Mua bán ngoại tệ trái phép: Xử phạt hay tịch thu?

Ngân hàng Nhà nước cần bổ sung quy định về số lượng, mục đích mua bán ngoại tệ để từ đó đưa ra mức xử phạt hợp lý hoặc chỉ tịch thu ngoại tệ lẫn VNĐ khi giao dịch trái phép.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH. Theo đó, cá nhân mua bán ngoại tệ với nhau, mua bán ngoại tệ giữa cá nhân với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt 10-20 triệu đồng và tịch thu tang vật (ngoại tệ và VNĐ).

Nên nhắm vào đối tượng trục lợi

Một số ý kiến cho rằng dự thảo quy định về số tiền bị phạt và phạt cảnh cáo chỉ hợp lý với người dân cần mua hoặc bán USD (ngoại tệ phổ biến trong giao dịch) để sử dụng cho nhu cầu cuộc sống bởi theo luật, người dân được phép nắm giữ USD. Cụ thể, người dân nhận kiều hối được quyền nhận USD (tiền mặt), xuất cảnh được mang theo khoảng 7.000 USD. Kiều bào về nước, người nước ngoài đến Việt Nam cũng được mang theo ngoại tệ.

Anh Minh (quận Phú Nhuận, TP HCM) cho biết hằng năm, anh được người nhà ở nước ngoài gửi về khoảng 1.000 USD. “Giả sử tôi bán số USD này cho người khác, chẳng may bị cơ quan chức năng bắt và xử phạt, tịch thu tang vật là số tiền đó liệu có hợp lý?” – anh Minh thắc mắc.

Trên thực tế, cá nhân có thể yêu cầu các đầu mối USD trái phép (phần lớn là chủ tiệm vàng) đến tận nhà để mua bán cả ngàn USD. Vậy quy định mức phạt chung cho người mua hay bán USD số lượng lớn nhằm mục đích kinh doanh, đầu cơ và người giao dịch ngoại tệ để sử dụng có phù hợp thực tiễn?

Mua bán ngoại tệ trái phép: Xử phạt hay tịch thu? - Ảnh 1.

 

Luật sư Trần Dũng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng mức xử phạt đối tượng đầu cơ, kinh doanh ngoại tệ trái phép ngang bằng với người mua bán vài ngàn USD để sử dụng là chưa ổn bởi các đối tượng đầu cơ, kinh doanh ngoại tệ hiểu rõ quy định về quản lý ngoại tệ nhưng vẫn mua đi bán lại USD làm rối loạn thị trường. Do đó, cơ quan soạn thảo cần đưa ra tiêu chí xác định đối tượng, mục đích của người mua bán USD trái phép. Nếu giao dịch đó trị giá lớn, bên mua và bên bán đều là giới đầu cơ thì ngoài việc tịch thu USD lẫn VNĐ, cần xử phạt thật nặng.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, đề nghị ban soạn thảo cần đặt việc sửa đổi Nghị định 96 trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Theo đó, việc xử phạt giao dịch USD trái phép chỉ nên áp dụng với những đối tượng trục lợi từ việc mua bán ngoại tệ mới phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Chỉ cần tịch thu tang vật?!

Lãnh đạo phụ trách kinh doanh ngoại tệ một NH thương mại ở TP HCM cho rằng cơ quan chức năng rất khó xác định ai là đối tượng đầu cơ, ai là người mua hay bán USD vì nhu cầu cá nhân. “Mọi giao dịch USD bên ngoài NH, đại lý thu đổi ngoại tệ đều là vi phạm pháp luật và trên cơ sở này, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp tịch thu ngoại tệ lẫn VNĐ là xong” – vị lãnh đạo NH này đề xuất.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Cấn Văn Lực đề nghị NHNN phân nhóm đối tượng, tùy thuộc vào quy mô, mức độ, thái độ, bối cảnh thị trường… để đưa ra quy định mức phạt phù hợp.

Phó Thống đốc NHNN – ông Đoàn Thái Sơn – cho biết NHNN đã cân đong đo đếm để đưa ra mức xử phạt theo tỉ lệ % trên số tiền giao dịch. Thế nhưng, phương án này không phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, NHNN đưa ra mức phạt hành chính nhằm răn đe người giao dịch USD để sử dụng đồng thời bổ sung xử phạt bằng hình thức tịch thu tài sản để nhắm tới đối tượng kinh doanh, đầu cơ USD. “Thông qua kết quả kiểm tra giao dịch ngoại tệ trái phép, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định được mục đích, đối tượng, mức độ mua bán USD để quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền hay tịch thu ngoại tệ lẫn VNĐ” – ông Sơn nêu quan điểm.

Theo quy định, tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện giao dịch thu đổi ngoại tệ tại những nơi được cấp phép. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho biết ngoài hệ thống các NH thương mại, trên địa bàn có gần 100 đại lý thu đổi ngoại tệ được cấp phép. Các điểm này chủ yếu là cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn từ 3 sao trở lên), sân bay, siêu thị, trung tâm thương mại… Một số tiệm vàng cũng được cấp phép thu đổi ngoại tệ nhưng rất ít, chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Các điểm thu đổi ngoại tệ chỉ được mua USD của người dân chứ không được bán ra mà buộc phải bán lại cho NH thương mại.

UBND quận, huyện cũng được quyền xử phạt

Do mức độ xử phạt hành chính đối với cá nhân giao dịch ngoại tệ trái phép giảm xuống (mức đang áp dụng là 80-100 triệu đồng) nên Nghị định 96 cũng sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính. Theo đó, ngoài ngành NH, công an…, UBND quận, huyện cũng có quyền ban hành quyết định xử phạt hành chính. Người có quyền lập biên bản vi phạm là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi đang thi hành công vụ hoặc công chức ngành NH đang thi hành nhiệm vụ.

Mở rộng điểm được phép thu đổi ngoại tệ

Dù quy định mức xử phạt hành vi giao dịch USD trái phép trong Nghị định 96 đã có từ 4 năm qua và không ít trường hợp người dân bị phạt nặng nhưng nhiều người vẫn có thói quen đến tiệm vàng mua bán USD. Chuyên gia tài chính – TS Bùi Quang Tín nhìn nhận nhu cầu thực tế về việc mua bán USD của người dân là có. Do đó, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 96, NHNN cần mở rộng cấp phép các điểm thu đổi ngoại tệ, tiệm vàng được phép thu đổi ngoại tệ… nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Liên quan đến mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm, dự thảo nghị định lần này đã có hướng ra cho người dân tránh bị phạt tiền khi bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo đối với một số hành vi vi phạm hành chính không nghiêm trọng như mua bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; mua bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ; mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng…” – TS Bùi Quang Tín phân tích.

 

Theo Thy Thơ

Người lao động