- 10/01/2019
- Posted by: admin
- Category: Kỹ năng sống
Giống như câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”; những lời chỉ trích cay nghiệt, dù thật khó để chấp nhận, lại góp một phần không nhỏ cho sự thành công của chúng ta. Vả lại, điều quan trọng hơn là chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng một số bí quyết đơn giản để việc đối mặt với lời chỉ trích không còn khiến cho bản thân nhụt chí hay xuống tinh thần.
Đó là nhận định của Adam Grant – người đã từng đứng đầu danh sách các giáo sư (GS.) thuộc trường Đại học Wharton, bang Pennsylvania trong suốt 6 năm liền. Đồng thời, ông còn là nhà tâm lý học kiêm tác giả của những đầu sách như Originals, Give and Take, và Option B (đồng tác giả với COO Facebook Sheryl Sandberg).
Khi trả lời phỏng vấn với CNBC, ông đã chia sẻ như sau: “Có rất ít người tôi quen thấy thoải mái với việc bị chỉ trích. Trên thực tế, việc bị chỉ trích là điều mà hầu như tất cả chúng ta đều cảm thấy rất sợ hoặc chí ít là nó luôn khiến chúng ta rơi vào thế phải ‘xù lông nhím’ lên để phản kháng. Và, thường thì mọi việc sẽ diễn ra không được tốt đẹp cho lắm khi có ai đó đưa phản hồi tiêu cực với chúng ta”.
Tuy nhiên, khi nhìn vào số liệu thực tế, thì một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy thành công mãnh liệt nhất, chính là khả năng tìm kiếm, tiếp nhận và tận dụng những phản hồi tiêu cực. Dĩ nhiên, việc này chỉ hiệu quả với điều kiện là bạn hiểu rõ mục tiêu của bản thân và biết rõ tài năng của mình là như thế nào.
Bạn muốn giữ cho mình không bị xuống tinh thần khi nghe chỉ trích? Chỉ cần áp dụng 3 bí quyết dưới đây. |
Giống như câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”; những lời chỉ trích cay nghiệt, dù thật khó để chấp nhận, lại góp một phần không nhỏ cho sự thành công của chúng ta. Vả lại, điều quan trọng hơn là chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng một số bí quyết đơn giản để việc đối mặt với lời chỉ trích không còn khiến cho bản thân nhụt chí hay xuống tinh thần.
Đó là nhận định của Adam Grant – người đã từng đứng đầu danh sách các giáo sư (GS.) thuộc trường Đại học Wharton, bang Pennsylvania trong suốt 6 năm liền. Đồng thời, ông còn là nhà tâm lý học kiêm tác giả của những đầu sách như Originals, Give and Take, và Option B (đồng tác giả với COO Facebook Sheryl Sandberg).
Khi trả lời phỏng vấn với CNBC, ông đã chia sẻ như sau: “Có rất ít người tôi quen thấy thoải mái với việc bị chỉ trích. Trên thực tế, việc bị chỉ trích là điều mà hầu như tất cả chúng ta đều cảm thấy rất sợ hoặc chí ít là nó luôn khiến chúng ta rơi vào thế phải ‘xù lông nhím’ lên để phản kháng. Và, thường thì mọi việc sẽ diễn ra không được tốt đẹp cho lắm khi có ai đó đưa phản hồi tiêu cực với chúng ta”.
Tuy nhiên, khi nhìn vào số liệu thực tế, thì một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy thành công mãnh liệt nhất, chính là khả năng tìm kiếm, tiếp nhận và tận dụng những phản hồi tiêu cực. Dĩ nhiên, việc này chỉ hiệu quả với điều kiện là bạn hiểu rõ mục tiêu của bản thân và biết rõ tài năng của mình là như thế nào.
