Kinh nghiệm từ Google: 10 yếu tố tạo nên một nhà quản lý giỏi
- 08/03/2019
- Posted by: admin
- Category: Lãnh đạo & Quản lý
Đầu năm 2008, Google triển khai một dự án mang tên Oxygen nhằm tìm hiểu những yếu tố tạo nên một nhà quản lý giỏi tại công ty công nghệ hàng đầu thế giới này.
Dưới đây là kết quả của dự án Oxygen được Zack Friedman chia sẻ trên Forbes. Zack Friedman hiện là Sáng lập và CEO của Make Lemonade, một website cung cấp dịch vụ đối chiếu tài chính cá nhân. Ông cũng là cây bút cộng tác lâu năm của Forbes.
Với mong muốn nâng cao năng lực quản lý tại công ty, Google đã xây dựng dự án Oxygen nhằm xác định những điểm chung giữa các nhà quản lý có hiệu quả làm việc cao nhất tại công ty. Kết quả của nghiên cứu nội bộ này được Google tham khảo để xây dựng các chương trình phát triển năng lực quản lý cho nhân viên.
Một thời gian sau, Google nhận thấy thông qua việc công bố và tập huấn cho các nhà quản lý về những nguyên tắc chung này, đội ngũ Google đã có nhiều cải thiện về kết quả làm việc, bao gồm: lợi nhuận thu về, mức độ hài lòng và hiệu quả làm việc của nhân viên đều gia tăng.
Vì Google là doanh nghiệp liên tục phát triển, mở rộng nên công ty công nghệ nổi tiếng này liên tục tiếp nhận phản hồi từ các nhân viên để điều chỉnh những hành vi chuẩn mực của một quản lý. Dưới đây là 10 yếu tố được Google đưa ra để xác định một nhà quản lý giỏi:
1. Là một coach (người cố vấn) giỏi
Những quản lý giỏi không chỉ là người có hiệu quả làm việc cao. Họ còn cần đầu tư thời gian và năng lượng để cố vấn cho những nhân viên khác. Quản lý giỏi là người có khả năng chia sẻ các kinh nghiệm tốt nhất giúp đội ngũ của họ cùng phát triển.
2. Trao quyền cho nhân viên và không bận tâm đến tiểu tiết
Ở vị trí quản lý, bạn đang làm gì để trao quyền cho các nhân viên cấp dưới lẫn những đồng nghiệp ở những phòng ban khác nhau để tránh tình trạng quá tải vì “ôm việc”? Bạn có đủ tin tưởng để trao quyền chủ động xử lý công việc cho các nhân viên, cộng sự của mình chưa?
Quá sa đà vào tiểu tiết khi quản lý nhân viên chính là một trong những điểm yếu của những nhà quản lý tồi. Hãy cho nhân viên của bạn có không gian để tự xử lý công việc. Hãy linh hoạt, và đôi lúc thậm chí bạn cần bước sang một bên để đội ngũ của bạn chủ động tìm ra giải pháp. Không nhân viên nào thích bị quản lý bởi một lãnh đạo chỉ chăm chăm vào tiểu tiết.
3. Tạo ra môi trường làm việc gắn kết, quan tâm đến thành công và chất lượng cuộc sống
Hãy là cầu nối gắn kết các thành viên trong đội ngũ và trân trọng họ. Hãy cho các thành viên thấy tất cả đang cùng hướng về một sứ mệnh chung. Nhiệm vụ của người quản lý giỏi là tạo ra một môi trường mà từng thành viên đều có thể thoải mái nêu lên những thắc mắc, thử nghiệm cũng như đề xuất ý tưởng mới.
4. Làm việc hiệu quả và hướng đến kết quả
Mục tiêu đặt ra là điều quan trọng. Song đi đến mục tiêu ấy bằng cách nào là điều quan trọng hơn. Người quản lý xuất sắc là người có thể tạo ra bầu văn hóa hào hứng nỗ lực hướng đến kết quả mong muốn. Hãy cho đội ngũ của bạn thấy cách thức để tạo ra kết quả mà toàn đội cùng hướng đến, thay vì chỉ đặt ra mục tiêu rồi hạch sách nhân viên về kết quả không như ý.
