Nở rộ loại hình vay trực tuyến: Dễ vay, khó trả

Sự ra đời của các trang web cho vay tiền nhanh với những lời quảng cáo hấp dẫn đang thu hút sự chú ý của nhiều người do thủ tục đơn giản và hai bên tự thỏa thuận về lãi suất. Tuy nhiên, khi đã trót dính vào vay trực tuyến siêu nhanh, khách hàng không chỉ chịu lãi suất cao và phí “cắt cổ” mà thậm chí còn bị khủng bố tinh thần.

Lãi suất, chi phí “cắt cổ”

Vào Google, facebook… gõ cụm từ “vay online”, “vay trực tuyến”… sẽ thấy xuất hiện nhan nhản các trang web cho vay tiền siêu nhanh như Credy, ATMonline, vaytieudung, doctordong, SHA… Những cái tên này thường có thông điệp gây sự chú ý như “không đi xa, vay tại nhà”, “vay tiền nhanh trong ngày online”, “có tiền mặt 30 phút”… Hấp dẫn hơn nữa lãi suất 0%, phí tư vấn 0%, phí dịch vụ 0%, thủ tục vay siêu nhanh, siêu đơn giản với gần 100% đơn xin vay vốn được chấp nhận… Thế nhưng, khi tìm hiểu những khoản vay tại các trang web này, người vay mới vỡ lẽ lãi suất cao như lãi suất cầm đồ.

Chị Ngân là sinh viên tại TPHCM chia sẻ vì cần tiền nên cách đây một năm chị đã thực hiện hai hợp đồng với một trang web cho vay tiền nhanh để đầu tư kinh doanh. Chị vay 3 triệu đồng theo hợp đồng đầu tiên và nếu hoàn trả sau 7 ngày thì sẽ không tính lãi. Tuy nhiên, số tiền thực lĩnh của chị chỉ là 2,5 triệu đồng, số tiền còn lại là 500.000 đồng được chia thành hai phần: dùng để tạo hồ sơ (290.000 đồng) và gia hạn cho 7 ngày đó (210.000 đồng). Nhân viên tư vấn của trang web này cho biết lãi suất của công ty là 1%/ngày. Sau 7 ngày chị Ngân thanh toán cả tiền gốc và lãi là 3,18 triệu đồng và tất toán hợp đồng lần 1.

Hai ngày sau, chị Ngân yêu cầu được vay lần 2 với khoản vay 3 triệu đồng với lãi suất 1%/ngày. Rắc rối xảy ra khi đến gần ngày thanh toán, chị nhận được tin nhắn từ công ty cho vay đề nghị chị thanh toán số tiền phạt lãi vì chưa thực hiện hoàn tất hợp đồng đầu tiên. Số tiền thiếu là 30.000 đồng và nợ lãi đã tăng lên hơn 600.000 đồng. Kết quả, số tiền lãi chị Ngân đóng cho khoản vay lần 2 đã bị công ty cấn trừ vào nợ lãi của lần 1. Còn khoản vay lần 2 cũng lại trở thành khoản nợ quá hạn với số tiền phạt hơn 2 triệu đồng.

Thậm chí trên một số trang web cho vay trực tuyến, lãi suất được quảng cáo đã rất cao. Đơn cử trên trang doctordong lãi suất 39%/tháng, tại Monily lãi suất 30-36%/tháng. Thế nhưng mức lãi suất cho vay như trên chưa phải là kịch trần.

Anh Hoàng là công nhân làm việc ở quận Thủ Đức, TP.HCM kể do đang cần gấp khoản tiền hơn 3 triệu đồng để mua thuốc chữa bệnh cho con nhưng không đủ tiêu chuẩn để vay mượn tại các ngân hàng nên đã vào trang web doctordong để vay tiền nhanh. Do lần đầu vay nên anh chỉ được vay 2,5 triệu đồng trong thời gian tối đa 30 ngày, lãi suất công bố trên web là 39%/tháng. Như vậy, sau 30 ngày, tổng số tiền phải thanh toán khoảng 3,48 triệu đồng.

“Điều đáng nói là sau khi làm xong thủ tục vay, bên cho vay nói họ là đơn vị trung gian kết nối giữa người vay và cho vay nên thu phí quản lý khoản vay 2%/ngày, tức 60% một tháng, tương đương khoảng 720% một năm. Khi thấy lãi suất thực tế không như quảng cáo ban đầu, tôi thắc mắc thì nhân viên liền hăm dọa đủ kiểu” – Anh Hoàng nói.

Khủng bố khách hàng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực chất mô hình cho vay kiểu như trên là cho vay ngang hàng (P2P, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay trên Internet). Theo đó, các công ty, tổ chức thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ khác vay. Nghĩa là qua nền tảng này, người có tiền và cần tiền sẽ tìm đến nhau và giao dịch mà không qua ngân hàng.

 

Một số thông tin từ các nhân viên đã từng làm trong loại hình này thì bên cạnh việc cho vay lãi suất “cắt cổ” thì các công ty này cũng có kiểu đòi nợ rất “khủng bố”. Đa phần các khách hàng tìm đến các công ty này thông qua các quảng cáo trên một số mạng xã hội như Facebook, zalo…Chính vì vậy khi khách hàng vay khai báo thông tin cần thiết, từ số điện thoại, hệ thống của các công ty này đều thâm nhập vào mạng xã hội của người vay đang sử dụng. Trong trường hợp người vay chưa kịp trả nợ thì ngoài việc gọi điện thoại, các trang mạng xã hội của người vay tham gia cũng sẽ bị những dòng bình luận nhắc nhở chẳng khác gì kiểu đòi nợ kiểu xã hội đen trá hình.

Điều quan trọng là hiện chưa có luật nào bảo vệ người vay qua các trang mạng với lãi suất cao. Theo lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, hiện nay pháp luật chưa có quy định nào về kiểm soát rủi ro khi vay ngang hàng. Do vậy, nếu xảy ra rủi ro cho các bên tham gia mô hình vay và cho vay này thì rất khó được giải quyết quyền lợi, vì không có cơ sở pháp lý để xử lý. Điều này đòi hỏi người tham gia mô hình vay ngang hàng phải thận trọng. Để đảm bảo lợi ích, người tiêu dùng khi có nhu cầu vốn nên tìm đến các tổ chức cho vay có uy tín, trong đó có các ngân hàng, công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động để tránh tín dụng đen, lãi suất cao.

Theo Bảo Chương

Lao động

 

Chương trình Đào tạo kinh nghiệm thực tiễn

Lập Kế Hoạch Ngân sách bằng Excel

Kinh nghiệm xem xét Hợp đồng và xử lí các vấn đề Tranh chấp

Các vấn đề Cốt lõi về Pháp lí Doanh nghiệp và Kinh doanh

Quản trị hiệu quả hoạt động theo BSC & KPI

Kỹ năng "Hunter" dành cho các thợ săn thiện chiến theo phương pháp Competence Base Interview (CBI)

Quản trị rủi ro và Kiểm soát nội bộ doanh nghiệp

Chiến lược Tài chính Doanh nghiệp