Loạt siêu dự án nợ nghĩa vụ tài chính của kiểm toán
- 04/07/2024
- Posted by: admin
- Categories: Tài chính, Tổng hợp
Một số trường hợp trong danh mục 12 dự án yếu kém ngành công thương hiện vẫn “nợ” nghĩa vụ tài chính lớn theo kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Chỉ báo trên được Kiểm toán Nhà nước đưa ra, nằm trong khoản tiền 67.000 tỷ đồng chưa thu được từ các đơn vị, tổ chức tồn từ các thời kỳ kiểm toán trước tính đến 31/12/2023.
Trong đó, ghi nhận hàng loạt tên tuổi thuộc danh mục 12 dự án yếu kém ngành công thương, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng đang được xử lý theo Đề án 1468 của Thủ tướng ban hành từ năm 2017 đến nay.
Điển hình trong nhóm này là nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai với khoảng 752 tỷ đồng chưa thực hiện; nhà máy Đạm Ninh Bình với gần 346 tỷ đồng; Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) với hơn 1.100 tỷ đồng.
Trong số này, đáng chú ý có trường hợp OBF với vai trò chủ đầu tư dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước.
Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông hình thành với 3 cổ đông là Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil, 29% vốn), Toyo Thai New Energy (49%) và Công ty CP Licogi 16 (22%).
Với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoàn thành, đi vào hoạt động vẻn vẹn một năm và sau đó “chết lâm sàng” kéo dài.
Do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) quyết định chủ trương, dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước rơi vào cảnh thua lỗ lớn chỉ sau một năm vận hành (tính từ tháng 4/2012).
Thực trạng này xuất phát do nhiều vi phạm, khuyết điểm của PVN, các chủ đầu tư, nhà thầu bên cạnh các lý do khách quan khác.
Theo Thanh tra Chính phủ kết luận tại thời điểm cuối năm 2016, dự tính mỗi năm nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước lỗ khoảng 200 tỷ đồng, đồng thời dự án còn gần 1.743 tỷ đồng chưa quyết toán.
Theo đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (phê duyệt tại Quyết định 1468 năm 2017 của Thủ tướng), dự án được xác định ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi PVOil chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi dự án.
Tới cuối năm vừa qua, dự án được nhắc tên trong danh mục cần tập trung xử lý tồn tại, yếu kém xác định trong nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Đối với dự án DAP số 2 – Lào Cai và Đạm Ninh Bình, đây là hai trường hợp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thuộc 12 dự án yếu kém ngành công thương mới đón nhận tín hiệu tích cực khi bắt đầu kinh doanh có lãi từ hơn một năm qua.
Điển hình, Đạm Ninh Bình đã duy trì hoạt động ổn định, cơ bản chủ động được vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, trả được bớt nợ cho Vinachem và các ngân hàng.
Năm 2022, Đạm Ninh Bình đạt giá trị sản xuất công nghiệp 6.009 tỷ đồng, bằng 150% so năm 2021; tổng doanh thu khoảng 6.039 tỷ đồng, bằng 148% so năm 2021.
Tương tự, năm 2022, DAP số 2 – Lào Cai ghi nhận lợi nhuận 1,5 tỷ đồng, giảm lỗ 317 tỷ đồng so với kế hoạch.
Dù đã tạm ra khỏi vùng “cảnh báo đỏ”, nhưng hai doanh nghiệp nêu trên (giống như các đơn vị sản xuất phân bón) vẫn phải đối mặt với khó khăn liên quan đến Luật Thuế 71.
Cụ thể, với quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng từ năm 2015, doanh nghiệp sản xuất không được khấu trừ, hoàn thuế VAT hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế VAT của hàng hóa mua vào/nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Số thuế VAT đầu vào này được tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo TS. Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam dẫn chứng, số liệu từ trước năm 2020 cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất của Vinachem không được khấu trừ khoảng 400 – 650 tỷ đồng mỗi năm. Hai doanh nghiệp sản xuất của PVN từ 500-650 tỷ đồng mỗi năm.
Đơn cử mốc thời gian năm 2018, số thuế giá trị không được khấu trừ tính vào chi phí của một số đơn vị như sau: Công ty CP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) trên 141 tỷ đồng, Công ty CP Supe phốt-phát và hóa chất Lâm Thao 142 tỷ đồng, Đạm Ninh Bình 113 tỷ đồng.
Mỗi năm, tính riêng số tiền các đơn vị sản xuất phân bón của Vinachem không được hoàn thuế xấp xỉ 900 tỷ đồng.
Như TheLEADER đã thông tin, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang kỳ vọng vào việc được áp thuế VAT 5% cho sản phẩm, thay vì không chịu thuế VAT như suốt 10 năm qua để lấy lại cán cân cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu, cũng như mang lại lợi ích hài hòa cho cả Nhà nước, nhà sản xuất và nhà nông.
Tuy nhiên, mọi việc vẫn phải chờ tới cuối năm khi Bộ Tài chính trình Quốc hội xem xét, sau khi đánh giá tác động một lần nữa.
Nguyễn Cảnh – TheLEADER