Lời chỉ trích khó nghe, song lại có ích
GS. Grant đúc kết: “Nếu như bạn không bao giờ bị chỉ trích, bạn sẽ không có đủ thách thức để phát triển”. Thế nên, bí quyết tiếp nhận lời chỉ trích một cách hiệu quả đã trở thành chủ đề chính trong một cuộc trò chuyện giữa ông và Ray Dalio – tỷ phú sáng lập Bridgewater Associates, người được xem như một huyền thoại sống của giới đầu tư toàn cầu. Bridgewater Associates vốn rất nổi tiếng với các chính sách minh bạch thông tin và thúc đẩy mọi nhân viên trong công ty nói lên những suy nghĩ của họ.
Lý giải về sự tồn tại của chính sách trên, Ray Dalio đã chia sẻ: “Một trong những tấn bi kịch của nhân loại là việc mọi người cứ ôm khư khư suy nghĩ của mình trong đầu. Nếu mọi người chịu chia sẻ quan điểm của mình thì những cái xấu có thể được khắc phục và những cái tốt có thể tốt hơn nữa. Việc ra quyết định cũng nhờ đó mà tốt hơn”.
Điều thú vị là phương châm hoạt động tại Bridgewater Associates xuất phát từ chính kinh nghiệm của Ray Dalio, mà cụ thể là vào lần ông suýt nữa đã rơi xuống hố sâu thất bại.
Bridgewater Associates được Dalio thành lập vào năm 1975 và có khởi đầu rất hứa hẹn. Song, chính sự “thuận buồm xuôi gió” lại khiến cho Dalio đánh mất đi sự khiêm tốn ban đầu và trở nên kiêu ngạo. Việc đóng lỗ tai lại và từ chối bất kỳ lời phản hồi nào đã khiến cho nhà đầu tư khi đó ra nhiều quyết định sai lầm và gây thiệt hại cho công ty. Ông đã gần như đẩy công ty vào bờ vực phá sản. Tuy nhiên, may mắn thay, điều này lại trở thành một bước ngoặt lớn đối với Ray Dalio và cả Bridgewater Associates.
Dalio chia sẻ: “Nhớ lại, lúc đó tôi túng đến mức phải mượn bố 4.000 USD để trả tiền nhà. Nó là một kỷ niệm đau đớn vô cùng, song hóa ra lại là một trải nghiệm rất tốt. Sự thảm hại của tôi trong khoảng thời gian đó đã giúp tôi lĩnh hội được bài học về sự khiêm nhường cần phải có. Chính nó là tác nhân khiến tôi mong muốn tìm ra những người thường xuyên phản đối lại ý kiến của mình. Để nhờ đó, tôi có thể hiểu được góc nhìn của họ đối với một sự việc là như thế nào”.
Kinh nghiệm từ lần thất bại ấy đã không chỉ giúp Dalio học cách tìm kiếm những lời phản hồi cho bản thân mà nó còn ảnh hưởng tới cả hoạt động của Bridgewater Associates sau này. Công ty của Dalio rất đỗi tự hào về việc nó là tổ chức do những người thực sự có tài năng nắm giữ và luôn yêu cầu nhân viên phải trung thực với quan điểm của mình cũng như khuyến khích họ bày tỏ sự phản đối một cách công khai.
Thông qua câu chuyện trên, có thể thấy, mặc dù những lời chỉ trích và góp ý có thể khó “nuốt trôi”, song chúng lại vô cùng hữu dụng nếu bạn biết học cách tiếp nhận đúng đắn. GS. Grant nói: “Tôi cho rằng, khi nghe chỉ trích, thì phần lớn chúng ta đều có cảm giác giống như bị ai đó đấm vào bụng vậy, tức là, cảm giác đó khó chịu tới mức khiến cho cơ thể của chúng ta phản ứng lại như khi bị thương vậy”.
Tuy nhiên, thông qua 3 bí quyết đơn giản dưới đây, bạn hoàn toàn có thể giảm bớt sự khó chịu và đau đớn khi đối mặt với những lời chỉ trích cũng như biết cách tiếp nhận chúng hiệu quả hơn.
