- 28/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Kỹ năng sống
Đặt mục tiêu quá cao, bạn sẽ sớm chán nản, nhưng nếu đề ra mục tiêu quá thấp, bạn sẽ không còn động lực để phấn đấu.
Để đề ra được mục tiêu hợp lý – vừa đúng khả năng, vừa đủ thúc đẩy bản thân sớm hoàn thành, bạn cần lưu ý đến những yếu tố sau. Đây là lời khuyên được đưa ra từ một người thành công trong lĩnh vực này – Jaime Mintun – Nhà sáng lập Công ty PhoenixFire, tác giả cuốn Life Authorship. Nội dung này được giới thiệu trên trang Businessknowhow:
1. Bắt đầu với đam mê
Động lực thúc đẩy tốt nhất chính là bắt đầu với niềm đam mê mà bạn có cho những thứ bạn muốn, những việc bạn làm và cả việc bạn là ai. Trước tiên hãy tìm kiếm đam mê, sau đó vạch ra mục tiêu cho mình.
2. Không xa rời thực tế
Nếu mục tiêu của bạn là kiếm được 1 triệu USD/năm, nhưng năm đó thu nhập của bạn chỉ có 500 ngàn USD thì xét theo mục tiêu, bạn đã thất bại.
Tuy nhiên, hãy suy nghĩ theo hướng tích cực, bạn đã kiếm được 500 ngàn USD, đó chẳng phải là một thành công lớn sao? Vậy tại sao không đặt ra mục tiêu 100 ngàn USD, và kiếm được gấp 5 lần số đó trong năm!
3. Gắn kết với giá trị bản thân
Trên hành trình theo đuổi sự giàu có và thỏa mãn, nhiều người trong chúng ta đánh mất đi giá trị và niềm tin của mình. Do đó, ngoài việc thiết lập mục tiêu, hãy liệt kê thêm một danh sách gồm những giá trị của bản thân.
Nếu không thể liên kết từng mục tiêu với những giá trị đó thì có lẽ bạn không nên tốn thời gian vào chúng.
4. Liệt kê chi tiết
Hầu hết những mục tiêu hiệu quả đều được liệt kê một cách chi tiết giúp bạn biết được cần phải làm gì, thời gian hoàn thành và phương tiện đo lường chính xác (chẳng hạn với mục tiêu “giàu” thì số tiền kiếm được phải 100 ngàn USD hay 500 ngàn USD?) và cách chúng thay đổi cuộc đời bạn.
5. Lên kế hoạch cụ thể
Hãy bắt đầu bằng việc nghĩ về kết quả cuối cùng trước khi “cụ thể hóa” kế hoạch theo từng giai đoạn một.
Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là muốn bạn gái giãi bày tâm sự với mình thì trước tiên điều bạn cần làm là làm cho cô ấy tin tưởng. Để tạo niềm tin nơi cô ấy, bạn cần lắng nghe và để cô ấy nói về những sai lầm của mình.
6. Duy trì trách nhiệm
Tìm ai đó khiến bạn cảm thấy có trách nhiệm với mục tiêu của mình, hoặc thúc đẩy bạn hoàn thành mục tiêu đề ra.
Một trong những cách hiệu quả giúp bạn không quên trách nhiệm của mình đó là đề ra những mốc thời gian “deadline” cụ thể cho từng giai đoạn. Sau đó tự báo cáo tiến độ với chính mình hoặc cho người mà bạn có trách nhiệm rằng bạn đã hoàn thành tới giai đoạn đó.
7. Luôn vui vẻ
Việc thiết lập mục tiêu sẽ không giúp bạn trở nên tốt hơn nếu chúng khiến bạn cảm thấy thất vọng hoặc đem đến những cảm xúc tiêu cực khác.
Do đó hãy vui vẻ tận hưởng với chúng và khi mọi thứ trở nên khó khăn, hãy nghỉ ngơi và làm điều gì đó thật thú vị.
8. Có niềm tin
Nhiều người trong chúng ta đặt ra mục tiêu nhưng lại không thực sự tin rằng mình sẽ làm được điều đó.
Nếu mục tiêu của bạn là khỏe mạnh và đầy đặn, nhưng bạn lại khó lòng tập thể dục mỗi ngày và không chịu rời xa món sô cô la ưa thích thì bạn phải viết lại mục tiêu dựa vào những thứ mà bạn có khả năng làm được. Nếu không, bạn sẽ chỉ cảm thấy thất bại mà thôi.
9. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Dù mọi người ghét phải thừa nhận điều này, nhưng hầu hết chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của mình nếu chỉ dựa vào bản thân. Tùy vào từng mục tiêu mà bạn có thể cần người hướng dẫn có kinh nghiệm, đó có thể là bạn thân, huấn luyện viên hoặc một quyển sách truyền cảm hứng.
Đừng cố tự mình hoàn thành hết mục tiêu.
10. Đừng bao giờ từ bỏ
Sẽ ra sao nếu bạn không hoàn thành những mục tiêu ban đầu? Dù kết quả thế nào, bạn cũng đừng bao giờ bỏ cuộc.
Có thể bạn đang tập trung vào những mục tiêu quá sức hoặc đang hoang mang về lý do tại sao bạn phải thực hiện nó. Nên nhớ rằng không phải ai cũng thành công trong việc thiết lập mục tiêu.
Nếu bạn cứ gắng gượng, chúng sẽ không có tác dụng với bạn, do đó hãy thử cách khác. Điều quan trọng nhất là bạn phải có đam mê và vui vẻ thực hiện chúng. Khi đó, bạn sẽ hoàn thành tốt mọi việc.
VÂN THẢO