Nguy cơ “chảy máu vốn” vì chiến tranh thương mại
- 02/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Tổng hợp
Các nền kinh tế mới nổi đối mặt với nguy cơ “chảy máu vốn” trong thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang.
Đồng nhân dân tệ (CNY) đã tiến gần đến mức tỷ giá nhạy cảm 7 CNY đổi 1 USD – dấu hiệu cho căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ.
Khi nhận xét về vấn đề này với Bloomberg, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) – ông Dịch Cương – cho rằng đồng CNY đang ở mức “hợp lý và cân bằng”.
Cơ quan này đặt tỷ giá tham chiếu đồng CNY với USD ở mức 6.9154 vào ngày 8/10. Đây là mức tỷ giá thấp nhất kể từ tháng 1/2017.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sắp công bố báo cáo mới, trong đó cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ và các tranh chấp giữa 2 ông lớn này vẫn không có dấu hiệu dừng lại.
Những đòn trả đũa thương mại đang đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư, gây ra hàng loạt vụ bán tháo trên thị trường tài chính tuần vừa qua. Tăng trưởng kinh tế được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ giảm, lần đầu tiên trong vòng 2 năm gần đây.
Sẵn sàng cho “biện pháp cuối cùng”
Các công ty Mỹ trong tầm ngắm trả đũa của Trung Quốc
Trong bản báo cáo chính sách tháng 8, PBOC có đề cập tới “biện pháp cuối cùng” trong chính sách tiền tệ của mình. Ông Dịch giải thích điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ “suy nghĩ thấu đáo về tất cả các nguy cơ, sẵn sàng cho những ngày xấu trời và viễn cảnh tệ nhất”.
Theo ông, hiện tại tỷ giá giao dịch đang “khá ổn định” và đồng CNY “đang mạnh cả trong số các quốc gia phát triển và đang phát triển”.
Trên thực tế, giá trị đồng CNY đã giảm 9% so với đồng USD trong vòng nửa năm trở lại đây. Điều này biến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất trước chính sách kiểm soát chặt đồng tiền của Mỹ và viễn cảnh trong nước ngày càng tệ.
Tuy nhiên ông Dịch vẫn cam đoan “tăng trưởng kinh tế, nguồn việc làm, lạm phát và sự biến động 2 chiều của đồng CNY đều nằm ở mức vừa phải”, dù có thể sẽ có thêm nhiều suy giảm sắp tới.
Vị thống đốc này còn nhận định tuy đồng USD tăng giá và lãi suất leo thang chỉ khiến tình hình của Trung Quốc “hơi chật vật”, nhưng sự kiện này lại khiến “dòng vốn chảy ra khỏi một số nước đang phát triển”.
“Chảy máu dòng vốn” ở các nền kinh tế mới nổi
Những nền kinh tế mới nổi dễ trở thành nạn nhân giữa cuộc tranh chấp thương mại Mỹ – Trung, với hàng loạt các loại thuế quan và Mỹ liên tục tăng mức lãi suất.
Nhà đầu tư bán tháo mọi tài sản được đánh giá mạo hiểm, khiến đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá nặng, cũng như châm ngòi cho cuộc khủng hoảng như tại Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.
Chu kỳ thắt chặt tiền tệ kéo dài 3 năm của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng góp phần không nhỏ khiến dòng vốn quốc tế “chảy” ra khỏi các thị trường mới nổi. Sau đợt tăng lãi suất thứ 3, cơ quan này cho biết sẽ tăng tiếp đợt thứ tư vào tháng 12, 3 lần nữa vào năm sau và thêm một lần năm 2020.
Bộ trưởng Tài chính của 24 quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G24) đã kêu gọi các nền kinh tế lớn cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu, thay vì bỏ mặc nó như hiện nay.
Tuyên bố mà G24 đưa ra tại Hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng thế giới (WB) nhấn mạnh các nền kinh tế mới nội “chịu ảnh hưởng tiêu cực” từ sự biến động liên tục của dòng vốn.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde kêu gọi các thành viên trong cuộc gặp “giảm bớt căng thẳng” thương mại và cùng phối hợp để xây dựng luật lệ thương mại quốc tế. Bà phản đối việc kéo đồng tiền vào cuộc đối đầu này, cho rằng cách làm trên sẽ làm tổn hại tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Những “quốc gia ngoài cuộc vô tội”, trong số đó có các nền kinh tế mới cung cấp hàng hóa cho Trung Quốc, cũng phải chịu tổn thất lớn.
THÁI DUY