- 13/02/2019
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng vẫn còn quá nhiều việc đáng bàn.
Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, theo mục tiêu Nghị quyết số 10/NQ-TƯ ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương Khóa XII, nhiều khả năng không đạt được do số lượng tuyệt đối doanh nghiệp tăng thêm mỗi năm qua là khá chậm.
Năm 2018, cả nước có 131.375 doanh nghiệp thành lập với tổng vốn đăng ký 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về vốn đăng ký so với năm 2017. Nhưng có tới 90.700 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 49,7%, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.314, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Sự gia tăng về con số này một phần do khó khăn thị trường, nhưng phần khác là kết quả thống kê chính thức doanh nghiệp đã dừng hoạt động từ lâu trên thực tế. Đáng lưu ý, tuyệt đại đa số doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản hằng năm đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp khó khăn không chỉ trong cạnh tranh thị trường, mà còn bị hạn chế trong cả tiếp cận các nguồn lực xã hội, cũng như các chính sách ưu đãi của Nhà nước so với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Ngày 2/11/2018, doanh nhân Tạ Quyết Thắng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường, Hải Phòng, đã gửi thư ngỏ tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dịp ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam.
Trong tâm thư, ông Thắng đề cập những “kiếp nạn” mà một doanh nghiệp tư nhân phải trải nghiệm trên thương trường. Theo đó, Công ty Sơn Trường đã phải mất 10 năm (2008 – 2018) để được cấp sổ đỏ cho một khu nuôi tôm công nghệ cao có quy mô lớn nhất miền Bắc, được đầu tư 170 tỷ đồng, ở xã Phù Long, huyện Cát Hải.
Sơn Trường hằng năm vẫn phải nộp tiền thuê đất, nhưng không được sử dụng sau hơn 10 năm chờ cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất từ tên cũ, Trạm Tư nhân Vận tải vật tư nông nghiệp, sang tên mới, chính chủ Công ty TNHH Sơn Trường, dù UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản số 579/UBND-ĐC2 ngày 23/1/2015, đồng ý về mặt chủ trương, cho phép Công ty TNHH Sơn Trường tiếp nhận việc chuyển giao này.
Lý do “thay đổi quy hoạch” sử dụng đất của TP. Hải Phòng đã gây rủi ro chính sách cho công trình đầu tư của Công ty, khi vừa phải đóng tiền thuê đất, vừa không được sử dụng đất. Chưa hết, Công ty Sơn Trường cũng đã phải đóng cửa một nhà máy bê tông công suất 60.000m3/năm, với tổng mức đầu tư 122,36 tỷ đồng, khi UBND tỉnh Quảng Bình không thực hiện cam kết đưa ra lúc mời gọi đầu tư là cấp ngay mỏ đá và mỏ cát làm nguyên liệu sản xuất cho nhà máy.
Nhưng để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, Nhà nước phải thật công bằng với các loại hình doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp kịp thời khắc phục những bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân, phải có các biện pháp giám sát và để xã hội giám sát các tập đoàn, công ty lớn một cách hữu hiệu. Chỉ khi đó nền kinh tế Việt Nam mới có sức cạnh tranh, phát triển trong thế giới hội nhập nhưng không ít biến động.
Trong khi đó, thực tế cũng ghi nhận những thuận lợi và ưu đãi cao mà một số doanh nghiệp và tập đoàn tư nhân lớn, chủ yếu kinh doanh bất động sản, nhận được trong thời gian qua trên phạm vi cả nước, giúp các ông chủ sớm “vượt vũ môn” và “hóa rồng”, trở thành tỷ phú, với quy mô và tốc độ kỷ lục thế giới.
Đất nước muốn phát triển phải có đầu tư và người dân có việc làm. Cộng đồng doanh nghiệp có tâm huyết và trách nhiệm xã hội rất khó giữ được động lực đổi mới, sáng tạo trước rừng thủ tục hành chính và sự thiên vị cả trong nhận thức lẫn thực tiễn, ngay cả khi đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ máy cồng kềnh với đội ngũ công chức yếu kém và thiếu trách nhiệm chính là cái gốc sinh ra thủ tục hành chính rườm rà, tiêu cực.
Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 2.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh hoạt động trong lĩnh vực chế biến, sản xuất tại 10 địa phương, thì năm 2016 có hơn 40% phải chấp nhận những khoản chi không chính thức cho các cơ quan quản lý nhà nước, so với 64% năm 2015.
Báo cáo PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2017 xác nhận, có tới gần 60% doanh nghiệp cho biết đã phải trả chi phí không chính thức, thậm chí có doanh nghiệp chi trả tới hơn 10% doanh thu.
Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp có ba yếu tố chính cấu thành là chi phí sản xuất, chi phí tuân thủ pháp luật và chi phí không chính thức. Nguyên nhân phát sinh chi phí không chính thức nằm ở chất lượng yếu kém của hệ thống thể chế, quy định pháp luật với nhiều thủ tục hành chính không rõ ràng, phức tạp.
Cạnh đó là sự chấp nhận của chính doanh nghiệp với tâm lý muốn nhanh được việc và do thái độ làm việc của một số công chức cố tình nhũng nhiễu, làm khó. Mức độ các chi phí không chính thức tỷ lệ thuận với áp lực nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp, mục đích trốn thuế, thời gian làm thủ tục và khả năng “chen ngang”, giành lợi thế kinh doanh.
Chi phí “bôi trơn” không chỉ làm tăng gánh nặng chi phí và thể chế, cản trở cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, thất thu ngân sách nhà nước, mà còn là thước đo mức độ tham nhũng và sự yếu kém của quản lý nhà nước. Việc thiếu những quy định kiểm soát quyền lực và thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực tất yếu dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết “sân sau”, “lợi ích nhóm”.
Đằng sau cải cách thủ tục hành chính là lợi ích kinh tế từ việc kiểm soát con dấu và chữ ký. Những đề nghị khẩn thiết của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân đã hơn một lần được gửi đến lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, cùng với đó là những đòi hỏi gay gắt và kỳ vọng lớn lao của toàn dân vào sự thay đổi thể chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nói riêng, đất nước nói chung, về tính đột phá và thực chất của cơ chế chính sách phát triển kinh tế, nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia trong cuộc chiến với các biểu hiện đa dạng của thói tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích giả tạo, tham nhũng và lợi ích nhóm.
Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDP) lần thứ nhất 2018, ngày 5/12, một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề phát triển khu vực kinh tế tư nhân, động lực mới để tiếp tục thực hiện ba đột phá về thể chế, hạ tầng và đào tạo nhân lực.
TS. NGUYỄN MINH PHONG