Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy tình trạng nhiều cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thương mại điện tử chưa đăng ký thuế, chưa khai nộp thuế đầy đủ, đúng quy định thông qua các hành vi gian lận. Không chỉ vậy, việc quản lý thuế nhiều tổ chức kinh doanh xuyên biên giới cũng đang bỏ ngỏ…

Cơ quan thuế tiếp tục làm giàu dữ liệu thông tin từ sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, các nhà cung cấp nước ngoài.
Cơ quan thuế tiếp tục làm giàu dữ liệu thông tin từ sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước, các nhà cung cấp nước ngoài.

Thời gian qua, cơ quan thuế ghi nhận nhiều trường hợp là cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số tự giác đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người nộp thuế.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội là một môi trường thuận lợi cho các hình thái kinh doanh thương mại điện tử phát triển nhanh và rất khó kiểm soát bởi tính chất “ẩn danh” rất đặc trưng của loại hình kinh doanh qua mạng xã hội.

“Cơ quan thuế khuyến cáo những tổ chức kinh doanh xuyên biên giới đến những người bán hàng online trên các sàn giao dịch thương mại điện tử cần chủ động đăng ký, nộp thuế trước khi cơ quan thuế “rà” đến tên. Cơ quan thuế rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngành quản lý thương mại điện tử, dữ liệu dân cư cần kết nối với ngành thuế để chia sẻ dữ liệu, khi đó mới có thể ngăn thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này”.

Tổng cục Thuế.

Dẫn chứng ra một số chiêu trốn thuế, Tổng cục Thuế cho biết người bán hàng trên mạng xã hội thường chốt đơn qua điện thoại.

Bên cạnh đó, sau khi livestream, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, nhiều người bán hàng trực tuyến hướng dẫn khách khi chuyển khoản thanh toán hàng không ghi nội dung liên quan đến hàng hóa mà ghi nội dung khác như “cho vay”, “trả nợ”, “quà tặng”… Còn người bán hàng trực tiếp thì yêu cầu khách hàng trả bằng tiền mặt thay vì chuyển khoản.

Ngoài trường hợp điển hình trên, người kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội còn khá nhiều phương cách để trốn tránh nghĩa vụ thuế của mình.

“Điều này đòi hỏi cơ quan thuế phải nắm rõ đặc điểm từng loại hình thương mại điện tử và doanh thu chủ yếu đến từ bán hàng hóa, dịch vụ; hưởng hoa hồng trên các dịch vụ; doanh thu từ việc quảng cáo, cung cấp các dịch vụ… khi đó mới có căn cứ tính thuế”, Tổng cục Thuế đánh giá.

Mới đây nhất, sàn thương mại điện tử Temu, gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai tại Trung Quốc, cũng gây nhiều quan ngại trong thất thu thuế do sự bỏ lửng về trách nhiệm quản lý. Thức tế sàn này hoạt động tại Việt Nam trong hơn 1 tháng vừa qua nhưng vẫn chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động. Mãi đến ngày 24/10, Temu mới vội vã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để thực hiện các yêu cầu về pháp luật tại Việt Nam.

Cơ quan thuế nhận thấy hoạt động thương mại điện tử vẫn đang là xu thế diễn ra mạnh ở Việt Nam và tình trạng cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội nhưng không khai báo, giấu bớt doanh thu… đang diễn ra và ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp.

Vấn đề này đặt ra bài toán cấp thiết cho ngành thuế và các cơ quan chức năng về việc làm thế nào vừa tạo điều kiện thông thoáng cho thương mại điện tử hoạt động, vừa ngăn chặn việc thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thuộc đối tượng phải đăng ký, kê khai, nộp thuế theo phương pháp “tự kê khai, tự nộp”. Để hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế thực hiện kê khai và nộp thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tự giác kê khai và nộp thuế theo quy định, trên trang thông tin điện tử Tổng cục Thuế (https://gdt.gov.vn) có chuyên mục riêng hỗ trợ các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh thực hiện đăng ký thuế, khai nộp thuế điện tử.

Hiện cơ quan thuế đang tích cực phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan triển khai để làm sạch cơ sở dữ liệu lớn về người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử. Theo đó, tăng cường công tác nắm bắt thông tin người bán hàng thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp, từ đó quản lý chặt chẽ việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác thường xuyên liên tục.

Việc lưu giữ thông tin trên cơ sở dữ liệu lớn (big data) thông qua công tác phối hợp và cung cấp thông tin xác thực và đầy đủ từ phía các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp góp phần quan trọng trong việc hạn chế tối đa các tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn giao dịch thương mại điện tử trốn thuế.

Ngoài việc phải phối hợp với cơ quan thuế trong quản lý thu thuế, các sàn giao dịch thương mại điện tử còn phải có trách nhiệm trong quản lý tiêu dùng, tránh hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, trách nhiệm của sàn rất lớn trong việc cung cấp thông tin, lưu giữ thông tin cho cơ quan thuế và cơ quan quản lý nhà nước khác.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương để có những giải pháp yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử chấn chỉnh ngay việc lưu giữ thông tin để có thông tin xác thực cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước.

Tổng cục Thuế cũng tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử, thu thập thông tin từ nhiều nguồn như: thông tin do sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp, thông tin do các nhà cung cấp nước ngoài là chủ các nền tảng xuyên biên giới cung cấp, thông tin thu thập được qua công tác kiểm tra, thông tin thu thập trên internet, thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ, ngành.

Trên cơ sở đó thực hiện khai thác, xử lý thông tin để rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.

Trâm Anh – VnEconomy

CFO Việt Nam hân hoan chào đón sự tham gia hợp tác nhiệt tình và đông đảo của Quý Doanh nghiệp,  Quý Anh/Chị nhằm tăng thêm chất lượng và quy mô hoạt động, đồng thời  mang đến lợi ích thiết thực cho cộng đồng Quản trị Tài chính Việt Nam.

Rất nhiều Hoạt động Bổ ích đang chờ đón Quý Anh/Chị.