Người thành công nhất là người biết dành thời gian nghỉ ngơi hiệu quả
- 01/03/2019
- Posted by: admin
- Category: Kỹ năng sống
Làm việc quá sức được xem như là một trong những vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống hiện đại. Tăng trưởng kinh doanh của công ty không ngừng khiến chúng ta cần thêm thời gian để làm việc, trong khi đó smartphone lại là một công cụ giúp chúng ta có thể làm việc ngoài văn phòng 24/7, và bận rộn được nhiều người nhìn nhận như là “niềm tự hào”.
Tuy nhiên, làm việc quá sức có tác động mạnh mẽ tới sức khoẻ của cộng đồng, với các chuyên gia, các doanh nhân và giám đốc điều hành,… điều này không có gì là lạ. Năm 1878, một bác sĩ than thở với thời báo New York Times rằng nghỉ ngơi là một “nghệ thuật bị lãng quên”.
Vào những năm 1890, nhà tâm lý học nổi tiếng của Harvard William James thấy xót xa và lên tiếng về vấn đề làm việc quá sức của người Mỹ, và ông lập luận rằng người lao động sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu họ hiểu được giá trị tuyệt vời mà việc thư giãn, nghỉ ngơi mang lại. Nhưng bất ngờ hơn cả, người không ngừng phê bình thói quen bận rộn và làm việc quá sức nổi tiếng nhất của nửa đầu thế kỷ 20 lại chính là Bertie Forbes.
Bertie Charles Forbes sinh năm 1880, tuổi thơ của ông gắn liền với cao nguyên Scotland. Năm 17 tuổi, ông trở thành một phóng viên ở Dundee; năm 1901, ông đến Nam Phi để đưa tin về cuộc chiến Boer, tiếp theo, đến năm 1905 ông chuyển đến New York, ở đây ông trở thành một trong những nhà báo tài chính hàng đầu tại thời điểm đó. Sau đó ông thành lập công ty xuất bản B. C. Forbes; tạp chí nổi tiếng mang tên ông phát hành lần đầu tiên ra công chúng năm 1917.
Một trong những điểm nổi bật của tạp chí Forbes là tiểu sử các nhà tư bản công nghiệp, các ông trùm ngân hàng và các nhà phát minh lớn, những người giám sát sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại và các tập đoàn lớn tại Mỹ. Trong hồ sơ lý lịch của các doanh nhân hàng đầu (nửa đầu thế kỷ 20 thì chủ yếu là đàn ông), Forbes thường ghi lại những chiến lược được họ đưa ra – thường là sau những khoảng thời gian làm việc quá sức và rơi vào tình trạng kiệt sức – để duy trì sức khoẻ, phục hồi tinh thần và thể chất, cũng như việc cân bằng giữa áp lực công việc và thư giãn.
Nghỉ ngơi kích thích tư duy sáng tạo và duy trì cảm hứng cuộc sống
Trong các bài viết của Forbes, ông luôn kêu gọi sự chú ý đến sở thích thư giãn của những “gã khổng lồ” trong nghành công nghiệp. Ví như Andrew Carnegie (Ông vua ngành thép) “đã sống một cuộc sống sôi động ở New York cùng với những chuyến đi thường xuyên đến châu Âu, đan xen với những chuyến đi đến phương Đông và những nơi xa xôi khác” và “không ai đam mê thể thao và các hình thức giải trí khác hơn Coleman du Pont (Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ), Teddy Roosevelt (Tổng thống thứ 26 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) là hình mẫu của chính trị gia bận rộn “nhưng hăng hái… tham gia lĩnh vực giải trí.”
Tổng thống Mỹ James Farrell và nhà kinh doanh khai thác mỏ August Heckscher là những thủy thủ đầy đam mê. Ông trùm nghành đường sắt James Hill là một nghệ sĩ vi-ô-lông thực thụ. Nhà tiên phong bán lẻ John Shedd ca ngợi sân gôn như là “một trong những hạnh phúc lớn nhất của thời đại … vì nó đã thu hút những người đàn ông gác lại nhiệm vụ và công việc của mình để tận hưởng cuộc sống.”
Ngoài ra, Forbes cho hay còn rất nhiều các nhân vật tầm cỡ khác thích những hoạt động mang tính khám phá. Ví dụ, Charles Nash thường thích đi săn bắn và câu cá trong các khu rừng của Michigan và Wisconsin khi ông không làm việc tại Công ty Nash Motors. Người khổng lồ ngành công nghiệp sản xuất lốp Harvey Firestone đã dành hàng tuần cho việc cắm trại,…
Nhà phát minh Cyrus McCormick chia sẻ với tạp chí Forbes rằng: “Thám hiểm và cắm trại trong rừng là điều tuyệt vời nhất mà tôi biết để phát triển cả về thể chất và tâm hồn”.
Làm việc chăm chỉ và nghỉ ngơi lành mạnh bổ trợ cho nhau
George Reynolds, giám đốc một ngân hàng ở Chicago đã quyết định áp dụng 5 ngày làm việc trong tuần tại ngân hàng của mình, ông lập luận rằng trong lĩnh vực tài chính hiện đại, “tốc độ phát triển và áp lực của cuộc sống hiện đại lớn tới mức một người đàn ông không thể cầm cự được … nếu anh ta làm việc nhiều hơn 5 ngày một tuần.”
