- 28/02/2019
- Posted by: admin
- Category: Tài chính
Trong khi ngân hàng một số nước đã lên chuẩn mực thứ ba của Basel thì Việt Nam mới sắp có 2 đơn vị đầu tiên được công nhận Basel II.
Sau gần 3 năm kể từ khi Ngân hàng Nhà nước công bố thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, những cái tên đầu tiên trong hệ thống sắp được “tốt nghiệp” dự án.
Theo nguồn tin của VnExpress, Vietcombank và VIB sẽ là hai ngân hàng đầu tiên trong nhóm thí điểm Basel II theo lộ trình được đưa ra từ đầu năm 2016 được Ngân hàng Nhà nước công nhận áp dụng thành công tiêu chuẩn này trong hoạt động quản trị rủi ro. Một số nhà băng khác cũng cho biết đã nộp hồ sơ và đang trong quá trình chờ phê duyệt từ cơ quan quản lý.
Giao dịch tại quầy một ngân hàng thương mại. |
Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (Basel Committee on Banking supervision) được thành lập năm 1974 nhằm đưa ra những quy chuẩn quản lý để ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng.
Đối với hệ thống ngân hàng của Việt Nam, tiêu chuẩn Basel đã dần trở thành một trong những yêu cầu quan trọng trong quản trị rủi ro và đảm bảo tính an toàn của hệ thống. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn này vẫn còn khá chậm.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đầu năm 2016 – thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu thí điểm Basel II, hệ thống ngân hàng Việt Nam mới cơ bản đạt được các chuẩn mực của Basel I. Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia đã hoàn thành xong tiêu chuẩn Basel II và tiến lên Basel 2.5, Basel III.
Tình hình áp dụng Basel tại các nước vào thời điểm Việt Nam bắt đầu thí điểm tiêu chuẩn Basel II. Nguồn: BVSC |
So với chuẩn mực đầu tiên, điểm mới của Basel II là từ bỏ phương pháp luận “một kích thước phù hợp với tất cả” và giới thiệu ba trụ cột mới là yêu cầu vốn tối thiểu, rà soát giám sát và nguyên tắc thị trường. Hiểu một cách đơn giản, nếu tiêu chuẩn Basel I nhằm củng cố sự ổn định của hệ thống ngân hàng, thì Basel II hướng đến việc nâng cao chất lượng, sự ổn định, và áp dụng các thông lệ nghiêm ngặt hơn về quản trị rủi ro.
Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel II được Ngân hàng Nhà nước đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng tại 10 ngân hàng từ tháng 2/2016, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank. Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn chuẩn mực này.
Ban đầu thời hạn cho giai đoạn thí điểm được ấn định từ tháng 2/2016 đến cuối năm 2018 và giai đoạn hai 2 tính đến năm 2020. Tuy nhiên, trước áp lực về việc nâng cao vốn tự có gặp nhiều khó khăn, thời hạn áp dụng Basel II cho nhóm ngân hàng thí điểm đã được lùi về năm 2020.
Ngoài những tiêu chuẩn mang tính định tính, một trong những yêu cầu quan trọng nhất với Basel II là việc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng.
Theo Basel II, tỷ lệ này cần đạt mức tối thiểu 8% – giảm 1% về mặt số học so với của Basel I, tuy nhiên việc tính toán lại phức tạp hơn. Báo cáo của Công ty chứng khoán MB (MBS) đánh giá, nếu áp dụng theo cách tính của Basel II, CAR của các ngân hàng từ tiêu chuẩn Basel I có thể giảm từ 1-3%. Điều này khiến nhiều nhà băng rơi vào tình trạng “báo động đỏ”, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh khi CAR trước điều chính đã duy trì ở gần ngưỡng cảnh báo.
CAR của các ngân hàng được tính theo vốn tự có trên tổng tài sản có rủi ro. Để tăng tỷ lệ này chỉ có cách hoặc tăng vốn tự có hoặc là giảm tổng tài sản có rủi ro. Tuy nhiên, việc giảm tài sản có rủi ro là điều không dễ khi hàng năm các ngân hàng đều duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng hai con số, cách nhanh nhất để cải thiện CAR là tăng vốn tự có. Nhưng chính điều này lại trở thành thách thức khi việc tăng vốn với một lĩnh vực đặc thù như ngân hàng gặp khá nhiều trở ngại.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thiếu hụt vốn gần 20 tỷ USD (tương đương 9% GDP) để đáp ứng việc triển khai tiêu chuẩn Basel II, dự kiến áp dụng từ 1/1/2020.
Trước áp lực Basel II đang đến gần, liên tục trong hai năm gần đây, hệ thống ngân hàng đã bổ sung thêm hàng chục nghìn tỷ đồng vốn tự có, thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược, phát hành cho cổ đông hiện hữu, chia cổ phiếu thưởng hay trả cổ tức bằng cổ phiếu. Hai ngân hàng quốc doanh đứng đầu hệ thống là BIDV và Vietcombank gần đây đã được chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ, sau nhiều năm liền nỗ lực nhưng chưa thành công. Các ngân hàng tầm trung như Techcombank, VPBank, VIB… cũng liên tục gia tăng vốn điều lệ từ nguồn lực tích góp nhiều năm.
Về cơ bản, khi tiêu chuẩn định lượng về CAR được đảm bảo, các ngân hàng sẽ không còn nhiều khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn định tính khác.
Minh Sơn