Kinh tế năm 2019: Nhiều cơ hội, lắm thách thức
- 02/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Việt Nam được hưởng nhiều lợi nhiều nhất từ thương mại toàn cầu cùng các chuỗi giá trị đang dịch chuyển. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế đó vẫn còn nhiều thách thức buộc doanh nghiệp phải vượt qua.
Kết quả khảo sát gần 1.200 CEO hàng đầu đến từ 21 nền kinh tế APEC do PricewaterhouseCoopers (PwC) thực hiện cho thấy, 2018 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam vượt Trung Quốc, trở thành nền kinh tế có tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất. Sau Việt Nam, trong top 5 có Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc và Thái Lan.
Cũng theo kết quả cuộc khảo sát này, có 34 – 40% doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng các hiệp định thương mại tự do mới sẽ giúp họ tăng doanh thu trong thời gian tới.
Trong đó, các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với châu Âu (FTA giữa EU và Việt Nam), FTA giữa ASEAN và Hong Kong… sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng thu hút thêm cơ hội đầu tư từ nước ngoài cũng như cơ hội kinh doanh xuyên biên giới trong thời gian tới.
Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng chỉ số thương mại bền vững (trong 19 nền kinh tế châu Á và Mỹ), nằm trong các nước được đánh giá cao về mức độ mở cửa thị trường. Đặc biệt, việc Quốc hội phê chuẩn CPTPP đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ phía doanh nghiệp. Không chỉ mở rộng cửa thị trường hàng hóa – dịch vụ – đầu tư, tạo cơ hội giúp doanh nghiệp hưởng lợi thuế quan, CPTPP còn hứa hẹn giúp doanh nghiệp Việt nâng cao nội lực, đẩy mạnh các quy chuẩn về sở hữu trí tuệ, đồng thời giải quyết tranh chấp và phòng vệ thương mại.
Chia sẻ tại diễn đàn Nhận diện kinh tế năm 2019 và khả năng thích ứng của doanh nghiệp mới đây, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đang rất lạc quan vì mặc dù trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung diễn ra khó lường nhưng 51% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong giai đoạn tới.
Số lượng doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ tiên tiến còn quá thấp. |
Thương mại toàn cầu cùng các chuỗi giá trị đang dịch chuyển và Việt Nam là một trong những nền kinh tế được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình này. “Nhưng tất cả chỉ là cơ hội. Chìa khóa thành công cho quá trình chuyển các cơ hội thành hiện thực chính là công cuộc cải cách thể chế trong nước. Hội nhập và cải cách thể chế sẽ tạo động lực chính cho sự phát triển của Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, nỗ lực cải cách của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là chương trình cải cách hành chính (cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành) cùng những nỗ lực bước đầu trong việc xây dựng chính phủ điện tử và nền kinh tế số. Nhận định này cũng trùng với kết quả khảo sát các doanh nghiệp trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam của Vietnam Report.
Có 3 chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được Chính phủ nỗ lực giải quyết thời gian qua là tăng cường hội nhập quốc tế, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, 79,3% doanh nghiệp đánh giá cao việc tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, 50% doanh nghiệp rất đồng tình với công cuộc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và 48,3% doanh nghiệp công nhận những cải thiện trong việc cải cách thủ tục hành chính.
Mặc dù đã có những cải cách đáng kể nhưng vẫn còn những vướng mắc trong thủ tục hành chính. Theo khảo sát của VCCI, tính đến cuối tháng 9/2018, vẫn có đến 58% doanh nghiệp phải “xin” các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết gặp khó khăn khi xin giấy phép.
Chỉ có 13% thủ tục đăng ký kinh doanh được tiến hành trực tuyến, 68% thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên cổng thông tin một cửa quốc gia. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khoảng cách giữa báo cáo kết quả trên giấy tờ với thực tiễn vẫn còn xa.
Ngoài những vấn đề trên, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ. Cụ thể, doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời đại kỹ thuật số. Gần 70% doanh nghiệp cho rằng đây là rào cản lớn nhất, cấp bách nhất trong quá trình tiếp cận, ứng dụng công nghệ thực tiễn tại doanh nghiệp.
Đánh giá nhân viên trong thời đại số, doanh nghiệp nhận định người lao động còn yếu ở các kỹ năng sử dụng công nghệ tự động hóa, phân tích dữ liệu, tư duy hệ thống, với tỷ lệ tương ứng lần lượt là 35,7%, 21,7%, 17,9%. Lãnh đạo các doanh nghiệp đều thừa nhận công nghệ di động (mobility), cảm biến thông minh (smart sensors) và điện toán đám mây (cloud computing) là 3 công nghệ mang lại kết quả khả quan cho doanh nghiệp với xu hướng gia tăng đầu tư trong thời gian tới. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư cho những công nghệ tiên tiến này còn quá thấp.
Hiện tại, có đến gần 40% doanh nghiệp chưa đầu tư cho bất kỳ công nghệ nào. Có đến 50% doanh nghiệp cho rằng kết quả sản xuất, kinh doanh đầu năm 2019 sẽ chỉ ở mức cơ bản ổn định, 37% cho rằng chi phí sẽ tăng lên và 18,5% dự đoán lợi nhuận sẽ giảm.
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, mới đây VCCI kiến nghị Chính phủ một loạt giải pháp. Trong đó, người đại diện VCCI cho rằng cần sớm có tiêu chí thống nhất về điều kiện kinh doanh để bảo đảm thực thi có hiệu quả và nhất quán. Về cải cách thủ tục hành chính, cần thành lập trung tâm một cửa liên thông ở cấp bộ, đồng thời cho phép doanh nghiệp làm nhiều thủ tục cùng một lúc, hạn chế tối đa việc hoàn thành thủ tục này rồi mới bắt đầu làm thủ tục khác.
Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp. Các bộ, ngành và địa phương cần công khai, minh bạch thông tin trên website chính quyền, đặc biệt là đăng tải đầy đủ các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự án đầu tư công, dự án đối tác công tư.
THANH NGÂN