Theo Forbes, việc lựa chọn loại hình nghỉ ngơi hợp lý, thời lượng phù hợp, là điều cần thiết mang lại thành công. Những người thành công đã tiết lộ rằng: “Cách thức chúng ta dành thời gian nghỉ ngơi, giải trí quyết định phần lớn đến mức độ hiệu quả của thời gian làm việc.” Điều cần thiết là phải nhận ra rằng “Nghỉ ngơi thực sự thúc đẩy khát vọng và giúp tăng cường thể chất, năng lực cũng như thôi thúc việc gặt hái thành công.”
Tuy nhiên, thực tế có quá nhiều người lại lãng phí thời gian nghỉ ngơi vào những trò chơi tiêu khiển ảnh hưởng không tốt đến sự nghiệp của họ. Trong khi đó nhiều người khác lại tâm nguyện làm việc đến kiệt sức.
Nhưng điều này không có nghĩa là lấy vui chơi, giải trí là động lực của cuộc sống, hoặc phải tránh xa nó. Các nhà công nghiệp Mỹ đã “dạy những nhà quý tộc kiệt sức của châu Âu rằng ngành công nghiệp không phải là sự hổ thẹn” và “một mảnh đất hái ra tiền không phải là điều tuyệt vời nhất mà bạn có”. Quả thực, những người giàu có nhàn rỗi lại “là những người khốn khổ nhất”, Forbes đã lập luận “Không lao động cực nhọc thì cũng sẽ không thể có niềm sung sướng khi thư giãn”. Làm việc chăm chỉ và nghỉ ngơi lành mạnh bổ trợ cho nhau và giúp cân bằng cuộc sống.
Lựa chọn loại hình nghỉ ngơi phù hợp
Forbes đặc biệt quan tâm đến thể dục thể thao. Ông khuyến khích độc giả nên tham gia một câu lạc bộ gôn hay thể dục nào đó, thậm chí “hãy đi đến đất nước nơi bạn sẽ phải đi bộ một dặm để đón tàu ngay cả khi đang trong mùa đông giá lạnh.”
Forbes không phải là cây viết về kinh doanh đầu tiên nhận thấy tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi. Walter Dill Scott, người đi tiên phong trong việc sử dụng tâm lý học trong quảng cáo, đã khuyên các độc giả bận rộn của ông về sự cần thiết có một sở thích nào đó để cân bằng với hàng giờ làm việc vất vả, khi chúng ta cuốn vào sở thích, thì nó sẽ giúp chúng ta tạm loại bỏ công việc kinh doanh ra khỏi tâm trí. Winston Churchill đã cho rằng “nuôi dưỡng sở thích là việc quan trọng hàng đầu đối với các chính trị gia.”
Nghỉ ngơi không phải là ‘kẻ thù’ của công việc, mà ngược lại nó là ‘đối tác’ vô cùng hiệu quả
Ngày nay, các chuyên gia hay doanh nhân bận rộn đang bắt đầu suy ngẫm lại điều đó, như Forbes đã nói: “Việc chúng ta sử dụng nghỉ ngơi, giải trí để tái tạo hay tiêu tan sức lực là khoảnh khắc mang tính quyết định”. Các nỗ lực để cải thiện sự cân bằng cuộc sống và công việc như khuyến khích nhân viên có các kỳ nghỉ, tạm gác công việc vào buổi tối, tập thể dục nhiều hơn, hoặc thậm chí có những giấc ngủ ngắn trong ngày. Hơn hết, chúng ta cần nhận ra rằng sự nghỉ ngơi không phải là kẻ thù của công việc, mà ngược lại nó là đối tác vô cùng hiệu quả. Các nhà thần kinh học và các nhà tâm lý học đang tập trung nghiên cứu về giá trị của việc đi bộ trong việc kích thích sự sáng tạo tiềm ẩn, về thời gian hòa mình với thiên nhiên để cân bằng cảm xúc và về một đời sống xã hội lành mạnh giúp thúc đẩy sự phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nhiều người sáng tạo và thành công thường tổ chức những ngày làm việc chăm chỉ và “nghỉ ngơi có chủ đích” đồng thời lựa chọn loại hình giải trí phù hợp để kích thích sự sáng tạo, hỗ trợ những thói quen tốt và duy trì cuộc sống đầy cảm hứng trong dài hạn. Qua nghiên cứu sự nghiệp của những người đoạt giải Nobel, các tác giả, nghệ sĩ, và thậm chí cả các tướng lĩnh cho thấy “thành công thường đạt được trong khoảng thời gian ngoài công việc; những giờ mà chúng ta rời khỏi chiếc ghế và văn phòng; những giờ mà chúng ta thực sự làm chủ của chính mình; những giờ mà chúng ta tự do sử dụng theo ý mình,” đúng như những gì Forbes viết cách đây cả một thế kỷ.
Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc xem lại bài học của Forbes, và hãy áp dụng chúng vào cuộc sống hiện tại.
Theo Psychology Today
Tác giả: Alex Pang, Ph.D
Nguyễn Việt