Kinh tế thế giới sẽ “ngấm đòn” chiến tranh thương mại từ năm 2019
- 16/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nổ ra từ nửa đầu của năm 2018, song phải đến 2019 mới là lúc nền kinh tế thế giới thực sự “ngấm đòn” từ những tác động tiêu cực của nó.
Chỉ số theo dõi hoạt động thương mại toàn cầu (Global Trade Tracker) của hãng tin Bloomberg cho thấy sự suy giảm, khi quá trình các doanh nghiệp khẩn trương xuất khẩu hàng hoá trước thời điểm mức thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực đã dần chậm lại. Và, khối lượng thương mại được dự báo sẽ giảm hơn nữa, ngay cả khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm ra giải pháp để giảm căng thẳng, với việc nhiều doanh nghiệp lên tiếng cảnh báo về tình trạng gián đoạn thương mại vẫn tiếp diễn.
Trước mắt, đã có nhiều doanh nghiệp phải hứng chịu tác động từ cuộc chiến trên mặt trận kinh tế này. Chẳng hạn, GoPro sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất camera dành riêng cho thị trường Hoa Kỳ ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc trước mùa hè năm sau. Được biết, GoPro là một trong số những nhà sản xuất đồ điện tử có tiếng tăm đầu tiên quyết định di dời khỏi đất nước đông dân nhất thế giới. Còn công ty hàng đầu trong lĩnh vực vận chuyển FedEx Corp mới đây đã phải hạ dự báo lợi nhuận của mình, bên cạnh việc giảm mức vận chuyển hàng hóa đi quốc tế bằng đường hàng không.
Ông Hamid Moghadam – CEO của Prologis, một công ty quản lý quỹ đầu tư tín thác bất động sản đa quốc gia có trụ sở tại San Francisco – cho biết: “Bất cứ sự can thiệp nào vào quá trình thương mại đều sẽ tạo nên gánh nặng cho nền kinh tế. Và, như một hệ quả tất yếu, nền kinh tế thế giới chắc hẳn sẽ chững lại”.
Trên thực tế, thị trường tài chính thế giới ít nhiều đã dính đòn từ chiến tranh thương mại. Theo ước tính của Bank of America Merrill Lynch, tin tức về chiến tranh thương mại là nguyên nhân khiến chỉ số cổ phiếu của 500 doanh nghiệp sở hữu giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn NYSE hoặc NASDAQ (S&P 500) giảm ròng 6% trong năm nay. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa từ đầu năm, cũng như đang rơi vào trạng thái “con gấu”.
Ngoài ra, các số liệu mới nhất càng làm cho nỗi lo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ trong năm tiếp theo bị trì trệ do tình hình thương mại thêm phần rõ nét. Sự lạc quan của người tiêu dùng Mỹ về tương lai của nền kinh tế đang ở mức thấp nhất từ đầu năm. Tình hình các doanh nghiệp nhỏ cũng không mấy triển vọng, khi mức độ lạc quan về sự cải thiện của nền kinh tế rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng dự báo, lợi nhuận thu về trong năm 2019 sẽ thấp hơn.
Đối với nền kinh tế thế giới nói chung, rủi ro phát sinh từ chiến tranh thương mại chỉ tạm thời giảm bớt chứ chưa hoàn toàn biến mất. Trong đó, tồn tại 3 rủi ro nổi bật:
– Thứ nhất, 90 ngày đàm phán hoà hoãn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ kết thúc trong thất bại, mà hệ quả không mong đợi là mức thuế tiếp tục bị đẩy lên.
– Thứ hai, dù thuế có thể không tăng, song số lượng đơn hàng vận chuyển vào năm sau vẫn sẽ giảm, hệ quả của sự khẩn trương xuất khẩu hàng hoá trong năm 2018 để tránh mức thuế có hiệu lực từ đầu tháng 1/2019.
– Cuối cùng, nếu không xét đến chiến tranh thương mại, các dấu hiệu ban đầu như chỉ số PMI (Purchasing Managers Index) hay dự báo lợi nhuận của FedEx đều cho thấy, nhu cầu đang yếu đi.
Thêm vào đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo khối lượng giao dịch thương mại sẽ giảm xuống mức 4% trong năm 2019, từ 4,2% năm nay và 5,2% vào năm 2017. Tổ chức này cũng cảnh báo, các rào cản thương mại đang ngày một rõ nét hơn.
Kể cả châu Âu cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. Theo Hiệp hội Chế tạo Máy và thiết bị Đức (VDMA), dù ngành sản xuất máy móc, thiết bị – lĩnh vực chủ chốt của quốc gia này – được dự báo đạt giá trị cao kỷ lục, ở mức 228 tỷ euro trong năm nay, song căng thẳng thương mại sẽ là một trong số những lý do khiến tăng trưởng chậm lại. Sản lượng ước tính sẽ tăng khoảng 5% theo giá trị thực tế trong năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2011, trước khi tăng trưởng giảm xuống còn 2% ở năm tiếp theo.
Ấy là chưa kể đến rủi ro của việc Hoa Kỳ áp thuế lên xe hơi nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản – hành động bị xem là sẽ phá vỡ mối quan hệ giữa những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chưa kể, sự kiện CFO của Huawei – bà Meng Wanzhou bị bắt tại Canada là minh chứng cho thấy, những diễn biến bất ngờ có thể nhanh chóng thổi bùng căng thẳng trong mối quan hệ giữa các nước như thế nào.
Cesar Rojas – một chuyên gia kinh tế thuộc Citigroup – cho biết: “Xu hướng phân rẽ trong thương mại từ năm 2018 và diễn biến khó lường của thuế quan trong năm 2019 sẽ là nguyên nhân khiến giới kinh doanh hoang mang cũng như tiếp tục gây tác động đến tình hình thương mại, đầu tư”.
Có thể nói, câu hỏi lớn nhất hiện nay, là liệu Washington và Bắc Kinh có thể tìm được tiếng nói chung vào ngày 1/3 sắp tới hay không. Nếu thành công, bóng đen bao phủ nền kinh tế thế giới sẽ được gỡ bỏ. Nhưng, từ giờ cho đến đó, rủi ro căng thẳng thương mại kéo dài sẽ tiếp tục kiềm hãm các doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, mà hệ quả vĩ mô là làm chững lại nền kinh tế toàn cầu.
Trong vô số doanh nghiệp mắc kẹt giữa cuộc đối đầu thương mại, Dippin’ Dots là một ví dụ. Doanh nghiệp chuyên sản xuất kem và sản phẩm đông lạnh đã dành 3 năm thâm nhập thị trường Trung Quốc và vừa mở cửa hàng đầu tiên ở nước này trong năm nay, rốt cuộc chỉ để hứng chịu mức thuế nhập khẩu sản phẩm từ sữa lên tới 2 con số.
Scott Fischer – CEO của Dippin’ Dots – cho biết, nếu đàm phán Mỹ – Trung thất bại và thuế tiếp tục tăng, ông sẽ buộc phải suy nghĩ lại về chiến lược kinh doanh, chuỗi cung ứng cũng như tìm bằng được nơi khác để mở rộng. “Đứng trên quan điểm của một người làm kinh doanh, mối bận tâm của chúng tôi là việc này sẽ tiếp tục đến khi nào? Rất khó để lập kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh như hiện nay”, Fischer nói.
LÊ DUY