1. Luyện tập việc nghe chỉ trích
Ở Bridgewater Associates là việc mọi người thường xuyên tập luyện việc chỉ trích và tiếp nhận lời chỉ trích. Điều này khá giống với phương pháp điều trị tiếp xúc (exposure therapy), vốn đã được giới tâm lý học áp dụng trong nhiều thập kỷ qua. Chẳng hạn, với một người mắc bệnh sợ một vật gì đó, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân đó làm quen dần với vật gây ra nỗi sợ hoặc hoàn cảnh kích phát nỗi sợ mà không gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Tại Bridgewater Associates, phương pháp giống thế này được vận dụng như sau: Nhân viên mới sẽ được quan sát cảnh người khác bị chỉ trích, trong đó có cả Dalio. Sau đó, họ sẽ được học cách tiếp nhận lời chỉ trích, bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt nhất. GS. Grant nói: “Quá trình này lặp đi lặp lại mỗi ngày và sau một khoảng thời gian, việc tiếp nhận chỉ trích sẽ trở nên quen thuộc cũng như dễ chịu hơn nhiều”.
2. Tập thói quen mường tượng ra cách phản ứng đối với lời chỉ trích
Tại công ty của Dalio, một phần trong số các tiêu chí đánh giá nhân viên nằm ở việc họ đã phản ứng như thế nào đối với lời chỉ trích. GS. Grant nói: “Trong tâm lý học, chúng tôi gọi hành động này giống như việc cho bản thân một điểm số thứ hai. Ví dụ, ai đó có thể chỉ trích rồi cho bạn điểm D trừ vì một việc nào đó và chắc chắn ấy là điều bạn không thể nào làm chủ được. Song, cái mà bạn có thể làm chủ được, chính là cảm xúc khi tiếp nhận số điểm ấy. Hãy tự nhủ với bản thân rằng: Tôi muốn được A cộng cho việc tiếp nhận xuất sắc điểm D trừ này”.
“Và, chính bản thân tôi cũng đang áp dụng bí quyết này mỗi khi lắng nghe phản hồi tiêu cực”. Vị giáo sư cũng nói rằng việc công khai những phản hồi tiêu cực cũng là một cách giúp đối mặt tốt hơn với lời chỉ trích. Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Grant nói đã từng gặp phải kha khá những lời nhận xét “khó mà nuốt trôi” sau tháng đầu tiên giảng dạy trên cương vị giáo sư. Ông đã phản ứng lại bằng cách gom hết tất cả những lời chỉ trích tiêu cực rồi chia sẻ y nguyên trước cả lớp. Sau đó, cả thầy lẫn trò cùng thảo luận để đưa ra giải pháp.
Grant nói: “Điều mà tôi nhận ra khi làm việc đó trước mặt cả lớp là nó buộc tôi phải cởi mở hơn với những lời chỉ trích, vì chính khi đó, cả trăm con mắt đổ dồn về phía tôi để xem tôi có thực sự lắng nghe không. Tôi không khuyên mọi người làm giống tôi với tất cả những phản hồi họ nhận được, song tôi nghĩ rằng đằng sau việc tiếp thu và chia sẻ lời chỉ trích với một nhóm cũng tồn tại một giá trị nhất định. Bời vì, khi đó, cả nhóm sẽ tin là bạn thực sự xem trọng những lời góp ý”.
3. Chủ động tiên đoán nội dung của những lời chỉ trích
Thông thường, khi nghe lời chỉ trích, chúng ta thường rơi vào 2 trạng thái, “chiến đấu lại hoặc bỏ chạy”. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp hữu hiệu nhất để ứng phó với chỉ trích, vị GS. Grant chia sẻ.
“Tôi cho rằng cách tốt nhất để tránh khỏi việc này là bạn phải có sự chuẩn bị từ trước, bằng cách mường tượng ra lời chỉ trích thậm tệ nhất có thể”. Bằng cách này, bạn sẽ không bị bất ngờ bởi những lời chỉ trích tiêu cực có thể xảy đến với mình.
GS. Grant nói: “Nếu bạn chủ động tưởng tượng ra tình huống xấu nhất, thì nó sẽ giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm thế cũng như giúp bạn không cảm thấy bị sốc khi trực tiếp nghe lời chỉ trích”.
(Nguồn: CNBC)