Ngành ngân hàng nêu 11 giải pháp hạn chế tín dụng đen

Ngày 26/12, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên Môi trường và Mặt Trận tổ quốc Việt Nam cùng ngồi lại tại hội nghị trực tuyến toàn quốc, bàn về tín dụng nông nghiệp và hạn chế tình trạng tín dụng đen.

Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước đã điểm lại việc triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Liên quan, chính sách hiện nay cũng đã có những tháo gỡ để tạo điều kiện vay vốn trong lĩnh vực này, gián tiếp hạn chế tình trạng tín dụng đen.

Một chính sách nổi bật là nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp hai lần mức cho vay tối đa cũ (cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng).

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng này góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn sản xuất kinh doanh và không có tài sản bảo đảm phải tìm đến các nguồn vốn khác như tín dụng đen.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế – xã hội.

Theo số liệu đưa ra tại hội nghị, qua tổng hợp báo cáo nhanh của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, ngành ngân hàng đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền là khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.

Nhưng, như trên, tín dụng đen vẫn đang diễn biến phức tạp. Và để tham gia xử lý, ngành ngân hàng đưa ra 11 giải pháp cụ thể.

Một là, triển khai mạnh chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi mới vừa được sửa đổi, bổ sung trong năm 2018.

Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.

Ba là, mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.

Bốn là, dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phầm cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của người dân; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.

Năm là, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cần triển khai thêm gói tín dụng cho vay tín chấp khoảng 5.000 tỷ đồng để phục vụ các nhu cầu vốn cấp bách của người dân, hộ gia đình khu vực nông nghiệp, nông thôn với hạn mức mỗi món vay khoảng 30 triệu đồng, thời gian xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày với chính sách kiểm soát sau và áp dụng mức lãi suất hợp lý, đủ bù đắp rủi ro trong cho vay.

Sáu là, Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát lại tổng thể các chương trình cho vay ưu đãi hiện nay để trình Thủ tướng Chính phủ cho kết thúc một số chương trình đã hoàn thành mục tiêu đặt ra và bổ sung thêm chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác với mức lãi suất hợp lý, không phải cấp bù từ ngân sách nhà nước.

Bảy là, rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt là chính sách lãi suất và chế tài xử phạt nhằm tổ chức lại hoạt động của loại hình này theo hướng minh bạch với mức lãi suất phù hợp với mức sống của đại bộ phận người dân và không để các tổ chức này có các hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động của mình tiếp tay cho các đối tượng, tổ chức xã hội đen, cho vay nặng lãi, đi ngược lại với chủ trương của Đảng, Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Tám là, nghiên cứu, rà soát lại tổng thể hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô để có chính sách phát triển, mở rộng các tổ chức tài chính vi mô đang hoạt động hiệu quả hiện nay. Hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, cụ thể hơn nhằm tạo điều kiện cho loại hình này hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần đáp ứng ngày càng đầy đủ, kịp thời hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống người dân.

Chín là, phối hợp với Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn tín dụng đen và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là các công ty tài chính để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan có hành vi cấu kết, tiếp tay, thông đồng với các đối tương, tổ chức xã hội đen cho vay nặng lãi.

Mười là, phối hợp với chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể để vận động, tuyên truyền các tổ chức này tham gia làm đại lý, dịch vụ cho vay vốn; phối hợp với các tổ chức tín dụng hướng dẫn người dân vay vốn và sử dụng vốn phục vụ đời sống, kể cả những nhu cầu đột xuất, cấp bách.

Và giải pháp về tuyên truyền, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện trên phạm vi cả nước, để người dân nắm bắt các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.

NHẬT NAM