- 03/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Năm 2019 kinh tế Việt Nam có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9 – 7% và lạm phát dưới 4%. Để đạt được mục tiêu nói trên, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018.
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp cuối năm 2018 đã đưa ra nhận định lạc quan về tiềm năng của nền kinh tế và cho rằng nếu tận dụng được cơ hội mới thì trong 2 năm tới vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng. Nhận định này nhằm đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi tìm các giải pháp cho nền kinh tế trong năm 2019.
Tổ tư vấn cho rằng, năm 2019 có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9 – 7% và lạm phát dưới 4%. Để đạt được mục tiêu nói trên, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là 2 động lực chính; khu vực tư nhân phải có biện pháp mạnh hơn nữa (so với năm 2018).
Tổ tư vấn kiến nghị ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 nút thắt căn bản (vướng mắc triển khai dự án lớn; trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; trong khai thông nguồn lực xã hội), coi đây là những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành.
Theo tính toán của Tổ tư vấn, vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2019 – 2020 phải đạt khoảng 15% GDP thì mới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tiềm năng khu vực này còn lớn nhưng chưa được khai thác hết, Tổ tư vấn kiến nghị tập trung nhiều hơn cho các giải pháp hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, không dừng ở các giải pháp hỗ trợ tiếp cận thị trường.
Các ý kiến của Tổ tư vấn cho rằng cần tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cần xây dựng và công bố một số tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và giao một nhóm công tác (có thể giao Tổ công tác của Thủ tướng) giám sát công việc, thường xuyên đánh giá, công bố công khai kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.
Ghi nhận các ý kiến của Tổ tư vấn, Thủ tướng nhất trí cho rằng, cần phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng, xử lý ngay những tồn tại, vướng mắc, tháo các điểm nghẽn cho phát triển. Phải thực sự coi khoa học công nghệ là động lực đột phá. Về giải pháp dài hạn, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn dành thêm thời gian, tâm trí đối với một số công việc như đóng góp vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn xa hơn cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025.
Trước đó, một số vấn đề lớn Thủ tướng mong được Tổ tư vấn cho ý kiến nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Cụ thể về chính sách để giữ môi trường, tài nguyên, giúp tăng trưởng vừa nhanh cho thế hệ hôm nay vừa bền vững cho thế hệ sau. Hay hiện nay có đột phá nào mới nữa thực sự là chiến lược hay không. Người đứng đầu chính phủ cũng muốn nghe về mô hình tăng trưởng hay mô hình phát triển cần đổi mới, thay đổi như thế nào, đặc biệt là vấn đề liên kết vùng, kinh tế vùng – một trọng điểm sẽ được quan tâm chỉ đạo trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn đóng góp ý kiến cho một vấn đề nữa là mối quan hệ giữa 3 trụ cột: Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, xã hội dân chủ hay giải pháp nào để “khoan thư sức dân” – một sách lược mà nhiều nước trong khu vực đã tập trung thực hiện như giảm mạnh thuế.
Dự án Metro số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên, đang trở thành điểm nóng trong dòng thời sự cuối năm, sau khi Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm làm chậm trễ tiến độ cũng như đội vốn công trình. Theo đó, Ủy ban Nhân dân TP.HCM điều chỉnh dự án chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền. Cụ thể, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư là 47.325 tỷ đồng, trong khi theo quy định, với mức vốn trên phải trình Quốc hội xem xét, đồng thời thẩm quyền quyết định là Thủ tướng. Cơ quan này còn quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn. Theo cơ quan kiểm toán, vào năm 2010, thư của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chỉ xác nhận việc sẽ tính đến chuyện bổ sung vốn, chưa xác nhận về cho vay.
Ủy ban Nhân dân TP.HCM cũng phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành năm 2017 sang hoàn thành năm 2019 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Theo quy định, những dự án quan trọng quốc gia, khi kéo dài thời gian thực hiện từ một năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Đặc biệt, theo kiểm toán, trong một quyết định ban hành năm 2014, ông Hoàng Như Cương – Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia là không đúng quy định. Cũng bởi đây là dự án thuộc công trình quan trọng quốc gia nên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thực hiện thẩm định để phê duyệt là không đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, nội dung thẩm định không đảm bảo theo quy định, như không đánh giá tổng mức đầu tư, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lý của các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư.
Kiểm toán Nhà nước cũng nêu, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã trích dẫn những chỉ đạo của chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM khi đó là ông Lê Hoàng Quân về việc giao và cho phép cơ quan này thẩm định việc tăng tổng mức đầu tư đối với dự án này. Về góc độ kỹ thuật, tiêu chuẩn triển khai của dự án cũng có nhiều bất cập, trong đó dự án áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống đường sắt đô thị châu Á – STRASYA vào thiết kế nhưng quá trình áp dụng không tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của tiêu chuẩn.
Việc điều chỉnh kiểu dáng dầm làm tăng giá trị công trình lên 1.420 tỷ đồng, không đảm bảo tính kinh tế và chưa phù hợp nguyên tắc. Một số thiết bị nhập khẩu tính toán trong dự toán cao hơn nhiều so với giá dự thầu của 3 nhà thầu. Cụ thể, giá toa tàu tính trong dự toán cao gấp 1,5 lần, giá các trạm điện cao hơn trung bình 3,5 lần, giá hệ thống thu phí cao hơn trung bình 2,8 lần.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra thêm một số nguyên nhân chính khiến metro Bến Thành – Suối Tiên bị đội vốn như giá nguyên vật liệu, tăng lưu lượng khách. Cơ quan này nhận định dự báo lưu lượng khách tăng đột biến gấp hơn 2 lần vào năm 2020 là thiếu độ tin cậy và chính xác.
Vừa qua, Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan bày tỏ quan ngại về tiến độ triển khai, cấp vốn cho dự án tuyến metro số 1. Trong thư, Đại sứ Kunio cho biết hiện số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn tại dự án đã lên đến hơn 100 triệu USD (tính đến ngày 16/11). Và áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công.
Theo báo cáo về vay vốn ODA của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã bị đội vốn từ 17.388 tỷ đồng khi phê duyệt lần đầu vào năm 2007 lên hơn 47.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc điều chỉnh vốn đầu tư là do tăng khối lượng xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam chưa có các quy chuẩn, định mức, đơn giá áp dụng cho đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư chủ yếu dựa trên suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang xây dựng tại châu Á nên không đạt được độ chính xác tin cậy dẫn tới phải điều chỉnh.
Dự án được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), chiếm 88,4% tổng mức đầu tư với hơn 209,1 triệu yen, tương đương 41.833,6 tỷ đồng. Ðến nay, đại diện Chính phủ Việt Nam là Bộ Tài chính đã ký kết với nhà tài trợ 3 hiệp định vay với tổng số vốn đã ký kết là 155.364 triệu yen, tương đương 31.208 tỷ đồng.
GIA MINH