn lực.
Do đó, công ty nên lập một bộ phận nhỏ để nghiên cứu kỹ lợi ích, rủi ro sau đó lập kế hoạch triển khai cụ thể để báo cáo uỷ ban chiến lược. Căn cứ vào kết quả, kế hoạch đó, uỷ ban chiến lược mới vạch ra lộ trình thực hiện trình lên ban điều hành.
Giải bài toán ESG
Ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch Phân viện kiểm toán nội bộ quốc tế tại Việt Nam cho rằng, ESG là một thách thức đối với các doanh nghiệp khi một số thị trường nhập khẩu đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn tương đương đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050.
Các thành viên HĐQT phải xác định chiến lược ESG mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp, cho cổ đông từ đó quyết định có nên đầu tư hay không.
HĐQT muốn thực hành ESG là một việc nhưng để chiến lược đi được vào doanh nghiệp thì cần có một cấu trúc về mặt tổ chức đo lường hiệu quả.
Dưới góc nhìn của đơn vị xếp hạng tín nhiệm, tổng giám đốc FiinGroup cho rằng, ESG chỉ mới xuất hiện ở doanh nghiệp lớn, còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là một câu chuyện xa vời.
“Đâu là động cơ để HĐQT, doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề này”, ông Hiệu đặt câu hỏi và cho biết hiện nay pháp luật chưa bắt buộc triển khai ESG. Vậy doanh nghiệp triển khai ESG vì pháp lý, động cơ tài chính hay chỉ làm hình ảnh?
Trong khi với kinh nghiệm thực tế của một lãnh đạo công ty quản lý quỹ, bà Giao cho rằng ESG là câu chuyện sống còn đối với doanh nghiệp nên các thành viên HĐQT cần quan tâm đặc biệt.
“Danh sách đầu tư của Công ty CP Quản lý quỹ PVI có ngành năng lượng, hàng xuất khẩu đang chịu sức ép rất lớn về các tiêu chuẩn ESG. Đơn cử với doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang thị trường châu Âu, Mỹ nếu không đáp ứng được các yêu cầu về ESG thì không vào được hoặc có vào thì phải chịu mức thuế rất cao”, bà Giao nói.
Bà Giao cũng nhấn mạnh, đây là những kiến thức mới nên các thành viên HĐQT cần sự tư vấn và hỗ trợ chính sách của Chính phủ.
Hứa Phương – TheLEADER