Mối đe dọa đà phục hồi kinh tế Việt Nam
- 03/10/2023
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% năm nay và nhích lên 6% trong năm tới.
Rủi ro cao với triển vọng kinh tế
Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, việc thắt chặt tiền tệ ở một số quốc gia phát triển, và sự gián đoạn do căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng sẽ tiếp tục đe doạ đà hồi phục của kinh tế Việt Nam.
Cụ thể hơn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đáng kể và Trung Quốc phục hồi kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm của Việt Nam.
Trong tám tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,4% trong khi số doanh nghiệp phải đóng cửa ngày càng nhiều. Tính trung bình, mỗi tháng có 15.600 công ty đóng cửa và rất nhiều công nhân bị mất việc.
Bên cạnh đó, tăng trưởng chung của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng giảm còn 1,1% trong nửa đầu năm nay.
Cùng với kinh tế toàn cầu chậm lại, ADB cho biết, nhu cầu thế giới suy yếu sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng thương mại trong các tháng còn lại của năm nay và năm tới.
Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng USD mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá tiền đồng.
Trong nước, các vấn đề có tính hệ thống trong giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế là nguy cơ chính dẫn tới suy giảm tăng trưởng.
Đơn cử, ADB dự báo, thâm hụt tài khóa sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023. Quốc hội đã thông qua mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng có hiệu lực đến cuối năm nay và chính sách tài khóa mở rộng dự kiến sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhanh chóng triển khai chính sách này để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Việt Nam cũng cần đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công vì điều này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành như xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu và mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn.
Dự báo lạm phát của Việt Nam trong báo cáo mới nhất của ADB được hạ xuống còn 3,8% cho năm 2023, và 4% cho năm 2024. Áp lực lạm phát trong thời gian trước mắt có thể đến từ sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang tiếp diễn.
Tuy nhiên, áp lực này có thể được hạn chế, nhờ giá khí đốt và xăng dầu giảm trong nửa cuối năm, cùng với giá lương thực trong nước ổn định.
Sức chống chọi của kinh tế Việt Nam
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.
Theo ADB, nhiều lĩnh vực được dự báo sẽ có phục hồi tốt như dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và các dịch vụ liên quan.
Về phía cầu, tiêu dùng nội địa sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải và tiếp tục tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm.
Bên cạnh đó, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm nay khi Chính phủ cam kết giải ngân khoảng 30 tỷ USD. Trong những tháng gần đây, cam kết chính trị mạnh mẽ đã giúp hoạt động giải ngân được cải thiện đáng kể, mặc dù vẫn còn những hạn chế về mặt pháp lý.
ADB khuyến nghị, sự phối hợp về chính sách có thể giúp kinh tế phục hồi một cách hiệu quả trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu.
Trong ngắn hạn, cần thực hiện chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng. Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy, việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải được phối hợp chặt chẽ với việc thực thi chính sách tài khóa, để thúc đẩy hoạt động kinh tế một cách hiệu quả.
Phương Anh – TheLEADER