5. Giỏi lắng nghe và chia sẻ thông tin
Có quá nhiều nhà quản lý thất bại vì họ không thể truyền thông tốt trong nội bộ. Vì vậy, tại Google, kỹ năng truyền thông là một yếu tố rất được quan tâm. Cụ thể, theo Google, truyền thông nội bộ không phải truyền thông ra lệnh từ trên xuống hoặc mơ hồ, chung chung. Trước khi truyền đi thông tin gì, nhà quản lý cần là người lắng nghe giỏi. Hãy đầu tư thời gian để tạo dựng kết nối tốt với nhân viên và lắng nghe từ họ.
6. Hỗ trợ phát triển sự nghiệp và thảo luận về hiệu quả làm việc
Đừng chỉ tập trung vào điều mà đội ngũ có thể làm được cho công ty. Hãy tập trung vào điều công ty có thể mang đến cho từng thành viên trong tổ chức. Người quản lý cần nghĩ theo hướng bổ sung thêm các kỹ năng, mối quan hệ cần thiết để nhân viên có thể nâng cấp sự nghiệp cá nhân đồng thời đạt được mục tiêu và tầm nhìn chung.
Bên cạnh đó, phát triển sự nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng. Vì vậy, hãy trao cho đội ngũ của bạn những công cụ cần thiết để họ phát triển bản thân. Đồng thời, những góp ý tích cực và mang tính xây dựng từ bạn cũng sẽ tạo động lực cho nhân viên trong công việc.
7. Có tầm nhìn/ chiến lược rõ ràng cho toàn đội
Nếu ngay cả người quản lý cũng không có được tầm nhìn rõ ràng và chiến lược cụ thể thì làm sao toàn đội có thể tiến lên phía trước? Với quan điểm này, Google cho rằng một đội ngũ làm việc tốt bắt đầu từ năng lực thiết lập chiến lược rõ ràng, khả năng dẫn dắt, tạo nền tảng và định hướng cho toàn đội tiến lên trong công việc của người quản lý.
8. Có kỹ năng chuyên môn để tư vấn cho nhân viên
Người quản lý giỏi cần có hiểu biết về chuyên môn. Họ cần là một trong những người tiên phong xử lý các vấn đề chuyên môn trong công việc. Nếu làm được điều này, bạn không chỉ giúp đội ngũ làm việc hiệu quả mà còn tạo dựng được sự tin tưởng của các nhân viên.
9. Hợp tác với các phòng ban khác
Phòng ban của bạn không phải là một ốc đảo. Kỳ thực, để công ty có thể phát triển tốt thì cần sự phối hợp đồng bộ giữa các phòng ban. Vì vậy, ngoài quản lý đội ngũ riêng, bạn phải hợp tác tốt với các phòng ban khác trong công ty. Bạn có một kỹ năng vượt trội có thể giúp đỡ đồng nghiệp ở một phòng ban nào đó. Và một đồng nghiệp khác cũng có thể mạnh có thể hỗ trợ phòng ban của bạn. Hai bên trao đổi với nhau chính là cách thức hợp tác giúp công ty đi lên.
10. Dám ra quyết định
Phân tích thông tin là kỹ năng hữu ích. Chiến lược cũng quan trọng. Các kịch bản thử nghiệm giúp thu gọn mục tiêu chính. Song, cả ba yếu tố trên đều không phát huy được hết tác dụng nếu người quản lý không dám ra quyết định vào những thời điểm cần thiết. Bạn cần phát triển cảm quan ra quyết định của bản thân và cứng rắn với quyết định được đưa ra nếu muốn trở thành một nhà quản lý giỏi.
LÂM NGHI