Nguy cơ tín dụng đen “núp bóng” P2P lending
- 27/12/2018
- Posted by: admin
- Category: Tài chính
Mô hình cho vay ngang hàng P2P lending ngày càng nở rộ. Song do thiếu hành lang pháp lý, cơ quan quản lý lo ngại tín dụng đen có thể lợi dụng mô hình này để lừa đảo, cho vay nặng lãi.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen diễn ra ngày 26-12 cho hay: “Đang có tình trạng tín dụng đen núp bóng dưới hình thức cho vay ngang hàng P2P lending”.
Lãnh đạo NHNN và các cơ quan liên quan bàn giải pháp quản lý tín dụng đen.
P2P lending là nền tảng công nghệ kết nối trực tiếp giữa người đi vay và cho vay mà không cần thông qua các tổ chức tín dụng truyền thống. Không thể phủ nhận những lợi ích từ hình thức P2P lending, đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ người dân tiếp cận tín dụng ở Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Hình thức cho vay ngang hàng này đã góp phần thúc đẩy, hoàn thiện, tăng khả năng tiếp cận vốn với số đông dân số như các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Bên cạnh đó, hệ thống P2P lending có thủ tục cho vay khá đơn giản, quy trình giải ngân nhanh dựa trên nền tảng công nghệ số. Do đó, đây có thể là kênh dẫn vốn thuận tiện, chi phí thấp cho nền kinh tế, tồn tại song song với các hệ thống tài chính khác trên thị trường.
Song cho vay ngang hàng cũng nảy sinh rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế như rủi ro về tín dụng, phòng chống rửa tiền, an ninh mạng nếu không được kiểm soát tốt.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động cho vay ngang hàng chỉ mới phát triển trong vài năm gần đây song đã lan rộng, trong khi nhiều nền tảng liên quan đến loại hình này chưa được hoàn thiện. Điều này dẫn tới nguy cơ tấn công mạng, đánh cắp thông tin, gây thiệt hại lớn cho các bên tham gia.
Theo đánh giá của ông Quang, thỏa thuận giữa các bên trong dịch vụ cho vay ngang hàng không rõ ràng, thiếu pháp lý, cũng như chưa giám sát hậu kiểm, quản lý vốn vay.
Trong hệ sinh thái như vậy, người cho vay trong hệ thống này phải đối mặt với nhiều rủi ro mất tiền, khi người đi vay không thực hiện đúng thỏa thuận, lừa đảo hay công ty hoặc thành viên công ty thực hiện không đúng, hoặc không đủ, các quy trình về cho vay, phòng chống rửa tiền.
Thực tế mô hình cho vay ngang hàng khá phổ biến trên thế giới và mỗi quốc gia khác nhau có cách quản lý mô hình này khác nhau. Tại Việt Nam, những mô hình cho vay như vậy gần đây xuất hiện khá nhiều. Bên cạnh các công ty hoạt động lành mạnh, tồn tại những công ty thiếu chuyên nghiệp, cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin, đưa ra các mức lãi suất cao phi thực tế, lôi kéo người cho vay tham gia.
Một số công ty ẩn danh dưới dạng công ty cho vay ngang hàng để trốn thuế, hoặc biến tướng để huy động tài chính, khiến người cho vay và người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn.
“Đặc biệt, có hiện tượng nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen núp bóng dưới hình thức cầm đồ kết hợp với nền tảng P2P lending để cho vay với lãi suất cao, vượt xa trần lãi suất 20% quy định của Luật Dân sự 2015”, ông Quang nói.
Trước rủi ro tiềm ẩn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo doanh nghiệp và người dân thận trọng khi tham gia các nền tảng công nghệ này, tiếp cận vốn qua hệ thống ngân hàng chính thống, để tránh bị rơi vào bẫy tín dụng đen.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, không thể phủ nhận P2P lending là sự sáng tạo của nền kinh tế số, nên rất khó có thể cấm và cũng không thể cấm mô hình này hoạt động tại thị trường Việt Nam. Vấn đề là cần có biện pháp quản lý để tránh biến tướng theo kiểu tín dụng đen, đa cấp trá hình.
Từ khủng hoảng của thị trường P2P Trung Quốc, theo các chuyên gia, bài học lớn nhất mà Việt Nam có thể học hỏi là nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để ngăn chặn biến tướng, tránh rủi ro cho các bên khi có tranh chấp xảy ra.
Trả lời TBKTSG Online trước đó, ông Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho hay, để quản lý mô hình này, trước mắt Ngân hàng Nhà nước nên cho thí điểm P2P lending trên diện hẹp, có thể chỉ tại TPHCM và với một nhóm đối tượng xác định. Sau khi thí điểm, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh hiệu quả hoạt động giao dịch thông qua sàn P2P, từ đó giúp cho khách hàng có thêm các kênh để lựa chọn vay khi cần vốn cho mục đích tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, các văn bản pháp lý về P2P vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước dự thảo. Dự kiến, các văn bản quy định liên quan tới fintech, trong đó có mô hình P2P sẽ được ban hành vào tháng 1-2019.
Thùy Dung