- 17/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Tài chính
Ngành ngân hàng có một năm 2018 được xem là khá thành công khi ghi nhận lãi kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt nguồn thu từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, kết quả thu hồi nợ tích cực, một số ngân hàng tăng vốn khá thành công khi niêm yết chính thức trên sàn.
Nhưng theo dự báo, năm 2019 lợi nhuận của ngành này có thể giảm sút.
Áp lực tăng vốn
Tăng vốn vẫn luôn là đề tài muôn thuở của các ngân hàng Việt Nam, khi mà áp lực cạnh tranh tiếp tục gia tăng trong bối cảnh hội nhập, đồng thời các quy định về tỷ lệ an toàn ngày càng được nâng cao theo chính sách của nhà điều hành. Năm 2019, áp lực tăng vốn sẽ lớn hơn bao giờ hết khi mà thời điểm hiệu lực của Thông tư 41/2016/TT-NHNN về việc quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng đã cận kề mốc ngày 1/1/2020.
Thông tư 41 đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành từ cuối năm 2016, với các quy định về tính toán tỷ lệ vốn yêu cầu sát với chuẩn quốc tế theo Basel 2, do đó đã cho 10 ngân hàng thí điểm thời hạn 3 năm để thực hiện. Và sau 2 năm triển khai, tính đến cuối năm vừa qua, chỉ mới có 3 ngân hàng là Vietcombank, VIB và OCB là được NHNN chính thức công nhận tuân thủ Basel 2.
Để có thể duy trì tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, đồng thời vẫn có thể đẩy mạnh phát triển kinh doanh trong giai đoạn tới, thì việc tiếp tục tăng vốn tự có nói chung và vốn điều lệ nói riêng sẽ vẫn là bài toán đầy thách thức đối với cả các ngân hàng đã đạt lẫn chưa đạt chuẩn. Đặc biệt với những ngân hàng chưa đạt chuẩn thì mốc thời gian chỉ còn 1 năm sẽ càng làm tăng áp lực.
Trong khi đó, việc tăng vốn trong năm 2019 được đánh giá là không còn quá thuận lợi. Thật vậy, nếu giai đoạn 2017 – 2018, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp một số ngân hàng như Techcombank, HDBank hay VPBank lên sàn khá thành công, thu hút một lượng vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài, làm tiền đề để tăng mạnh vốn điều lệ, thì thị trường chứng khoán năm 2019 được dự báo không chắc chắn khiến con đường tăng vốn của các ngân hàng sẽ gập ghềnh hơn.
Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, nếu BIDV gần đây công bố đã tìm được nhà đầu tư chiến lược ngoại, Vietcombank mới chính thức được NHNN phê duyệt tăng vốn điều lệ thông qua việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài 270 triệu USD, thì một “ông lớn” khác là Vietinbank cũng đang “im hơi lặng tiếng” dù nhu cầu tăng vốn đang gấp rút hơn bao giờ hết. Những ngân hàng lớn hoạt động hiệu quả còn đối diện thách thức như vậy, dĩ nhiên những ngân hàng nhỏ hơn và thiếu hiệu quả sẽ còn gặp khó khăn gấp bội phần.
Nỗi lo duy trì lợi nhuận
Trong 2 năm trở lại đây, lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng khá sau giai đoạn tái cấu trúc thành công, khiến cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Điều đó cũng đồng nghĩa với thách thức duy trì được sự tăng trưởng hoặc ít nhất phải giữ được mức lợi nhuận cao như hiện tại là không hề nhỏ.
Trong khi đó, các điều kiện vĩ mô và chính sách năm 2019 sẽ không còn quá thuận lợi như giai đoạn trước. Trong bối cảnh mà rủi ro kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng, từ chiến tranh thương mại, khủng hoảng và suy thoái, dẫn đến nhà điều hành trong nước phải đặt mục tiêu ưu tiên ổn định hơn bao giờ hết. NHNN từ nửa cuối năm 2018 cũng đã bắt đầu định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, và dự kiến năm 2019 sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách như trên.
Mức tăng trưởng tín dụng năm 2018 đến ngày 20/12 chỉ mới đạt 13,3%, thấp hơn rất nhiều so với con số 16,6% của cùng kỳ năm 2017, trong khi mục tiêu cho năm 2019 cũng sẽ kiểm soát dưới 16%, thì rõ ràng con đường gia tăng nguồn thu nhập từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Với việc cho vay ít hơn, dĩ nhiên nguồn thu nhập cũng sẽ không thể tăng mạnh. Trong bối cảnh hoạt động tín dụng cũng đang bị kiểm soát chặt theo hướng hạn chế rót vào những khu vực rủi ro cao như bất động sản, cho vay tiêu dùng vốn có lãi suất cho vay cao, sẽ càng ảnh hưởng đến nguồn thu nhập từ hoạt động này.
Chẳng những vậy, với các tỷ lệ an toàn thanh khoản tăng lên theo quy định, cụ thể là tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã chính thức giảm từ 45% về 40% kể từ đầu năm nay, các ngân hàng cũng sẽ bị hạn chế dòng vốn cho vay trung dài hạn, vốn có biên lãi suất cao hơn.
Đứng ở nguồn vốn đầu vào, hoạt động huy động vốn cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh lãi suất chịu nhiều áp lực. Thực tế là mặt bằng lãi suất đã bắt đầu có xu hướng dâng lên từ cuối quý III/2018. Trong khi đó, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tiếp có đến 4 lần tăng lãi suất trong năm vừa qua, khiến các ngân hàng trong nước đang vay ngoại tệ hoặc được tài trợ thương mại từ các định chế tài chính quốc tế sẽ đối mặt với chi phí vốn ngoại tệ cũng có thể điều chỉnh tăng lên.
Hệ quả chi phí vốn tăng sẽ khiến biên lợi nhuận của các ngân hàng bị ảnh hưởng là tất yếu, theo đó nếu các nhà băng muốn duy trì biên độ lãi suất thì buộc phải tăng lãi suất cho vay tương ứng. Điều này không dễ dàng vì nhà điều hành vẫn có định hướng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Ngoài ra, những khoản lợi nhuận đột biến từ thoái vốn hay chứng khoán đầu tư như 2 năm qua sẽ không còn nhiều nữa. Không chỉ vì mức độ sở hữu chéo giữa các nhà băng đã giảm dần và về mức đảm bảo theo quy định, mà việc thoái vốn cũng sẽ không còn dễ dàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay.
Trong khi đó, với lợi suất trên thị trường trái phiếu đang đi lên trở lại, các ngân hàng cũng khó có thể ghi nhận lãi lớn từ hoạt động đầu tư trái phiếu như năm vừa qua, hay không muốn nói là có thể phải đối mặt với việc ghi nhận lỗ cho những khoản đầu tư đã thực hiện trong giai đoạn lợi suất thấp vừa qua.
ANH KHOA